CHÚA NHẬT PHỤC
SINH
Làm chứng
cho sự Phục Sinh của Chúa Giê-su
Lắng nghe sứ điệp
Lời Chúa (Cv 10:34a, 7-43; Cl3:1-4;
Ga 20:1-9)
Biến cố
Phục Sinh kết thúc một giai đoạn trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, nhưng lại
mở ra một quãng đường mới đưa chúng ta về quê hương đích thật trên trời. Vì thế, Giáo Hội không dừng lại ở sự sống lại
của Chúa Giê-su để chỉ biết chiêm ngưỡng cuộc chiến thắng vinh hiển của Chúa,
nhưng còn mời gọi chúng ta hãy dùng cả cuộc sống mình để làm chứng cho Chúa Phục
Sinh nữa. Những chứng nhân đầu tiên như
bà Ma-ri-a Mác-đa-la, ông Phê-rô và Gio-an cùng các tông đồ đã là những gương mẫu
làm chứng cho sự sống lại của Chúa.
Ngoài việc làm chứng cho Chúa Phục Sinh, chúng ta còn phải sống tinh thần
Phục Sinh, theo lời khuyên của thánh Phao-lô là hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng
giới nữa.
Bài Tin
Mừng giới thiệu với chúng ta ba chứng nhân đầu tiên: bà Ma-ri-a Mác-đa-la, ông Phê-rô và môn đệ
Chúa thương mến. Cả ba người đều đi đến
mộ Chúa, kẻ trước người sau. Tuy nhiên
chúng ta không thể phủ nhận rằng động lực chung khiến cả ba đi đến mộ Chúa
chính là do lòng yêu mến của họ đối với Người.
Dù Chúa còn sống trước kia hay đang nằm trong mộ bây giờ, lòng yêu mến của
họ vẫn không thay đổi. Lúc nào họ cũng
muốn ở với Chúa. Do đó, dù “sáng sớm lúc
trời còn tối”, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đã vội vã đi đến mộ Chúa. Rồi hai tông đồ Phê-rô và môn đệ Chúa thương
mến, vừa nghe bà Ma-ri-a báo tin “người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ” là ba chân bốn
cẳng chạy thật nhanh đến mộ. Nhưng đối với
họ, đó chỉ là những gì họ nhìn thấy lúc đầu.
Họ cần bước thêm một bước nữa để tiến tới niềm tin rằng Chúa Giê-su đã sống
lại từ kẻ chết. Vậy với bà Ma-ri-a, bước
kế tiếp này là bà được Chúa tỏ mình ra khi bà đứng bên ngoài mộ mà khóc. Chính là Chúa đã gọi tên bà, chứ không phải
“ông làm vườn” như bà tưởng! Tiếng gọi
“Ma-ri-a!” đã đưa bà tới đức tin vào Chúa Phục Sinh. Còn với tông đồ Gio-an và môn đệ Chúa thương mến,
những dấu vết Chúa để lại như các băng vải tẩm liệm để một chỗ, khăn che mặt được
cuộn lại và xếp riêng một nơi, đã giúp các ông “thấy và đã tin”. Cuối cùng chính đức tin này họ sẽ đem chia sẻ
với người khác, như chúng ta thấy ông Phê-rô đã làm chứng cho Chúa qua bài giảng
đầu tiên cho dân ngoại tại nhà ông Cô-nê-li-ô ở Xê-da-rê.
Bài giảng
của ông Phê-rô giới thiệu Chúa Giê-su là Đấng “xuất thân từ Na-da-rét, Thiên
Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người”. Rồi Phê-rô nói về sứ mệnh của Chúa Giê-su “đi
tới đâu là thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế”. Đặc biệt hơn cả, ông Phê-rô không ngần ngại
làm chứng về cuộc Thương Khó, cái chết và nhất là sự Phục Sinh của Chúa
Giê-su. Ông quả quyết mình là chứng nhân
đã được Thiên Chúa tuyển chọn để làm chứng rằng Chúa Giê-su “là Đấng Thiên Chúa
đặt làm Thẩm Phán để xét xử kẻ sống và kẻ chết”. Ông cũng không quên lập lại lời các ngôn sứ
nói về Chúa Giê-su rằng “phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn
tha tội”.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Làm chứng
cho Chúa Giê-su phục sinh không chỉ là bổn phận của những môn đệ đầu tiên của
Chúa Giê-su, mà còn là bổn phận của các Ki-tô hữu mọi thời mọi nơi. Nhưng làm chứng thế nào? Thánh Phao-lô góp ý với chúng ta như
sau. Trước hết chúng ta xác tín mình “đã
được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô”, nghĩa là được sống lại trong sự sống mới là
Chúa Ki-tô và mang căn tính mới là con cái Thiên Chúa. Căn tính mới này đòi chúng ta phải hướng lòng
trí về trời, tức là hướng về “những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào
những gì thuộc hạ giới”. Thánh Phao-lô
còn diễn tả sự sống mới này bằng một định luật thực tế: “Tôi sống nhưng không còn là tôi, mà là Chúa
Ki-tô sống trong tôi”. Đúng vậy, ngài đã
để cho đời sống mình được biến đổi để trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa
Ki-tô”. Qua kinh nghiệm bản thân, ngài
nhắn nhủ chúng ta hãy để cho đời sống mới của chúng ta luôn kết hợp với Chúa
Ki-tô, hoặc nói theo ngôn từ của ngài là chúng ta phải làm sao giữ sự sống mới
của ta “tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa”. Như thế, sự hiện diện và hoạt động của Chúa
Ki-tô trong chúng ta sẽ giúp chúng ta được hưởng phúc trường sinh sau này. Vậy chúng ta có sẵn sàng sống lại với Chúa
trong đời sống mới và để cho việc kết hợp với Chúa thay đổi lối sống của chúng
ta không?
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi