dũng cẢm tuyên xưng

(Mátthêu 10,26-33 – CN XII TN - A)

 

1.- Ngữ cảnh

 

Chúng ta đang ở trong Bài diễn từ về Truyền giáo của Tin Mừng Mt (Mt 9,36–11,1). Toàn bài có bố cục như sau:

1) Dẫn nhập (9,36–10,5a):

a) Các yếu tố xác định (9,36-38),

b) Việc trao ban quyền và các tên gọi (10,1-5a);

2) Phần chính (10,5b-42):

a) Nhiệm vụ của các tông đồ (cc. 5b-15),

b) Những khó khăn và cách thức thắng vượt (10,16-42); 

3) Kết (11,1).

         

Riêng phân đoạn 10,16-42 có bố cục như sau (các đoạn in nghiêng thuộc về bài đọc phụng vụ):

1) Sự bách hại các tông đồ phải chịu (10,16-39):      

a) Hoàn cảnh tởng quát của các sứ giả (10,16),

b) Loài người sẽ xử tệ với các ông (10,17-23),

c) Số phận chung của môn đệ và thầy (10,24-25),

d) Lý do khiến các ông  không được nao núng (10,26-31),

e) Tương quan của các ông với Đức Giêsu (10,32-39);

2) Việc tiếp đón các tông đồ (10,40-42).

 

2.- Bố cục

 

          Bản văn 10,26-33 có thể chia thành hai phần:

1) Lý do khiến các môn đệ không được nao núng (10,26-31);

2) Tương quan của các môn đệ với Đức Giêsu (10,32-33 [39]).

 

3.- Vài điểm chú giải

 

- Vậy anh em đừng sợ (26): Từ ngữ “vậy” nối cc. 26-27 với phần đi trước, nhưng không phải là để đưa tới một kết luận, mà là một lời khích lệ. Ý nghĩa không phải là” đừng sợ họ, bởi vì họ không thể làm gì anh em; nhưng là: đừng sợ họ, bởi vì anh em không được mong mình có một số phận bớt đau thương hơn Thầy (cc. 24-25). Như thế, dù vẫn sợ những người bách hại, anh em phải đảm nhận lấy nỗi sợ hãi ấy mà cứ tuyên xưng niềm tin. Anh em sợ hãi người ta là chuyện dễ hiểu (cc. 17-25), nhưng đừng vì thế mà thôi làm chứng.

- được tỏ lộ … được biết (26): Đây là thái bị động thay tên Thiên Chúa, có nghĩa là: Thiên Chúa tỏ lộ … Thiên Chúa thấu biết. Lý do thứ nhất khiến môn đệ không phải sợ, đó là sứ điệp vĩ đại về Nước Thiên Chúa sắp được tỏ lộ. Dù thế nào, Tin Mừng cuối cùng sẽ tỏa rạng vinh hiển.

- những kẻ giết thân xác (28): Lý do thứ hai khiến không phải sợ, đó là sự sống chân chính của con người được bảo vệ. Những kẻ bách hại chỉ có thể “giết” (apoktenai); duy mình Thiên Chúa mới có thể “tiêu diệt” (apolesai) trọn con người (“thân xác” và “linh hồn”).

- hỏa ngục (28): Từ Hy-lạp geenna (được dịch là “hỏa ngục”) phiên âm từ Híp-ri gê-Hinnôm. Gần cổng thành phía nam Giêrusalem, có thung lũng gọi là gê’-Hinnôm hoặc gê’ben-Hinnôm (“thung lũng của con cái Hinnôm”). Ngôn sứ Giêrêmia đã tuyên sấm rằng đây là nơi mà dân Giuđa sẽ bị trừng phạt nặng nề, vì tội lỗi của họ (sát tế con cho thần Môlốc của người Ammôn) đã lên tới cực độ (Gr 7,30–8,3; 19,7; 32,35). Lúc đầu, lửa và giòi bọ là những tác nhân xử lý các tử thi, đi với nhau (Gđt 16,17; Hc 7,17) hoặc riêng rẽ (giòi bọ: G 25,5; Hc (hp) 7,17; lửa: Mt 13,42.50…), nay trở thành biểu tượng của số phận khủng khiếp của những kẻ không chịu đáp lại lời Thiên Chúa kêu gọi.

- Ngoài ý của Cha anh em (29): Lý do thứ ba khiến không phải sợ, đó là Thiên Chúa quan phòng trên toàn thể thọ tạo.

 

4.- Ý nghĩa của bản văn

 

* Lý do khiến các môn đệ không được nao núng (26-31)

Mt không kể cho biết cách nào và khi nào thì lời loan báo về số phận của các sứ giả được chứng thực. Nhưng tác giả mô tả nhiều lần các lời Đức Giêsu loan báo cuộc Thương Khó (16,21; 17,22t; 20,18t) và ghi chi tiết cả diễn tiến thực hiện cuộc Thương Khó nữa (ch. 26–27). Như vậy, trước khi các môn đệ và tôi tớ rơi vào số phận này, Thầy và Chúa của họ đã phải chịu rồi. 

          Đoạn 10,26-31 nhắc các tông đồ nhớ lại nhiệm vụ trọng yếu của các ông là loan báo thẳng thắn và công khai sứ điệp đã nhận từ nơi Đức Giêsu (x. 10,7; 10,27). Đức Giêsu nhấn mạnh ở đấy: “Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng” (10,27) và kết thúc bằng “Vậy anh em đừng sợ” (10,31), và cả ở 10,28, Người nhắc lại “anh em đừng sợ”. Dù sợ hãi khi đứng trước những đe dọa của bạo lực loài người,  các sứ giả không được để mình bị ngăn cản khiến không chu toàn được nhiệm vụ. Họ phải thắng vượt nỗi sợ hãi này và tiếp tục trung thành với nhiệm vụ. Để đạt được như thế, họ phải đừng để ý đến người ta, nhưng phải để ý đến Thiên Chúa. Quyền  của Ngài là có thể “tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” (10,28) thì đáng sợ hơn nhiều, còn sự ân cần chăm sóc và sự quan phòng đầy tình phụ tử thì đáng họ tin tưởng hoàn toàn (10,29-31).

 

* Tương quan của các môn đệ với Đức Giêsu (32-33 [39])

Đoạn cuối cùng nhắm vào quan hệ với Đức Giêsu (10,32-39). Coi trọng Đức Giêsu hơn, duy trì bằng mọi giá sự hiệp nhất với Người, là con đường duy nhất để có sự hiệp nhất với Thiên Chúa và được sống. Ở đây vẫn là ý tưởng cần phải chọn giữa Thiên Chúa và loài người, như đã thấy ở 10,26-31. Những nhân vật liên hệ với nhau trong tương quan được mô tả ở 10,32-33, là: Cha trên trời của Đức Giêsu (ở 10,20.29: Cha anh em), Đức Giêsu, cá nhân, loài người. Cá nhân phải tự quyết định, phải chọn lấy sự hiệp thông công khai và được tuyên xưng thẳng thắn với Đức Giêsu để qua Đức Giêsu, đạt được sự hiệp thông với Thiên Chúa. Ngược lại, ai chối Đức Giêsu thì cũng tách khỏi Thiên Chúa. Một hình thái cho thấy là người ta nhìn nhận Đức Giêsu công khai, đó là loan báo không sợ hãi sứ điệp của Người (x. 10,27). Ở 10,34-39, tác giả không còn nói rõ ràng đến Thiên Chúa Cha nữa, cũng chẳng nói đến loài người cách tổng quát nữa. Tương quan được giới hạn lại với Đức Giêsu, với các thành viên của một gia đình và với từng cá nhân. Một lần nữa, lại cần phải chọn lựa rõ ràng. Đức Giêsu, sự hiệp nhất với Người, phải được coi trọng hơn mọi người, cho dù điều này tạo ra những mâu thuẫn với những thành phần của gia đình mình. Và cuối cùng, phải chọn đi theo Đức Giêsu trên con đường đưa tới thập giá; sự hiệp nhất với Đức Giêsu phải là sự hiệp nhất trọn vẹn với bản thân Người và phải được coi trọng hơn cả chính mạng sống mình. Chỉ người nào chịu mất mạng vì Đức Giêsu, thì mới tìm được mạng sống (10,39). Điều được nói ở 10,32-39 là lý do quyết định khiến người ta loan báo không sợ hãi, nhưng còn đi xa hơn, nghĩa là nó xác định rằng trong mọi trường hợp, sự hiệp nhất với Đức Giêsu phải được coi trọng hơn mọi sự và mọi người.  

 

+ Kết luận

Đức Giêsu đã yêu cầu các môn đệ can đảm loan báo sứ điệp của Người (10,27). Người cũng yêu cầu các ông phải tin tưởng hoàn toàn nơi Người (c. 32). Các ông phải chứng tỏ một cách vô điều kiện là cách ông thuộc về Người và tin vào sứ điệp của Người, mà trước tiên đây là sứ điệp của Cha trên trời. Một ngày nào đó, Đức Giêsu sẽ tuyên bố nhận hay từ khước các ông là tùy điểm này (c. 28). Một lần nữa Đức Giêsu lại tỏ cho thấy địa vị và uy quyền vô song của Người. Án xử của Thiên Chúa về chúng ta, cũng như số phận đời đời của chúng ta, tùy thuộc cách chúng ta đối xử với Đức Giêsu.  

 

5.- Gợi ý suy niệm

 

1. Sợ loài người mà không sợ Thiên Chúa, Đấng có thể “tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục”, là chuyện liều lĩnh. Tác giả ghi lại đây cả những lời đe dọa (về hỏa ngục), đây là dấu cho thấy rõ ràng là chỉ đưa những lời khuyến cáo mà thôi thì vẫn không cản được các tín hữu sa sút (x. 5,22.29; 23,15.33). Phải đe dọa để họ nhớ rõ giáo huấn của Đức Giêsu: nếu họ nhận Đức Giêsu trước mặt người đời, Đức Giêsu sẽ nhận họ trước mặt Thiên Chúa; nếu họ chối Đức Giêsu trước mặt người đời, Người cũng sẽ chối họ trước mặt Thiên Chúa.

2. Người tín hữu biết chắc chắn mình ở trong tay Chúa Cha. Họ cũng ý thức rằng mình thuộc về Đức Giêsu, Đấng Mêsia. Chính xác tín này giúp họ chấp nhận mọi sự, kể cả việc tử đạo, một cách thanh thản. Tin tưởng vào Thiên Chúa không phải là chắc chắn rằng mình sẽ được giải cứu khỏi thử thách, nhưng là biết vững vàng rằng chuyện mình bị kết án sẽ được biện minh và được đánh giá đúng mức. Ý thức rằng mình thuộc về Đức Giêsu làm cho họ vững vàng và can đảm.

3. Nếu việc làm chứng đôi khi đưa người môn đệ đến chỗ chết, thì không phải là mặc dù được Thiên Chúa là Cha quan phòng, người ấy vẫn phải chết! Y như thể Cha có mặt lúc vị tử đạo bị giết, nhưng không thể cứu được người ấy. Mt nhấn mạnh rằng, tuy có mặt vào lúc con cái mình bị giết, Thiên Chúa vẫn không muốn tách cái chết ấy ra khỏi ý muốn của Ngài: nếu Thiên Chúa giúp đỡ vị tử đạo chính là vì cuối cùng Ngài muốn vị ấy phải chết.

 

Lm FX Vũ Phan Long, ofm

 

 

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm A