CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN A
Is 22,19-23 ; Rm 11,33-36 ; Mt 16,13-20
TRỞ NÊN VIÊN ĐÁ SỐNG ĐỘNG XÂY DỰNG ĐỀN THỜ HỘI
THÁNH
I. HỌC LỜI
CHÚA
1. TIN MỪNG:
Mt 16,13-20
(13) Khi Đức
Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn
đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai ?” (14) Các ông thưa: “Kẻ thì
nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại
cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ” (15) Đức Giê-su lại
hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” (16) Ông Si-mon Phê-rô thưa:
“Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. (17) Đức Giê-su nói
với ông: “Này anh Si-mon con ông Giô-na. Anh thật là người có phúc, vì
không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy,
Đấng ngự trên trời. (18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là
Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá. Trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh
của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (19) Thầy sẽ
trao cho anh chìa khóa Nước Trời: Dưới đất, anh cầm buộc điều gì,
trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì,
trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (20) Rồi Người cấm ngặt các môn
đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.
2. Ý CHÍNH:
ĐỨC GIÊ-SU HỨA XÂY HỘI THÁNH TRÊN NỀN ĐÁ ĐỨC TIN PHÊ-RÔ:
Để trả lời cho câu hỏi: “Người ta bảo Thầy là ai
?”, Các môn đệ kể lại dư luận về vai trò và sứ mệnh của Đức Giê-su.
Riêng Tông đồ Si-mon đại diện nhóm Mười Hai tuyên xưng đức tin: “Thầy là
Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Ông đã được Đức Giê-su khen là
có phúc, được Người đổi tên thành Phê-rô, nghĩa là “Tảng đá”. Người
còn hứa sẽ xây Hội Thánh trên đức tin của ông, và ban cho ông khả năng
chiến thắng ma quỷ. Người cũng trao quyền tối thượng với quyền cầm
buộc và tháo cởi về đức tin và luân lý.
3. CHÚ THÍCH
VÀ HỎI ĐÁP:
HÒI 1: Tên Phê-rô
nghĩa là gì và việc đổi tên mang ý nghĩa gì ? Tại sao Đức Giê-su
lại xây Hội Thánh của Người trên con người bất toàn Phê-rô, đang khi
chỉ mình Người mới là Tảng Đá đích thực (x. 1 Pr 2,4)?
ĐÁP:
- Phê-rô hay Kê-pha nghĩa là Tảng Đá và có hai
nghĩa: Một là viên đá lớn, hai là tên riêng do Đức Giê-su đặt để thay
tên cũ là Si-mon. Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa thường đổi tên kẻ mà
Người muốn trao cho nhiệm vụ đặc biệt. Chẳng hạn: tổ phụ Áp-ram được
Thiên Chúa đổi tên thành Áp-ra-ham nghĩa là “Cha của vô số người” (x. St
17,5) và trao sứ mệnh làm “Tổ phụ nhiều dân tộc” (x. Rm 4,17).
- Phê-rô tuy yếu đuối và đã từng sa ngã phạm tội
chối Thầy ba lần (x. Mt 26,69-74), nhưng ông đã được cái nhìn của Đức
Giê-su thức tỉnh và lập tức hồi tâm sám hối (x. Lc 22,61-62). Ông cũng
tuyên xưng lòng mến Thầy ba lần, nên đã được Người tha tội, như Người cũng
nói về người phụ nữ tội lỗi: “Tội của chị ta rất nhiều, nhưng đã
được tha, bằng cớ là chị ta đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít
thì yêu mến ít” (x. Lc 7,47).
- Vậy phải chăng Đức Giê-su hứa sẽ xây dựng Hội
Thánh của Người trên Tảng Đá là con người Phê-rô yếu hèn hay Tảng Đá
vững chắc là chính Người ? Thánh Phê-rô viết: “Anh em hãy lại gần
Đức Ki-tô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên
Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những
viên đá sống động mà xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng... Còn
đối với những kẻ không tin thì viên đá thợ xây loại bỏ đã trở nên
đá tảng góc tường, và cũng là viên đá làm cho vấp, tảng đá làm cho
ngã. Họ đã vấp ngã vì không tin vào Lời Chúa” (1 Pr 2,4-7). Thánh
Phao-lô trong thư thứ nhất Cô-rin-tô viết như sau: “Vì không ai có thể
đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giê-su
Ki-tô” (1 Cr 3,11).
