CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN

Tin vui cho người có trách nhiệm dạy dỗ

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Ml 1:14b – 2:2b, 8-10;  1Tx 2:7b-9, 13;  Mt 23:1-12)

          Nói là “tin vui”, nhưng thực ra chẳng vui tí nào!  Vì phụng vụ Lời Chúa hôm nay trích dẫn những lời cảnh báo nghiêm khắc dành cho những kẻ có trách nhiệm dạy dỗ người khác mà chính họ lại không thực hành những điều họ dạy.  Những cảnh báo trên nhắm đến các tư tế, kinh sư và người Pha-ri-sêu là đối tượng chính, nhưng còn nhắm đến tất cả những người có trách nhiệm dạy dỗ, như cha mẹ, thầy cô, giới lãnh đạo tôn giáo cũng như chính quyền nữa.  Dầu sao đây cũng vẫn là tin vui, vì nhờ được cảnh báo nên tất cả chúng ta là người có nhiệm vụ dạy dỗ hoặc người được chỉ dạy, đều biết phải làm sao sống đúng vai trò của mình.

          Trong tôn giáo và xã hội Do-thái, những người có nhiệm vụ dẫn dắt dân chúng về đời sống đạo và đời chính là các tư tế, kinh sư và nhóm Pha-ri-sêu.  Họ được học hành và được trao cho trách nhiệm giúp dân chúng hiểu và sống lề luật Chúa cũng như luân lý xã hội.  Ngay thời Cựu Ước, trong giới lãnh đạo này không thiếu những kẻ “nói mà không làm”.  Chúa đã sai ngôn sứ Ma-la-khi chuyển sứ điệp của Người đến với họ.  Sứ điệp gồm những lời nhắc nhở và răn đe, thậm chí cả những trừng phạt nặng nề Chúa sẽ thẳng tay giáng xuống trên những kẻ “đã đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy”.  Đúng vậy, “đường Luật dạy” chính là con đường nên thánh Chúa đã vạch ra giúp dân Chúa sống sao cho đúng danh con cái Người.  Cho nên nếu những kẻ lãnh đạo dẫn đường mà lại “đi trệch đường”, thì chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tai hại cho những người bước theo sau họ.  Do đó, nếu Chúa có khiến cho họ “mắc tai họa” hoặc làm cho họ “đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân” thì cũng không có gì là quá đáng, vì Chúa luôn yêu quý dân Người và chỉ muốn điều ích lợi cho họ.  Tuy nhiên chúng ta vẫn thấy ở đây chứa chan tình yêu của Chúa, vì Người luôn hy vọng những lời cảnh báo này sẽ giúp những kẻ vô trách nhiệm kia ý thức trách nhiệm của mình mà sửa đổi.

          Thời xưa, các ngôn sứ được Chúa sai tới để nhắc nhở răn đe những nhà lãnh đạo không chu toàn bổn phận mình.  Giờ đây, đứng trước tình trạng những kẻ lãnh đạo giả hình giả bộ, chỉ biết vun đắp cho cái danh hão của mình mà không hề muốn phục vụ, Chúa Giê-su thẳng thắn quở trách họ.  Chúa Giê-su chỉ trích họ khi Người “nói với dân chúng và các môn đệ”.  Dĩ nhiên Chúa không muốn nói sau lưng đám kinh sư và Pha-ri-sêu, vì Người biết đằng sau dân chúng và môn đệ Người, không thiếu nhóm lãnh đạo đang rình rập để tìm cớ bắt bẻ Người!  Nhưng chắc chắn Chúa Giê-su muốn dạy dân chúng và các môn đệ bài học trước nhất là về việc làm gương sáng.  Dạy dỗ không chỉ bằng sách vở và giảng dạy, nhưng còn bằng gương sáng.  Sức mạnh lôi kéo của gương sáng mới đáng kể.  Nếu không làm gương sáng hoặc chỉ nói mà không làm, chúng ta sẽ chẳng khác gì đám Pha-ri-sêu “bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngán tay vào”.  Bài học tiếp theo về trách nhiệm dạy dỗ, đó là bằng tình yêu và tinh thần khiêm nhượng phục vụ.  Chúng ta vẫn nghe nói phải dạy dỗ con cái trước hết bằng tình thương yêu.  Đúng thế, tình yêu mới có thể biến đổi con cái và học trò;  còn roi vọt chỉ làm cho chúng sợ hãi thôi.  Mà tình yêu đích thực thì “nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận… (1 Cô-rin-tô 13:4tt).  Đấy, Chúa Giê-su là Thầy và sư phạm của Người là biểu lộ tình yêu qua tất cả những đặc tính mà thánh Phao-lô đã kể ra.  Chúa Giê-su chính là “người làm lớn hơn cả”, nhưng lại làm người phục vụ đến độ hy sinh mạng sống mình để cứu độ chúng ta. 

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Thánh Phao-lô đã chu toàn sứ vụ dạy dỗ.  Ngài viết cho tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca,:  “Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ…”  Thánh Phao-lô không chỉ là thầy dạy đức tin mà còn là một gương sống đức tin thật lôi cuốn!  Chúng ta thử tưởng tượng tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca sẽ cảm thấy thế nào khi đọc những dòng thư tha thiết và chan chứa yêu thương của ngài.  Ngài đã học nơi Thầy Giê-su và ngài mời gọi chúng ta:  Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi đã bắt chước Đức Giê-su! 

         Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm A