Tình Liên Đới Đồng Loại
Suy niệm Chúa nhật XVIII thường niên – năm A
(Mt 14, 13-21)
Báo cáo của tổ chức vận động chống đói
nghèo quốc tế Oxfam có tiêu đề "Nền
kinh tế của 99%", được đưa ra trước thời điểm khai mạc Diễn đàn Kinh tế
Thế giới tại Davos (Thụy Sỹ) từ 17-20/1, theo đó, tổng tài sản của 3,6 tỷ người
nghèo nhất thế giới chỉ tương đương với tổng giá trị tài sản ròng của 8 người gồm
6 công dân Mỹ, một doanh nhân Tây Ban Nha và một doanh nhân đến từ Mexico.
Trong số này có những tỷ phú như Bill Gates - nhà sáng lập Tập đoàn công nghệ
danh tiếng Microsoft, Mark Zuckerberg - ông chủ trang mạng xã hội "đình
đám" Facebook và Jeff Bezos, nhà sáng lập trang bán hàng trực tuyến
Amazon. Ước tính, giá trị tài sản của nhóm người giàu nhất này tăng trung bình
11% mỗi năm kể từ 2009.
Cũng theo cách tính toán mới, con số của
năm là 43 người giàu nhất và 3,6 tỷ người (50% dân số thế giới).
Câu hỏi được đặt ra : Tại sao lại có sự bất
bình đẳng và chênh lệch giầu nghèo quá lớn như vậy? Có phải vì con người ích kỷ,
hẹp hòi không biết chia sẻ cho nhau không, hay thay vì chế tạo ra bột mỳ, lương
thực, thuốc men giúp con người đỡ khổ, thì lại tích luỹ làm giầu, chế tạo súng ống
chạy đua vũ trang ?
Thật nguy hiểm,
khi con người ngày càng giầu về vật chất, nhưng lại nghèo về tinh thần như : đạo
lý, công bằng, tình thương, sự thật, tình liên đới và trách nhiệm, kéo theo sự
đói nghèo tổng thể. Phải khẳng định rằng, Thiên Chúa tạo dựng con người theo
hình ảnh và như họa ảnh của mình (x. St 1,26). Người cũng là Thiên Chúa tình thương
(x. 1Ga 4,8), nên con người tự bản chất là tình thương. Đức thánh Giáo hoàng
Gioan Phaolô II đã viết: “Con người không thể sống mà không có tình
yêu. Con người sẽ là kẻ không thể hiểu được đối với chính bản thân mình, cuộc sống
con người mất nghĩa nếu không nhận lấy mạc khải về tình yêu, nếu không gặp tình
yêu, nếu không kinh nghiệm tình yêu và không nhận lấy kinh nghiệm đó làm của
mình và dự phần vào đó cách mãnh liệt” (Thông điệp Đấng Cứu Chuộc số
10). Không có tình thương, thế giới không còn là thế giới của con người nữa.
“Anh em hãy cho họ
ăn”, lệnh Chúa
Giêsu truyền cho các môn đệ phải làm ngay lập tức. Nhìn thấy đám đông, Đức
Giêsu chạnh lòng thương. Đây là một đám đông nghèo khổ, đói khát, bệnh tật, bơ
vơ không người chăn dắt. Đám đông tội nghiệp đi tìm Đức Giêsu không phải chỉ để
được ăn no, nhưng còn để được chữa lành bệnh, nhất là được ủi an, dạy dỗ và bảo
ban.
Các môn đệ đã
nhìn thấy đám đông đói khát. Các ngài muốn thoái thác, phủi tay: “Nơi
đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thày giải tán đám đông, để họ vào các
làng mạc mua lấy thức ăn”. Đó là một giải pháp hợp lý. Lo cho năm ngàn
người ăn là ngoài tầm tay của các môn đệ. Đó cũng là giải pháp nhẹ nhàng, ai lo
phần nấy, thật dễ dàng. Nhưng, đó là giải pháp không được Chúa chấp nhận. Tại
sao vậy ? Vì thiếu tình liên đới.
Triệu chứng thờ ơ
xuất hiện, gặp người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn mà không thấy xót xa,
không ra tay giúp đỡ dù có điều kiện; đứng trước sự bất công mà không thấy phẫn
nộ ; thấy điều tốt đẹp, cao thượng mà không ngưỡng mộ, cảm phục. Dù là thờ ơ, dửng
dưng, hay mặc kệ, bất cần đều là vô cảm.