Như vậy Tảng Đá góc tường là chính Đức Giê-su. Nhưng
các tín hữu là những kẻ tin vào Người cũng trở thành những viên đá
sống động. Riêng đối với Si-mon Phê-rô, nhờ tuyên xưng đức tin: “Thầy
là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”, mà ông đã được Người khen
là có phúc và được đổi tên từ Si-mon thành Phê-rô nghĩa là Tảng Đá
đức tin. Trên nền Đá đức tin vào Đức Giê-su đó mà Hội Thánh đã được
xây dựng. Đức Giê-su còn trao chìa khóa Nước Trời với quyền cầm buộc
và tháo cởi cho ông. Người hứa sẽ cầu nguyện để ông khỏi mất đức
tin, và khi đã trở lại ông sẽ có trách nhiệm củng cố đức tin của các
anh em (x. Lc 22,32). Cuối cùng Người còn trao quyền chăn dắt đoàn chiên
của Người cho ông nữa (x. Ga 21,15-17).
HỎI 2: Phải
chăng Đức Giê-su chỉ trao quyền cầm buộc tháo cởi riêng cho Tông Đồ
Phê-rô, chứ không trao quyền ấy cho các giáo hoàng kế vị sau này ?
ĐÁP:
Nếu hiểu theo nghĩa đen thì câu Đức Giê-su trao chìa
khóa kèm theo quyền cầm buộc và tháo cởi chỉ được ban riêng cho
Phê-rô. Nhưng câu này cũng ngầm ý nói đến Hội Thánh mà Phê-rô được
đặt đứng đầu. Thực vậy, Đức Giê-su đã hứa rằng Hội Thánh được xây
trên nền đá đức tin của Phê-rô sẽ luôn trường tồn bất diệt, nên Người
cũng muốn quyền được ban cho Phê-rô cũng sẽ tiếp tục được truyền cho
các đấng kế vị sau này là các Đức Giáo hòang. Chính vì thế, Giáo hội
đã công nhận rằng: Khi Đức Giáo hoàng đứng trên tòa thánh Phê-rô mà
công bố điều gì về đức tin và luân lý thì sẽ được Chúa Thánh Thần
ban ơn vô ngộ, nghĩa là không thể sai lầm được. Vì cũng như Phê-rô xưa,
các Đức Giáo hoàng có thể sai lầm trong những lãnh vực khác như
chính trị, kinh tế…, cũng có thể phạm tội như Giáo hoàng A-le-xan-der
VI… Nhưng các Đức Giáo hoàng kế vị cũng được Đức Giê-su cầu nguyện giống
như đã cầu cho Phê-rô, để ông khỏi mất đức tin, và chu toàn sứ vụ củng
cố đức tin cho các anh em mình như sau : “Si-mon, Si-mon ơi. Kìa Xa-tan đã
xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để
anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của
anh nên vững mạnh” (Lc 22,31-32).
II. SỐNG
LỜI CHÚA
1. LỜI
CHÚA: Còn Thầy, Thầy bảo cho anh
biết: “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá. Trên Tảng Đá này Thầy sẽ xây
Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy
sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: Dưới đất anh cầm buộc điều gì,
trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất anh tháo cởi điều gì,
trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,18-19).
2. CÂU
CHUYỆN:
1) TÌNH HÌNH XUỐNG
CẤP CỦA HỘI THÁNH NƯỚC ĐỨC HIỆN NAY :
Số liệu thống kê từ Hội đồng Giám mục Đức mới công bố vào
ngày 21/7/2017 như sau:
Trong năm 2016 có 28,5% người Đức theo Công giáo gồm
23,582,000, giảm so với con số năm 1996 là 27.533.000 người.
Trong hai thập kỷ qua, đã có hơn 3.000 giáo xứ phải đóng
cửa, giảm từ 13.329 giáo xứ xuống còn 10.280 giáo xứ. Riêng năm 2016 đã có 537
giáo xứ phải đóng cửa.
Về số linh mục: năm 2016 Giáo hội Đức có 13.856 linh mục,
sụt giảm so với năm 2015 là 14.087 linh mục. Tỷ lệ người tham dự lễ Chúa nhật
là 10,2% năm 2016, giảm so với năm 2015 là 10,4%.
Chính do lòng tin của các tín hữu không được củng cố bằng
việc sống Lời Chúa và lười biếng lãnh nhận các bí tích, kèm theo tội lỗi và
gương xấu của một số vị mục tử bị giới công nghệ thông tin thổi phồng, là
nguyên nhân làm suy giảm số lượng tín hữu và số các linh mục tu sĩ nơi một đất
nước nổi tiếng có truyền thống công giáo này.
2) VIÊN ĐÁ TẢNG XÂY
DỰNG ĐỀN THỜ HỘI THÁNH :
Cho đến năm 1896, vùng Cayenne ở Saint Ouen không bao giờ
thấy bóng chiếc áo dòng đen. Nhưng một ngày trong năm đó, một vị linh mục cả gan
xâm nhập vào vùng ấy. Một người thấy vậy liền ném đá vào đầu linh mục. Vị linh
mục đã cúi xuống nhặt lấy viên đá đầy máu đỏ kia và nói: “Xin cảm ơn ông, đây
là viên đá đầu tiên của một Đền thờ tôi muốn xây dựng tại đây.”
Và về sau viên đá đó trở thành viên đá đầu tiên xây dựng
ngôi Đền thờ kính Đức Mẹ Mân côi. Nước Thiên Chúa là Hội thánh, cũng bắt đầu
trong nhỏ bé và bạc đãi như vậy: “Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc
gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi,
thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có
thể làm tổ dưới bóng.” (Mc 4,31-32).
Chúng ta tin tưởng rằng Hội thánh của Chúa Giê-su luôn
vững bền, dù gặp muôn vàn khó khăn, vì Hội Thánh như ngôi nhà được xây trên nền
đá là sự thực hành Lời Chúa (x Mt 7,24-27).
3) THÀNH QUẢ
20 NĂM GIÁO HOÀNG CỦA ĐỨC GIO-AN PHAO-LÔ II:
Nhân kỷ niệm 20 năm triều đại giáo hoàng của Đức Thánh
Cha Gio-an Phao-lô II, (1978-1998) người ta đã thống kê được những con số chính
xác những việc ngài đã thực hiện như sau:
- 84 chuyến công du và hành hương ngoại quốc.
- 134 chuyến viếng thăm mục vụ trong nước Ý.
- 3,078 bài nói chuyện và bài giảng.
- 700 chuyến đi thăm nhà tù, dòng tu, chủng viện, bệnh
viện, nhà dưỡng lão, giáo xứ.
Ngài đã viết:
- 13 thông điệp
- 36 Tông thư
- 15 Thư cho các nhân vật và các nhóm đặc biệt
- 9 Tông thư tổng kết sau Thượng Hội đồng.
Ngài đã đọc diễn văn cho:
- 600 chuyến “Đi Viếng Mộ Thánh Phêrô” của các giám mục.
Ngài đã công bố:
- Giáo luật mới và sách Giáo Lý Công giáo, (Giáo luật cũ
đã công bố cách đây 400 năm)
Ngài đã tôn phong:
- 798 chân phước.
- 280 thánh mới (trong đó có 117 thánh tử đạo Việt nam vào
ngày 19-6-1988).
- Chưa kể phong thánh cho 233 vị Thánh Tử Đạo tại Tây Ban
Nha.
- Tổng cộng chủ sự 145 buổi lễ phong thánh.
Ngài đã chọn:
- 2650 Giám mục trong số 4200 giám mục trong Hội thánh.
- 159 Tân Hồng Y.
- Thiết lập quan hệ ngoại giao với 64 nước, phục hồi quan
hệ ngoại giao với 6 nước khác, nâng tổng số các quốc gia có liên hệ với Tòa
Thánh là 168 nước.
Đó là những con số biết nói trong 20 năm phục vụ Chúa và
Giáo hội của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II, vị Giáo hoàng thứ 264 kế vị thánh
Phêrô tông đồ, giáo hoàng tiên khởi, đã được Chúa trao cho quyền tối thượng Tin
Mừng hôm nay đã nhắc lại sự kiện quan trọng ấy.
