DỤ NGÔN
NGƯỜI GIEO GIỐNG
(Mátthêu 13,1-23 – CN XV TN - A)
1.- Ngữ cảnh
Sau khi giới thiệu Đức Giêsu là Đấng
có quyền giải thích Luật (ch. 5–7), rồi minh họa quyền đó bằng một vài truyện
về phép lạ (ch. 8–9), tác giả Mátthêu đã cho thấy Đức Giêsu sai phái và
ban “bài sai” cho các sứ giả của Nước Thiên Chúa (ch. 10). Nhưng chẳng mấy chốc
vương quyền này đã bị đặt thành vấn đề, hoặc bởi chính Gioan Tẩy Giả, hoặc bởi
các thành miền Galilê (ch. 11). Từ khước Đức Giêsu là Đấng thiết lập Triều Đại
của Thiên Chúa, đây là đề tài của ch. 12: đề tài này đi tới đỉnh cao khi những
người Pharisêu tố giác là Đức Giêsu bị quỷ ám (x. 12,22-24) và Đức Giêsu tuyên
bố về Gia đình thật của Người (x. 12,46-50): Đức Giêsu đoạn tuyệt với môi
trường tinh thần của Người. Trên nền tảng của bài tường thuật nói về sự đoạn
tuyệt bi đát này với Do Thái giáo, ch. 13 đề cập tới “mầu nhiệm” Nước Thiên
Chúa, giải thích làm thế nào mà Triều Đại Thiên Chúa lại vừa có thể được khai
mạc trên mặt đất vừa bị loài người phản đối hoặc không được biết đến. Nối tiếp
các bài tường thuật về các xung đột ở ch. 12, các dụ ngôn ở ch. 13 có hai ý
nghĩa:
- đối với các môn đệ, các dụ ngôn
này giải thích vì sao Nước Thiên Chúa, đã được Đức Giêsu khai mào, lại chưa
được biểu lộ ra trong vinh quang, đặc biệt tại sao những bước đầu của
Nước Thiên Chúa trong sứ vụ của Đức Giêsu lại thiếu vẻ huy hoàng và oai phong
đến thế;
- đối với những người ở ngoài (c.
11), sau cuộc đoạn tuyệt được nói đến ở ch. 12, các dụ ngôn này trước tiên phải
khẳng định rằng những gì họ có thể thấy từ bên ngoài về Nước Thiên Chúa, là
được ban cho họ để xác nhận thái độ không tin của họ; và điều này thuộc về Mầu
nhiệm, nghĩa là thuộc về chương trình của Thiên Chúa đối với Vương quốc của
Ngài.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành bốn phần:
1) Giới thiệu chương các dụ ngôn
(13,1-3a);
2) Dụ ngôn Người gieo giống (13,3b-9);
3) Lý
do khiến Đức Giêsu nói bằng dụ ngôn (13,10-17: hai phần nhỏ a- cc. 11-12; b-
cc. 13-17 theo cấu trúc chuyển hoán);
4) Giải thích dụ ngôn Người gieo giống
(13,18-23).
3.- Vài điểm chú giải
- dụ
ngôn (3): Trong hy ngữ, có động từ paraballô có nghĩa là “so
sánh, đối chiếu”. Kể một dụ ngôn (parabolê, hầu như tương đương
với từ Híp-ri mâshâl), là kể một tình huống nhằm lưu ý về một thực
tại ít được chú ý hơn, nhưng tác giả muốn các thính giả biết. Tác giả dụ ngôn
không phải là một sử gia, nhưng là một nhà thần học và một nhà
luân lý; ông có thể sáng tác ra các hoạt cảnh tùy theo sứ điệp hoặc bài học ông
muốn truyền đạt. Một dụ ngôn không phải là một ẩn dụ: trong một ẩn
dụ, mọi chi tiết đều có ý nghĩa, còn trong một dụ ngôn, người ta chỉ
nhắm đến sứ điệp tổng quát (Tuy nhiên, dụ ngôn Người gieo giống được giải thích
ra lại có vẻ là một ẩn dụ). Trong dụ ngôn, cần đặc biệt ghi nhận các nét
“khác thường” thì mới hiểu được bài học căn bản.
