CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN

          Tình yêu Thiên Chúa giống như tình cha mẹ

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 49:14-15;  1 Cr 4:1-5;  Mt 6:24-34)

          Lời giảng của Chúa Giê-su chắc chắn đã gây         bất ngờ cho dân chúng khi Người dạy họ hãy yêu kẻ thù.  Bên cạnh bất ngờ ấy, hôm nay chúng ta lại đón nghe một bất ngờ khác, khi Chúa Giê-su mặc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa là Cha chúng ta ở trên trời.  Mặc dù Thiên Chúa đã được ngôn sứ I-sai-a mô tả như mẹ hiền yêu thương, nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su lại nói với chúng ta thật nhiều về Thiên Chúa là Cha và là Đấng Quan Phòng chăm lo mọi sự cho con cái mình.  Tình yêu Thiên Chúa là Cha đã được Chúa Giê-su trình bày rất chi tiết, để kêu gọi chúng ta sống một mối tương quan mới với Thiên Chúa.  Chúng ta được mời gọi chiêm ngưỡng tình yêu bao la này qua các bài đọc của Phụng vụ Lời Chúa.

          Sống trong cảnh lưu đày cực khổ, dân Ít-ra-en nhiều khi nghĩ rằng Thiên Chúa đã bỏ mặc họ trong tay kẻ thù và không còn thương yêu họ nữa.  Để trả lời thái độ này, qua ngôn sứ I-sai-a, Thiên Chúa đã quả quyết Người không hề quên họ, nhưng vẫn hết lòng thương yêu họ còn hơn cả bà mẹ “thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau”.  Quả thực Thiên Chúa đã “mang nặng đẻ đau” dân riêng Ít-ra-en của Người!  Người chăm sóc họ suốt dòng lịch sử của họ, từ khi kêu gọi Áp-ra-ham làm tổ phụ dân riêng cho đến những ngày họ sống nhờ tại Ai-cập.  Rồi Người lập giao ước Si-nai với họ, ban Lề Luật để giúp họ sống mối tương quan mật thiết.  Chúa chăm sóc và che chở họ còn hơn cả người mẹ chăm sóc con mình.

          Hình ảnh bà mẹ thật thích hợp để diễn tả tình yêu vững bền và hy sinh của Thiên Chúa.  Tuy nhiên khi mặc khải Thiên Chúa là Cha, Chúa Giê-su lại muốn khai triển một khía cạnh khác của tình yêu Thiên Chúa:  tình yêu quan phòng.  Trong xã hội Do-thái cũng như hầu hết mọi nơi trên thế giới, vai trò của người cha nghiêng về sự tồn tại của gia đình.  Ông làm lụng vất vả để bảo đảm cho sự sống của mọi người trong nhà.  Với sức mạnh sẵn có, ông còn có trách nhiệm che chở gia đình khỏi những nguy hiểm có thể xảy đến.  Có sự hiện diện của ông, cả nhà không ai còn phải lo lắng sợ hãi.  Lấy hình ảnh một người cha dưới đất để mô tả người Cha trên trời tuy không hoàn toàn tương xứng, nhưng ít ra Chúa Giê-su cũng muốn sử dụng hình ảnh quen thuộc này để nói về sự lo lắng quan phòng của Thiên Chúa Cha dành cho chúng ta.  Làm người phàm hoàn toàn giống chúng ta, Chúa Giê-su hiểu rõ thế nào là những lo lắng cho cuộc sống, từ những lo lắng vật chất đến những lo lắng tâm lý và thiêng liêng.  Bởi vậy, khi Người mặc khải cho chúng ta biết về sự quan phòng của Thiên Chúa, thì Người không chỉ trình bày lý thuyết, nhưng là chia sẻ với chúng ta chính những kinh nghiệm bản thân của Người.  Người diễn tả lòng tín thác của Người nơi Cha trên trời bằng những thí dụ cụ thể là đời sống của các sinh vật trên mặt đất.  Nào là chim trời, nào là hoa cỏ.  Tất cả đều biểu lộ sự sinh động và vẻ đẹp tuyệt vời dưới bàn tay chăm sóc của Cha trên trời.  Những hình ảnh dễ hiểu đó đã được sử dụng để đưa người nghe tới một kết luận:  Chim trời và hoa cỏ mà được Thiên Chúa chăm sóc như vậy, thì làm sao Thiên Chúa lại có thể quên chúng ta là con người được!  Cho nên:  “Anh em đừng lo lắng”.

          Chúa Giê-su đề cập tới sự quan phòng của Thiên Chúa, nhất là đối với sự sống thể lý của chúng ta.  Còn thánh Phao-lô, là “đầy tớ của Đức Ki-tô” và “quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa”, ngài cũng chia sẻ với chúng ta về sự quan phòng của Thiên Chúa, nhưng là về đời sống thiêng liêng.  Thực vậy, ngài nói:  “Đối với tôi, dù có bị anh em hay tòa đời xét xử, tôi cũng chẳng coi là gì… Đấng xét xử tôi chính là Chúa”.  Ngài tín thác vào Thiên Chúa quan phòng gìn giữ sự công chính của ngài.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Đứa con khi thấy mình được cha mẹ yêu thương sẽ không còn lo lắng.  Hôm nay cả ba bài đọc đều nói lên cùng một chân lý:  Thiên Chúa yêu thương chúng ta.  Khi trình bày Thiên Chúa như người mẹ dịu hiền, người cha lo lắng chăm sóc và Đấng xét xử đầy lòng thương xót, Chúa Giê-su cùng với ngôn sứ I-sai-a và thánh Phao-lô không mong gì hơn là thấy chúng ta biết đặt hết lòng tin tưởng phó thác nơi Cha chúng ta ở trên trời, để dưới bàn tay quan phòng của Người, chúng ta sẽ sống xứng đáng là con ngoan của Cha trên trời. 

 Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A