CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN

Khởi đầu sứ vụ của Chúa Giê-su

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 8:23b – 9:3;  1 Cr 1:10-13,17;  Mt 4:12-23)

          Trên sân khấu, trước hết là những màn mở đầu, rồi đến phần giới thiệu nhân vật chính.  Khi ấy, nhân vật chính bước ra và bắt đầu phần trình diễn nòng cốt của chương trình.  Tương tự, chúng ta thấy Phụng vụ Lời Chúa trong những Chúa Nhật trước đã làm công việc giới thiệu Chúa Giê-su và sứ vụ của Người.  Bây giờ là         giây phút Người bắt đầu thi hành sứ mệnh Chúa Cha trao phó.  Việc Chúa Giê-su khởi đầu sứ vụ đưa chúng ta đến một viễn tượng mới, hay nói đúng hơn, tới một cuộc tạo dựng mới, và mời gọi chúng ta hãy để cho lời giảng và những việc làm của Chúa từ từ biến đổi chúng ta thành thụ tạo mới theo khuôn mẫu là Đức Giê-su Ki-tô.

          Khung cảnh khởi đầu sứ vụ của Chúa Giê-su là bối cảnh miền đất Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, “vùng đất của dân ngoại” và “dân đang lần bước giữa tối tăm” (bài đọc 1).  Đó cũng là hình ảnh ngôn sứ I-sai-a dùng để ám chỉ thế giới tội lỗi và u tối này sẽ được ánh sáng Tin Mừng Chúa Ki-tô chiếu rọi.  Nơi ấy, Chúa Giê-su sẽ thi hành một sứ mệnh quan trọng:  phá tan bóng tối tội lỗi và đem lại niềm vui cho nhân loại, bẻ gãy cái ách tội lỗi đã khoác lên vai con người.  Tóm lại, Chúa Giê-su đến trần gian như một Đấng giải phóng nhân loại, chiến thắng tội lỗi và sự chết.

          Vậy Chúa Giê-su bắt đầu sứ mệnh như thế nào?  Người rời quê nhà Na-da-rét để đến Ca-phác-na-um ven biển hồ Ga-li-lê.  Tại đây, Người “bắt đầu rao giảng và nói rằng:  “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”.  Đây là sứ điệp cốt lõi của Tin Mừng, đơn giản nhưng lại vô cùng thách thức.  Cho dù Chúa Giê-su có khai triển giáo lý của Người cách nào đi nữa thì chung quy cũng đưa tới kết luận, là chúng ta phải đáp lại lời giảng của Người bằng cách sám hối, nghĩa là quay lưng lại tội lỗi và hướng mặt về Thiên Chúa để đến nhận lãnh tình yêu và lòng thương xót của Người.  Là một sứ điệp đầy thách thức, vì nó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi:  thay đổi não trạng (metanoia), thay đổi lối sống trong tương quan với Chúa, với anh chị em và với chính mình.  Không có thay đổi nào mà không phải hy sinh, phải bỏ đi những gì tuy là tội lỗi xấu xa nhưng mình lại ưa thích, phải đón nhận nhiều điều làm cho mình thấy khó chịu.  Cứ lấy một thí dụ cụ thể như hút thuốc thôi, để giúp chúng ta hiểu sám hối hoặc thay đổi là việc khó như thế nào.  Dốc lòng bỏ thuốc vì vợ con muốn mình bỏ hoặc vì tai hại cho sức khỏe.  Biết vậy, nhưng bỏ được một vài ngày thôi là thấy nó buồn miệng!  Thế là đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.  Hoặc cùng lắm là hút thuốc lá… điện tử cho đỡ ghiền!  Cũng thế, Chúa Giê-su muốn chúng ta phải yêu thương kẻ thù, một điều đi ngược lại não trạng của người đời.  Khác nào nếu tôi yêu thương kẻ thù là tôi có vấn đề thần kinh.  Nhưng Chúa đòi chúng ta phải thay đổi não trạng ấy, phải quay ngược 180 độ, từ ghét sang yêu, từ hận thù sang tha thứ.

          Nhưng tại sao chúng ta lại phải sám hối?  Câu trả lời của Chúa ngắn gọn:  “Vì Nước Trời đã đến gần”.  Nước Trời không phải là một vương quốc trần gian, nhưng là một con đường, một lối sống theo Chúa Ki-tô để Người dẫn chúng ta đến cùng đích cuộc đời, tức quê hương trên trời.  Chúa Giê-su đã khẳng định Người là “con đường, sự thật và sự sống” của chúng ta (Gio-an 14:6).  Trên con đường ấy, trong sự thật ấy và với sự sống ấy, chúng ta sẽ để cho Chúa Giê-su giúp chúng ta được “đồng hình đồng dạng” với Người, hầu chúng ta thực hiện được giấc mơ của Thiên Chúa, là  “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mát-thêu 5:48).  Dĩ nhiên, chúng ta phải làm môn đệ Chúa Giê-su thì chúng ta mới học được!

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Đoạn thư 1 Cô-rin-tô của thánh Phao-lô và bài Tin Mừng đều nói đến việc rao giảng Tin Mừng.  Thánh Phao-lô quả quyết ngài được Chúa “sai đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo”, nhưng bằng gương sáng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô.  Còn bài Tin Mừng thì kể lại việc Chúa gọi hai cặp anh em làm môn đệ Người, để mai sau họ tiếp nối sứ vụ rao giảng của Người.  Hôm nay Chúa Giê-su vẫn tiếp tục đi bên cuộc đời chúng ta giống như Người đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê.  Lời Người kêu gọi chúng ta làm môn đệ không ngừng vang lên trong tâm hồn chúng ta.  Các môn đệ Chúa đã quay 180 độ, bỏ mọi sự để làm môn đệ Chúa.  Còn chúng ta sẽ bỏ lại những gì đây? 

 Lm. Đa-minh Trần đình Nhi     


Suy Niệm Lời Chúa Năm A