CHÚA NHẬT 28
THƯỜNG NIÊN
Bữa tiệc
Thiên Chúa thết đãi chúng ta
Lắng nghe sứ điệp
Lời Chúa (Is 25:6-10a; Pl 4:12-14, 19-20; Mt 22:1-14)
Có khi
nào bạn thắc mắc tại sao đôi khi có hai bài Tin Mừng trong Thánh lễ Chúa Nhật,
một bài ngắn và một bài dài không? Thú
thật tôi không hiểu biết nhiều lắm về Phụng vụ nên cũng không rõ lý do. Thường tôi chỉ nghĩ đơn giản có thêm bài đọc
ngắn là để Thánh lễ bớt kéo dài một chút!
Nhưng xem ra lý do này không ổn lắm.
Thì cứ tạm coi lý do này chính đáng vì Giáo Hội muốn… thông cảm cho con
cái mình. Tuy nhiên khi đọc kỹ lại cả
hai bài dài và ngắn, tôi thấy bài đọc ngắn cũng đã đầy đủ để nói lên chủ đề phụng
vụ của ngày hôm ấy rồi, cho nên đoạn thêm vào cho dài ở bài đọc dài xem ra
không thực sự cần thiết lắm. Bài Tin Mừng
hôm nay là một thí dụ cụ thể. Ý chính là
Thiên Chúa đãi mọi người chúng ta một bữa tiệc, còn chuyện ông khách không mặc
y phục lễ cưới chỉ là “chuyện kể thêm”.
Bữa tiệc
là dịp để mừng một sự kiện vui, như lễ cưới, sinh nhật, mừng đứa con đầu lòng,
tốt nghiệp… Hôm nay ngôn sứ I-sai-a giới thiệu với chúng ta một bữa tiệc thật đặc
biệt: người đãi tiệc là Thiên Chúa, khách mời là muôn dân, địa điểm ở trên núi
Xi-on là nhà Thiên Chúa, thực đơn gồm rượu ngon thịt béo và lý do đãi tiệc là để
mừng việc Thiên Chúa vĩnh viễn tiêu diệt tử thần là kẻ đã gây ra nước mắt, tang
tóc và cả nỗi ô nhục nữa. Chúng ta cần
trở lại khởi đầu công việc tạo dựng để hiểu được lý do Thiên Chúa ăn mừng cuộc
chiến thắng tội lỗi và sự chết. Sau khi
tội lỗi đột nhập thế gian và đánh bại tổ tông loài người, sự chết thống trị con
người (Rô-ma 5:12). Thế là “chiếc khăn
che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước”! Tất cả chúng ta đều ngồi trong bóng tối tử thần. Nhưng khi thời kỳ đã mãn, kế hoạch cứu độ của
Thiên Chúa được thực hiện, thì đó là lúc Thiên Chúa đãi tiệc muôn dân để mừng
Con Một Người đã lấy cái chết trên thập giá mà thắng cái chết do tội lỗi và ma
quỷ gây ra cho nhân loại. Lấy độc trị độc
là thế! Xa-tan gieo cái chết thì Chúa
Giê-su chịu chết để đánh bại sự chết. Vì cuộc chiến thắng ấy đem lại hiệu quả tuyệt
vời cho chúng ta là ơn cứu độ và làm cho chúng ta được nên con cái Thiên Chúa,
nên đó là lý do để chúng ta hãy “cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ”.
Đến đây
bạn có nhận ra được sự liên kết chặt chẽ giữa bữa tiệc ngôn sứ I-sai-a tiên báo
với dụ ngôn vua mở tiệc cưới cho hoàng tử mà Chúa Giê-su kể trong bài Tin Mừng hôm
nay không? Phải, Chúa Giê-su đang kể dụ
ngôn về Cha Người và về chính Người. Vua
là chính Thiên Chúa Cha. Người sai Hoàng
Tử Giê-su đến trần gian để rao giảng Tin Mừng và thiết lập Nước Trời. Nước Trời đây chính là Tiệc Cưới mà Thiên Chúa
thết đãi muôn dân. Các quan khách được mời
đầu tiên là dân riêng Do-thái của Chúa, nhưng họ đã từ chối đến dự tiệc, nên
vua sai người “đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới”. Lòng Chúa thương xót muốn cứu độ mọi người
không bị giới hạn trong vòng dân riêng của Chúa nữa, nhưng đã mở rộng tới muôn
dân. Như ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo,
Thiên Chúa đãi tiệc cứu độ mừng chiến thắng của Chúa Giê-su. Thiên Chúa đã chuẩn bị cỗ bàn và “mọi sự đã sẵn
sàng”. Chúng ta liên tưởng đến Bữa Tiệc
Thánh Thể, ở đó Chúa ban cho chúng ta lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng linh hồn. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến bữa tiệc là
Giáo Hội với các Bí tích và nguồn mạch mọi ân sủng Chúa ban. Chúng ta chẳng phải làm gì cả ngoài việc cứ
đáp lời mời, hoan hỷ đến dự tiệc cứu độ do Chúa thết đãi.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Chúng
ta đã hiểu nội dung sứ điệp nói về bữa tiệc Chúa thết đãi. Để giúp chúng ta sống sứ điệp này, thánh
Phao-lô trong bài đọc 2 đã làm nổi bật lên hình ảnh Chúa Cha. Ngài viết:
“Thiên Chúa của tôi sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời,
theo sự giàu sang của Người trong Đức Ki-tô Giê-su”. Thiên Chúa hào phóng và giàu sang như vậy đã
mở tiệc cưới cho Con Một Người mà chúng ta không màng lời mời, từ chối dự tiệc,
thì quả thực là… hết nói rồi! Cho nên
hãy đến dự tiệc Con Chiên (x. Khải Huyền 19:8-9)! Tuy nhiên để giúp chúng ta cụ thể sống sứ điệp
Lời Chúa hôm nay, “chuyện kể thêm” về người khách không mang y phục lễ cưới vì
muốn coi thường vua thực chính là lời cảnh báo chúng ta hãy giữ áo rửa tội luôn
được tinh tuyền, vì đó là dấu chỉ của những người được cứu độ.
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi