CHÚA NHẬT 4
THƯỜNG NIÊN
Tám Mối
Phúc, lời kêu gọi phổ quát nên thánh
Lắng nghe sứ điệp
Lời Chúa (Xp 2:3; 3:12-13; 1 Cr 1:26-31;
Mt 5:1-12a)
Phụng vụ
Lời Chúa của Chúa Nhật trước đã trình bày khởi đầu sứ vụ của Chúa Giê-su. Hôm nay Lời Chúa bắt đầu giới thiệu lời giảng
đầu tiên của Chúa Giê-su mà tất cả chúng ta đều rất quen thuộc: Bài giảng trên núi về Tám Mối Phúc. Những điều được nói lên trong bài giảng đầu
tiên này hẳn phải là hết sức quan trọng.
Tám Mối Phúc nói lên căn tính của những người được Chúa Giê-su mời gọi
làm môn đệ, tức là các Ki-tô hữu. Việc
trở thành môn đệ Chúa là một diễn trình biến đổi, từ bước đầu tiên là nhìn nhận
thân phận nghèo hèn của mình để tiến tới thái độ sẵn sàng mở lòng đón nhận sự sống
phong phú do lời giảng của Chúa Giê-su đem lại.
Cả ba bài đọc hôm nay đều nói về diễn trình biến đổi này.
Một diễn
trình biến đổi luôn có điểm khởi đầu. Vậy
trong diễn trình để trở thành môn đệ Chúa, chúng ta bắt đầu từ đâu? Chúng ta bắt đầu từ khởi điểm là “một dân
nghèo hèn và bé nhỏ nương ẩn nơi danh Đức Chúa” (bài đọc 1). Ngôn sứ Xô-phô-ni-a đã nhắc nhở dân It-ra-en
hãy bắt đầu từ thân phận nghèo hèn này mà “tìm kiếm Chúa, tìm sự công chính,
tìm đức khiêm nhường” để được Chúa che chở.
Đúng vậy, muốn được Chúa che chở thì mình phải nhìn nhận thân phận nghèo
hèn của mình. Còn nếu chúng ta cứ vỗ ngực
tự phụ mình làm được mọi sự không cần Chúa, thì làm sao Chúa che chở chúng ta
được. Cái nhìn của ngôn sứ Xô-phô-ni-a về
dân Ít-ra-en cũng áp dụng cho tất cả những ai muốn tiếp nhận giáo lý của Chúa
Giê-su. Họ cần phải hoàn toàn khiêm nhượng
để bắt đầu chấp nhận một cuộc thay đổi nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô. Lời Chúa Ki-tô sẽ như sương sa từ trời xuống,
thấm vào tâm hồn chúng ta và làm cho hạt giống nảy mầm, cây cối phát triển và
sinh hoa kết quả (I-sai-a 55:10-11).
Suy niệm
về khởi đầu là những kẻ nghèo hèn trong diễn trình trở nên môn đệ Chúa hoặc
Ki-tô hữu, thánh Phao-lô đã nói lên một nghịch lý trong đường lối Thiên Chúa biến
đổi chúng ta. Đó là “những gì thế gian
cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt
những gì hiện có” (bài đọc 2). Thiên
Chúa đã làm ngược đời! Chúng ta là “điên
dại, hèn mạt không đáng kể, là không có” trước mặt Chúa, nhưng Người sẽ biến đổi
chúng ta thành “khôn ngoan, quyền thế và quý phái”, nếu chúng ta để cho lời
Chúa Ki-tô thay đổi chúng ta. Thánh
Phao-lô quả quyết rằng “chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức
Ki-tô Giê-su”, nghĩa là chúng ta đích thực là con cái Thiên Chúa, mang căn tính
đầy đủ của mình.
Làm sao
chúng ta có thể thực sự là những người “hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su”? Chúng ta cứ đọc thật chậm những lời của Chúa
trong Bài giảng Tám Mối Phúc, nếu chúng ta thấy mình thuộc về bất cứ người nào
trong tám hạng người “có phúc” là chúng ta “hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su” rồi
đó! Hoặc nói khác đi, chúng ta trở thành
môn đệ của Chúa rồi đó! Tuy nhiên chúng
ta đừng quên thân phận nghèo hèn của mình.
Nghèo hèn không phải là thiếu tiền thiếu bạc, nhưng là “tình trạng khởi
đầu” (status quo) để chúng ta bắt đầu hành trình mới. Chúa không kêu gọi chúng ta vì chúng ta thánh
thiện, nhưng vì chúng ta là những kẻ tội lỗi, yếu đuối cần được dẫn dắt và che
chở. Càng chấp nhận thân phận tội lỗi,
chúng ta càng dễ nên thánh! Mỗi Mối Phúc
ít ra là một lời kêu gọi thích hợp nhất được áp dụng cho một cá nhân và là một
hướng đi giúp người ấy trở nên hoàn thiện theo khả năng của họ. Như thế Tám Mối Phúc quả thực là một lời kêu
gọi phổ quát hãy nên thánh dành cho hết mọi người không loại trừ ai.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Tại Đền
Thánh quốc gia Vuơng Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Washington, D.C., đằng
sau cửa chính có một bức họa nổi mang tên “Lời gọi phổ quát hãy nên
thánh”. Trên bức họa nổi ấy, người ta nhận
ra nhiều khuôn mặt đương thời lẫn các vị thánh trong Giáo Hội, tất cả đều nằm
trong tầm ánh sáng Chúa Thánh Thần. Có Mẹ
Têrêxa Calcutta, Đức giáo Hoàng Gioan Phaolô II, linh mục, tu sĩ, giáo dân nam
nữ già trẻ. Họ đều là những người “có
phúc” mà Chúa Giê-su nói tới trong Bài giảng trên núi. Như dân Ít-ra-en lãnh nhận Lề Luật Chúa từ
ông Mô-sê trên núi xuống, ta cũng hãy lắng nghe Bài giảng trên núi của Chúa về
Tám Mối Phúc như là cẩm nang giúp chúng ta thực hiện cuộc hành trình nên
thánh!
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi