CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN A
ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ VUA VŨ TRỤ
Ed 34,11-12.15-17; 1 Cr 15,20-26.28; Mt 25,31-46
GÓP PHẦN XÂY DỰNG VƯƠNG QUỐC TÌNH THƯƠNG CỦA VUA
GIÊ-SU
I. HỌC LỜI
CHÚA
1. TIN MỪNG:
Mt 25,31-46.
(31) Khi Con
Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo
hầu. Bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. (32) Các dân
thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt
họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê, (33) Người sẽ cho
chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. (34) Bấy giờ Đức Vua sẽ
phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc
phúc. Hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ
thuở tạo thiên lập địa”. (35) Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta
khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;
(35) Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc. Ta đau yếu, các ngươi đã
thăm nom. Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm”.(37) Bấy giờ những người
công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy
Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống. (38) Có bao giờ đã thấy Chúa
là khách lạ mà tiếp rước, hoặc trần truồng mà cho mặc ? (39) Có bao
giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu ?”
(40) Để đáp lại, Đức Vua sẽ bảo họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi:
Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất
của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy”. (41) Rồi Đức Vua sẽ
phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi
cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên ác quỷ và
các sứ thần của nó”. (42) Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn. Ta
khát, các ngươi đã không cho uống. (43) Ta là khách lạ, các ngươi đã
không tiếp rước. Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc. Ta đau yếu
hay ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom”. (44) Bấy giờ những người
ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa
đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù,
mà không phục vụ Chúa đâu ?” (45) Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng:
“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một
trong những người bé mọn nhất đây, là các ngươi đã không làm cho
chính Ta vậy”. (46) Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn
những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời”.
2. Ý CHÍNH:
Vào ngày tận thế, sau khi các thiên thần đã tập
trung tất cả người chết được Chúa cho sống lại, Vua Giê-su sẽ tái lâm
trong vinh quang để làm một cuộc phán xét chung (31). Người xét xử người
ta không dựa trên những việc làm khác thường, nhưng trên thái độ và
cách ứng xử của đức tin đối với tha nhân, nhất là yêu mến phục vụ
Người hiện thân nơi những người nghèo hèn đau khổ về thể xác cũng như
tâm hồn (40.45).
3. CHÚ
THÍCH:
- C 31: + Khi Con Người đến trong vinh quang của
Người: Đức Giê-su được Chúa Cha sai
đến trần gian 2 lần: Lần thứ nhất Ngưới đến để thi hành sứ mệnh cứu
thế, để dạy lòai người nhận biết Thiên Chúa và mở ra con đường lên
trời là: “Bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo chân Người” (x Mc
8,34). Lần thứ hai Người sẽ đến trong uy quyền và vinh quang của Con
Thiên Chúa (x Mt 16,27), là Vua của vũ trụ vạn vật (x Mt 28,18) và là
Thẩm Phán xét xử muôn dân để ban thưởng kẻ lành và trừng phạt kẻ
dữ (x Mt 25,31-32).
- C 32-33: + Người sẽ tách biệt họ với nhau như
mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải
Người, còn dê ở bên trái:
Bấy giờ Đức Giê-su sẽ phân chia muôn dân thành hai lọai là chiên và dê.
Chiên và dê là hai lòai giống nhau. Nhưng đặc tính của con chiên là
hiền lành, còn đặc tính của con dê thì hay phá phách chuồng trại.
Chiên có giá trị kinh tế hơn dê nhờ bộ lông dầy được xén từng thời
kỳ, và được dùng làm len để đan áo ấm.
- C 34: + Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những
người ở bên phải rằng:
Nào những kẻ Cha ta chúc phúc…: Những người được xếp bên phải là
những tín hữu sống theo “Tám Mối Phúc thật” (x. Mt 5,1-12), thực hành
bác ái phục vụ Chúa hiện thân nơi những người đau khổ bất hạnh (x Mt
25,35-36). Còn những người bên trái là những kẻ vô tín, thể hiện qua
thái độ làm ngơ trước những người đau khổ bất hạnh của người khác
(x Mt 25,41-45).
4. CÂU HỎI:
1) Đức
Giê-su đến trần gian mấy lần ? Người đến thứ nhất để làm gì ? Người
sẽ đến lần thứ hai khi nào và nhằm mục đích gì ? 2) Trong ngày tận thế
Đức Giê-su sẽ phân chia lòai người thành hai lọai người là những lọai
nào ? 3) Chiên và dê khác nhau ở điểm nào? 4) Những ai được xếp vào lọai
“chiên” bên tay phải, và những ai được xếp vào loại “dê” bên tay trái ?
II. SỐNG
LỜI CHÚA
1. LỜI
CHÚA: Chúa phán: “Ta bảo thật các ngươi: Mỗi lần các ngươi đã không
làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi
đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,45).
2. CÂU
CHUYỆN:
1) "HOÀNG TỬ VÀ NGƯỜI HÀNH KHẤT":
Cách đây 300 năm, nhà văn MARK
TWAIN nước Anh đã
viết câu chuyện “Hoàng Tử và người hành
khất”, nội dung kể về hai cậu bé: một là hoàng tử EDWARD xứ Wales, và hai
là đứa trẻ bụi đời tên là TOM
CANTY. Dù khác nhau về giai cấp, nhưng hoàng tử Edward muốn làm bạn với Tom. Có
điều lạ là cả hai lại có khuôn mặt rất giống nhau như hai anh em sinh đôi.
Một ngày kia, hoàng tử Edward
đề nghị chơi trò hoán đổi địa vị, bằng cách cho Tom Canty làm hoàng tử, được mặc
quần áo sang trọng và được vào sống trong hoàng cung, còn mình thì mặc bộ quần
áo rách nát của Tom và hằng ngày đến sống trong khu ổ chuột trong hầm cầu. Ban
ngày hoàng tử Edward nhập bọn với đám người hành khất đi xin ăn, đêm về phải nằm
ngủ dưới nền đất tối tăm lạnh lẽo. Nhưng cũng nhờ sống giữa những người nghèo
và sinh hoạt như một người nghèo mà hoàng tử Edward đã trải qua đủ nỗi khổ nhục
những người nghèo phải chịu đựng. Một thời gian sau, khi không còn hứng thú với
trò chơi này, Edward đã đến hoàng cung gặp Tom Canty đang đóng vai hoàng tử để
yêu cầu hoán đổi địa vị lại như trước. Nhưng do đã quen với lối sống giàu sang
nên Tom không những đã từ chối không chịu hoán đổi trở thành kẻ bụi đời mà hắn còn
tố cáo khiến Edward bị tống giam vào ngục, với tội danh nhục mạ hoàng tử. Trong
phiên tòa xét xử xác minh thật giả, với trí thông minh đối đáp, kèm theo những chứng
cớ cụ thể về gia thế, Edward đã chứng minh mình mới là hoàng tử thật sự và đã
giành lại quyền lên làm vua thay vua cha mới băng hà. Từ khi lên làm vua, do đã
trải nghiệm cuộc sống nghèo khổ, tân vương Edward đã đặc biệt quan tâm đến những
người nghèo khổ và trở thành ông vua liêm chính và nhân ái trong lịch sử nước
Anh.
2) LÒNG MẾN CHÚA THỰC SỰ ĐƯỢC BIỂU LỘ QUA HÀNH ĐỘNG YÊU NGƯỜI:
Trong tác phẩm: “Thị kiến của người
Kitô hữu” (The Christian Vision), nhà văn JOHN POWELL đã kể một chuyện cổ xưa của
người Ái Nhĩ Lan như sau:
Một hôm có một ông vua đã gần đất xa
trời mà vẫn không có hoàng tử nối ngôi. Vua bèn sai sứ giả thông báo khắp nơi sẽ
mở một cuộc thi tuyển chọn hoàng tử. Mọi thanh niên có tướng mạo tốt và được
quan chức địa phương tiến cử sẽ được ghi danh lên kinh đô ứng thí. Chính nhà
vua sẽ đích thân sát hạch các thí sinh về lòng mến Chúa yêu người, là điều kiện
trở thành ông vua tốt.
