yêu thương tha nhân không giới hạn
(Mátthêu 5,38-48 – CN VII TN - A)
1.- Ngữ cảnh
Câu Mt 5,17 đưa vào một vấn đề: tương quan
giữa Luật Môsê và các Ngôn sứ, tức trọng tâm của niềm tin Cựu Ước, và giáo huấn
của Đức Giêsu, trọng tâm của niềm tin Kitô giáo. Vấn đề được minh nhiên cứu xét
trong phân đoạn 5,20-48 là bản văn nói về sáu “cặp đối nghĩa”. Phân đoạn này
cho thấy tính cách mới mẻ trong giáo huấn của Đức Giêsu so với chính các bản
văn Cựu Ước.
Bản văn chúng ta
đọc hôm nay đề cập đến hai cặp đối nghĩa cuối cùng: chớ trả thù (5,38-42) và
phải yêu kẻ thù (cc. 43-48).
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần:
1) Chớ trả thù (5,38-42);
2) Phải yêu kẻ thù (5,43-48).
3.- Vài điểm chú giải
- mắt đền mắt, răng đền răng (38):
Đây là luật hình sự dựa trên nguyên tắc đối trọng: ai đã gây thiệt hại, thì
phải sửa chữa thiệt hại đã gây ra. Xem Xh
21,23-25; Lv 24,19-20; Đnl 19,21; Bộ luật Hammourabi (2000 năm
tCN).
- đừng chống cự người ác
(39): Lời này được ngỏ với kẻ bị xúc phạm để họ biết xử sự đúng tư cách là môn
đệ Chúa Kitô, chứ không phải là nhằm hủy bỏ nền luật pháp hiện hành (thánh Phaolô
đã vận dụng luật pháp này: x. Cv
25,11). Chính cách xử sự này cho thấy rằng các bộ luật hình sự chỉ có tính cách
nhất thời, giới hạn.
- đi một dặm
(41): Có lẽ đây là một dịch vụ. Các lính tráng và quan chức có thể bắt người
qua đường vác một gánh nặng (trường hợp Simôn Kyrênê) hoặc đi với họ như là con
tin hoặc như người dẫn đường.
- Ai muốn vay mượn (42):
Bên Paléttina, “cho vay thường tương đương với bố thí (x. Hn 29,1). Người Israel không được cho người đồng chủng vay lấy lãi
(Xh 22,24; Lv 25,35-37; Đnl 15,7-11;
23,20-21).
- hãy yêu kẻ thù
(44): Động từ agapaô nói đến một tình
yêu hy sinh cho người kia. Tình philia
(phileô) là một tương quan đặc biệt,
một sự trao đổi, một sự đồng thuận hỗ tương dựa trên các phẩm chất tự nhiên, sự
để ý đến nhau, sự đồng cảm. Còn eraô
(eros) là tình yêu phàm tục.
- nên hoàn thiện (48): Teleios (Hp. tamim) có nghĩa là đã đạt tới đích (telos), tức là tới mức thể hiện tối đa; như thế là không có lỗ
hổng, khiếm khuyết, giới hạn.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Chớ trả thù (38-42)
Luật báo phục (“mắt đền mắt, răng đền
răng”) hình thái triệt để nhất và cũng sơ khai nhất của luật hình sự; luật báo
phục chính là việc hợp pháp hóa sự công bình riêng tư. Thật ra, vào thời Đức
Giêsu, người ta không còn áp dụng luật này cách cứng ngắc nữa, vì đã tạo ra những
hình thức khác để nộp phạt (đóng tiền…). Tuy nhiên, Đức Giêsu đã lấy luật báo
phục làm điểm xuất phát để giáo huấn: với năm ví dụ cụ thể (cc. 39b-42), Người
mời gọi các thính giả đi xa hơn thái độ cam chịu thụ động: không những không
đáp lại sự dữ bằng sự dữ, nhưng còn phải đáp lại sự dữ bàng sự lành, sự thiện.
