CHÚA NHẬT 25
THƯỜNG NIÊN
Lối Sống Của
Chúa Ki-tô Là Lối Sống Của Chúng Ta
Lắng nghe sứ điệp
Lời Chúa (Is 55:6-9;
Pl 1:20c-24,óc 27a; Mt 20:1-16a)
“Thầy
không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”. Tha thứ không ngừng, đó là một đặc nét trong
lối sống Chúa Ki-tô dạy chúng ta. Tuy
nhiên Phụng vụ Lời Chúa hôm nay tiếp tục trình bày lối sống ấy được biểu lộ qua
cách chúng ta suy nghĩ, ăn ở sao cho xứng
với Tin Mừng và theo gương “tốt bụng” của Thiên Chúa.
Con người
là sinh vật có lý trí và tư duy là một trong những sinh hoạt chủ yếu. Giữa các sinh vật Chúa dựng nên, chúng ta là
thụ tạo có giá trị nhất, vì “Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy”
(Thánh Vịnh 8:6). Tư tưởng của chúng ta nói
lên rất rõ ràng lối sống. Sau khi nguyên
tổ phạm tội bất tuân, lối suy nghĩ của chúng ta thay đổi, không còn theo đường
lối của Thiên Chúa nữa. Con người đối
nghịch với Thiên Chúa và biến thành “kẻ gian ác, người bất lương”. Ngôn sứ I-sai-a nói lên sự đối nghịch
này. Thiên Chúa “xót thương và rộng lòng
tha thứ”, còn chúng ta thì ngược lại, gian ác và giữ lòng thù hận. Hai lối sống, một theo đường lối của Thiên
Chúa và một theo đường lối của loài người, xa cách nhau như trời với đất. Do đó, đường lối và tư tưởng của Thiên Chúa
cao hơn đường lối và tư tưởng chúng ta vô cùng.
Vậy thì
làm sao chúng ta hiểu và tiếp cận được với đường lối và tư tưởng của Thiên
Chúa? Câu trả lời: Chúa Giê-su chính là gạch nối, là phiên bản lối
sống của Thiên Chúa giúp chúng ta thực hiện điều chúng ta không thể tự sức mình
làm được. Nhận thức chân lý quan trọng này,
thánh Phao-lô khẳng định chắc chắn: “Đối
với tôi, sống là Đức Ki-tô”. Thật tuyệt
vời! Đây là phương châm của ngài và cũng
là nguyên lý dành cho tất cả các Ki-tô hữu chúng ta. Nó vừa ngắn gọn, rõ ràng, nhưng ý nghĩa vô
cùng phong phú, để chúng ta suy nghĩ và sống cả một đời cho đến khi nhắm mắt. Chúa Ki-tô không những là gương mẫu để sống
mà còn là gương mẫu để chết nữa. Đúng vậy,
khi còn sống, Chúa Ki-tô “đi tới đâu là Người thi ân
giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở
với Người” (Công Vụ Tông Đồ 10:38). Còn khi Người trao Thần Khí trên thập giá,
thì cái chết của Người là một “mối lợi” vô cùng vĩ đại, vì nó giao hòa toàn thể
nhân loại với Thiên Chúa. Cuối cùng,
thánh Phao-lô đã rút ra một điểm thực hành rất nghiêm túc: “Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao
cho xứng với Tin Mừng của Đức Ki-tô”. Sống
xứng đáng với Tin Mừng hoặc xứng đáng với Chúa Ki-tô thì cũng là một mà thôi!
Câu
chuyện dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một cái nhìn của Thiên
Chúa về lẽ công bằng. Trong câu chuyện,
có những sự kiện làm chúng ta phải thắc mắc. Với nhóm thợ đầu tiên, ông chủ vườn
nho thỏa thuận trả cho họ mỗi ngày một quan tiền. Còn tất cả những nhóm thợ đến sau, ông chỉ bảo
họ: “Tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công
bằng”, mà không ấn định rõ ràng là bao nhiêu.
Cuối ngày, ông trả tiền công cho thợ, bắt đầu từ nhóm đến sau cùng, mỗi
người là một quan tiền. Nhưng khi nhóm đầu
tiên chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền, họ lập tức phàn nàn là ông chủ
không công bằng. Thực ra ông chủ không bất
công, vì ông đã làm theo đúng thỏa thuận với họ. Đó là lẽ công bằng theo “đường lối loài người”. Còn việc ông trả công cho những người đến sau
bằng với những người đến đầu tiên, thì đó là lẽ công bằng của một Thiên Chúa “tốt
bụng”, nói khác đi, là lẽ công bằng đo bằng trái tim Thiên Chúa.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Lẽ công
bằng theo đường lối của Thiên Chúa đã được Chúa Giê-su thực hiện qua sứ vụ của
Người và nhất là qua cái chết của Người để cứu độ chúng ta. Chúng ta không thể đền bù được tội lỗi của
mình, mà phải hoàn toàn nhờ vào công nghiệp của Chúa Giê-su. Người đã lấy lẽ công bằng của Thiên Chúa mà đối
xử với chúng ta là để làm gương cho chúng ta.
Người đã “tốt bụng” không những với người thánh thiện, mà càng tốt bụng
hơn với những kẻ tội lỗi, thu thuế, đau yếu bệnh tật, bị quỷ ám… Khi kể dụ
ngôn, có lẽ Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh đến lối sống tốt bụng của ông chủ vườn
nho là Cha trên trời của chúng ta và đó cũng phải là lối sống của chúng ta nữa. Thánh Phao-lô đã chọn sống “vì anh em” thay
vì “ra đi để được ở với Đức Ki-tô”. Vậy
ta phải làm sao để sống tốt bụng cho xứng với Tin Mừng đây?
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi