PHÓ THÁC CHO
CHÚA QUAN PHÒNG
(Mt 6,24-34
– CN VIII TN - A)
1.- Ngữ cảnh
Chúng
ta có thể theo dàn bài của cha Marcel Dumais, mà cho rằng: phân đoạn Mt
5,17–7,12 của Bài Giảng trên núi có nhan đề “Sự công chính của Nước Trời hay là
Sống như con cái của Chúa Cha” với bố cục như sau:
Mở:
hoàn tất Luật và các ngôn sứ (5,17-19).
1.-
Đức công chính dồi dào (5,20-48) [ x. “dồi dào” từ 5,20-47]:
1)
Lời công bố tổng quát về đức công chính (5,20),
2)
Sáu áp dụng (5,21-48).
2.-
Đức công chính được thực hiện nơi bí ẩn trước nhan Chúa Cha (6,1-18):
1)
Lời công bố tổng quát về đức công chính (6,1),
2)
Ba áp dụng (6,2-18).
3.-
Đức công chính phải ra sức tìm cho có và không lo lắng (6,19-34):
1)
Tích trữ của cải bằng cách phụng sự Thiên Chúa chứ không phụng sự Mammôn
(6,19-24),
2)
Tìm đức công chính của Nước Trời không lo lắng (6,25-34).
4.-
Những câu được quy tụ lại (7,1-11):
1)
Đừng xét đoán anh em (7,1-5),
2)
Đừng quăng của thánh cho chó (7,6),
3)
Hãy xin, thì Chúa Cha sẽ ban cho (7,7-11).
Kết
: Đây là Luật và các ngôn sứ (7,12).
2.- Bố cục
Bản
văn có thể chia thành hai phần:
1)
Câu chuyển tiếp: Thiên Chúa và tiền bạc (6,24);
2)
Tin tưởng vào Chúa quan phòng (6,25-34): Ba phần với câu “Đừng lo lắng”
a) Đừng lo lắng về mạng sống (cc. 25-30),
b) Đừng lo lắng về ăn mặc (cc. 31-33),
c) Đừng lo lắng về ngày mai (c. 34).
3.- Vài điểm chú giải
- Ghét (24): Ý nghĩa Sê-mít của động từ miseô này là
“không yêu thương; yêu thương ít” (so sánh với Lc 14,26 và Mt
10,37); và ý nghĩa của động từ “khinh dể” là “trở nên lãnh đạm với”.
- Mamônas (24): Từ ngữ A-ram (mâmônâ’) này không có trong
Cựu Ước, mà chỉ xuất hiện ở đây và ở Lc 16,9.11. Nền văn chương Do-thái
giáo thường dùng từ này để nhân cách hóa tiền bạc, và của cải trần thế.
- Mạng sống (25): Psychê ở đây không có nghĩa là “linh hồn”,
mà hiểu theo nghĩa Sê-mít là “mạng sống”, bởi vì nó ăn và uống được.
- Lo lắng (25): “Lo lắng”, merimnaô,
là xu hướng tìm cách bảo đảm cho cuộc sống của mình ở trần gian này.
- bông huệ (28): Chúng ta không biết đây là loại “huệ” nào; nhưng krinon
cũng có thể có nghĩa chung là “bông hoa”.
- những kẻ kém tin (30): Theo truyền thống kinh sư cổ xưa, “những kẻ kém
tin” là những người Israel đã muốn lượm man-na và chim cút vào ngày sa-bát
trong hoang địa (x. Xh 16,4.19.27; Ds 11,32).
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Câu chuyển tiếp: Thiên Chúa và tiền bạc
(24)
Câu
chuyển tiếp này đi từ một kinh nghiệm: “Không ai có thể làm tôi hai chủ”, để dạy rằng không thể
phục vụ Thiên Chúa với một con tim chia sẻ, hoặc nói tích cực, cần phải lấy một
quyết định căn bản là yêu mến Thiên Chúa trên mọi sự và chỉ chấp nhận mọi sự
khi chúng hòa hợp với tình yêu căn bản này. Vị “chủ” kình địch có thể là bất cứ
vật gì hoặc bất cứ người nào, nhưng đến cuối câu, bản văn đưa ra một ví dụ, “mâmônâ’”, một từ Sê-mít để chỉ tiền bạc
của cải.