Chúa muốn loại bỏ
sự vô cảm nơi các môn đệ, Người phán: “Họ không cần phải đi đâu cả,
chính anh em hãy lo cho họ ăn. Họ đói, các con phải lo cho họ ăn”. Một
trách nhiệm nặng nề vượt quá sức các môn đệ, nhưng đã đồng cảm thì phải có
trách nhiệm. Trái tim cảm thương thật sự phải truyền tới bàn tay.
Đồng cảm là góp
phần mình. Chúa không cần những phép tính vĩ mô, năm ngàn người thì cần bao
nhiêu bánh? Những tính toán như thế, không thực tế và làm ta lo sợ. Chúa dạy
các môn đệ khởi đi từ thực tế: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc
bánh và hai con cá”. Thật là ít ỏi, nghèo nàn, Chúa không chê cái ít ỏi
nghèo nàn ấy: “Hãy mang lại đây cho Thày”. Có ít hãy đóng góp
ít. Nhưng quan trọng là phải bắt tay vào. Đồng cảm không đòi ta phải quán xuyến
mọi sự, nhưng đòi ta góp phần của mình vào việc chung.
Đồng cảm là chia
sẻ. Chúa chúc tụng để làm phép bánh và cá như ta thấy, những đóng góp dù ít ỏi
của ta đã thành thiêng liêng cao quí. Chúa không làm phép lạ tức khắc biến ngay
cá và bánh ra một núi lương thực cho mọi người tự do đến lấy. Chúa cũng không tự
tay phân phát lương thực cho mọi người. Chúa trao bánh và cá cho các môn đệ.
Các môn đệ trao cho mọi người. Và mọi người trao lại cho nhau. Đó là bài học lớn
của phép lạ. Chính khi mọi người trao cho nhau, Chúa làm phép lạ. Bánh và cá cứ
tiếp tục sinh sôi bao lâu những bàn tay còn trao cho nhau. Bánh và cá vẫn tiếp
tục nhân lên bao lâu mắt con người vẫn còn nhìn nhau. Những tấm bánh của tình
liên đới. Những đàn cá của sự chia sẻ nhân lên theo nhịp đập đồng cảm của trái
tim. Khi trái tim chan chứa yêu thương, quan tâm, liên đới, lương thực trở nên
phong phú, dư thừa.
Thế mà các môn đệ
đã vội lo. Cũng như ta thường lo thế giới này quá chật hẹp không đủ chỗ cho mọi
người. Lương thực trên thế giới không đủ nuôi mọi người. Hôm nay Chúa dạy ta mỗi
người hãy chia sẻ những gì mình có thì thế giới sẽ dư thừa lương thực. Khi trái
tim mở ra thế giới sẽ có đủ chỗ cho mọi người.
Quả thật, có lòng
thương cảm người khác là một điều tốt, nhưng chưa đủ, cần phải có hành động thực
sự nữa. Chúa Giêsu đã làm và dạy chúng ta như thế. Thử nghĩ, trước nỗi đau và
túng cực của tha nhân, ta có thái độ thế nào? Ngoảnh mặt làm ngơ hay bưng tai
giả vờ làm điếc, không thể chấp nhận được. Chúa không đòi chúng ta làm những việc
to lớn, nhưng đòi chúng ta biết chia sẻ những gì trong tầm tay của chúng ta, phần
còn lại Chúa sẽ thực hiện. Ngạn ngữ phương tây có nói: Giúp người thì trời giúp
cho. Việt Nam ta cũng thường nói: ở xởi nởi thì trời cởi cho, ở xẻn xo thì trời
co tay lại.
Hôm nay, Đức
Giêsu dạy chúng ta hãy nhìn những người chung quanh bằng ánh mắt của tình liên
đới, đừng dửng dưng, vô cảm. Những người già bị bỏ rơi cô đơn, người này đói vì
tôi vô tâm hay đã ăn quá nhiều, người kia rách vì tôi đã mê mải chạy theo mốt.
Những đứa trẻ này hư hỏng vì tôi đã thiếu quan tâm chỉ bảo. Những đứa trẻ kia
rơi vào tội phạm vì tôi đã không làm gương tốt cho chúng. Thế giới này chưa tốt
một phần có trách nhiệm của mỗi người chúng ta. Thế giới này chưa công bằng
trong đó có phần lỗi của chúng ta. Ý thức về sứ mạng này, chúng ta hãy phấn đấu
để trở nên những tông đồ, những sứ giả, những người cổ vũ và kiến tạo nền văn
minh tình thương.
Lạy Đức Maria, Đấng
chỉ bảo đàng lành, xin cầu cho chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