CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN, NĂM A
CẦN CÓ Y PHỤC XỨNG HỢP
(Is 25,69; P 4,12- 14.19- 20; Mt 22,1- 14)
Theo truyền thống,
phong tục của nhiều dân tộc xưa, mỗi khi nhà vua cưới cho hoàng tử, thì các đại
thần được ưu tiên mời, đồng thời mọi người dân cũng được hưởng ân lộc đó của
nhà vua.
Còn với chúng ta hiện
nay, không nhiều thì ít, hẳn mỗi người cũng đều
được mời đi dự tiệc cưới của một ai đó.
Hôm
nay, bài Tin Mừng cũng trình thuật câu chuyện Đức Vua mở tiệc cưới cho Hoàng Tử.
Một đám cưới rất đặc biệt cho cả người thiết đãi lẫn khách dự tiệc! Cách hành xử
của Vua cũng như quan khách lại rất khác thường!
Trong dụ ngôn, chúng
ta thấy Đức Giêsu đã khéo léo trình bày dung mạo của Thiên Chúa với lòng bao
dung, độ lượng; đồng thời thấy được sự ích kỷ của khách mời. Mặt khác, Đức
Giêsu còn mặc khải cho chúng ta biết rằng: hết mọi người đều được mời đến tham
dự tiệc Nước Trời. Tuy nhiên, khi được mời thì cần phải có y phục xứng đáng.
Giờ đây, chúng ta cùng
nhau tìm hiểu ý nghĩa của dụ ngôn:
Trước tiên, ông Vua chính là
Thiên Chúa Cha: “Ðức Chúa các đạo binh sẽ
đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu
ngon tinh chế” (Is 25, 6). Người luôn chuẩn bị sẵn sàng: “Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc
vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng". Tuy nhiên, không chỉ những
người ưu tuyển, mà Người còn quan tâm, để ý đến mọi người: “Hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc
cưới".
Qua hình ảnh này, thần dân sẽ
cảm thấy Người là vị Vua nhân hậu, hay thương xót và quảng đại với hết mọi
người.
Thứ đến, Hoàng Tử
chính là Đức Giêsu. Hôn Thê là Giáo Hội. Đây là hình ảnh đẹp tuyệt vời diễn tả
tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo Hội. Hoàng Tử sẽ sống hết mình vì Hôn Thê. Chàng
Rể này vì vâng lời Cha và yêu Hôn Thê của mình, mặc dù nhiều khi Hôn Thê phản bội,
cố chấp, do sự hận thù, ích kỷ, bảo thủ, bất trung, bội nghĩa. Nhưng vị Hoàng Tử
đặc biệt này đã sẵn sàng đón nhận tất cả, chịu đựng tất cả, yêu thương tất cả,
đến nỗi chết cho người mình yêu.
Tiếp theo, khách được
mời là dân Dothái, tuy nhiên họ đã khước từ và lấy lý do: “Người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt
đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi”, vì thế, nhà Vua đã quyết định mời hết mọi
người, không phân biệt. Ngày cưới là ngày chung cuộc, ngày phán xét, ngày
Vua tập hợp tất cả mọi người trên mọi nẻo đường, mọi thành phần tốt cũng như xấu,
và đến giờ, nhà Vua mới tiến vào và phán xét mọi người để phân biệt đâu là
chiên và đâu là dê!
Cuối cùng là y phục lễ
cưới: tiêu chuẩn để không bị xét xử là phải mặc y phục của lễ cưới. Nếu không sẽ
bị đuổi ra ngoài.
Y phục mà Đức Giêsu muốn
nói đến ở đây chính là sự đổi mới. Đổi mới là từ bỏ lòng ích kỷ cá nhân để mặc
vào lòng bác ái vị tha. Từ bỏ sự hiềm khích, vô ơn, bất chính, để mặc vào
tình yêu thương chân chính và lòng biết ơn. Từ bỏ sự hờ hững, vô tâm để mặc lấy
lòng nhiệt thành, liên đới, cảm thông.
Vì thế, mặc y phục lễ
cưới là mặc lấy tinh thần mới, lối nhìn mới và cách sống mới. Tuy nhiên,
thật tiếc thay, điều kiện của Vua thì rất là dễ, nhưng lại trở thành quá khó đối
với một số người cố thủ trong ích kỷ, biếng nhác, tham lam và ghen ghét. Vì thế,
họ bị đuổi ra ngoài: "Trói tay chân
nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những
kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít".
Như vậy, qua bài Tin Mừng,
Ðức Giêsu trình bày dung mạo một vị Vua hiền hậu lạ lùng: Ông tự ý mở tiệc và
cho các đầy tớ hết lớp này đến lớp khác đi mời, dù khách được mời không thèm
đến, lại còn giết các sứ giả được sai đến với họ.
Dung mạo vị Vua càng hiền hậu
bao nhiêu thì càng làm nổi bật sự vô ơn bất xứng của khách được mời bấy nhiêu.
Họ tỏ ra khinh mạn, hỗn xược với tấm lòng quảng đại của nhà Vua.
Trong
đời sống Đạo của chúng ta hiện nay, nhiều khi không khác gì những người Dothái,
nên vẫn còn đó tình trạng: “Gần chùa gọi
Bụt bằng anh”; hay không quan tâm đến việc sống đạo, mà chỉ quan tâm đến
chuyện bề ngoài; hoặc không muốn nghe những lời giáo huấn của Chúa qua các đấng
bậc trong Giáo Hội.
Tất
cả đều khởi đi từ sự kiêu ngạo và ích kỷ. Họ để cho cái tôi quá lớn và coi mình
đã đạo đức đủ nên không cần nghe và cũng chẳng có gì phải sửa!
Vì
kiêu ngạo, nên không thể chấp nhận sửa sai, dù đó là Lời Chúa dạy.
Vì
ích kỷ nên khó lòng chấp nhận ngồi lại với nhau để làm việc... bởi nghĩ rằng
người anh chị em chúng ta không xứng tầm với mình, nên chẳng cần quan tâm.
Những
người như vậy, họ như ly nước đã đầy, nên không thể tiếp thêm cho dù chỉ một
giọt nước. Hay như mảnh đất quá khô cằn, nhưng khi mưa xuống thì họ lại che đậy
lại, khiến nước mưa không thể tiếp xúc...
Sự
hóng hách, khinh thường, chê bai, chỉ trích, bè phái... luôn luôn thường trực
trong trái tim vốn đã hóa đá của họ, vì thế, nơi họ, không ai lấy đi được khỏi
mắt họ cặp kính râm, vì thế họ nhìn mọi sự trước mắt đều là màu đen... tiêu
cực.
Quả
thật, họ đâu nhận ra tình thương của Thiên Chúa dành cho mình, nên việc khước
từ ơn Chúa đến như những người được mời dự tiệc mà không hề để ý đến thiện tình
của ông chủ là lẽ đương nhiên nơi những con người này.
3. Sứ điệp Lời Chúa
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta hãy đến tham dự bàn tiệc Nước
Trời. Một cách cụ thể, đó là chúng ta được mời đến tham dự bàn tiệc Lời Chúa và
Thánh Thể Chúa hằng ngày nơi Thánh lễ. Tuy nhiên, chúng ta đã đáp trả như thế nào? Thờ ơ lãnh đạm như
dân Dothái xưa không đi dự tiệc vì quá nhiều bận rộn, hay chúng ta đi dự tiệc
mà không mặc y phục lễ cưới là phẩm hạnh của bàn tiệc mà Đức Giêsu đòi hỏi như:
y phục của lòng tin, cậy, mến; y phục của lòng ăn năn sám hối và sự kính trọng
đối với Thiên Chúa; y phục của tình yêu thương, liên đới và chia sẻ với người
nghèo!
Mỗi
khi chúng ta hiệp dâng Thánh lễ, ấy là lúc chúng ta được Thiên Chúa mời gọi vào
dự bữa tiệc của tình yêu, chia sẻ, hiệp nhất. Khi được mời gọi như thế, hẳn
chúng ta phải có một tâm hồn trong sạch để xứng đáng với hồng ân cao trọng này.
Đồng
thời mỗi người chúng ta khi tham dự tiệc Thánh Thể, cần mặc lấy tinh thần tự hủy,
liên đới vì tha thân để noi gương Đức Giêsu yêu thương hết mọi người.
Lạy Chúa
Giêsu, xin cho mỗi người chúng con khi được tham dự bàn tiệc Thánh Thể và Lời
Chúa thì cũng được biến đổi, để ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa
và đủ điều kiện để một ngày kia tham dự vào bàn tiệc Thiên Quốc. Amen.