- có
những hạt rơi xuống vệ đường (4): Hẳn là người nông phu có
điên thì mới gieo hạt giống lên mặt đường đã chai lì, hoăc lên vùng sỏi đá hay
vào các bụi gai (x. cc. 5.7)! Tuy nhiên, theo J. Jeremias, tập tục trồng lúa
của Paléttina là gieo giống trước khi cày xới đất cho hạt giống lọt xuống lớp
đất sâu. Thật ra lối giải thích này tuy hấp dẫn nhưng không phù hợp với những
gì đã xảy ra thật sự trong bài dụ ngôn. Vì vậy thay vì ra sức bảo vệ tính xác
thực của dụ ngôn, ta nên lưu ý đến khía cạnh “khác thường” của lối xử sự của
người gieo giống.
- hạt
được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục (8):
Có những nhà chú giải như Jeremias cho rằng dụ ngôn này là một bài
khuyến khích cổ võ tin vào thành công cuối cùng. Tuy nhiên, có một số
khó khăn: (1) Một sử gia kinh tế (K.D. White) cho biết rằng năng suất 1 gấp
100, thậm chí 1 gấp 400, không phải là lạ lùng, chẳng hạn nếu trồng lúa trong
vùng Giléad, gần Gađara. (2) Nếu Mt đã muốn nêu bật mùa màng bội thu,
hẳn là ngài đã dùng chuỗi số đi lên như Mc (30, 60, 100) thay vì chuỗi
số đi xuống (100, 60, 30), bởi vì như thế sẽ làm yếu đi bài học về tính lạc
quan. (3) Trong năm câu của bài dụ ngôn, có tới bốn câu mô tả sự thất bại của
vụ gieo (và trong phần giải thích, cũng có một tỷ lệ như thế). (4) Nhấn
mạnh đến các thất bại của người gieo giống dường như lại phù hợp hơn
nhiều với ngữ cảnh tổng quát của các chương này trong TM Mt, vì
các ch. 11–12 mô tả sức chống đối ngày một gia tăng để đáp lại những
hành vi quyền lực trong các ch. 8–9.
Vậy không nhất thiết phải loại bỏ lối
giải thích “lạc quan” (Jeremias), bởi vì quả thất Đấng Mêsia sẽ vẫn chiến
thắng. Nhưng bởi vì những người đương thời với Đức Giêsu vẫn đương nhiên liên
kết Đấng Mêsia với sự thành công, có lẽ Đức Giêsu không muốn nhấn mạnh đến phương
diện này đâu. Điều làm nên “mầu nhiệm Nước Trời”, mầu nhiệm mà chỉ một nhóm
giới hạn “những kẻ bé mọn” mới có thể hiểu được, đó là cuối cùng Đấng Mêsia chỉ
có thể thành công xuyên qua thất bại.
Tuy nhiên, viễn tượng của phần giải
thích lại theo hướng của cuộc phán xét: Lúc đầu, bài dụ ngôn nhắm nhiều hơn đến
các loại đất khác nhau và vụ thu hoạch cuối cùng, nhưng sang phần giải thích, Mt
đã thay đổi Mc mà đặt cho dụ ngôn nhan đề “Người gieo giống” (Mt
13,18). Thật ra người gieo giống chỉ đóng một vai trò nhỏ bé trong truyện, vì
bài đã trở thành dụ ngôn về “Lời rao giảng Nước Trời”. Tuy nhiên, tác giả Mt
làm như thế là để sau này ngài có thể đồng hóa người gieo giống với Đức Kitô
(x. 13,37). Bởi vì đối với ngài, Đức Giêsu tháp tùng Hội Thánh qua dòng lịch sử
(x. 28,18). Người chính là Đấng đang hiện diện và tích cực hoạt động trong công
việc gieo rắc Lời (x. 13,37). Người tự đồng hóa với các thừa sai của Người (x.