4) GƯƠNG THA
THỨ CỦA THÁNH GIÁO HOÀNG GIO-AN PHAO-LÔ II:
Cách đây ít lâu, một tờ báo Ý đã tiết lộ một
tin quan trọng về đức Gio-an Phao-lô II như sau: Khi còn là sinh viên du
học tại Rô-ma, một hôm ngài đi cùng các bạn đến thăm linh mục đáng kính
là cha Pi-ô rất đạo đức thánh thiện, đã được in năm dấu thánh lên
thân xác. Vừa gặp mặt cậu sinh viên, cha Pi-ô đã ôm chầm lấy cậu và
nói tiên tri rằng: “Một ngày kia, con sẽ làm Giáo hoàng, và đời của
con sẽ gặp nhiều trắc trở, bị đau khổ và còn chịu đổ máu mình ra
vì Chúa nữa”. Bấy giờ cậu sinh viên trả lời: “Nhưng con không sợ sau
này sẽ bị đổ máu, vì con tin rằng làm sao con có thể trở thành
Giáo hoàng được !”. Nhưng thánh ý Chúa thật nhiệm mầu : Hồng y
Vốt-ti-la người Ba-lan đã được bầu làm Giáo hoàng, với danh hiệu là
Gio-an Phao-lô Đệ Nhị. Rồi về sau ngài đã bị đổ máu trong cuộc mưu
sát bất thành vào năm 1981 tại quảng trường thánh Phê-rô.
Mới đây ngày 05 tháng 07 năm 2005, hãng thông tấn
Apcom của Ý và nhật báo Ba-lan Rzeczpospolita đã đưa tin đức cố Giáo
hoàng Gio-an Phao-lô II đã từng viết một bức thư chưa công bố cho
M.Agca, kẻ đã bắn ngài trọng thương năm 1981. Bức thư được viết không
lâu sau vụ ám sát, đức cố Giáo hoàng đã hỏi Agca người Thổ Nhĩ Kỳ
rằng: Tại sao hắn lại bắn ngài, trong khi cả hai cùng tôn thờ Chúa ?
Lúc đầu, đức cố Giáo hoàng định công bố nội dung bức thư này. Nhưng
sau đó ngài lại quyết định không gửi đi, và đến năm 1983 ngài đã đến
gặp trực tiếp Agca, kẻ đã muốn lấy mạng ngài tại một nhà tù ở Ý,
và đã tỏ ý sẵn sàng tha thứ cho hắn ta. Đến năm 2000, Agca đã bị dẫn
độ về Thổ Nhĩ Kỳ sau khi đã thụ án gần 20 năm ở Ý.
Đức Gio-an Phao-lô II là vị Giáo hoàng thứ 264 kể
từ vị Giáo hoàng tiên khởi là thánh Phê-rô. Hiện nay Đức Bê-nê-đích-tô
XVI lên nay thế Đức Gio-an Phao-lô II và ngài là vị Giáo Hòang thứ 265 kể từ
thánh Phê-rô Tông đồ. Sau đó ngài từ chức nhường chỗ cho Đức Giáo Hoàng
Phan-xi-cô ngưới Ác-hen-ti-na lên ngôi Giáo Hoàng thứ 266. Gần đây đức Giáo
hòang Gio-an Phao-lô II đã được Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô chủ lễ phong thánh
chung với thánh Giáo Hoàng Gio-an 23 tại Rô-ma vào Chúa Nhật II Phục Sinh, kính
Lòng Chúa Thương Xót ngày 27 tháng 04 năm 2014 với sự hiện diện của khoảng 800
ngàn tín hữu.
5) CẬU ĐÃ LÀM
ĐƯỢC GÌ CHO CHÚA GIÊ-SU ? :
Trong tiểu sử của thánh Sác đơ Phu-cô kể rằng: sau khi từ
Ma-rốc trở về, anh say sưa kể lại cho gia đình nghe những cuộc thám hiểm đầy kỳ
thú của anh qua những khu rừng Phi Châu, người chăm chú theo dõi câu chuyện hơn
cả là một cô cháu gái chưa đầy 10 tuổi. Khi anh vừa kể xong, bất ngờ cô bé hỏi:
“Thưa cậu, cháu thấy cậu làm được nhiều việc rất hay, thế cậu đã làm được gì
cho Chúa Giêsu chưa ?”. Câu hỏi ấy như một luồng điện giật làm Sác đờ Phu-cô
bất động. Từ bao lâu nay chưa ai đã khiến anh phải suy nghĩ nhiều như thế: anh
đã làm được gì cho Chúa Giêsu? Anh lục soát tâm hồn mình, anh chỉ thấy một lỗ
hổng không đáy, anh đã phí phạm tất cả thời giờ và tuổi thanh xuân cho những
cuộc ăn chơi truỵ lạc và những danh vọng thấp hèn, mắt anh bỗng mở ra để thấy
nỗi khốn khổ, nghèo hèn của mình.
