CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN

Sống Đức Tin Ki-tô Là Biết Sám Hối Và Thay Đổi

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Kn 12:13, 16-19;  Rm 8:26-27;  Mt 13:24-43)

          Tuần trước chúng ta đã suy niệm ý nghĩa dụ ngôn Người đi gieo hạt giống:  người gieo là Chúa Giê-su rao giảng Tin Mừng cứu độ và chúng ta là những kẻ đón nhận lời giảng, đồng thời chúng ta phải cộng tác để Nước Trời là sự sống mới trong tâm hồn được sinh hoa kết quả.  Thiên Chúa muốn tất cả chúng ta hãy đón nhận lời Chúa như mảnh đất tốt mang lại kết quả phong phú.  Nhưng chúng ta lại là con người yếu đuối nên đều có những lúc là mảnh đất sỏi đá hoặc gai góc.  Chúa nhân từ luôn mở vòng tay đón chúng ta quay về.  Do đó, sám hối là điều cần thiết giúp chúng ta trở về, thay đổi lối sống sao cho thích hợp với sự phát triển của những giá trị Tin Mừng trong cuộc sống người Ki-tô hữu.  Đây chính là chủ đề Phụng vụ Lời Chúa hôm nay.

          Tại sao cần sám hối?  Trước hết sách Khôn Ngoan cho chúng ta câu trả lời:  vì chúng ta là  người có tội được Chúa ban ơn sám hối.  Ơn Chúa đều có mục đích của nó.  Sách Khôn Ngoan không chỉ cho chúng ta hình ảnh một Thiên Chúa quyền năng, hành động công minh và “trị tội kẻ to gan”,  nhưng còn là hình ảnh một Thiên Chúa “xử khoan hồng, lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng ta”, nhất là một Thiên Chúa “đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối”.  Vậy rõ ràng là khi ban cho chúng ta cơ hội sám hối, Chúa muốn chúng ta sử dụng ơn sám hối ấy để thay đổi cách đón nhận lời Chúa sao cho sinh hoa trái dồi dào trong tâm hồn.  Đây chính là “niềm hy vọng tràn trề” Chúa ban cho chúng ta để chúng ta bất chấp thân phận tội lỗi mà mạnh dạn mở lòng đón nhận Chúa qua lời Người.

          Nhưng để thực thi việc sám hối, chúng ta cần một động lực mạnh mẽ.  Thì đây, thánh Phao-lô giới thiệu với chúng ta động lực ấy là Chúa Thánh Thần.  Thiên Chúa biết chúng ta là “những kẻ yếu hèn”, nên Người ban cho chúng ta Thần Khí giúp chúng ta sống nhờ sức mạnh của Thiên Chúa.  Thiên Chúa rõ chúng ta không biết “cầu nguyện” thế nào cho phải lẽ, nghĩa là không biết sống mối tương quan con cái với Người làm sao, nên Người cử Thánh Thần đến giúp chúng ta sống trọn vẹn tình con thảo.  Thiên Chúa biết chúng ta dễ dàng bị cám dỗ làm theo ý riêng mình, nên Người nhờ Thánh Thần nhắc nhở chúng ta vâng phục Chúa.  Thánh Thần giúp chúng ta làm tất cả những điều trên có nghĩa là Người giúp chúng ta sám hối mỗi khi chúng ta hành động theo cám dỗ của ma quỷ mà làm trái ngược với những gì Chúa muốn chúng ta làm.

          Nếu Thiên Chúa Cha và Thánh Thần ban ơn sám hối và thúc giục chúng ta sám hối thì Chúa Giê-su chính là Đấng giúp đỡ chúng ta hòa giải với Thiên Chúa nhờ việc sám hối ấy.  Hôm nay Chúa kể luôn ba dụ ngôn một lúc để diễn tả những khía cạnh khác nhau của Nước Trời trong tâm hồn chúng ta.  Ngoài chuyện dụ ngôn hạt cải và chuyện nắm men trong bột nói lên sự lớn mạnh của Nước Trời, Chúa Giê-su còn kể một dụ ngôn đặc biệt, đó là chuyện cỏ lùng được kẻ thù gieo vào trong ruộng lúa của ông chủ.  Các đầy tớ nóng lòng muốn nhổ phắt cỏ lùng, nhưng chủ nhà bảo họ hãy kiên nhẫn chờ đến mùa gặt, vì ông sợ họ nhầm lẫn nhổ luôn cả lúa.  Thái độ kiên nhẫn ấy chính là hành vi của lòng thương xót, một phẩm tính nổi bật của Thiên Chúa giúp chúng ta là những kẻ tội lỗi được an tâm mà sám hối quay về với Người.  Lại nữa, nếu hiểu câu chuyện dụ ngôn này theo ý nghĩa lòng Chúa thương xót, chúng ta cũng có thể tin rằng đối với Thiên Chúa nhân từ, cây cỏ lùng vẫn có khả năng trở thành một cây lúa, giống như lòng thương xót có thể biến đổi một kẻ tội lỗi thành người con thảo của Thiên Chúa.  Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được!

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Hạt cải mọc thành cây rau lớn, nắm men làm cho cả thúng bột dậy men.  Chúa muốn Nước Trời phát triển giống như thế trong tâm hồn chúng ta.  Nhưng Ác Thần gieo con cái nó mọc lên bên cạnh chúng ta, như cỏ lùng mọc chung với lúa.  Kẻ xấu người tốt sống bên nhau trong xã hội này.  Nhiều kẻ xấu dường như còn được ưu đãi hoặc may mắn hơn cả kẻ lành!  Thật khó hiểu.  Nhưng không phải vì thế mà chúng ta ganh tị hoặc kêu trách Chúa.  Điều khó hiểu kia sẽ được giải đáp vào ngày tận thế.  Phần chúng ta, chỉ cần biết Chúa ban cho chúng ta ơn sám hối, để chúng ta có thể quay 180 độ mỗi khi sa ngã mà về với Chúa.

 

  Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A