10,40). Chính Người xây dựng Hội Thánh (x. 16,18), tích cực hỗ trợ Hội Thánh
trong việc duy trì kỷ luật (x. 18,18-20). Và cuối cùng Người sẽ là vị Thẩm phán
tách các môn đệ trung thành khỏi những đồ đệ bất trung (x. 13,41-43). Quả thật,
Mt đã muốn đọc tất cả các dụ ngôn của ch. 13 này dưới ánh sáng của cuộc
phán xét cuối cùng. Vì thế, tác giả nhấn mạnh đến trách nhiệm cá nhân là phải
sinh “hoa quả”, tức là các hành vi tốt lành, và ngài đã đảo lộn thứ tự của Mc
là 30-60-100 thành 100-60-30 cho phù hợp với các truyện của ngài về phán xét:
bắt đầu với việc ca ngợi những người thu hoạch nhiều hoa quả nhất, để đi đến
chỗ phê phán những người không sinh hoa quả (x. 25,14-30). Vậy một truyện
về sức mạnh của Lời Chúa đã trở thành truyện về phán xét.
- các
mầu nhiệm Nước Trời (11): Công thức này được lấy từ nền văn chương khải huyền. Công
thức nhắc lại những bí mật tối hậu của Thiên Chúa, cụ thể là kế hoạch cứu độ
của Thiên Chúa tập trung nơi các hoạt động cứu chữa của Đức Kitô.
- Hễ
ai nghe lời … đó là kẻ đã được gieo (19): Dụ ngôn “Người gieo
giống” đã được chuyển thành dụ ngôn “Lời rao giảng về Nước Trời”. Trọng tâm đã
chuyển từ một giáo huấn về mầu nhiệm Đấng Mêsia phải thất bại về mặt
nhân loại sang việc lưu ý, khuyến khích, là hãy sẵn lòng đón nhận sứ điệp Tin
Mừng. Dù vậy, giữa hai bài dụ ngôn và phần giải thích không có mâu thuẫn, mà
chỉ có khác biệt về điểm nhấn mạnh thôi. Mt đã sửa nhẹ khi viết lại Mc
4,14 để tránh sự đụng chạm trực tiếp giữa hạt giống là lời (Mc 4,14) và
hạt giống là người nghe (x. Mc 4,16.18.20), nhưng cũng không thành công
bao nhiêu, vì ở Mt 13,19b, “điều đã được gieo trong lòng” hẳn là lời,
thì ở cc. 20tt, “điều (CGKPV: “kẻ”) được gieo” là “kẻ nghe”. Ở c. 19, Mt
lại xác định lời được gieo là “Lời rao giảng về Nước Trời”.
Rõ ràng Mt nhấn mạnh rằng người
môn đệ là người hiểu lời: ở c. 19, ngài xác định rằng vấn đề với loại hạt
giống/đất thứ nhất là thiếu hiểu biết, và đến c. 23, ngài xác định rằng
hạt giống tốt/đất tốt thì nghe và hiểu. Đây là hành văn đóng khung (x.
thêm 13,13.15.51). Và Mt đã thay đổi chủ từ số phức của Mc (x. Mc
4,16tt) thành số đơn (x. Mt 13,20tt) để nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân.
Câu 13,23 tóm bằng cách mô tả dung mạo của hạt giống tốt/đất tốt với các cặp
động từ bổ nghĩa cho nhau: nghe và hiểu, sinh hoa kết quả
và làm ra (so với Mc 4,20).
4.- Ý nghĩa của bản văn
*
Giới thiệu chương các dụ ngôn (1-3a)
Toàn chương 13 của TM I có một
cụm từ dẫn nhập ngắn về thời gian, “hôm ấy” (en tê hêmera ekeinê) nhằm
tạo một liên kết với cảnh trước, nhưng lại đưa Đức Giêsu sang một cảnh mới.