Ngày hôm sau, anh tìm đến xưng tội với một linh mục. Anh
vào dòng khổ tu, ít lâu sau, anh xin đến Nagiarét để sống trọn vẹn cho Chúa
Giêsu. Một ngày kia, khi đang cầu nguyện sốt sắng trong phòng, bỗng anh nghe
thấy từ căn nhà bên cạnh tiếng rên rỉ của một người Hồi giáo, nhớ lại gương bác
ái của Chúa Giêsu, anh tự hỏi: tôi có thể giam mình cầu nguyện trong phòng
trong lúc có những anh chị em chung quanh đang khốn khổ thất vọng chăng? Thế là
anh quyết định đến sống giữa họ, trở thành người anh em của họ, nhất là của
những người cô đơn, lạc lõng, nghèo hèn. Những năm cuối đời, anh sống giữa sa
mạc Sa-ha-ra, chia sẻ hoàn toàn cuộc sống cho những người cùng khổ, và chia sẻ
đến giọt máu cuối cùng khi phát súng oan nghiệt của kẻ sát nhân bắn gục anh
giữa lúc đang cầu nguyện.
Mọi Kitô hữu chân chính đều phải tự hỏi mình: tôi đã làm
được gì cho Chúa Giêsu? Chúng ta cũng tự hỏi mình như thế. Qua bao nhiêu năm
tháng cuộc đời, qua bao nhiêu nhiệm vụ lớn nhỏ đã hoặc đang đảm trách, qua bao
nhiêu hồng ân đã lãnh nhận, tôi đã làm được gì cho Chúa Giêsu? Không phải là
cho Chúa Giêsu mãi đâu trên trời, nhưng là cho Chúa Giêsu đang tiếp tục ngự
đến, đang tiếp tục hiện diện trong cuộc đời tôi, trong tâm hồn tôi, nơi những
người anh em tôi, cũng là anh em của Ngài, nhất là những ai thấp hèn, cùng khổ.
Tôi tự hỏi mình, mà chính Chúa Giêsu cũng hỏi tôi mỗi ngày: “Con đã làm được gì
cho Cha?”, cũng có nghĩa là “Con đã làm được gì cho những người anh em bé mọn
nhất của Cha?”. Mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ và trả lời với Chúa.
6) LỜI CẦU KHIÊM
TỐN CỦA MỘT VIÊN GẠCH TẦM THƯỜNG :
Mỗi tín hữu chúng ta chính là một viên gạch tầm thường,
góp phần xây nên tòa nhà Hội Thánh. Chúng ta cần ý thức chu toàn sứ mệnh như câu
chuyện về một viên gạch sau đây :
Có một viên gạch nằm sát chân tường của một tòa nhà lớn.
Đôi khi nó nhìn lên những viên gạch khác và trong lòng chợt nảy ra ý so sánh,
ước ao, và nó đã cầu nguyện với Chúa như sau :
Lạy Chúa, con chỉ là một viên gạch tầm thường nằm sát
dưới chân tường. Con không được như viên gạch xây ngoài cửa ra vào, ở ngay tầm
mắt của mọi người. Con không được như viên gạch xây ở mặt tiền ngôi nhà, hãnh
diện nhìn người qua kẻ lại và sung sướng được người ta khen là đẹp tốt. Con
không được như viên gạch trong phòng khách, hàng ngày được lau chùi đánh bóng.
Con chỉ là một viên gạch tầm thường nằm sát ở dưới chân
tường ngôi nhà.
Tuy nhiên sau đó viên gạch đã bằng lòng với hoàn cảnh của
mình và cầu nguyện như sau :
Nhưng lạy Chúa, con vui vì chỗ ở của con, con vui với
nhiệm vụ của con. Con mừng vì con cũng được góp phần vào việc hình thành nên ngôi
nhà xinh đẹp này. Không có phần nhỏ bé và âm thầm của con thì bức tường sẽ bị đổ,
ngôi nhà sẽ bị sập. Mặt tiền xinh đẹp kia sẽ không còn, cánh cửa xinh đẹp kia cũng
không có, phòng khách xinh đẹp kia cũng không tồn tại.
Xin cho con vui với công việc hiện tại đang làm và biết
luôn cảm tạ hồng ân của Chúa.- AMEN.
3. SUY NIỆM:
Chức vụ Giáo hoàng là người kế vị thánh Phê-rô
Tông đồ, để thay Chúa Giê-su chăn dắt đoàn chiên của Người là Hội
thánh và được chia sẻ quyền tối thượng với Chúa Giê-su. Do đó chức vụ Giáo
hòang được Chúa ban ơn bất khả ngộ, nghĩa là không thể sai lầm, khi
chính thức công bố các tín điều đức tin và lề luật luân lý, như Chúa
Giê-su đã hứa với thánh Phê-rô khi xưa.
1) PHÊ-RÔ -
TẢNG ĐÁ ĐỨC TIN CỦA HỘI THÁNH :
Trong Bài Tin Mừng hôm nay, khi Đức Giê-su hỏi các
môn đệ xem dư luận nghĩ gì về Người. Các ông lần lượt thưa: Thầy là
một trong các vị Ngôn sứ. Riêng Si-mon Phê-rô đã đại diện Nhóm Mười Hai
tuyên xưng đức tin như sau: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng
sống” (Mt 16,16). Đức Giê-su đã khen ông có phúc vì được Chúa Cha mặc
khải điều ấy (x. Mt 16,17). Người đổi tên Si-mon thành Phê-rô, nghĩa là
Tảng Đá. Trên Tảng Đá đức tin này, Người sẽ xây dựng Hội Thánh của
Người. Người hứa sẽ làm cho Hội thánh luôn vững bền (x. Mt 16,18).
Cuối cùng Người còn ban tối thượng quyền khi trao chìa khoá Nước
Trời cho Phê-rô, để ông thay Chúa ở trân gian cầm buộc và tháo cởi (x.
Mt 16,19). Thực ra chỉ mình Đức Giê-su mới là Tảng Đá sống động và
là nền móng xây dựng Hội Thánh (x. 1 Pr 2,4-5). Cũng chỉ mình Đức
Giê-su mới nắm giữ “chìa khóa vua Đa-vít” (x. Kh 3,7), nhưng Phê-rô cũng
được Người trao chìa khóa Nước Trời để thay Người giáo huấn, thánh
hóa và chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh.
2) PHÊ-RÔ -
MỤC TỬ ĐƯỢC CHÚA GIÊ-SU TUYỂN CHỌN VÀ HUẤN LUYỆN :
Không những Tông đồ Phê-rô tuyên xưng đức tin: “Thầy
là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa Hằng sống” (Mt 16,16), mà ông còn ba lần nói
lên lòng yêu mến: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga
21,15-17). Chính nhờ lòng tin yêu ấy, mà Tông đồ Phê-rô đã được Đức
Giê-su đặt làm đầu Hội Thánh và được chia sẻ quyền chăn chiên. Đức
Giê-su cũng cầu nguyện để ông khỏi mất đức tin, và Người trao cho ông nhiệm
vụ củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,32). Cuối cùng Phê-rô đã sẵn
sàng chịu chết vì đoàn chiên Hội Thánh (x. Ga 10,11). Thực vậy, khi về già,
Phê-rô đã vâng lời Chúa Phục Sinh quay vào thành Rô-ma, sẵn sàng chịu
chung số phận với các tín hữu đang bị Đế Quốc Rô-ma bách hại. Ông đã
phải giang tay chịu đóng đinh thập giá để nên giống Thầy, và “đến nơi
ông không muốn đến” (x. Ga 21,18-19).
3) VAI TRÒ
CỦA CÁC TÍN HỮU TRONG HỘI THÁNH:
Giáo dân là
thành phần Dân Chúa đông đảo nhất trong Hội Thánh. Ngoài hàng giáo phẩm, Giáo sĩ
và Tu sĩ, Giáo dân là những người đã lãnh nhận, hoặc đang khao khát lãnh nhận
Bí Tích Rửa Tội, tức là nhiệm tích làm cho họ trở nên “Dân Thiên Chúa
và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Ki-tô theo cách
thức của họ”. Tước vị này của Giáo dân vốn xuất phát từ Phép Rửa Tội. Công
Đồng Va-ti-ca-nô trong Hiến Chế Tín Lý “Lumen Gentium” đã nhấn mạnh về vai trò
và trách nhiệm của người Giáo dân trong Giáo Hội. Theo đó, Giáo dân, nhờ Bí
Tích Rửa Tội, được tham dự vào ba sứ vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Ki-tô,
theo cách thức riêng, và họ có bổn
phận tích cực góp phần vào sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh.
