CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN

Sửa Lỗi Anh Chị Em Là Hành Vi Yêu Thương

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Ed 33:7-9;  Rm 13:8-11; Mt 18:15-20)

          Chúng ta ai cũng có tự ái.  Tự ái vì không muốn người khác can thiệp vào đời sống mình, dù sự can thiệp ấy mang lại lợi ích.  Tự ái vì nghĩ người khác muốn “kiểm soát” mình.  Tự ái vì không muốn người ta nhận ra những sai lầm hay kém cỏi của mình.  Rất nhiều nguyên nhân tự ái.  Nhưng có loại tự ái chúng ta rất thường gặp trong đời sống hằng ngày, đó là tự ái khi “được” người khác giúp ta nhận ra thiếu sót sai lầm để sửa đổi.  Tại sao dễ tự ái như vậy?  Là vì chúng ta không thấy hoặc không muốn thấy động lực yêu thương khi người khác sửa lỗi cho ta, hoặc tại chúng ta không muốn chấp nhận việc người khác giúp ta nhận ra lầm lỗi.  Ba bài đọc của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày những khía cạnh khác nhau của việc sửa lỗi anh chị em.

          Trước hết, qua ngôn sứ Ê-dê-ki-en, Chúa nói gì về việc sửa lỗi?  Thiên Chúa kêu gọi Ê-dê-ki-en làm ngôn sứ để chuyển đạt lời Người kêu gọi dân Ít-ra-en bỏ đàng tội lỗi mà quay về với Người.  Dĩ nhiên Ê-dê-ki-en chỉ làm nhiệm vụ ngôn sứ, tức là nói thay cho Chúa.  Do đó ông không nói những gì của mình, nhưng sứ điệp của Chúa.  Trách nhiệm của ông là phải nói lên sứ điệp ấy.  Nếu ông đã nói mà dân Ít-ra-en nghe lời và sám hối thì tốt cho họ lẫn cho ông vì ông đã chu toàn sứ vụ.  Còn nếu ông không nói để cảnh báo dân chúng bỏ đàng tội lỗi thì không những họ sẽ bị trừng phạt, mà chính Ê-dê-ki-en cũng phải “đền nợ máu” cho họ.  Như thế, mệnh lệnh của Chúa cho thấy việc sửa lỗi anh em là một trách nhiệm nói lên tình liên đới giữa những người con cái Chúa.  Tuy nhiên chúng ta đừng quên một điều quan trọng trong sứ điệp của Thiên Chúa, đó là tình yêu và lòng thương xót của Người.  Người không muốn Ít-ra-en phải “chết”, nên động lực khiến Người kêu gọi họ hoán cải chính là vì thương xót họ.

          Sửa lỗi anh chị em trong tình liên đới cộng đồng lại được Chúa Giê-su trình bày rõ ràng hơn nữa.  Như chúng ta đã thấy tình yêu vừa là động lực vừa là phương thức để chúng ta sửa lỗi nhau.  Do đó việc sửa lỗi cũng phải theo đường lối của tình yêu.  Cụ thể hơn, để giúp cho việc sửa lỗi là một hành vi bác ái và yêu thương, Chúa Giê-su dạy chúng ta theo từng bước một, bắt đầu là giữa ta với người kia để khỏi làm cho họ bị mất mặt.  Nếu thành công thì Chúa gọi đây là “chinh phục được người anh em”.  Đúng vậy, tình yêu chinh phục chứ không áp đặt.  Cha mẹ nên nghĩ lại điều này khi họ sửa dạy con cái:  lấy tình yêu thương giúp con cái sửa đổi, chứ không dùng roi vọt hay mắng chửi.  Còn nếu việc sửa lỗi không thành công ở bước này, Chúa dạy ta “hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân”.  Sự hiện diện của vài người nữa không nhằm mục đích “làm chứng” rằng mình đã làm xong trách nhiệm giúp anh chị em sửa lỗi.  Nhưng họ có mặt là để làm chứng nhân cho tình yêu và lòng thương xót của Chúa.  Nếu một người chưa đủ để làm chứng cho lòng Chúa thương xót thì thêm hai ba người nữa lại càng tốt.  Họ muốn nói:  chúng tôi có mặt ở đây là để bạn biết rằng tình yêu là động lực để chúng tôi giúp bạn sửa đổi!  Bước cuối cùng là “hãy đi thưa Hội Thánh”.  Phải chăng đây là đi tố cáo người có lỗi trước Hội Thánh?  Làm như vậy khác nào coi Hội Thánh là tòa án!  Không đâu, vì Hội Thánh phải luôn biểu lộ tình yêu Chúa.  Đấng thiết lập Hội Thánh ấy đã lấy tình yêu mà sửa lỗi các chi thể của mình khi Người phán:  “Còn Ta, Ta không kết án con đâu.  Hãy về và đừng phạm tội nữa!”  Càng nhìn vào việc sửa lỗi theo từng bước, ta càng nhận rõ con đường tình yêu chính là phương thức Chúa muốn ta theo.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Ý thức đường lối sửa lỗi anh chị em đã được Chúa Giê-su trình bày nên thánh Phao-lô đem áp dụng vào lối sống của Ki-tô hữu.  Trước hết, ngài khẳng định rằng chúng ta chỉ nợ nhau một món nợ:  món nợ tương thân tương ái, hoặc phải yêu người thân cận như chính mình.  Một trong những cách “trả nợ” chính là giúp anh chị em sửa đổi lỗi lầm.  Tuy nhiên, nếu chúng ta trả món nợ ấy bằng cách thay vì lấy tình thương mà nói cho họ biết lỗi lầm, mà lại lên mặt dạy đời, thì quả thực chúng ta đang “làm hại người đồng loại” đấy!  Cho nên chúng ta cứ theo ba bước Chúa Giê-su đã đề ra để giúp chúng ta sửa lỗi người khác.  Chúng ta cũng đừng quên vai trò quan trọng của cầu nguyện, xin Chúa giúp ta sửa lỗi hay nhận lỗi.     

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A