Những người nghe, là “dân chúng”, lại được nhắc lại. Đức Giêsu ra khỏi “nhà” và
đi đến bờ hồ (c. 1). Đám đông lại kéo đến với Người (c. 2). Đây là lần duy nhất
tác giả ghi nhận Đức Giêsu “rời bỏ nhà”. Chi tiết lạ, bởi vì ngay khi Người
chuyển từ Nadarét đến Caphácnaum, tác giả cũng không hề lưu ý. Rất có thể chi
tiết này đã có sẵn trong nguồn Mt dùng và là một từ để mở vào một
hành trình truyền giáo. Nhưng cũng rất có thể là trong ý Mt, là tác
giả quen loại bỏ các chi tiết miêu tả, từ ngữ ấy có một ý nghĩa ngôn sứ và mục
vụ. Sau bài Diễn từ truyền giáo, từ này nhắc nhớ các đòi hỏi của nhiệm vụ
truyền giáo. Tất cả những ai đã được mời bước theo Đức Giêsu (4,18-22) và đã
được sai phái đi nhân danh Người, đều phải chấp nhận “bỏ nhà” (10,35-36;
19,21).
Nới chốn là “Biển Hồ” (Ghennêsarét):
đây là nơi xảy ra việc kêu gọi các môn đệ đầu tiên (4,18) và cũng là nơi mà
nhóm các môn đệ có một kinh nghiệm đầu về Đức Giêsu (8,24-27). Đức Giêsu lên
một “chiếc thuyền”, mà ta có thể coi là biểu tượng của Hội Thánh (x.
8,23), nhưng trong TM Mt, con thuyền hàm ý một sự xa cách nào đó với các
đám đông (x. 14,13; 15,39). Cũng như khi bắt đầu Bài Giảng trên núi, ở đây
Người cũng “ngồi” (2 lần; x. 5,1; 7,29; 15,29; 23,2; 24,3); đây là dấu chứng tỏ
tư cách của một vị thầy. Đám đông thì “đứng”: đi theo ngữ cảnh của TM I,
có lẽ ta không nghĩ tới tư thế đứng trong một đền thờ hay một hội đường, mà là
tư thế của gia đình Đức Giêsu “đứng bên ngoài” (12,46-47). Chương 13 sẽ cho
thấy làm thế nào dân chúng chiếm chỗ của những người đứng bên ngoài.
Đức Giêsu bắt đầu nói với dân chúng.
Tác giả Mt không dùng từ “didaskeô, “dạy” của TM Mc, mà
dùng động từ “nói” (laleô, “to speak”), bởi vì ngài thường dùng động từ
“dạy” cho việc giải nghĩa Lề Luật và
công bố cung cách sống luân lý, thường ở trong hội đường (4,23; 5,2; 7,29;
9,35; 11,1; 13,54; 21,23; 26,55; 28,20). Bài diễn từ sẽ tập trung vào mầu nhiệm
Nước Trời (c. 11), nhưng được diễn tả bằng một ngôn ngữ tiêu biểu, bằng
“dụ ngôn” (x. cc. 3.10.13). Chi tiết này tương ứng với cc. 10,13,34 và 53.
* Dụ
ngôn Người gieo giống (3b-9)
Đọc
bài dụ ngôn, ta ghi nhận: Ta không thấy nói là đất mầu mỡ hay cằn cỗi, bùn lầy
hay khô cứng, bằng phẳng hay mấp mô. Ta cũng không biết là vụ gieo giống được
thực hiện vào mùa thu hay đầu mùa đông. Cũng khôn có một lời nào về khí hậu.
Như vậy, chỉ những điều được nói tới trong bài mới quan trọng thôi. Nhân vật
chính là “người gieo giống” (ho speirôn) mà ta có thể thêm vào tính từ
“siêu đẳng”. Ông đi vào sân khấu một mình; ông làm một công việc
lâu giờ và mệt nhọc, mà không hé một lời, hoặc để than trách hoặc để nói
lên sự thỏa mãn. Ở đây, chỉ có các sự kiện. Ta có thể gọi đây là một “hành động
biểu tượng” được minh họa bởi một nhà bình luận giấu mặt.
