CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH, NĂM A
CÙNG VỚI ĐỨC GIÊSU ĐỂ TÔN VINH THIÊN CHÚA CHA
(Cv 1, 12-14 ; 1 Pr 4. 13-16 ; Ga 17, 1-11)
Sau khi Đức Giêsu được
đưa về trời để ngự bên hữu Thiên Chúa Cha và làm chủ tể mọi loài, thì Giáo Hội
mà Ngài thiết lập bắt đầu chính thức hoạt động dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh
Thần qua các Tông đồ.
Khi chính thức hoạt động,
các Tông đồ luôn luôn xác tín rằng: đời sống cầu nguyện trong sự hiệp nhất là
điều căn cốt để xây dựng và phát triển Giáo Hội. Mặt khác, sự ghét ghen, chống
đối, sỉ nhục, đánh đập và ngay cả giết chết… sẽ làm cho người môn đệ trở nên đồng
hình đồng dạng với Thầy Giêsu hơn.
Như vậy, nếu Đức Giêsu
đã tôn vinh Thiên Chúa Cha bằng chính đời sống chứng tá, nhất là cái chết trong
đau thương trên thập giá, thì người môn đệ của Đức Giêsu cũng không thể có con
đường nào tốt đẹp và làm vừa ý Thiên Chúa Cha khi chúng ta tôn vinh Người cùng
một cách thức như Đức Giêsu.
Đây chính là những nét
quan trọng trong sinh hoạt Giáo Hội thời sơ khai mà phụng vụ Lời Chúa hôm nay
qua các bài đọc đã lần lượt mặc khải cho chúng ta.
1. Cầu nguyện
là nền tảng căn cốt để xây dựng Giáo Hội
Nhìn lại lịch sử Giáo
Hội, chúng ta thấy hình ảnh và đời sống của các Kitô hữu thời ban sơ thật là lý
tưởng, chân tình và chất phát. Họ đồng tâm nhất trí với nhau trong mọi sự, nhất
là đời sống cầu nguyện. Cùng một tâm hồn và một tấm lòng là điều mà các Kitô hữu
tiên khởi đã sống.
Quả thật, các Tông đồ
đã thấy được tầm quan trọng của việc cầu nguyện, nên các ngài đã không ngừng
làm gương và thúc đẩy các Kitô hữu gia tăng cầu nguyện, để củng cố đức tin,
lòng mến và nhất là tìm ra thánh ý Chúa để thi hành.
Không cầu nguyện, sẽ
không có niềm xác tín mạnh mẽ. Không cầu nguyện sẽ kiêu ngạo. Không cầu nguyện
sẽ làm cho tâm hồn trai lỳ, u mê chẳng còn nhạy bén với thánh ý Thiên Chúa.
Không cầu nguyện sẽ không biết yêu thương và phá vỡ sự hiệp nhất…
Xác tín được tầm quan
trọng của cầu nguyện, nên các Tông đồ đã trung thành với lời cầu nguyện qua mọi
hoạt động tập thể, chẳng hạn như: trong các cuộc quy tụ cộng đoàn để tham dự
nghi thức bẻ bánh (x. Cv 2, 42-46), chọn ông Mátthia (x. Cv 1, 24), xin Chúa
ban Thánh Thần xuống (x. Cv 8,15), khi bị bách hại (x. Cv 4, 24-31; 12,5-12), cầu
cho các vị truyền giáo (x. Cv 13,3; 14,23). Việc cầu nguyện riêng cũng thường gặp ở
nhiều trường hợp, như ông Têphanô cầu nguyện khi bị ném đá (x. Cv 7,59-60), ông
Saolô khi trở lại (x. Cv 9, 11), ông Phêrô tại nhà ông Conêliô (x. Cv 10, 9;
11,5).
Như vậy, cầu nguyện
trong sự hiệp nhất là yếu tố rất cần thiết trong tiến trình xây dựng Giáo Hội.
Không hiệp nhất, Giáo Hội sẽ có nguy cơ tan rã. Thấy được tầm quan trọng này,
nên Đức Giêsu đã không ngớt cầu nguyện để xin Chúa Cha cho các môn đệ của mình
được hiệp nhất theo khuôn mẫu của chính Thiên Chúa Ba Ngôi, ngõ hầu các ông đứng
vững trước những thử thách đau thương khi thi hành sứ vụ.
2. Giáo Hội được lớn
lên nhờ thử thách
Nếu đời sống và hoạt động
của Đức Giêsu luôn luôn bị chống đối gắt gao, đến nỗi Ngài đã phải chấp nhận
cái chết để tôn vinh Thiên Chúa Cha, thì vẫn cùng một hệ quả như vậy, các môn đệ
sẽ gặp những chống đối, bắt bớ, đánh đập và ngay cả bị giết chết… Nói cách
khác, đời sống của người môn đệ được gắn liền với thập giá và cái chết. Đây
chính là mẫu số chung cho tất cả những ai bước theo Đức Giêsu trên con đường sứ
vụ.
Điều này đã được chứng
minh nơi Giáo Hội sơ khai. Cộng đoàn tiên khởi đã chịu sự bách hại, bắt bớ tàn
khốc kéo dài suốt 300 năm trường. Sự bách hại ấy đã không ngừng buông tha con
cái của Chúa trên khắp năm châu ở mọi thời.