Bằng các ví dụ đó, Đức Giêsu cho các môn đệ hiểu rằng Thiên Chúa Cha chờ đợi họ
sẵn sàng cho đi trọn vẹn, cho đến mức tối đa, nếu hoàn cảnh đòi hỏi. Do đó,
không phải là cứ áp dụng sát mặt chữ những ví dụ của Đức Giêsu, nhưng là hiểu
cho đúng để áp dụng cho đúng. Vấn đề không phải chỉ là đưa má kia cho người ta
tát tiếp, nhưng là cống hiến một không gian để kẻ gian ác có thể suy nghĩ về
các lầm lạc của họ.
Chịu vả vào cả hai má, nhường cả áo
ngoài cho kẻ đòi áo trong, đi hai dặm với một người bắt anh đi một dặm, anh
muốn vay mượn, thì hãy cho vay mượn, tất cả đều là những hành vi diễn tả thái
độ Kitô hữu, nhưng không đúng ý Chúa Kitô nếu người bị khổ không chịu khổ vì
tình yêu đối với những kẻ gây bất công cho mình.
*
Phải yêu kẻ thù (43-48)
Với
cặp đối nghĩa cuối cùng này, Đức Giêsu cho hiểu rằng sự hoàn thiện của Chúa
Cha, đó là tình yêu. Sách Lêvi
(19,18) buộc người Híp-ri yêu thương người re’a
(HL ho plêsios, người thân cận),
là người cùng sống giao ước với Đức Chúa, những thành viên của cộng đồng dân
Thiên Chúa; người ngoại quốc (gêr) mà
đi vào cộng đồng tôn giáo với người Israel thì cũng được hưởng tình yêu này. Sự
thù ghét kẻ thù không được quy định trong Lề Luật, nhất là với một công thức
sống sượng như thế. Sự thù ghét này phát sinh như một hậu quả của luật yêu
thương người thân cận.
Kẻ
thù đầu tiên được kể ra, đó là “những kẻ ngược đãi”. Đây hẳn là những kẻ thù
chống lại niềm tin của ta, chống lại lối sống Kitô giáo. Yêu kẻ thù không có
nghĩa là trở thành bạn hữu của họ, nhưng là tỏ ra thông cảm, nhân ái, và sẵn
sàng trợ giúp. Đức Giêsu đã yêu thương mọi người, nhưng không phải không có
những sự ưu ái đối với một số người, và cũng không ngại nói lên lời răn đe và
trách mắng các đối thủ. Tình yêu đối với kẻ khác được diễn tả ra bằng hai ví dụ
mẫu: cầu nguyện cho kẻ thù và “chào hỏi” mọi người không phân biệt. (x. Lc 23,34; Cv 7,60). Người Kitô hữu phải mở rộng vòng người thân cận ra bên
ngoài những gì Luật dạy và những ngươi thu thuế (telônai) và dân ngoại (ethnikoi)
vẫn thực hành. Người plêsios không
chỉ là “những người công chính”, “những người tốt” (c. 45), “những ai yêu thương
anh em” (c. 46), “các anh em” (c. 47), nhưng tất cả mọi người, đặc biệt các “kẻ
thù (cc. 43-44), “những kẻ ngược đãi anh em” (c. 44), “những người xấu” và
“những người bất chính” (c. 45).
Đức
Giêsu đưa điều răn yêu thương về
lại với ý hướng của Đấng Lập pháp đầu
tiên. Tình yêu buộc phải cung cấp cho mọi người những gì phải làm: sự tín
nhiệm, sự trân trọng, sự trợ giúp. Cũng như trong những cặp đối nghĩa khác, Đức
Giêsu không chỉ cho một lời khuyên, nhưng ban một lệnh mới cho các tương quan
giữa con người. Người môn đệ chỉ trở
thành con của Chúa Cha trong mức độ người ấy mô phỏng lối xử sự của mình theo
cách ứng xử của Chúa Cha, nghĩa là yêu thương người khác, kể cả kẻ thù, y như
Chúa Cha vẫn yêu thương họ. Khi yêu thương mọi người không phân biệt kỳ thị,
người Kitô hữu chứng tỏ cách chắc chắn và trung thực nhất dây quan hệ họ hàng
với Thiên Chúa. Câu “anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là
Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48) làm vọng
lại lời mời gọi của sách Đnl (18,13):
“Anh (em) phải sống trọn hảo với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em)” và của sách
Lêvi (19,2): “Hãy nói với toàn thể
cộng đồng con cái Ít-ra-en và bảo chúng : Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta,
Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh”.