Có
nhiều yếu tố của bài dụ ngôn được nêu ra: hành vi gieo giống, hạt giống, các
loại đất, chim trời, …; nhưng có thể nói độc giả được mời chú ý tối đa đến
người gieo giống, công việc của ông, sự cần mẫn, sự can đảm, sự cương quyết của
ông, cũng như các kết quả. Ông là một nông dân lạc quan, tin tưởng rằng
cả “các con đường” khô cứng, những nơi sỏi đá, các bụi gai cũng có thể làm cho
hạt giống sinh hoa kết quả. Không phải là ông thiếu kinh nghiệm, vì bất cứ
người nào ít kinh nghiệm nhất cũng hiểu rằng hạt giống không thể tăng trưởng
trên những mảnh đất loại đó, nhưng ông là người cải tổ các kỹ thuât truyền
thống.
Thật
ra công việc gieo giống chỉ là khởi điểm để đưa tới điểm khác. Tác giả đang
nghĩ tới hoạt động của một người thợ khác, là nhà rao giảng Tin Mừng,
hay chính xác hơn, đó là chính Đức Kitô. Chính Người đã cách mạng các tiêu
chuẩn của việc giảng dạy quen thuộc (của người Pharisêu) khi chuyển sứ điệp của
Thiên Chúa cho mọi hạng người, không phải chỉ cho những người “tốt”, nhưng cho
mọi người. Sứ mạng của Người không được bù đắp bởi những thành công tức thời
(trái lại, thập giá đang chờ Người!), nhưng Người không đầu hàng trước các thất
bại, Người tiếp tục đi tới và gieo vãi. Ông đã tưởng rằng luôn có trước mặt một
đám đất tốt, nếu không, ông đã chẳng phí phạm hạt giống. Thế nhưng cũng một
loại hạt giống lại đạt được bốn loại kết quả: những nỗ lực đầu tiên đã thất
bại, chỉ những nỗ lực cuối cùng mới có kết quả. Đức Giêsu cũng đã ở trong hoàn
cảnh tương tự. Người đã thường xuyên ra đi, ngay từ buổi đầu, để gieo Lời trên
khắp các nẻo đường Paléttina, nhưng mặc dù lao nhọc, Người không thâu đạt được
các kết quả tốt. Sự hăng hái ban đầu nay đã tan biến nơi các thính giả và nhiều
người đã rút lui, không bước theo Người nữa. Dụ ngôn đang đương đầu với phương
diện chướng kỳ nhất của sứ vụ Nước Trời: dường như phần lớn công việc tông đồ,
giống như phần lớn hạt giống, đã bị phí đi. Nhưng Đức Giêsu không nản chí,
Người không nhìn tới thời giờ và sự mệt nhọc; Người không khựng lại trước các
thất bại; Người đã tiếp xúc gặp gỡ (x. 11,19), để cho thấy rằng cả mảnh đất khô
chồi nhất vẫn có thể trở thành đất “tốt”.
Trong
khi biện minh cho các kết quả của công việc của Đức Giêsu, Đấng Mêsia, dụ ngôn
cũng trả lời cho các đòi hỏi biện giáo và thần học của cộng đoàn tiên khởi.
Nhiệm cuộc cứu độ mới này phải chấp nhận nguyên tắc là thành công chỉ đến xuyên
qua thất bại. Vậy có thể tóm tắt ý nghĩa dụ ngôn như sau: Cũng y như người gieo
giống đã làm công việc của mình xuyên qua vô số khó khăn thì mới đạt thành
công, Nước Thiên Chúa được Đức Giêsu khai mào sẽ chỉ được thiết lập xuyên qua
vô số những thất bại đáng kể. Và đó lại chính là điều mà cả người Pharisêu lẫn
các đám dông không thể “hiểu” được. Nhưng thành công được nêu ra trong bài dụ ngôn
cũng là một lời khuyến cáo: có hạt được gấp trăm, nhưng có hạt chỉ được
sáu chục, và có hạt lại chỉ được ba chục mà thôi. Kết quả có đó vẫn không được
làm cho người môn đệ rơi vào tình trạng lạc quan ngây thơ mà không tiếp tục cố
gắng nữa.
* Lý
do khiến Đức Giêsu nói bằng dụ ngôn (10-17)
Đức Giêsu vẫn còn ở trên thuyền (c.
2), nhưng các môn đệ vẫn cứ đến gần Người mà hỏi, mà cho đến nay ta cũng chẳng
thấy các ông đâu cả! Các ông trao đổi với Người một câu chuyện (x. cc.