* Tin tưởng vào Chúa quan phòng (25-34): Ba
phần với câu “Đừng lo lắng”
Bài
này là một bài giáo lý hoặc khuyến thiện Kitô giáo. Cũng rất có thể vào lúc
đầu, bài này là một lời khuyên ban cho các nhà thừa sai, song song với Mt
10,8-10.
Lệnh truyền tiêu cực “đừng lo lắng” (mê
merimnate) là chìa khóa giúp đi sâu vào bản văn này. Nó xuất hiện ở đầu, ở
giữa và ở cuối bản văn (x. cc. 25.31.34). Cũng động từ ấy được lặp đi lặp lại
ba lần trong bản văn (cc. 27.28.34). Đây là một nỗi ưu tư khắc khoải, phát xuất
từ tình trạng thiếu đức tin (c. 30), đưa tới chỗ đặt những câu hỏi đầy lo âu
(c. 31). Ta hiểu lệnh truyền này hơn khi đặt nó đối lập với lệnh truyền tích
cực thứ hai: “Trước hết hãy tìm kiếm…” (c. 33). Nỗi lo lắng khắc khoải sẽ biến
mất khi ta thực sự tìm kiếm (zêteô) Nước Thiên Chúa và sự công chính của
Ngài.
Bản văn này có vẻ như nối tiếp Bài Tám Mối
Phúc: những người nghèo, những người đói, sầu khổ, bị bách hại, được tha thiết
mời gọi đừng để mất sự thanh thản và tin tưởng cho dù phải thiếu
những của cải căn bản. Đức Giêsu không gợi ý cho người ta những cách thức để
thoát khỏi sự cùng quẫn, nhưng để chận đứng, để làm im tiếng sự khắc khoải. Câu
25 giới thiệu chủ đề của bản văn: đừng lo lắng về đời sống, về những nhu cầu
của thân xác, tập trung vào cái ăn cái mặc. Động từ merimnaô, “lo lắng”
được nói đến 6 lần trong bản văn (cc. 25.27.28.31.34), cho thấy chủ ý của bài
giảng. Họ hãy nhớ đến Thiên Chúa tốt lành và quảng đại. Luận chứng khiến họ
phải tin tưởng vào Chúa Quan phòng dựa trên những ân hệ Thiên Chúa đã ban rộng
rãi và còn ban rộng rãi cho loài người. Ai đã ban chuyện lớn, chuyện cao hơn
(đời sống và thân xác) thì cũng có thể ban chuyện nhỏ hơn (thực phẩm và y
phục). Ngay về phương diện khôn ngoan tự nhiên, có ích gì nếu cứ lo lắng triền
miên?
Đức Giêsu vận dụng hai ví dụ trong thiên
nhiên: Thiên Chúa săn sóc (a) loài chim (c. 26), (b) các bông huệ và cỏ (cc.
28.30), là những thọ tạo không đáng kể. Đây phải là chuyện văn chương, mà là
chuyện mỗi ngày và mọi giờ. Chắc chắn tác giả không muốn bảo họ sống vô vi và
vô trách nhiệm, ăn bám; ngài chỉ muốn bảo họ rằng tất cả những gì họ được kêu
gọi và bị buộc phải thực hiện để giải quyết các khát vọng căn bản thì phải làm
với sự thanh thản và tin tưởng. Đó là lý do khiến tác giả đã để xen vào giữa
hai ví dụ một câu mang tính minh triết và bi quan: “Hỏi có ai trong anh em, nhờ
lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?” (c. 27). Không một
người nào có thể thay đổi mức độ Thiên Chúa đã đặt định cho mình! Sau đó, cc.
31-32 tóm kết lời khuyên bằng cách nhắc lại lời đưa vào Kinh Lạy Cha (x. 6,7t).
Những câu sau phải được hiểu dưới ánh sáng
của niềm tin của cộng đoàn cầu nguyện; Cha trên trời biết rõ họ cần gì
ngay trước khi họ xin.
Câu 33 minh họa ý nghĩa của khẳng định
trước. Vấn đề không phải là xoá đi một điểm trong chương trình (dấn thân trần
thế) để đề cao một điểm khác (Nước Thiên Chúa), nhưng là thiết lập giữa chúng
một sự ưu tiên đúng đắn. Câu “Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” có
nghĩa là: sự công chính là một lối sống phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa,
nghĩa là phù hợp với các đòi hỏi và luật lệ của Nước ấy. Tác giả muốn làm sáng
tỏ điều này là việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa không phải là một sự chờ đợi tiêu
cực, không chỉ là một thái độ tôn giáo nội tâm, nhưng là một lối thực hành đức
công chính thấy được, như Bài Giảng trên núi trình bày (x. lời lưu ý 5,20).