4) MỖI TÍN HỮU CHÚNG TA CẦN LÀM GÌ ĐỂ GÓP PHẦN XÂY DỰNG HỘI
THÁNH ? :
Hội Thánh hôm nay cũng đang gặp nhiều
khủng hoảng: Nhiều tín hữu đã bị mất đức tin và không còn đến nhà thờ
nữa; Số chủng sinh tại nhiều nước Âu Mỹ bị giảm sút số lượng khiến nhiều nhà
thờ bỏ không vì không có linh mục coi sóc; Nhiều nhà dòng to lớn nhưng phải
đóng cửa vì không còn lớp tu sĩ trẻ kế thừa. Các đức Giáo Hoàng cũng bị tấn
công: Đức Gio-an Phao-lô II bị ám sát hụt; Đức Bê-nê-dic-tô bị giới truyền
thông phê bình đả kích; Đức Phan-xi-cô cũng gặp rất nhiều chống đối bên trong
và bên ngoài hội Thánh như: Nhiều phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng,
đòi cho nữ tu được làm linh mục. Giới truyền thông và một số chính quyền tại
một số quốc gia đã toa rập với nhau để tấn công Hội Thánh: tố cáo hàng giáo sĩ lạm
dụng tình dục và ấu dâm nhằm hạ uy tín của Hội Thánh Công giáo …
Ước gì mỗi tín hữu chúng ta
biết cảm thông với các vị chủ chăn trong hoàn cảnh hiện nay bằng cách năng nhớ
cầu nguyện cho các ngài, trung thành và yêu mến Hội Thánh, tích cực góp
phần canh tân Hội Thánh bằng việc năng tham dự các buổi học sống Lời
Chúa, năng tham dự thánh lễ rước lễ và năng lãnh nhận các bí tích khác như bí
tích hòa giải...
Chúng ta hãy xin Chúa thực hiện một lễ Hiện Xuống Mới cho Hội
Thánh hôm nay, để mỗi người, mỗi gia đình, mỗi hội đoàn, mỗi giáo xứ, giáo phận… được ơn Thánh Thần đổi mới, hầu có thể biến đổi thế giới chúng ta đang sống trở nên “Trời Mới Đất Mới” : an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn theo thánh ý
Chúa…
4. THẢO LUẬN:
1) Theo ý bạn, Hội Thánh hôm nay gồm các tín hữu
chúng ta, đang có những khuyết điểm nào nổi cộm cần phải cấp thời canh
tân ? 2) Bạn có yêu mến Hội Thánh, có sẵn sàng cảm thông nâng đỡ các vị chủ
chăn, tích cực cộng tác với ngài chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng không ?
5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chúng con
không hiểu tại sao Chúa lại chọn ông Si-mon, một người thuyền chài ít học, nhiều khuyết điểm và đã có gia đình
làm Tông đồ và làm vị Giáo Hoàng tiên khởi của Hội Thánh. Chúng con
biết rằng Chúa muốn xây dựng Hội Thánh trên Tảng Đá đức tin của
Phê-rô, một người tuy yếu hèn nhưng lại có lòng mến Chúa nhiều. Khi được
kêu gọi, Phê-rô và các Tông đồ đã mau mắn đáp lại đi theo Chúa để
được Chúa huấn luyện và sai đi rao giảng Tin mừng, trở thành chứng
nhân của Chúa đến tận cùng thế giới.
- LẠY CHÚA. Hôm nay Chúa cũng kêu gọi mỗi tín hữu
chúng con đi theo làm môn đệ Chúa. Xin cho chúng con một chút can đảm
của thánh Phê-rô và các Tông đồ, để sẵn sàng đến với lương dânloan báo Tin
Mừng cho họ. Xin cho chúng con luôn biết hồi tâm sám hối và sẵn sàng
hy sinh mọi sự để làm vinh danh cho Chúa và góp phần cứu rỗi các linh
hồn.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI
CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH
- HHTM