ĐỨc Giêsu
đi trên mẶt biỂn hỐ
(Mátthêu 14,22-33 – CN XIX - A)
Lm PX
Vũ Phan Long, ofm
1.- Ngữ cảnh
Chúng
ta nên đặt đoạn văn này vào trong ngữ cảnh của nó là toàn khối từ cuối chương
13 đến chương 17 của Tin Mừng Mtthu. Đọc khối này, chúng ta nhận ra
những ý tưởng quan trọng:
1)
Chương 13 cho hiểu rằng Nước Trời đang tăng trưởng và bất cứ người nào hiểu
rằng mình được kêu gọi đi vào đấy, thì phải lựa chọn dứt khoát. Kể từ nay,
chúng ta thấy cộng đoàn của Đức Giêsu xuất hiện rõ nét dần, được củng cố dần,
mở ra dần với đức tin (x. 14,33; 16,16), đào sâu dần mầu nhiệm Đức Giêsu. Chính
là nơi cộng đoàn này mà người ta nhận ra Nước Thiên Chúa đang hiện diện và ngày
càng rõ nét. Chúng ta có thể đặt tên cho toàn khối ch. 13-17 này: “Tiến tới
việc loan báo Giáo Hội”hoặc “Giáo Hội, hoa quả đầu mùa của Nước Trời”
hoặc “Hành trình đức tin trong Giáo Hội”, bởi vì qua các chương này, tác
giả Mt đề cập đến việc đào tạo tiệm tiến cộng đoàn Giáo Hội.
2)
Khối này mở ra với việc dân Nadarét từ khước Đức Giêsu (13,53-58) và kết thúc
với câu chuyện cho thấy Phêrô được Đức Giêsu cho gắn bó với Người (17,24-27).
Xuất hiện gương mặt đe dọa của vua Hêrôđê, người đã giết Gioan Tẩy Giả (14,13).
Nhóm Pharisêu ngày càng tỏ rõ thái độ hiềm thù đối với Đức Giêsu (15,1tt.12;
16,1.4). Những thái độ đe dọa thù nghịch khiến Đức Giêsu lo sợ, Người rút lui
về những nơi an toàn hơn hoặc tách biệt hơn (14,13; 15,21).
3)
Toàn khối này được xây dựng quanh hai
điểm: đức tin và hiểu biết:
- Tác
giả nói đến những người kém tin trong câu truyện Phêrô đi trên mặt nước
(14,31) và câu truyện các môn đệ bàn tán về việc quên bánh (16,8). Trong câu
truyện Đức Giêsu chữa đứa trẻ bị kinh phong, có một lời than: “Ôi thế hệ cứng
lòng không chịu tin …” (17,17). Mt là tác giả duy nhất xác định rằng các
môn đệ không chữa lành được em bé vì họ kém tin. Ngài cũng là người duy
nhất ghi nhận đức tin mạnh của bà Canaan (15,28).
-
Ngài đã sử dụng động từ hiểu 9 lần trong các chương này. Ở 15,10, các
đám đông được mời gọi nghe và hiểu. Ở 15,16, các môn đệ bị gọi là ngu
tối (= không hiểu). Và cũng chỉ một mình tác giả Mt đã ghi nhận rằng
các môn đệ khi ấy mới hiểu ra (16,12; 17,13) những gì cho tới nay họ vẫn
không hiểu.
Các
ghi nhận này cho thấy, dọc theo các chương này, tác giả Mt đặc biệt quan
tâm đến đức tin, nhất là đức tin của các môn đệ, nhìn như một hành trình và như
một nỗ lực đào sâu và củng cố đức tin.
Về
thể văn, truyện Đức Giêsu đi trên mặt biển thường được gọi là thể văn “hiển
linh” (épiphanie. Xem truyện Dẹp sóng gió, Mt 8,23-27). Thể văn
này được định nghĩa là: Một cách bố trí các yếu tố văn chương để tường thuật
một cuộc tỏ mình bất ngờ và lạ thường của một hữu thể thần linh
hoặc thiên quốc, được một số người chọn lọc trải nghiệm, trong đó, hữu
thể thần linh mạc khải một phẩm tính, một hành động hoặc một mạc
khải thần linh. Đặc điểm của thể văn “hiển linh” là nó cho thấy một vài
phương diện của hoạt động Thiên Chúa nhằm cứu độ dân Ngài .
Ở bên trong tác phẩm Mt,
truyện Đi trên mặt biển (14,22-33) đóng các vai trò sau đây: (1) Trả lời cho
câu hỏi về chân tính và tính cách của Đức Giêsu đã được truyện Dẹp sóng gió
(8,23-27) gây ra và được ngữ cảnh gần trước đó ở 13,53–14,21 tiếp nối; (2) Cung
cấp một lời tuyên xưng mào đầu của các môn đệ, chuẩn bị cho lời tuyên
xưng cao đỉnh của Phêrô ở 16,13-20; (3) Góp phần với TM I để minh
họa bản tính và ý nghĩa của quyền lực thần linh của Đức Giêsu trong tư cách là
Con Thiên Chúa.
2- Bố cục
Bản
văn này có thể chia làm bốn phần, theo cấu trúc chuyển hoán:
A -
Hoàn cảnh của các môn đệ trước sóng gió (14,22-24):
a)
(22)
b)
(23a)
b’)
(23b)
a’)
(24)
B -
Đức Giêsu đi trên mặt biển (14,25-27):
a)
(25)
b)
(26)
a’)
(27)
B’- Phêrô đi trên mặt biển (14,28-31):
a) (28-29a)
b)
(29b)
b’) (30)
a’) (31)
A’- Hoàn cảnh của các môn đệ sau sóng
gió (14,32-33):
a) (32)
b) (33)
3.- Vài điểm chú giải
- cây
số (24): Từ ngữ Hy Lạp gốc là stadion, “dặm” (NTT) = 192 m.
Hồ Ghennêsarét có chu vi khoảng 53 km
(33 miles), dài khoảng 21 km (13 miles), và rộng khoảng 13 km (8
miles). Diện tích khoảng 166 km2 (64 sq mi), và sâu
tối đa khoảng 43 m (141 feet). Hồ thấp hơn mặt biển 214 m (702 ft).
-
Chiếc thuyền bị sóng đánh vì ngược gió (24): Trong TM Mt,
“con thuyền” là biểu tượng của Hội Thánh (x. 8,23-27). Biểu tượng này càng được
xác nhận khi tác giả viết rằng con thuyền bị “tra tấn (hành hạ)” (basanizô)
bởi các con sóng (chứ không nói như Mc 6,48: “các ông phải vất vả chèo
chống”). Kiểu nói này cũng lạ thường như khi tác giả bảo có “động đất” (seismos)
trên biển (8,24). Trong cả hai trường hợp, có thể cho rằng tác giả đang nghĩ
đến các đau khổ Hội Thánh sẽ phải trải qua khi thi hành sứ mạng.
Theo
ngôn ngữ Kinh Thánh, “biển” là nơi có các sức mạnh tà thần cư ngụ và hoạt động
(x. G 7,12; Is 27,1; 51,9t; Đn 7…). Nói rằng “đang ở trên
mặt biển” có nghĩa là đang ở trong tình trạng bị các sức mạnh của bóng tối đe
dọa. Vậy “biển” ở đây là một trở ngại ngăn cách các môn đệ với Đức
Giêsu.
-
canh tư (25): Canh (phylakê) tư ở vào khoảng từ 3g đến 6g sáng.
- đi
trên mặt biển (25): Cụm từ epi tên thalaasan có thể có nghĩa là “về
phía biển”. Do đó, có những tác giả cho rằng Đức Giêsu đứng trên bờ mà làm yên
sóng gió (Paulus; Jeremias; J. Duncan Derrett). Tuy nhiên, theo ngữ cảnh, phải
hiểu là “trên biển”.
-
hoảng hốt (26): Đây là phản ứng của con người khi tiếp cận với thần linh
(x. Xh 19,16; Ed một,4…).
-
Chính Thầy đây (27): Trước tiên, egô eimi là một lời để điều
chỉnh, với nghĩa là: chính là Thầy, chứ không phải là ma như anh em tưởng.
Nhưng công thức này cũng là tên mà Thiên Chúa dùng dể tự giới thiệu với Môsê (Yhwh: x. Xh 3,13-15). Tác giả Mt
kín đáo gợi ý là có một sự song đối giữa Đức Giêsu và Đức Chúa (Yhwh).