Câu cuối cùng (c. 34) nhắc lại tầm mức của
bản văn. Thật không khôn ngoan chút nào nếu muốn gánh vác gánh nặng của ngày
mai. Ưu tư khắc khoải ngày hôm nay để được sống yên hàn ngày mai, trong khi
ngày mai tự nó là không chắc chắn, không thể tiên liệu và không nắm chắc được,
thì không phải là cách xử sự của những người thông minh.
+ Kết luận
Đoạn này không phải là một lời mời gọi đừng
lo xa, và càng không phải là một lời khuyến khích đừng làm việc. Đây là một lời
kêu gọi tin tưởng vào Cha trên trời: Ngài không thể bỏ rơi con người khi mà họ
có giá trị hơn loài chim. Câu 32 nêu “dân ngoại” ra như một điển hình tiêu cực
(anti-modèle): họ khắc khoải lo lắng tìm kiếm tất cả những thứ này. Ta nhớ rằng
dân ngoại không ngỏ lời với Thiên Chúa với thái độ tin tưởng, bởi vì họ không
xem nhưng là một Người Cha biết các nhu cầu của họ (x. 6,7-8 // 6,32). Còn
người môn đệ “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài”.
Đây là một mối bận tâm, nhưng không khắc khoải. Tiếng “trước hết” không loại
trừ, nhưng đúng hơn bao hàm một tiếng “kế đó”, nghĩa là một mối quan tâm hợp lý
(không khắc khoải) đến những nhu cầu cơ bản của cuộc sống.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Tác giả Mt có trước mắt tình cảnh tuyệt vọng của những
người đói khát và nỗi lo lắng của đám đông những người nghèo túng. Ngài nhắc
cho họ nhớ đến lòng nhân lành, lòng quảng đại của Đấng Tạo hóa. Tuy nhiên, tác
giả không cổ võ sự biếng nhác, ăn bám, ươn lười, nhưng là sự năng nổ, khi nhớ
rằng Thiên Chúa đã ký thác vũ trụ cho con người làm chủ (x. St 1,27-28).
2. Nhiệm vụ trần thế phát xuất từ Thiên Chúa, mà Thiên Chúa thì
không miễn chuẩn cho con người khỏi phải tìm kiếm, khỏi phải mệt nhọc, băn
khoăn nhằm giải phóng đất đai khỏi sỏi đá gai góc và làm cho nó nên phì nhiêu
mà sinh hoa kết quả (St 2–3). Tìm ra những cách thức tốt mà làm việc có
thể là dấu chỉ về tình yêu đối với Thiên Chúa và người anh em rõ ràng hơn là sự
“tách biệt khỏi các sự vật”, bởi vì người ta đang đưa đến chỗ hoàn tất công
trình mà Đấng Tạo hóa đã ký thác cho loài người.
3. Khi bảo chúng ta chọn Thiên Chúa làm chủ nhân duy nhất, Đức
Giêsu không hề có ý nói là Thiên Chúa cần chúng ta, hoặc Thiên Chúa muốn dùng
chúng ta làm gì cho Ngài. Lý do duy nhất, đó là chúng ta không thể tìm được
hạnh phúc ở bên ngoài Thiên Chúa. Ngài là của cải vô biên, còn chúng ta là sự
nghèo nàn vô biên. Do đó, đòi hỏi này cuối cùng lại là một cách Thiên Chúa tỏ
bày tình yêu đối với chúng ta. Thiên Chúa đoái thương nghiêng mình xuống trên
chúng ta là thọ tạo của Ngai, và dùng tiếng nói của Đức Giêsu mà nhắc lại cho
chúng ta nhớ định mệnh đích thực của chúng ta.
4. Hội Thánh hôm nay phải đặt mình trước đòi hỏi sống niềm tin
tưởng nơi Thiên Chúa, rồi tự hỏi: sự nghèo khó, việc sống ơn gọi, hoặc sự từ bỏ
việc làm có thể có ý nghĩa gì trong việc phụng sự Nước Thiên Chúa. Bản văn
không cung cấp một giải pháp, nhưng cho những hướng phải theo và mở chúng ta ra
với những chọn lựa mà chính chúng ta phải cân nhắc để đi đến quyết định.
Lm FX Vũ Phan Long, ofm