Trước biết bao nhiêu
khó khăn thử thách như vậy, người môn đệ Đức Kitô đôi khi vì yếu đuối do sợ hãi
nên bị những cám dỗ bỏ cuộc, buông xuôi. Thấu hiểu điều đó, nên thánh Phêrô,
trong tư cách là người đứng đầu Giáo Hội, đại diện Chúa Kitô ở trần gian, ngài
đã lên tiếng an ủi: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh
em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được
vui mừng hoan hỷ” (1 Pr 4, 13).
Chính vì điều này đã
làm cho tinh thần của người môn đệ được củng cố, bởi vì nhờ nó mà được thông phần
với Đức Kitô chịu đóng đinh để mai ngày được phục sinh vinh hiển với Ngài.
Tuy nhiên, vì sức con
người có giới hạn, nên Chúa Thánh Thần sẽ là thầy dạy luôn bên cạnh để giúp cho
người môn đệ thêm sức mạnh, biết nói gì, làm gì để đáp trả trước những khó khăn
do con người gây nên (x. Mc 13,11).
Như vậy, dù trong hoàn
cảnh nào, người môn đệ vẫn luôn tự hào và hãnh diện trong sự khiêm tốn để tôn
vinh Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật.
3. Thiên Chúa Cha được
tôn vinh
Khi nói về việc tôn vinh Thiên Chúa Cha, chúng ta thấy Đức Giêsu
chính là mẫu mực để mỗi người noi theo. Thật vậy, trong suốt cuộc đời tại thế của
Ngài, từ lời giảng dạy đến hành động, tất cả đều hướng con người về việc tôn
vinh Thiên Chúa Cha. Việc tôn vinh mà Đức Giêsu đã thi hành và dạy cho các môn
đệ cũng như mọi người thực hiện, đó là giúp cho họ “biết danh Cha, thuộc về Cha
và tuân giữ lời Cha”.
Biết danh Cha qua chính Đức Giêsu, vì Ngài đã phán: ai biết Ta
là biết Đấng đã sai Ta. Khi biết Chúa Cha, chúng ta được ở lại trong tình yêu của
Thiên Chúa Cha nếu chúng ta ở lại trong Đức Giêsu và vâng nghe lời Ngài chỉ dạy.
Nhưng lựa chọn để thuộc
về Chúa Cha khi đã biết Người không phải lúc nào cũng êm xuôi, mà ngược lại,
luôn luôn gặp phải những cạm bẫy chông gai, chống đối, thử thách và ngay cả cái
chết.
Khi đã hoàn tất sứ vụ tôn vinh Thiên Chúa Cha trên trần thế, Đức
Giêsu đã trao phó sứ mạng tôn vinh Chúa Cha cho Giáo Hội, để Giáo Hội tôn vinh
Thiên Chúa trong chân lý và tình yêu.
Kể từ khi nhận lãnh
trách nhiệm, từ thời các Tông đồ cho đến ngày nay, Giáo Hội không ngừng tôn
vinh Thiên Chúa Cha trong Đức Giêsu và nhờ Chúa Thánh Thần.
4. Sống sứ
điệp Lời Chúa
Cùng một sứ vụ và
trách nhiệm trong lòng mến, người tín hữu Kitô luôn được mời gọi hãy ở lại
trong tình yêu của Thiên Chúa Cha qua Đức Giêsu để tôn vinh Người.
Một trong những điều
mà chính Đức Giêsu đã tôn vinh Thiên Chúa Cha và đã được Người rất ưng ý, đó là
làm chứng cho sự thật và thể hiện tình yêu thương của Thiên Chúa cho mọi người.
Trong xã hội hôm nay,
sự thật luôn luôn bị coi thường nếu không muốn nói là bị đe dọa. Ngược lại, sự
gian dối lại lộng hành và lên ngôi đến chóng mặt.
Trước thực trạng ấy,
người môn đệ là người thuộc về Đức Giêsu, mà Đức Giêsu đến để làm chứng cho sự
thật, đồng thời Ngài cũng mời gọi ai đứng về phía sự thật thì thuộc về thần dân
trong Nước của Ngài.
Như vậy, người tín hữu
Kitô phải là người làm cho sự thật được sáng tỏ trong những lời nói, lựa chọn,
quan điểm và hành vi của mình. Chúng ta không thể chấp nhận một người tín hữu với
những khái niệm và lựa chọn mù mờ giữa sự thật và gian dối.
Mặt khác, vì Thiên
Chúa là tình yêu, nên chúng ta thuộc về Thiên Chúa, thì chắc chắn chúng ta phải
thi hành luật yêu thương trong cuộc sống của mình. Nếu không yêu thương, nhất
là không yêu thương những người kém may mắn và bị loại ra bên lề, thì bấy lâu
chúng ta đang phản lại bản chất của Thiên Chúa và mâu thuẫn với chính chúng ta.
Thiết nghĩ, sống và
chu toàn những điều trên, ấy là chúng ta đang tham gia vào công việc tôn vinh
Thiên Chúa Cha cách thiết thực nhất, bởi vì Thiên Chúa sẽ được tôn vinh khi
chúng ta làm cho hình ảnh của Người được tỏa sáng qua hành vi, lời nói và việc
làm của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin
ban Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con để chúng con biết nhận ra, ở lại và
tôn thờ Thiên Chúa Cha cách trung thành và yêu mến. Xin cho chúng con biết hãnh
diện để tôn thờ Thiên Chúa Cha trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, ngoc hầu mai
ngày chúng con được trực diện trước tôn nhan Chúa để tôn thờ Người mãi mãi
không ngừng. Amen.