CHÚA NHẬT 24
THƯỜNG NIÊN
Tha Thứ Như
Đã Được Thứ Tha
Lắng nghe sứ điệp
Lời Chúa (Hc 27:30 – 28:7; Rm 14:7-9;
Mt 18:21-35)
“Tao
tha chết cho mày lần này, không có lần sau nữa đâu!” Hoặc “Chỉ một lần này nữa thôi. Tái phạm một lần nữa thì sẽ không tha”. Đó là lối tha thứ của con người, tha thứ được
đóng khung trong một giới hạn rõ ràng và không thay đổi. Lối tha thứ ấy hoàn toàn trái ngược với lối
tha thứ của Thiên Chúa. Sự khác biệt này
được nói lên trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, nhất là bài đọc trích sách Huấn
ca và bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu.
Điều xác định sự khác biệt giữa hai lối tha thứ chính là lòng thương xót
và quảng đại mà Thiên Chúa đã đối xử với chúng ta là những kẻ tội lỗi.
Trước hết
chúng ta hãy nghe lời tác giả sách Huấn ca khuyên bảo chúng ta tại sao phải tha
thứ: vì chẳng có ai là người hoàn hảo và
không có tội lỗi. Ngài đưa ra những lý
do đích đáng. Oán hờn và giận dữ không
phải là thái độ của con cái Chúa. Nuôi
lòng hờn giận là tự gây thương tích cho lòng mình nên không thể được Chúa chữa
lành. Không thương người khác mà chỉ
nuôi thù hận thì đâu đáng được Chúa thương tha thứ. Tóm lại, lời khuyên của sách Huấn ca được tóm
tắt trong câu này: “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn
sẽ được tha”. Trước mặt Chúa, tất cả
chúng ta đều là những kẻ tội lỗi. Cho
nên khi cầu nguyện, một trong bốn hành vi của cầu nguyện là chúng ta khấn xin
Chúa tha thứ những lầm lỗi đã phạm. Xin
Chúa tha tội cho mình mà lại không bỏ qua điều sai trái của anh chị em thì quả
là vô lý! Khi dạy chúng ta cầu nguyện, chính
Chúa Giê-su cũng đã đưa hành vi này vào phần thứ hai của kinh Lạy Cha: Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ
có nợ chúng con.
Vậy
Chúa “tha nợ” cho chúng ta thế nào? Đâu
phải là quá tam ba bận! Mà là tha hoài
không ngừng. Chúa Giê-su đã nói lên chân
lý này khi Người kể dụ ngôn tên đầy tớ độc ác không tha nợ cho anh bạn, trong
khi chính hắn đã được vua tha cho món nợ kếch sù. Vì thế hắn đã bị vua trừng phạt cho đến ngày
trả hết nợ cho vua. Mà chẳng bao giờ hắn
có thể trả hết nợ được, cho nên hắn bị trừng phạt đời đời! Chủ đích của câu chuyện là đưa tới kết luận: “Cha của
Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em
chẳng hết lòng tha thứ cho anh em mình”.
Món nợ mười ngàn yến vàng quá lớn nhưng đã được tha là hình ảnh nói lên
lòng quảng đại bao la của Thiên Chúa luôn tha thứ. Còn lòng quảng đại của con người được giới hạn
trong bảy lần tha thứ mà Phê-rô đã cho là tột đỉnh rồi. Do đó Chúa Giê-su đã phá bỏ giới hạn ấy của
loài người để thay thế bằng sự quảng đại vô biên của Thiên Chúa khi Người bảo
Phê-rô: “Thầy không bảo là đến bảy lần
nhưng là đến bảy mươi lần bảy”. Nói tóm
lại, không thể so sánh lòng quảng đại của con người với lòng quảng đại của
Thiên Chúa! Lòng quảng đại của Thiên
Chúa không đặt ra những giới hạn cho tình yêu, lòng thương xót và tha thứ của
Người. Để diễn tả lòng thương xót ấy của
Thiên Chúa, câu chuyện dụ ngôn kể: “Tôn
chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng
thương, cho y về và tha luôn món nợ”.
Đáng lẽ y sẽ bị giam giữ suốt đời, nhưng y lại được cho về nhà và được
xóa nợ. Thử hỏi còn hình ảnh nào đúng
hơn để diễn tả Thiên Chúa giầu lòng thương xót không?
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Thánh
Phao-lô có biệt tài diễn tả mối liên đới giữa Thiên Chúa, Đức Ki-tô và chúng
ta, cũng như mối liên đới giữa chúng ta với nhau. Do đó, dù sống hay chết, không ai là một hòn
đảo, nhưng là sống chết cho Chúa và cho anh chị em. Trong mối liên đới ấy, chúng ta biểu lộ tình
yêu và tha thứ, chúng ta phải là những người “thuộc về Chúa”. Chúa luôn tha thứ cho chúng ta và Người là
gương mẫu tha thứ. Mức độ tha thứ của
Người được dùng làm thước đo cho việc tha thứ của chúng ta. Tha thứ là hành vi Chúa yêu thương chúng
ta. Cho nên hãy tha thứ cho anh chị em
như Chúa tha thứ cho chúng ta thì cũng đồng nghĩa với hãy yêu thương anh chị em
như Chúa yêu thương chúng ta vậy.
Đức
Gio-an Phao-lô II đã đích thân đến nhà tù tại Roma để tha thứ cho kẻ mưu sát
mình, đó là tấm gương trong sáng và tân thời chứ không phải chuyện cổ
tích. Chúng ta không đến nỗi bị mưu sát,
nhưng mỗi ngày đều có nhiều cơ hội để tha thứ lắm!
Lm Đa-minh Trần đình Nhi