CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN, NĂM A
SÁM HỐI THÌ MỚI ĐƯỢC CỨU ĐỘ
(Is 9,1-4; 1Cr 1,10-13.17; Mt
4,12-23)
Trong 4 Tin Mừng được viết lại cuộc đời Chúa Cứu Thế, thì thánh sử Mátthêu đặc biệt nhắm vào người Dothái thời bấy
giờ. Vì thế, ngài thường trưng dẫn những điều đã được tiên báo
trong Cựu Ước
để làm toát lên sự nối tiếp giữa Cựu Ước và Tân Ước, ngõ hầu
hậu thuận cho việc chứng minh Đức Giêsu chính là Đấng
Thiên Sai đã được các ngôn sứ loan báo trước đó.
Thế nên, hôm nay, thánh sử Mátthêu đã làm toát lên sự tiếp nối
giữa Gioan và Đức Giêsu ngay sau khi Gioan kết thúc thì Đức Giêsu khởi đầu.
Nhưng có lẽ lời giáo huấn về sự sám hối và sứ vụ truyền giáo là đề tài quan
trọng hơn cả!
Chính vì điều này mà trình thuật Tin Mừng cho chúng ta thấy chủ
đích của Đức Giêsu khi lựa chọn Capharnaum để loan báo Tin Mừng đầu tiên, đồng
thời, cũng cho thấy được nội dung quan trọng của lời rao giảng
này.
1.
Tại sao Đức Giêsu lại chọn Capharnaum là nơi khởi đầu sứ
vụ?
Khởi đầu sứ vụ công khai của Đức Giêsu và cũng là khởi đầu hành
trình truyền giáo, Đức Giêsu đã chọn Capharnaum là trung tâm truyền giáo. Có
nhiều lý do để Ngài chọn nơi này mà không chọn nơi khác! Một trong những lý do
chính là bởi vì dân này là một dân ngoại và đã được tiên báo từ thời Cựu Ước để
đón nhận Tin Mừng: “Đoàn dân đang ngồi
trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ ngồi trong vùng
bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu soi”. Tại sao lại có
lời loan báo này? Thưa, vì dân Capharnaum là một dân ô hợp từ nhiều nơi hội tụ
về. Họ đến đây sau khi dân Israel bị lưu đày ở Babylon.
Chính vì là dân tứ xứ, nên họ bị coi là dân ngoại. Khái niệm dân
ngoại đối với Capharnaum không chỉ về địa dư hành chính là cách xa đền thờ Giêrusalem, mà họ còn
bị coi là dân ngoại khi những truyền thống của cha ông bị lơ là.
Thật vậy, người Galilê
không mặn mà với những lễ nghi truyền thống của tổ tiên. Vì thế, lẽ tất yếu, họ
bị những người Dothái coi thường và khinh bỉ vì đã không sống những tập tục của
tiền nhân.
Tuy nhiên, điều đáng
quý của người Galilê và đặc biệt là dân thành Capharnaum
này chính là sự chân tình, cởi mở và hiếu khách. Chính vì điều này mà họ dễ
dàng đón nhận Đức Giêsu cũng như tiếp nhận những giáo huấn mới mẻ của Ngài. Đây
có lẽ là lý do chính yếu mà Đức Giêsu đã dễ dàng thâu nhận được 4 môn đệ đầu
tiên tại nơi đây để cùng Ngài tiếp nối sứ vụ loan báo Tin Mừng.
2.
Nội dung của lời rao
giảng
Đề tài sám hối chính là nội dung lời loan báo đầu tiên và quan
trọng của Đức Giêsu khi khởi đầu sứ vụ.
Nếu Gioan đã loan báo về đề tài sám hối để chuẩn bị dân dọn lòng
chờ đợi Đấng Cứu Thế, thì khi Đức Giêsu đến, Ngài mời gọi họ không phải sám hối
để đón Ngài ngự đến nữa, vì Ngài đã đến và hiện diện giữa dân của Ngài, nhưng
Ngài mời gọi họ hãy sám hối vì “Nước trời
đã đến gần”.
Sự tiếp nối của Gioan
và Đức Giêsu về đề tài sám hối hé mở cho chúng ta thấy tầm quan trọng của sứ điệp.
Có thể nói: sám hối chính là điều kiện tiên quyết để được vào Nước Trời. Ngược
lại, nếu không sám hối thì sẽ chẳng bao giờ thuộc về công dân của Nước Hằng Sống.
Vậy, tại sao phải sám hối?
Khi nói đến sám hối là nói đến sự trở về. Trở về tức là từ bỏ
con đường, lối sống, cung cách, quan niệm cũ để đón nhận một cái gì đó mới và
hợp hơn.
Thật vậy, có những người đi sai một con đường, cần phải trở về
và khởi đầu lại thì mới có thể tới đích.
Cũng có người sống theo lối sống xưa kia mà nay không còn phù
hợp, nên cần thay đổi.
Lại có người có những cách hành xử chỉ hợp với người này mà
không hợp với người kia; chỉ hợp với nơi này mà không phù hợp với nơi khác, vì
thế, cần thích ứng và hội nhập để cho phù hợp với đối tượng và nơi chốn mình
hiện diện.
Và cũng không thiếu những người khư khư giữ quan niệm của riêng
mình mà đâu biết rằng điều đó không thể áp dụng và hấp dẫn đối với thời cuộc...
Chính vì điều đó, nên cần trở về mới mong đạt tới đích, nếu
không trở về, có lẽ sự phấn đấu của mình chỉ là công dã tràng! Ở điểm này, thánh
Augustinô đã nói: “Chạy nhanh
đấy nhưng lạc đường.
Đại triết gia thời cổ Hylạp xưa, ông Platon, đã nói: “Người chạy thì bao
giờ cũng phải tới đích. Nếu không tới đích thì chạy mau lẹ đến đâu
cũng bằng vứt đi”.
Tuy nhiên, làm cách nào để sám hối có hiệu quả? Thưa, đơn giản,
đó là: phải biết khiêm nhường nhìn nhận mình là người bất toàn, thiếu xót và
bất xứng.
Đây cũng là điều kiện cần để mình được lớn lên theo khuôn mẫu
của Thiên Chúa, bởi vì, càng khiêm tốn, con người càng giống Thiên Chúa.
Khiêm tốn là biết mình. Biết những mặt mạnh và mặt yếu của mình.
Cổ nhân thường nói: “Khôn chết, dại chết,
biết là sống”. Chính vì thế, ông Socrate đã mở đầu triết thuyết của mình bằng câu châm ngôn
nổi tiếng: “Anh hãy tự biết mình” (Connais-toi, toi même).
Có lẽ nhiều người vẫn tự hào rằng mình biết nhiều thứ, nhưng
biết mình tưởng chừng là dễ dàng, bởi vì nó gần mình hơn ai hết, nhưng thật ra
lại là khó nhất, bởi lẽ có nhiều người cả đời vẫn không biết mình!
Vì thế, không lạ gì khi có người nói: “Không ai biết khuôn mặt thật của mình bao giờ, họa chăng có biết là
biết qua một trung gian chiếc gương. Tuy nhiên, điều đó cũng không phải thật
100%”.
Tương tự như thế, về phần linh hồn con người cũng khó có thể
biết được nếu không có ơn Chúa và Giáo Huấn của Người soi dẫn. Như vậy, Lời
Chúa và ơn Chúa Thánh Thần là điều cần thiết trong việc giúp cho con người nhận
ra điểm yếu của mình để chấn chỉnh và sửa sang cũng như thay đổi, vì: “Lời Chúa là đèn soi cho chúng ta bước, là
ánh sáng chỉ đường chúng ta đi”.
3. Sống Sứ điệp Lời Chúa
Trong đời sống đạo hiện nay của mỗi chúng ta, dù là cá nhân hay
tập thể... nhiều khi rơi vào tình trạng ghen tương, đố kỵ, ích kỷ, dã tâm ...
tất cả do thói kiêu ngạo, hóng hách chỉ đạo. Đây cũng chính là mầm mống gây nên
những chia rẽ, bất hòa trong gia đình, đoàn thể và xã hội.
Oái oăm thay! Sự thật ấy ít người biết đến, hay nếu có biết đến
thì cũng cố chấp và không chịu thay đổi để đón nhận điều tốt hơn! Vẫn còn đó
những người đang đi sai đường, trật lối nhưng thay vì quay trở về để khởi đầu một
hành trình mới nhằm đạt tới đích, ngược
lại họ tiếp tục lún sâu trong cái tôi ích kỷ của chính mình để rồi dẫn đến tình
trạng nằm ù lỳ trong vũng lầy êm ái của tội và rơi vào tình trạng: “Mù dắt mù cả hai cùng sa xuống hố”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết sám hối để
được cứu độ. Hơn nữa, cần phải sám hối để trở thành khí cụ của sự hiệp nhất và
lòng thương xót của Chúa nơi anh chị em.
Ước mong sao lời mời gọi của Đức Giêsu khi xưa cho người đương
thời với Ngài về lòng sám hối ăn năn, thì cũng là lời mời gọi, hối thúc cho mỗi
chúng ta hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu, lời
Chúa hôm nay đã khẳng đinh: “Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến”. Xin cho
chúng con hiểu rằng: “Nếu không sám hối thì không thể được cứu độ”. Vì thế, xin
Chúa giúp cho chúng con nhận ra sự yếu đuối của bản thân, ngõ hầu có được một
tâm hồn khiêm nhường thẳm sâu để đáng được hưởng dồi dào ơn thánh của Chúa và
được đi trong đường lối của Người để đạt tới đích là quê trời vĩnh cửu. Amen.
Ts.
Jos. Vinc. Ngọc Biển, s.s.p