4.- Ý nghĩa của bản văn
*
Hoàn cảnh của các môn đệ trước sóng gió (22-24)
Vừa cho đám đông ăn no xong, Đức Giêsu
bắt các môn đệ xuống thuyền. Chúng ta nhớ đến 8,23; nhưng lần này Đức Giêsu
không đi với các ông. Tác giả Mt không nói là các môn đệ đi Bếtxaiđa như
Mc (6,45), vì biết rằng Bếtxaiđa không gần Ghennêsarét. Ngài sửa một sai
lầm của Mc mà không quan tâm đến địa lý. Đức Giêsu lên núi một mình để
cầu nguyện. Cũng như ở 17,1-8, “núi” là nơi đặc biệt gần kề Thiên Chúa. Lúc
này, trời đã tối.
Thuyền
của các môn đệ đã xa bờ nhiều stadia và đang bị sóng “tra tấn” (basanizomenon).
Hẳn là tác giả chủ ý dùng từ thuộc thế giới con người cho con thuyền. Nước,
bão, và đêm là những biểu tượng của tình trạng cùng quẫn, sợ hãi và chết chóc,
rất quen thuộc với Hội Thánh, được rút ra từ các Thánh vịnh (nước: Tv
18,16-17; 32,6; 69,2-3.15; đêm: Tv 91,5; 107,10-12; bão: Tv
107,23-32; Gn 1–2).
* Đức
Giêsu đi trên mặt biển (25-27)
Canh tư, từ 3g đến 6g sáng, cũng là
giờ mà theo Kinh Thánh, Thiên Chúa can thiệp để cứu trợ Dân Ngài (x. Xh
14,24; Tv 46,6; Is 17,14), và theo truyền thống Kitô giáo, là giờ
Đức Giêsu sống lại (x. 28, 1). Vào
giờ này, Đức Giêsu băng qua hồ, bước trên mặt nước, mà đến với các môn đệ (c.
25). Thấy một dáng người di chuyển trên mặt biển, dễ hiểu vì sao các môn đệ
nghĩ đây là một hữu thể siêu nhiên, một bóng ma, và các ông hốt hoảng.
Nhân vật thần linh bắt đầu lên tiếng: egô
eimi không kèm theo một túc từ nào cả. Đức Giêsu không nói rằng Người là
cái này hay cái kia, nhưng chỉ nói: “Là Thầy”. Ở bề mặt, đây là cách người nói
quy về chính mình. Vậy Đức Giêsu đã đánh đổ “bóng ma” bằng cách chỉ vào chính
bản thân Người, và các môn đệ thì biết Người. Tuy nhiên, ở bề sâu, công thức egô
eimi (Híp-ri: ’aný hu’) nhắc lại lời Đức Chúa (Yhwh) tự giới thiệu
mình trong Kinh Thánh (x. Đnl 32,39; Is 41,4; 43,10; 45,18-19;
48,12; 51,12). Đức Giêsu bảo: “Chính Thầy đây, đừng sợ !”. Ở trong Kinh Thánh,
Thiên Chúa ngỏ lời với các tổ phụ và
*
Phêrô đi trên mặt biển (28-31)
Đức Giêsu chưa làm yên sóng gió. Thay
vào đó, Phêrô trả lời Người. Ông thưa với Đức Giêsu bằng công thức của người
môn đệ, “Thưa Ngài (kyrie, dịch
sát là “lạy Chúa”)”, và xin vị Chúa này truyền lệnh cho ông đến với
Người. Thế là thay vì vị “thần”, Giêsu, thì lại là con người, Phêrô, muốn bước
đi trên mặt nước. Ai cũng biết rằng việc này không thể làm được, cũng như không
thể xê dịch núi non (x. 17,20). Lời thỉnh cầu này nhắm đến một điều không thể
được cho thấy đức tin của Phêrô, nghĩa là niềm tin tưởng ông đặt vào con người
có mọi quyền trên trời dưới đất (Mt 28,18). Tuy nhiên, câu nói “nếu quả
là Ngài” lại báo trước sự hoài nghi sẽ xuất hiện trong nỗi sợ hãi của ông khi
bước đi trên mặt nước. Đức Giêsu ban lệnh truyền như Phêrô xin (“Cứ đến”). Đây
là nền tảng trên đó ông có thể hành động. Lệnh truyền của Đức Giêsu là nền tảng
để con người có thể hoạt động. Vậy, nếu có đi được trên mặt nước, Phêrô cũng
chẳng phải là một thầy phù thủy hay một siêu nhân; ông chỉ vâng lời Chúa của
ông thôi.
Nhưng ông đâm sợ. Không phải là nỗi sợ
hãi do gặp một nhân vật thiên giới, nhưng là sợ bão, sợ bị đe dọa, sợ không
được an toàn. Tác giả Mt dùng các từ của Tv 69,2-3 (x. cc.
15-16): Khi bước đi trên mặt “nước”, “nhìn vào gió” (blepôn ton anemon)
thay vì nhìn vào Chúa của ông, ông bắt đầu “chìm” (c. 30), ông liền “kêu” lên:
Thưa Ngài, “xin cứu con” (các từ trong ngoặc đều trích từ Tv 69).
Đức Giêsu đưa tay ra nắm lấy Phêrô và
nói với ông. Ở bề mặt, cử chỉ này của Người là cần thiết để cho Phêrô khỏi bị
chìm. Nhưng ở một chiều sâu khác, hẳn là tác giả Mt nghĩ đến Tv
143,7: Đức Giêsu cung cấp sự che chở của Thiên Chúa. Đối với tác giả, điều quan
trọng là sự hiện diện cứu độ này của Thiên Chúa không có nghĩa là không còn bão
tố, nhưng là ta trải nghiệm được sự hiện diện này ngay trong gió bão. Những ai
dám vâng lời và di chuyển ra bên ngoài sự an toàn của mình sẽ trải nghiệm được
sự hiện diện này. Một lần nữa, Phêrô vẫn chỉ là “người có đức tin nhỏ bé” (=
người kém tin, oligopistos), và đức tin là một sự pha trộn giữa can đảm
và sợ hãi, vâng nghe Chúa và nhìn vào gió, tin tưởng và hoài nghi, và đây là
đặc tính căn bản của đời Kitô hữu (x. 28,17).
*
Hoàn cảnh của các môn đệ sau sóng gió (32-33)
Câu chuyện kết thúc rất nhanh. Đức
Giêsu và Phêrô cùng lên thuyền với nhau và gió lặng ngay (c. 32). Một lần nữa,
phép lạ Đức Giêsu làm xảy ra sau khi đức tin đã được chấn chỉnh.
Các môn đệ quỳ xuống (= thờ lạy): Cung
cách này dễ hình dung hơn nếu ở trên “con thuyền Hội Thánh”, chứ không phải
trên một con thuyền trên hồ vừa ra khỏi sóng gió. Họ tuyên xưng: “Quả thật Ngài
là Con Thiên Chúa”. Đây là danh hiệu Kitô học quan trọng nhất đối với tác giả Mt,
đồng thời hầu chắc cũng là lời tuyên xưng trung tâm nhất của Hội Thánh. Cách
nào đó, ngược lại với Mc, tác giả Mt muốn phác vẽ ra các môn đệ
như là những con người có lòng tin và hiểu biết, dù có lúc họ đã tỏ ra thất
vọng và dù vẫn cần học hỏi thêm nữa.
+
Nhận định & Kết luận
Có
thể nói bài tường thuật chuyến vượt “biển” (cũng như truyện Dẹp sóng gió) là
một dụ ngôn với cái nền lịch sử, nhằm nêu bật một phương diện mới và có
một không hai trong ý nghĩa của bản thân Đức Giêsu: Đức Giêsu là Con
Thiên Chúa theo nghĩa là Đấng được Thiên Chúa trang bị cho quyền lực thần linh
tuyệt đối để cứu độ dân Người. Sự kiện Đức Giêsu với quyền lực của Người, không
những cứu các môn đệ khỏi bị sóng hành hạ trên biển, mà còn cứu cả Phêrô khỏi
chìm xuống biển (14,28-31), chuẩn bị cho chúng ta đón lấy lời tuyên xưng của
Phêrô nói rằng Đức Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (16,16). Đàng
khác, việc biểu lộ quyền năng thần linh tuyệt đối của Đức Giêsu khi cứu các môn
đệ và Phêrô bằng cách đi trên mặt biển cũng giúp nhận mạc khải nói rằng Đức
Giêsu là Đấng có thể xây dựng và che chở Hội Thánh Người trên “tảng đá” là
Phêrô (16,18-19).