10.18.24[1].31) kéo dài khá lâu trong
khi đám đông thinh lặng chứng kiến (c. 36). Đây những chỗ thiếu mạch lạc do
công việc soạn thảo.
Giảng
dạy bằng dụ ngôn là một cách mới, do đó, cần biện minh. Ở đây tác giả
thu gom lại các câu thuộc nhiều xuất xứ có tầm mức khác nhau dường như không đáp
ứng mục tiêu chờ đợi. Chúng giúp “giải thích” vì sao các môn đệ đón nhận, còn
người Do Thái thì không đón nhận lời rao giảng của Đức Giêsu. Điều này, chúng
ta đã thấy ở 11,19.25-26. Ở tại nguồn, có sự quảng đại vô biên của Thiên Chúa,
Đấng tùy nghi “cho” (didômi) những người này mà không cho những người
kia được hiểu các mầu nhiệm Nước Trời (c. 11). Theo ngữ cảnh, “anh em” là các
môn đệ, còn “họ” là dân chúng (c. 2). Sự cứng tin của người Do Thái, Hội Thánh
sơ khai thấy là không hiểu được, nên đã gán thái độ tiêu cực này cho một hành
động (trừng phạt) của Thiên Chúa. Trước đó, Đức Giêsu đã giải thích đây là ý
muốn của Thiên Chúa (x. 11,25-27). Lịch sử được giải thích, hoặc đúng hơn, được
bẻ lại theo thần học, nhưng làm như thế là gây ra những trục trặc trầm trọng
hơn những trục trặc người ta muốn giải quyết.
Lời
khẳng định hàm hồ ở c. 12 được làm sáng tỏ bởi một lời khác còn tăm tối
hơn. Lời này minh họa sự tự do của Thiên Chúa nhưng che mất sự công minh của
Người. Động từ “ban/cho” nêu bật sự quảng đại của Đấng Tối Cao, nhưng chỉ cho
một số người, là những người đã được ưu đãi, khiến cho họ thêm dồi dào,
còn những kẻ không có gì, thì còn bị tước mất cả những gì họ có thể có (c. 13).
Sau
những lời “tâm sự” này, Đức Giêsu giải thích lý do dùng ngôn ngữ dụ ngôn bằng
cách nại đến một bản văn của Isaia
(6,9-10). Đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử cứu độ, người ta thấy
những thất bại như Đức Giêsu. Dường như đây là thân phận của các ngôn sứ. Nhưng
trước khi trích dẫn đoạn dài (cc. 14b-15), Mt tóm tắt đoạn văn một cách
rõ ràng (c. 13b). Đức Giêsu đã chọn ngôn ngữ ẩn dụ, một kiểu nói thường thấy
nơi các ngôn sứ, “bởi vì” (hoti nguyên nhân) các người đồng hương đã
không muốn “thấy và nghe” những gì Người đã loan báo và đề nghị cho họ bằng
ngôn ngữ thông thường. Đây là một sự thay đổi trong chiến thuật do sự
cứng cỏi ương bướng của các thính giả, chứ không phải do một phương pháp
mục vụ mới. Ai đã từ chối đề nghị đầu tiên, thì sẽ nhận được một đề nghị
khác không phải dễ hơn, nhưng tối tăm hơn, che phủ hơn, huyền bí hơn. Sự từ
khước của con người là nguyên do khiến Thiên Chúa, Đức Giêsu co lại. Mc
còn cứng rắn hơn nữa vì ngài gán cho Đấng Cứu Thế ý định trừng phạt: “để
[hina mục đích] họ có nhìn mãi nhìn hoài cũng chẳng thấy” (Mc 4,11)[2].
