CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH

Thánh Thần Giúp Ta Sống Đời Sống Yêu Thương

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 8:5-8, 14-17;  1 Pr 3:15-18;  Ga 14:15-21)

          Mặc dù còn hai tuần nữa mới đến lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, nhưng ngay từ tuần này Phụng vụ Lời Chúa đã bắt đầu trình bày với chúng ta về vai trò của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội cũng như trong đời sống Ki-tô hữu.  Lời hứa Chúa Giê-su nói với các tông đồ trước khi Người chịu cuộc Thương Khó đã được thực hiện:  “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”.  Đúng thế, lời hứa ấy đã được thể hiện ở bất cứ nơi nào có bước chân truyền giáo của các vị tông đồ.  Cụ thể hơn nữa, lời hứa ban Thánh Thần được thể hiện ngay trong tâm hồn Ki-tô hữu, khi Người giúp họ “ăn ở ngay thẳng trong Đức Ki-tô” và “thà chịu đau khổ vì làm việc lành còn hơn là vì làm điều ác”.  Vậy trước hết chúng ta hãy lắng nghe Chúa Giê-su nói về vai trò của Chúa Thánh Thần.

          Trước khi lìa trần, người thân yêu của chúng ta thường trăn trối cho chúng ta một lời nói hay một kỷ vật quý báu nhất.  Đó cũng là điều Chúa Giê-su đã làm cho các tông đồ và hết thảy chúng ta khi Người hứa ban cho chúng ta Thánh Thần, “Đấng Bảo Trợ khác”, đến ở với chúng ta luôn mãi.  Khi còn ở với các môn đệ, Chúa Giê-su đích thực là Đấng Bảo Trợ bằng xương bằng thịt. Người sống giữa họ và trở nên như họ trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi.  Người thi hành vai trò bảo trợ bằng cách dạy dỗ họ những chân lý Chúa Cha muốn mặc khải cho họ.  Họ đã chứng kiến Đấng Bảo Trợ này hằng lo lắng chăm sóc mọi bề cho họ và dân chúng.  Người đã rao giảng Tin Mừng cứu độ và nuôi dưỡng hằng ngàn người đi theo Người để nghe Người giảng.  Người đã thực hiện những phép lạ chữa lành và xua trừ ma quỷ, để giúp người ta cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa.  Đặc biệt hơn hết, Đấng Bảo Trợ xuống thế làm người đã hy sinh mạng sống mình để chứng minh chân lý Thiên Chúa yêu thương trần gian như thế nào.  Nhờ cái chết nhục hình trên thập giá, Đấng Bảo Trợ là “Thiên Chúa ở cùng chúng tôi” đã chuộc chúng ta về cho Thiên Chúa, để chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa.

          Giờ đây sắp đến lúc Đấng Bảo Trợ bằng xương bằng thịt lìa bỏ trần gian để về với Cha Người.  Tuy nhiên Người không bỏ chúng ta mồ côi (Gio-an 14:18), nhưng sẽ xin Chúa Cha ban cho chúng ta “Đấng Bảo Trợ khác”, để Người giúp chúng ta hiểu được chân lý vẹn toàn, tức chân lý về tình yêu Thiên Chúa.  Chúa Giê-su khẳng định “một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”.  Nói khác đi, cũng vẫn là Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, ở lại với chúng ta, nhưng không phải bằng sự hiện diện của thân xác, mà bằng sự hiện diện của Thần Khí Người.  Như thế, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục ở lại và sinh hoạt giữa chúng ta, dưới hình thức hành động của Chúa Thánh Thần.

          Chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa Giê-su qua Chúa Thánh Thần khi nhìn vào đời sống của Giáo Hội.  Sau khi Chúa về trời, hoạt động truyền giáo của các tông đồ phát triển mạnh mẽ chính là do sự can thiệp trực tiếp và rõ ràng của Chúa Thánh Thần.  Tại một thành miền Sa-ma-ri, các người đã được thánh Phi-líp-phê rửa tội đều lãnh nhận Thánh Thần do việc đặt tay của thánh Phê-rô và thánh Gio-an.  Ở những nơi khác, khi cuộc bách hại Ki-tô hữu bắt đầu, thánh Phê-rô đã khích lệ các tín hữu hãy để cho Đức Ki-tô, Đấng đã nhờ Thần Khí mà được sống lại, ngự trị trong lòng họ và giúp họ đối xử “cách hiền hòa và với sự kính trọng” với những kẻ bách hại và phỉ báng họ.  Đó là một số chứng cớ cho thấy vai trò hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội sơ khai cũng như sau này và nhất là trong tâm hồn các tín hữu.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Chúng ta đã nghe Chúa Giê-su diễn giải vai trò của Chúa Thánh Thần.  Tuy nhiên có một điều quan trọng nhất mà Người muốn chúng ta sống theo sự dẫn dắt của “Đấng Bảo Trợ” Chúa Cha ban cho chúng ta, đó là “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữa các điều răn của Thầy”.  Thánh Thần là tình yêu liên kết Chúa Cha và Chúa Con.  Thánh Thần cũng chính là tình yêu liên kết chúng ta với Ba Ngôi Thiên Chúa và với nhau.  Điều răn mới của Chúa là “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.  Vậy chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần đem chúng ta lại gần Thiên Chúa và gần lại với nhau nhé!

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A