Chiều kích cứu độ học của bài tường thuật quả là hiển nhiên, được diễn
tả qua việc đi trên biển. Khi đi trên biển, Đức Giêsu không những tỏ ra mình là
Thiên Chúa chế ngự biển mà còn đi qua biển, và cứu các môn đệ bằng cách làm cho
họ cũng có thể đi qua biển. Như thế, cùng một trật, Đức Giêsu chứng tỏ
Người sở hữu quyền lực thần linh tuyệt đối (phương diện Kitô học), và quyền lực
ấy là để cứu vớt các môn đệ (phương diện Cứu độ học).
Tuy
nhiên, phương diện Cứu độ học phải được cứu xét trong tương quan hữu cơ với
chiều kích Kitô học. Cho dù các môn đệ được cứu, mối bận tậm không phải chỉ là
việc cứu hộ, nhưng là điều mà cuộc cứu hộ lạ lùng này nói về bản thân Đức Giêsu.
Điều này nổi rõ lên trong câu nói của các môn đệ: “Quả thật Ngài là Con Thiên
Chúa!” (14,33; x. 8,27). Như thế, chiều kích Kitô học vượt quá truyện cứu hộ,
và tập trung vào quyền lực và bản thân của Đấng cứu hộ. Khi cứu các môn đệ bằng
cách vận dụng quyền năng thần linh tuyệt đối để mà bước đi trên biển, Đức Giêsu
đã cho thấy không những Người có thể cứu khỏi bất cứ trận giông bão nào trên
biển, mà còn có thể cứu dân Người khỏi mọi tình cảnh khốn quẫn. Nói cách khác,
nếu Đức Giêsu có thể cứu các môn đệ Người bằng cách siêu vời là đi trên biển
nổi sóng, thì Người cũng có đầy đủ quyền năng cần thiết mà thực hiện ý muốn của
Thiên Chúa là cứu độ dân Người.
Phương
diện Giáo Hội học được diễn tả qua các vai trò của các môn đệ và Phêrô. Nhờ nhớ
lại các kinh nghiệm đã trải qua khi sống các hoàn cảnh túng cực, các độc giả có
thể hiểu được hoàn cảnh của các môn đệ và của Phêrô. Các môn đệ và Phêrô, do đã
trải nghiệm quyền năng phi thường của Đức Giêsu và do đã tuyên xưng Đức Giêsu
là Con Thiên Chúa, thì nhắc các độc giả nhớ rằng không những họ phải tin vào
Đức Giêsu như Đấng có thể cứu hộ họ khỏi các hoàn cảnh đen tối nhất, nhưng còn
phải hiểu rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa theo nghĩa Người là Đấng duy nhất có
quyền năng Thiên Chúa để cứu được cộng đồng những kẻ tin vào Người. Cử tọa Mt
tin tưởng rằng Hội Thánh gồm những ai tin và đi theo Đức Giêsu thì được che chở
bởi chính quyền lực của Thiên Chúa.
Có
thể nói hoạt cảnh cuối cùng (cc. 32-33) giới thiệu Hội Thánh mới của Đức Kitô,
đã vượt thắng thử thách, nay vây quanh Đức Kitô là Chúa tể của họ. Hoạt cảnh
này báo trước cuộc quy tụ các Kitô hữu để cử hành mầu nhiệm Đức Kitô, trong đó
nhắc lại sự hiệp nhất và hiệp thông đặc biệt của Người với Thiên Chúa, nay được
bày tỏ ra qua các hành vi quyền lực và cũng đầy nhân ái.
Tác giả Mt trình bày một cuộc
thần hiển cho “những người đang ở trong thuyền”, nghĩa là Hội Thánh của Đấng
Phục Sinh: trong và qua Đức Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, chính Thiên Chúa
cứu độ của cuộc Xuất Hành tiếp tục giải thoát Israel mới khỏi những làn nước
đang đe dọa nuốt trửng họ (x. Xh 14 và 15). Sự hiện diện của Đức Giêsu
giữa lòng bão tố là nền tảng cho đức tin của các tín hữu.
5.- Gợi ý suy niệm
1.
Khác với Lc, Mt hiếm khi cho thấy Đức Giêsu cầu nguyện (c. 23).
Đây là một đòi hỏi thông thường của tinh thần Người, một nhu cầu
có thực là được hiệp thông với Chúa Cha và tìm sự trợ giúp, sự an toàn và nâng
đỡ. Nhất là vào lúc này, thời gian quyết liệt, hành trình đã trở nên cam go hơn
và các đòi hỏi làm sáng tỏ đã trở nên cấp bách hơn. Đây là lần đầu tiên, Mt
nhấn mạnh rằng Người ở một mình; một sự cô độc không chỉ về thể lý, mà
dường như là một báo trước sự cô độc ở Ghếtxêmani. Đức Giêsu cầu nguyện
cho mình, cho các nhu cầu của cá nhân mình. Rồi Người cũng mau chóng đi cứu
giúp các môn đệ, nhưng sức mạnh và sự an toàn Người cung cấp phát xuất từ tương
quan với Chúa Cha. Người là Đấng cứu độ họ, nhưng cũng là điển hình cho họ về
đời sống đức tin.
2.
Đối với tác giả Mt, con thuyền là biểu tượng của Hội Thánh (x. 8,24).
Các môn đệ đang ở trên đó, và có thể Phêrô là người cầm lái (x. c. 28). Không
có mặt Thầy, tinh thần của các ông hẳn không cao mấy; đã thế, hoàn cảnh lại
thêm gay go vì gió ngược (c. 24). Con thuyền bị “tra tấn” vì cơn giông trên
biển. Lúc này là “đêm tối” (c. 25), là giờ của thử thách, của “quyền lực bóng
tối” (x. Lc 22,53). Tuy nhiên, Đức Giêsu vẫn không vắng mặt, dù là Người
còn ở cách xa họ. Nếu có đức tin, hẳn là họ phải cảm thấy Người vẫn có mặt, vẫn
ở gần. Quả thật, các khoảng cách không thể ngăn cản Đức Giêsu hiệp thông với
các môn đệ Người (x. 18,20). Người đến với họ cách bất ngờ, từ trên cao, vào
những lúc không ngờ.
3.
Đáng tiếc là các môn đệ lại thường quên mất Người. Phản ứng kinh hoàng của các
ông khi thấy Thầy đi trên biển cho ta hiểu như thế (c. 26). Đây là một hình
ảnh báo trước cuộc Hiển Dung và các cuộc hiện ra sau Phục Sinh. Đức Giêsu tiến
đi ngay giữa lòng đêm tối chính là lời loan báo về Đức Kitô Phục Sinh.
4.
Phêrô là cái nhiệt kế đo đức tin của Hội Thánh. Ông phản ứng nhân danh mình và
tất cả các môn đệ khác. Đòi hỏi các dấu lạ, các bằng cớ chứng tỏ lòng tốt cũng
như sự toàn năng của Thiên Chúa là một đòi hỏi không thể bỏ qua của loài
người. Các nhân vật Kinh Thánh đều cần những dấu chỉ, để có thể dấn thân đi
theo nẻo đường Thiên Chúa đề nghị. Niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh đang hiện
diện trong lòng Hội Thánh, cũng cần có những bằng cớ mới, nhưng ta không có
bằng cớ nào chắc chắn hơn lời của Đức Giêsu: “Chính Thầy đây” (= Ta là), “Cứ
đến!” (cc. 27-29).
5.
Bước đi vững vàng trên mặt nước có nghĩa là chấp nhận một chiều kích
hiện sinh khác với chiều kích lịch sử, hoặc chiều kích thể lý, là mở tâm hồn ra
với thế giới của thực tại vô hình, của thực tại siêu nhiên. Đây là vượt lên
trên những luật lệ của cuộc hiện sinh này. Muốn thế, cần tin vượt quá cái hữu
hình và cái đụng chạm đến được; cần phải chấp nhận “hỏng chân”. Khi Tôma tuyên
xưng niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28), ông cũng phải
chấp nhận bỏ mọi điểm tựa vững chắc kiểu loài người.
6.
Các độc giả Tin Mừng, rất quen với Tv 69, cùng cầu nguyện với
Phêrô. Họ nhận ra mình nơi Phêrô và thấy nước chính là tất cả những mối đe dọa
trong đời họ: cái chết, tình trạng thiếu an toàn, sự thù nghịch, bệnh tật, tội
lỗi… Họ biết rằng nếu chỉ “nhìn vào” gió
chứ không nhìn vào Chúa, họ sẽ không đứng vững được.