+ Kết luận
Luật Kitô hữu là luật yêu thương. Khi
người môn đệ Chúa Kitô chấp nhận những từ bỏ do luật này đòi hỏi, luật yêu
thương này chứng tỏ được tất cả trọng lượng của nó. Nếu các nguyên tắc được
công bố ở đây đi vào trong xã hội, xã hội này hẳn là sẽ không bị tiêu vong, nhưng
sẽ thấy các tương quan giữa con người được đổi mới, bởi vì các bất công và bạo
động sẽ bị dập tắt dễ dàng nhờ sống theo luật này hơn là do sợ các biện pháp
chế tài hình sự. Thật ra đây chính là lối sống của Đức Giêsu. Đức Giêsu đã chết
vì không nhường bước trước các áp lực
của sự thận trọng hoặc của lương tri. Khi làm như thế, Người không đảo
lộn trật tự xã hội, nhưng Người củng cố các tương quan giữa con người với con
người. Bắt chước Thiên Chúa, và cũng là bắt chước Đức Giêsu, là quy tắc duy
nhất của lối cư xử của Kitô hữu, là con đường duy nhất để vượt qua nền luân lý
Pharisêu.
5.- Gợi ý suy niệm
1.
Qua giáo huấn của Người, Đức Giêsu giúp chúng ta nhìn vào đời sống Kitô hữu
giữa lòng xã hội. Như bất cứ ai, người Kitô hữu cũng có khi là đối tượng của những
bất công, của bạo động; họ bị xử thô bạo, hành hạ, đánh đập, bỏ tù, xử bất
công. Đức Giêsu đề nghị không phải là một cách thức xử sự mang tính tự vệ hoặc
chỉ là bất bạo động, nhưng còn là chấp nhận bị tước đoạt vô điều kiện.
2.
Khi chịu xử bất công, người môn đệ Chúa Kitô vác thập giá cho những kẻ đã chuẩn
bị thập giá cho mình. Không phải là những hành vi thể lý là đáng kể, nhưng là những
động lực khiến người ta chấp nhận, không vì yếu đuối hoặc hèn nhát, nhưng là để
khỏi gây thiệt hại cho người anh em hư hỏng, lạc đường.
3. Đức
Giêsu không đề nghị một trật tự mới cho các tương quan xã hội, nhưng một nguyên
tắc sống khổ chế có khả năng minh họa và giải thích trước thái độ của Người đối
với người Pharisêu và các kẻ bách hại Người nói chung.
4.
Luật Tình yêu kẻ thù đảo lộn các cách xử sự
theo quy ước của loài người. Thường yêu thương là quan tâm đến những ai
có cùng kiểu nhìn như mình, trình độ văn hóa như mình, địa vị xã hội như mình.
Sứ điệp Tin Mừng vượt quá các giới hạn ấy. Đức ái Kitô giáo không “cào bằng”
các con người, nhưng tỏ ra kính trọng họ, thậm chí cả các giới hạn và khiếm
khuyết của họ. Lòng nhân ái của Kitô hữu là thông dự vào tình yêu của chính Thiên
Chúa.
5. Từ
ngữ “hoàn thiện” in vào trong lối hành xử của Kitô hữu một sức năng động. “Hoàn
thiện” là vượt qua mọi thiếu sót, như thế là không bao giờ thực hiện được vĩnh
viễn, nhưng cứ tiến tới mãi, và nếu mức độ là sự hoàn thiện của Thiên Chúa, thì
ta chẳng bao giờ đạt tới được mức thực hiện hoàn toàn. Nên hoàn thiện như Chúa
Cha, trong cụ thể, là bắt chước Đức Kitô trong thái độ quy phục trọn vẹn, anh
hùng, thánh ý Thiên Chúa, và trong sự tận tình sống cho anh chị em.
Lm FX Vũ Phan Long, ofm