Bấy giờ có một thanh niên tướng mạo
phi phàm và sống đạo rất tốt nên được dân chúng trong vùng và viên quan chức
địa phương đồng ý tiến cử về hoàng cung dự thi. Nhưng có điều anh này gia cảnh quá
nghèo, có mẹ già đau ốm liên miên, nên hằng ngày anh phải làm người khuân vác
trong chợ để kiếm sống. Anh cũng không đủ tiền mua được một bộ quần áo tươm tất
đi dự thi, và mua lương khô mang theo đi đường. Nhiều người góp tiền mua tặng
anh một bộ quần áo và mua lương khô để anh mang theo đến thủ đô.
Sau một tháng liên tục ngày đi đêm
nghỉ, chàng thanh niên đã đi đến thủ đô và từ xa đã nhìn thấy tòa lâu đài tráng
lệ của nhà vua. Rồi bỗng có một lão ăn mày áo quần rách nát xuất hiện bên đường.
Thấy anh, lão liền ngửa tay xin giúp đỡ: “Này cậu kia, lão đã bị nhịn đói và
chịu rét run mấy ngày qua. Xin cậu dủ lòng thương cho lão ít đồ ăn cho đỡ đói”.
Cảm thương hoàn cảnh của lão ăn mày, chàng thanh niên liền cởi chiếc áo khoác đang
mặc, để đổi lấy chiếc áo cũ sờn rách nhiều chỗ vá của lão và chàng còn cho lão cả
số lương khô còn lại. Rồi chàng tiếp tục đến hoàng cung. Bọn lính gác sau khi
kiểm tra giấy tờ đã đưa chàng vào khu tiếp đón thí sinh phỏng vấn. Khi được gặp
nhà vua chàng cúi mình bái lạy, rồi khi ngẩng mặt lên, chàng hết sức bỡ ngỡ, khi
nhận ra đức vua đang ngồi trên ngai vàng chính là lão ăn xin mà chàng mới gặp.
Chàng liền lên tiếng :
- Tâu Đức vua, có phải Đức Vua là
người ăn xin ngồi bên đường mà thần vừa gặp phải không?
- Đúng thế. Đức Vua đáp.
- Vậy tại sao Đức Vua lại cải trang thành người ăn xin
như thế ? Chàng hỏi tiếp.
- Trẫm phải đóng vai người ăn xin để kiểm tra lòng mến
Chúa của người như thế nào? Vì một lòng mến Chúa thực sự phải được biểu lộ qua
lối ứng xử với tha nhân, nhất là đối với những người nghèo hèn.
Trước vẻ mặt tuấn tú và sự ứng đáp khôn ngoan của chàng
thanh niên, đức vua đã chọn chàng làm hoàng tử. Từ đó chàng được sống trong
hoàng cung và ngày ngày học tập để trở thành một ông vua tốt.
3) NẾU TÔI
BIẾT LÀ NGÀI…
NEN-SÂN MÊN-ĐƠ-LA (Nelson Mandela), vị Tổng thông da
đen đầu tiên tại một nước có tệ “phân biệt chủng tộc” là Nam Phi, khi
còn là một thanh niên, đã là lãnh tụ của một đảng phái lấy tên
“Quốc hội Châu Phi” (ANC) bị cấm họat động. Vì đang ở trong thời kỳ
đấu tranh dành quyền lực với đảng cầm quyền, nên NEN-SÂN buộc phải
cải trang để hoạt động bằng cách ăn mặc cẩu thả và hóa trang thành
nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội. Ông tin rằng
khi hóa trang như thế, người ta sẽ không nhận ra ông, để ông có thể đi
đó đây trong nước.
Lần kia, khi đi dự một cuộc họp kín tại một vùng
quê nghèo miền GIO-HAN-NÉT-BỚC (Johannesberg), do một linh mục sắp xếp
để NEN-SÂN nói chuyện về cách mạng với một số giới trẻ Công giáo.
Khi ông đến nơi, người phụ nữ giữ cửa thấy cách ăn mặc lôi thôi đã
không nhận ra ông nên từ chối không cho vào với lý do: “Ở đây không có
chỗ cho lọai người như ông”. Nói xong chị ta đóng sầm cửa lại trước
mặt ông.
Nhưng sau khi được biết người mới đến kia là ai,
chị ta đã vội trở lại nói với NEN-SÂN rằng: ”Xin lỗi ngài về sự
thất kính của tôi khi nãy, vì tôi đã không nhận ra ngài. Nếu như tôi
biết đó là ngài, thì tôi đã mở rộng cửa ra đón và phục vụ ngài
thật chu đáo”.
Tuy nhiên, dù Nen-sân giả dạng thành nhiều người
khác, nhưng vẫn có một số người quen nhận ra ông. Một hôm, khi ông giả
dạng làm một bác tài xế ở Gio-han-nét-bớc, đang dừng xe đón khách
ở một góc phố, ông khóac chiếc áo ngoài bụi bặm và trên đầu đội
một chiếc mũ nhàu nát, thì chợt thấy một anh cảnh sát đang sải
bước tiến về phía mình. Ông nhìn quanh để tính lối thoát thân. Nhưng
viên cảnh sát kia đã mỉm cười chào ông, anh ta lén đưa tay lên chào
theo kiểu ANC, rồi bước đi theo một hướng khác. Những sự cố như vậy
xảy ra nhiều lần, và NEN-SÂN cũng tạm yên tâm vì biết rằng có nhiều
người Châu Phi thực tâm ủng hộ con đường đấu tranh với tệ phân biệt
chủng tộc của chính quyền da trắng. Cuối cùng sau nhiều năm bị cầm
tù, NEN-SÂN MÊN-ĐƠ-LA đã được thả ra và chiến thắng trong một cuộc
bầu cử công bằng để trở thành vị Tổng thống da đen đầu tiên của
nước Nam Phi.
Hôm nay Chúa Giê-su cũng đang ẩn mình dưới nhiều
hạng người đau khổ bất hạnh. Vậy bạn có nhận ra và ân cần phục vụ
Người cách chu đáo không ?
4) ÔNG HOÀNG
HẠNH PHÚC:
OSCAR WILDE đã viết một câu chuyện rất đẹp, tựa đề là “ÔNG
HOÀNG HẠNH PHÚC” (The Happy Prince) như sau :
Một Ông Hoàng kia sống rất hạnh phúc. Vì thế khi ông
chết, người ta đã làm một bức tượng của ông, đặt trên một bệ cao dựng ở trung
tâm thành phố đặt tên là “Ông Hoàng Hạnh Phúc”,
hy vọng ông sẽ mang lại may mắn và hạnh phúc cho dân thành.
Một buổi chiều đầu mùa đông, một con chim én đã đến đậu
dưới chân pho tượng. Bỗng nó cảm thấy một giọt nước từ phía trên rơi trúng đầu.
Nhìn lên nó rất ngạc nhiên khi thấy đó là giọt
nước mắt của Ông Hoàng Hạnh Phúc. Thì ra ông Hoàng đang khóc.
- Tại sao ông khóc ? Ông là ông
Hoàng Hạnh Phúc kia mà !
- Từ khi được người đời đặt ta trên
bệ cao và ta có thể nhìn thấy dân tình trong thành, ta rất đau lòng và không
còn cảm thấy hạnh phúc nữa. Ta muốn có thể đến giúp những cảnh đời bất hạnh. Nhưng
đôi chân ta lại bị chôn chặt vào bệ không thể đi đâu được. Chim có thể giúp ta làm
việc giúp đỡ những người đang bị bất hạnh kia không ?
- Không được đâu, vì tôi phải bay đi
Ai Cập để tránh cái lạnh của mùa đông đang đến.
- Ta chỉ yêu cầu chim giúp ta một đêm
nay thôi.
- Được rồi. Bây giờ ngài muốn tôi
làm gì giúp ngài ?
- Trong một túp lều ở đàng kia có
một người mẹ đang khóc vì đứa con bị bệnh nặng, mà bà không có tiền đi mời bác
sĩ đến khám bệnh cho toa mua thuốc. Chim hãy lấy viên ngọc ở chuôi kiếm của ta
đem tặng cho bà ấy đi.
Chim én liền dùng mỏ quặp lấy viên
ngọc ở chuôi kiếm và bay đến trao cho bà mẹ nghèo. Nhờ số tiền bán viên ngọc quý
này mà bà mẹ đã chữa dứt bệnh cho đứa con.
Hôm sau ông Hoàng lại yêu cầu chim
én nán lại thêm một đêm nữa để mang một viên ngọc khác đến giúp cho một người ăn
xin sắp bị chết rét. Rồi hôm sau nữa chim lại đến giúp một người nghèo khác nữa
bị vỡ nợ sắp phải tự tử. Cứ thế, hết ngày này đến ngày khác, chim én lần lượt lấy
các đồ trang sức trên mình ông Hoàng mang cho những người nghèo khổ trong thành
phố. Cuối cùng đến giữa mùa đông, trời trở lạnh nhiều và tuyết rơi đầy đường, và
trên người ông Hoàng cũng không còn thứ gì đáng giá nữa. Vào một buổi sáng,
người ta thấy con chim én đã nằm chết cóng dưới chân pho tượng của ông Hoàng. Bên
dưới đường phố, mọi người đều cảm thấy hạnh phúc. Họ đâu biết rằng hạnh phúc họ
có được là nhờ sự hy sinh của ông Hoàng Hạnh Phúc và con chim én nhỏ bé kia
giúp đỡ.
Còn chúng ta hôm nay, chúng ta có
thể làm gì để mang lại hạnh phúc cho người chung quanh? Chúng ta có thể chia sẻ
cơm áo vật chất và khiêm nhường phục vụ những người nghèo khổ bất hạnh chung
quanh chúng ta không?
3. SUY NIỆM:
1) Đức Giê-su thiết lập Nước Trời yêu thương bằng cái
chết thập giá của Người:
Khi còn sống, Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta (Tê-rê-sa
Cancutta) rất tâm đắc với đoạn Tin Mừng diễn tả cái chết của Đức Giê-su
trên cây thập giá. Mẹ luôn bị những người đau khổ bất hạnh lôi cuốn.
Dưới mắt Mẹ, những người này không những là những kẻ đáng thương, mà
còn là hiện thân của Đức Giê-su đang chịu đau khổ và bị bỏ rơi trên
thập giá. Nơi Mẹ Tê-rê-sa, tình yêu mến Đức Giê-su và tình thương những
người bất hạnh hòa quyện vào nhau. Càng yêu Chúa Giê-su bao nhiêu thì
Mẹ lại càng yêu những người bệnh tật đau khổ bấy nhiêu. Mẹ thường nhắc
các chị em nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái do Mẹ sáng lập như sau: “Chị em
cần tập nhìn thấy Đức Giê-su bị bỏ rơi nơi mỗi người bất hạnh mà chị
em đang phục vụ, dù họ đáng kinh tởm đến đâu đi nữa”.
2) Đức Giê-su sẽ tái lâm để phán xét về lòng tin yêu
trong ngày tận thế:
Tin Mừng lễ Ki-tô Vua hôm nay
thuật lại việc Đức Giê-su sẽ tái lâm vào ngày tận thế để xét xử
muôn dân. Người sẽ tách biệt người lành kẻ dữ như mục tử tách biệt
chiên khỏi dê. Người sẽ thưởng kẻ lành và phạt kẻ dữ cách công minh.
Ngày nay Vua Giê-su cũng đồng hóa mình với những kẻ đói khát, khách
lạ, trần trụi, đau yếu, ở tù mà chúng ta gặp mỗi ngày (x. Mt
25,31-46).
Ngày nay dù đã được Chúa Cha tôn
làm “Chúa” mọi loài, nhưng Đức Giê-su vẫn ở cùng Hội Thánh mọi ngày cho
đến tận thế. Người hiện diện trong bí tích Thánh Thể, trong Lời hằng
sống, trong cộng đoàn hội hiệp nhau vì danh Chúa... Ngoài ra Người còn hiện
thân trong những người đau khổ nghèo khó bệnh tật cần được trợ giúp.
Có những lần chúng ta gặp Chúa mà không nhận ra Người, thậm chí còn
đối xử tàn tệ với Người. Sau này khi đến trước tòa phán xét, chúng ta
sẽ bị Vua Giê-su xét xử về tội đã bỏ qua không làm việc chia sẻ phục vụ
Người nơi người nghèo đói bất hạnh.
3) Tình yêu được biểu lộ cụ thể bằng việc chia sẻ cơm áo
và khiêm nhường phục vụ:
Ngày nay trong hình hài những kẻ hèn mọn, Đức
Giê-su vẫn tiếp tục xin sự trợ giúp: Những nạn nhân bị bão lụt Miền Trung
đang rất cần sự sẻ chia cơm áo; Những người mù lòa nghèo khổ đang cần được
giúp mổ đục thủy tinh thể; Những kẻ mù chữ cần được cấp học bổng
theo học lớp tình thương hay bổ túc văn hóa; Các trẻ em mồ côi đang
cần được nuôi dạy trong những ngôi nhà mở; Những cụ già neo đơn cần
được chỗ ở ổn định và được nuôi dưỡng tử tế; Những người nghiện ma
túy, và những cô gái đang kiếm sống bằng việc bán thân xác … đang cần
được giúp sống lương thiện và phục hồi nhân phẩm… Chúng ta sẽ làm gì cụ
thể để khu phố ngày một an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn, cho
môi trường sống trở thành “Trời Mới Đất Mới” trong ngày tận thế.
4) Cần xây
dựng Nước Trời đời sau bằng những việc bác ái cụ thể đời này:
Nếu Chúa Giê-su thực sự là Vua của hơn một tỉ
người Công giáo trên thế giới, thì có lẽ xã hội chúng ta đang sống không
còn bạo lực nghèo đói và biến thành thiên đàng tình yêu từ lâu rồi. Sở dĩ
đến nay chúng ta vẫn chưa làm cho khối bột xã hội dậy lên men tình yêu, vì
men tin yêu nơi chúng ta đã quá “đát”, đã hóa thành chai lì và mất phẩm
chất. Ngày nay nhiều tín hữu thường chữa mình rằng: “Làm sao tôi có thể đi
vào nhà tù để thăm nuôi tù nhân ? Làm sao tôi dám chứa chấp những
khách lỡ đường không giấy tờ vào ở trọ nhà vì có thể gặp nguy hiểm ? Tôi
lấy đâu ra nhiều tiền để chăm sóc các bệnh nhân HIV-AIDS, bệnh phong cùi
? …” Nếu chúng ta cứ lý luận như thế thì chúng ta sẽ không thể làm gì
mà chỉ biết khoanh tay đứng nhìn. Nhưng thực ra vẫn còn nhiều việc cụ thể
chúng ta dễ dàng thực hiện như: giúp một sinh viên nghèo vượt khó; Làm
dấu báo nguy cho đi đường khỏi bị sụt cống; Thăm viếng an ủi tang gia có
người thân mới qua đời hay thăm viếng một đôi vợ chồng có nguy cơ đổ vỡ hạnh
phúc …
4. THẢO
LUẬN:
Một giáo sư
đại học thành phố Chi-ca-gô Hoa Kỳ đã đặt cho các sinh viên câu hỏi
sau: “Bạn hãy cho biết: Gần đây nhất, bạn có giúp đỡ cụ thể cho một
người nào cần sự trợ giúp hay không ?” Đây là một câu hỏi quan trọng
mà mỗi buổi tối chúng ta cần phải tự hỏi mình, rồi hồi tâm sám
hối và quyết tâm sống tình bác ái yêu thương là điều kiện để sau
này chúng ta sẽ được hạnh phúc đời đời trong Nước Chúa.
5. NGUYỆN
CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chúa đã cứu độ loài người chúng con bằng
tình thương và sự hy sinh mạng sống mình trên thập giá. Xin cho chúng con biết
noi gương Chúa, đối xử với những người lương chưa nhận biết Chúa, những người
nghèo khổ bất hạnh… Nhờ đó chúng con sẽ giới thiệu Chúa cho những ai đang đi
tìm Chúa nhận biết và tin yêu Chúa để được hưởng ơn cứu độ.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI
CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH
- HHTM