Mt rút
bản văn Is 6,9-10 từ Bản dịch LXX;
so với bản Híp-ri, trong Bản dịch Hy Lạp này, mọi nét phi lý về thần học đã bị
loại đi. Vị ngôn sứ tiên liệu sứ mạng của ông sẽ thất bại ngay bước đầu, do các
thính giả cứng lòng. Ông vẫn mạnh mẽ can đảm làm việc để mong hoán cải toàn thể
Tác
giả đang “cay cú” với hội đường, nhưng ngài còn tỏ ra bận tâm với cộng đoàn hơn
(cc. 16-17). Mối phúc của các môn đệ đã được công bố ngay trong phần mở của Bài
Giảng trên núi (5,12). Bây giờ Mt cảm thấy cần nhắc lại để nâng đỡ đức
tin vẫn còn yếu ớt của các tín hữu. Mối phúc này hệ tại việc lắng nghe Lời
Chúa, chấp nhận bản thân và công việc của Đức Kitô. Đây chính là vinh dự họ có,
còn lớn lao hơn vinh sự của các vị Tổ phụ Cựu Ước. Bằng móc nối này, Mt
cũng cho thấy cộng đoàn Do Thái – Kitô hữu này mới là sự nối dài của Israel
chân chính (chứ không phải là hội đường).
*
Giải thích dụ ngôn Người gieo giống (18-23)
Phần “giải thích” lại tách khỏi chính
bài dụ ngôn (cc. 3-9) về mặt nội dung và hình thức. Câu truyện đầu được thêm
vào nhiều chi tiết mới. Các chi tiết mô tả là hạt giống, gai góc, chim trời, …
đã có một ý nghĩa biểu tượng mà trước đây không có. Dụ ngôn đã biến thành hầu
như một ẩn dụ và đã thay đổi cả chủ đề. Bài gốc là một loan báo
về những chiến thắng tương lai của Nước thiên sai; đề tài của “phần giải thích”
lại nhìn đến số phận của lời nơi mỗi thính giả. “Dụ ngôn Người gieo giống” đã
chuyển thành dụ ngôn về “Lời rao giảng Nước Trời” (c. 19); từ ngữ logos
được dùng 5 lần, trong khi không xuất hiện trong phần đầu. Các dạng đất khác
nhau không tượng trưng các thính giả nghe lời Đức Giêsu rao giảng, nhưng các
loại Kitô hữu khác nhau, các tâm trạng khác nhau họ có khi nghe sứ điệp Tin
Mừng. Người giải thích đã quên mất cử tọa Do Thái đang được Đức Giêsu ngỏ lời
với, để nói với một cử tọa đã và đang trải nghiệm những khó khăn mà đức
tin Kitô giáo gặp phải. Trong bản văn đầu, tác giả nhắm vào sự tương phản và
hướng về bài học chung kết phát xuất từ kết quả phong phú do đất tốt; ngược
lại, phần giải thích quan tâm đến cả các mưu toan không thành công. Trong bản
văn này, các nguyên do ngăn cản hoặc làm chậm sự phát triển của hạt giống là gian
nan (thlipsis) và ngược đãi (diôgmos); các nghịch cảnh này liên
hệ đến hoàn cảnh của Hội Thánh sơ khai (tương tự trong Lc 8,15: hypomonê
hiểu là “sự kiên trì” khi gặp các nguy hiểm đối với đức tin).
Bản văn mới này cho thấy rằng mọi sự
tùy thuộc thiện chí của mỗi một tín hữu. Tác giả đã thay từ ngữ số phức ha
men, “có những [hạt]”, alla, “có những [hạt] khác” (cc. 4-8) bằng từ
số đơn (“ai nghe”: cc. 20.22.23). Lời đến tai mọi người (đám đông và các môn
đệ) nhưng không phải mọi người đều quan tâm đến và vâng lời như nhau (“nghe”
theo nghĩa Kinh Thánh là “hiểu”, tức là gắn bó về trí thức, và “vâng lời”, tức
gắn bó bằng đời sống. Đây chính là thần học kinh Shema (Đnl
6,4-5) được vào cho các Kitô hữu.
+ Kết
luận
Bài Giảng trên núi và bài Diễn từ về
truyền giáo nhắm trực tiếp đến chính tư cách
môn đệ; còn các dụ ngôn lại nhắm đến cách thi hành sứ mạng truyền giáo,
hoàn cảnh của Hội Thánh. Vào lúc tác giả viết, Hội Thánh đã trở nên vững vàng ở
khắp nơi. Dù vậy, sự cứng lòng của người Do Thái vẫn là một cái gai làm
cho các tín hữu phải đau đớn (cc. 10-17). Cần phải nêu bật tất cả các cố gắng
của Đức Giêsu nhằm đưa sứ điệp Phúc Âm đến cho người đồng hương của Người.
Tuy nhiên, sứ điệp cũng được gửi đến
cho các môn đệ của Đức Giêsu. Họ phải thấy mình vừa được nhắc nhở vừa được trấn
an: được nhắc nhở hãy trở nên đất tốt và sinh hoa quả tối đa; được trấn an do
biết Đức Giêsu hoàn toàn làm chủ tình thế: Người có gặp thất bại, nhưng các
thất bại này được tiên liệu trong chương trình của Thiên Chúa.
5.- Gợi ý suy niệm
1.
Quả thật, thành công đến từ thất bại. Thất bại, như tấn bi kịch thập giá sẽ cho
thấy, là đảm bảo cho thành công. Do đó, bài dụ ngôn là một sứ điệp chiến
thắng gửi đến cho các tông đồ và các tín hữu, là một lời khuyến khích và
trấn an. Hiểu như thế, bài dụ ngôn là một lời loan báo mang tính ngôn sứ
báo trước các chiến thắng của Đức Kitô và của Hội Thánh.
2.
Hoạt động của Đức Giêsu chỉ đâm chồi và kết trái tại nơi nào có đất tốt, nghĩa
là tại nơi nào Người gặp được những tư thế sẵn sàng. Như thế, người tín hữu
phải trở thành “đất tốt” nếu muốn làm cho hạt giống thần linh nhanh chóng đâm
chồi và kết quả nơi mình và nơi người khác. Phải mở trái tim ra, phải san bằng
con đường mà đón sứ điệp Kitô giáo. Bài dụ ngôn đang muốn lay động tình trạng
tê cóng, lưỡng lự hoặc cứng cỏi của các thính giả.
3.
Trong Bài giảng trên núi, Đức Giêsu đã cho biết rằng người môn đệ không chỉ
được đánh giá theo những gì đã biết, nhưng còn theo những gì đã làm (7,13-27).
Tiêu chuẩn này được nhắc lại trong phần giải thích dụ ngôn. Không phải chỉ cần
nghe lời giảng là đã được cứu, nhưng còn phải diễn tả ra bằng những việc tốt
lành, tức là làm cho lời rao giảng đã nghe sinh hoa kết quả. Tiêu chuẩn này đã
được nhắc lại nhiều lần (x. 3,8.10; 7,17-19; 12,33). Các quả chứng tỏ phẩm chất
của cây; không có hoa quả, mọi sự chỉ là chuyện bì phu.
4.
Đời sống Kitô hữu sẽ gặp vô số nguy hiểm (Satan, gian nan, thử thách, bách hại,
các lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý). Cần phải có sức mạnh và sự can đảm
mà thắng vượt chúng. Bài dụ ngôn về Lời là bài dụ ngôn về đức tin: bài này minh
họa tấn bi kịch của người phải hằng ngày chiến đấu để giữ vững sự ưng thuận đối
với sứ điệp của Đức Kitô.
Lm FX Vũ Phan Long, ofm
[1] Câu 10: “Các môn đệ đến gần”; c.
18: “Vậy anh em hãy nghe”, hiểu là Đức Giêsu nói với “các môn đệ”; c. 24: “Đức
Giêsu trình bày cho họ [autois]”, hiểu là “các môn đệ” thì trung thành
với văn cảnh hơn – Bản dịch CGKPV dịch diễn là “Đức Giêsu trình bày cho dân
chúng nghe”, có lẽ cho phù hợp với ý của c. 34 –; c. 34: “Người còn kể cho họ [autois]”,
hiểu là “các môn đệ”.
[2] Tuy nhiên, Mc 4,33 dường
như giảm nhẹ khẳng định cứng cỏi của 4,11: “tùy theo mức họ có thể nghe”. Như
vậy, dụ ngôn là một cách nói dễ hơn và phù hợp hơn với trình độ của các
thính giả.