Sống Yêu Thương Và Phục Vụ
THÁNH LỄ TIỆC LY
(Ga 13, 1-15)
Hôm nay chúng ta tái
diễn ngày Thứ Năm Tuần Thánh đầu tiên của lịch sử, ngày Chúa Giêsu Kitô qui tụ
các môn đệ của mình để cử hành lễ Vượt Qua. Lúc ấy, Chúa đã khai mở Lễ Vượt Qua
mới của Tân Ước, mà chính Người tự ý nộp mình chịu khổ hình để cứu độ chúng ta.
Trong Bữa Tiệc Ly
Thánh, Chúa Kitô đã thiết lập Bí tích Thánh Thể. Lời thánh Phaolô nói về điều nầy
được coi như là bài tường thuật cổ xưa nhất về bửa Tiệc Ly của Chúa, có ghi lại
rằng Chúa Giêsu, “trong đêm Người bị phản
bội, đã cầm lấy bánh và sau khi dâng lời chúc tụng, thì bẻ bánh ra và nói :
“Ðây là Mình Ta, được trao ban cho chúng con; hãy làm việc nầy mà nhớ đến Ta”;
Cũng vậy , vào cuối bửa ăn, Chúa cầm lấy chén rượu và nói: “Ðây là chén của
giao ước mới trong Máu Ta; hãy làm việc nầy, mỗi lần anh em uống chén nầy, để
nhớ đến Ta”. Thật vậy, mỗi lần anh em ăn bánh và uống chén nầy, anh em loan
truyền việc Chúa chịu chết, cho đến khi Người lại đến” (x. 1 Cr 11, 23-
26). Ðó là những lời long trọng trong đó được thông truyền qua các thế kỷ chứng
tích kỷ niệm việc thiết lập bí tích Thánh Thể. Mỗi năm, vào ngày thứ Năm Tuần
Thánh, chúng ta nhớ lại điều nầy, và trong tinh thần, chúng ta hướng về Căn
Phòng Tiệc Ly.
Cùng một lúc Chúa
Giêsu đã thiết lập Bí tích Truyền chức linh mục, để qua các linh mục, Thánh lễ
được tiếp tục. Kinh Tiền Tụng của Thánh Lễ làm phép Dầu hôm nay mạc khải cho
chúng ta ý nghĩa ấy : “Chúa đã tuyển
chọn một số người để họ tham gia thánh của của Người nhờ việc đặt tay. Chúa muốn
họ nhân danh Người tái diễn hy lễ cứu độ…dọn cho con cái Cha bàn tiệc Vượt Qua,
lấy Lời Cha nuôi dưỡng và dùng các bí tích bồi bổ dân thánh của Chúa”.
Với việc thiết lập
bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu thông truyền cho các Tông đồ việc tham dự thừa
tác vào chức linh mục của Người, chức tư tế của Giao Ước Mới và vĩnh cữu, nhờ
đó đến phiên mình, các tông đồ được biến đổi thành những tác viên của mầu nhiệm
tuyệt vời của đức tin, mầu nhiệm được kéo dài mãi cho đến tận cùng thế gian. Ðồng
thời các ngài trở thành những kẻ phục vụ cho tất cả những ai sẽ thông phần vào
hồng ân và mầu nhiệm to lớn như vậy.
Và chính ngày Thứ
Năm này, Chúa đã ban truyền cho chúng ta giới luật yêu thương : “Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu
thương các con” (Ga 13,34). Nếu tình yêu xưa kia đã từng dựa trên sự đối
trác, hoặc hoàn thành một tiêu chuẩn đã đặt định trước. Thì giờ đây tình yêu
Kitô giáo được xây dựng trên nền tảng Tình Yêu là chính Chúa Kitô. Người đã yêu
thương nhân loại đến cùng, đến cùng ở đây là cái chết, yêu đến thí mạng vì
chúng ta : đây phải là thước đo tình yêu của người môn đệ đối với Thầy mình và
là dấu hiệu để người ngoài nhận biết chúng ta là người Kitô hữu.
Yêu thương, không
đơn giản là kết quả của những nỗ lực bản thân, nhưng một món quà từ Thiên Chúa.
Hạnh phúc thay cho chúng ta có được Thiên Chúa là Tình Yêu, là nguồn suối tình
yêu, Người đã tự hiến mình nơi Bí tích Thánh Thể để nuôi dưỡng chúng ta.
Cuối cùng, hôm nay
chúng ta chiêm ngưỡng việc Chúa rửa chân cho các môn đề. Chúa Giêsu đã mặc lấy
thái độ của một người đầy tớ, cúi mình và quì xuống, và rửa chân cho các Tông Đồ
trong Căn phòng Tiệc Ly, và truyền cho họ làm như vậy với nhau (x. Ga 13,14).
Chúng ta nhìn thấy lại việc Chúa Giêsu đang rửa chân, mà theo nền văn hóa Do
thái là công việc riêng của những người tôi tớ và của người thấp hèn nhất trong
gia đình. Thánh Phêrô mới đầu đã lên tiếng từ chối. Nhưng Chúa thuyết phục ông,
và thánh Phêrô chịu để Chúa rửa chân cho mình, cùng với những môn đệ khác. Liền
sau đó, sau khi đã mặc lại áo và ngồi vào bàn, Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa của
hành động Người vừa làm như sau : “Chúng
con gọi Ta là Thầy và là Chúa; và điều nầy đúng lắm, bởi vì Ta là Thầy và là
Chúa. Vậy, nếu Ta là Thầy và là Chúa, mà rửa chân cho anh em, thì anh em cũng
phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 12- 14). Trong cử chỉ này của Thầy Chí
Thánh, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta một bài học quí giá về sự khiêm nhường. Đúng
như dự đoán, vì là biểu tượng Cuộc Khổ Nạn, Chúa Giêsu đã hạ mình cho đến chết
để cứu độ chúng ta.
Thần học gia Romano
Guardini nói rằng : “thái độ của người
nhỏ quì xuống trước người lớn, không phải là khiêm nhường. Đơn giản, đó chỉ là
sự thật. Người khiêm nhường thực sự là người lớn mà lại hạ mình xuống trước một
kẻ nhỏ”. Đây là lý do tại sao nói Chúa Giêsu Kitô là Đấng khiêm nhường thật
trong lòng. Trước Chúa Kitô là Đấng khiêm nhường, mô hình truyền thống bị phá vỡ.
Người đã đảo ngược các giá trị thuần túy của con người và mời gọi chúng ta đi
theo Người để xây dựng một thế giới mới, dựa trên sự phục vụ.
Lạy Chúa Giêsu, xin
giúp chúng con biết sống yêu thương và phục vụ lẫn nhau như Chúa truyền dạy.
Amen.
Lm.
Antôn Nguyễn Văn Độ
Thánh Thể - Thiên Chức
Linh Mục – Giới Luật Yêu Thương
THÁNH LỄ TIỆC LY
(Ga 13, 1-15)
Phụng vụ chiều Thứ
Năm Tuần Thánh, Giáo hội cử hành Bí tích Thánh Thể do Chúa Giêsu thiết lập vào
sau bữa tối cuối cùng với các Tông Đồ trong nhà Tiệc Ly, trước đêm hấp hối
trong Vườn Cây Dầu, để muôn đời tưởng nhớ tới sự hiện diện thực sự của Người giữa
chúng ta. Đây là Thánh lễ sau hết được cử hành trước Đêm Vọng Phục Sinh Thứ Bẩy
Tuần Thánh. Vì là Lễ sau hết nên lúc hát Kinh Vinh Danh, các chuông nhà thờ reo
lên, và sẽ chỉ reo lại vào đúng lúc hát Kinh Vinh Danh trong Đêm Vọng Phục
Sinh. Sau Thánh lễ chiều nay, các khăn bàn thờ đều được lột sạch, các chân nến
và thánh giá được cất đi, người ta không còn trưng hoa nữa để loan báo ngày đại
tang của Giáo hội và cũng ngụ ý nói rằng, Giáo hội không cử hành lễ nào nữa cho
đến ngày Chúa Kitô sống lại.
Cử hành Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Đức
Kitô là mục đích của Tam Nhật Vượt Qua. "Chúng ta phải hãnh diện về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nơi
Người, ta được giải thoát, được sống và được sống lại ; chính Người giải
thoát và cứu độ ta" ( Ca nhập lễ ).
"Trước
ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng
Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì
đã yêu thương họ đến cùng" (Ga 13,1-2). Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ, thì Người đã yêu họ đến cùng
một cách kinh ngạc. Thật không có hành động nào khác để diễn tả yêu thương cho
bằng tình yêu. Cũng như các môn đệ, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi
không có ngòi bút nào trên trần gian này có thể diễn tả hoặc viết ra hết được
tình yêu thương ấy, trong những ngày cuối đời của “kiếp người” lầm than và cay đắng. Vì yêu, Chúa Giêsu đã lập Bí tích
Thánh Thể, lấy chính Thịt Máu Mình làm của ăn của uống nuôi dưỡng chúng ta. Để
tiếp tục yêu thương và tha thứ, Chúa thiết lập thiên chức Linh mục đời đời. Và
cũng chính hôm nay, Chúa truyền dạy chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã
yêu. Tất cả chẳng phải là Kỷ Vật Tình Yêu Thiên Chúa để lại cho chúng ta đó
hay sao?
“Các
con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta… Các con hãy cầm lấy mà uống, chén này là Tân ước trong Máu Ta” (1 Cr
11, 24-25). Thật không thể hiểu nổi, Thiên Chúa yêu nhân loại biết là chừng
nào. Người đã yêu bằng một Tình Yêu trao ban, hy sinh và tận hiến. Khi lập Phép
Thánh Thể, Chúa hiến chính thân mình làm lượng thực nuôi dưỡng chúng ta, ở với
chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Không những thế, Chúa còn cho chúng ta tham
dự vào sự sống của chính Chúa khi rước Mình và Máu Thánh Ngài, để được sống đời
đời.
Chưa hết, thiết lập Bí tích Thánh Thể
xong, Chúa Giêsu cũng lập luôn Bí tích Truyền Chức Thánh. Chúa nói với các
Tông Đồ hiện diện : “Các con hãy làm việc
này để nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19 ;1 Cr 11, 24). Với lời trên, cho thấy
Thiên Chúa yêu thương và tín nhiệm con người, trao cho con người tiếp tục việc
làm yêu thương ấy. Mặc dù phàm nhân bất xứng, Chúa vẫn ủy thác cho sứ mạng thay
mặt Chúa hiện tại hóa Hy tế Thập giá trên bàn thờ mỗi ngày, tất cả chỉ vì yêu.
Sau khi rửa chân cho các môn đệ, một lần
nữa, Người mời gọi chúng ta : “Thầy đã
làm gương cho các con, để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các
con” (Ga 13,15). Bằng cách này, Người thiết lập một sự liên kết thân mật giữa
Bí tích Thánh Thể, Bí tích của quà tặng hy sinh và huấn lệnh yêu thương.
Hôm nay, kỷ niệm ngày Chúa Giêsu thiết lập
thiên chức Linh mục, chúng ta có nhiều dịp nhắc đi nhắc lại một câu rất sâu sắc
nhưng cũng cần phải tìm hiểu thêm : Không
có Thánh Thể thì không có chức Linh mục - không có chức Linh mục thì cũng không
có Bí tích Thánh Thể (chỉ một lần rồi thôi). Hai điều đó liên kết chặt chẽ
với nhau nhờ đức bác ái. Không thể tham dự Thánh Thể nếu không có Tư Tế, nhưng
cũng không thể tham dự Thánh Thể nếu không có đức bác ái và sự tha thứ. Trong
Bí tích Thánh Thể, tất cả chúng ta đều tham dự vào một Mình Thánh, một Máu
Thánh. Trở nên một, chúng ta không còn tách biệt được nữa.
Ai tham dự bàn tiệc của Chúa thì người đó
không thể tách rời khỏi bổn phận yêu thương anh em. Mỗi lần chúng ta tham dự
Bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta thưa “Amen”
trước Mình và Máu Thánh Chúa, như thế chúng ta cam kết thực hiện điều Ðức Kitô
đã làm, là “rửa chân” cho anh chị em,
trở nên một hình ảnh thực sự và tỏ tường của Ðấng “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ”(Phil 2,7).
Tình yêu là kỷ vật cao quý nhất mà Ðức
Kitô để lại cho những ai được Người kêu gọi bước theo. Chính tình yêu của Người,
được chia sẻ bởi các môn đệ, là điều được ban tặng cho tất cả nhân loại trong
buổi chiều nay.
Thánh Thể là Kỷ Vật tuyệt đỉnh của tình
yêu, một ơn cao cả, nhưng cũng là một trách nhiệm lớn lao cho những ai tiếp nhận.
Ðứng trước Phêrô, người đã từ chối không chịu để được rửa chân, Ðức Giêsu đã nhấn
mạnh đến nhu cầu phải nên thanh sạch để có thể dự phần vào bàn tiệc Thánh Thể.
Nghi thức rửa chân nói lên sự khiêm tốn của
mình đối với người khác, nhìn nhận rằng mình là người có tội, nếu có điều gì là
do tôi chứ không phải do anh em, tha nhân thật sự là anh em của tôi. Bác ái
không phải là chối từ việc người khác không có lỗi, nếu lỗi là có lỗi với Chúa.
“Rửa chân cho nhau” chứ không phải rửa chân cho người trên hay cho người dưới,
tất cả đều là tha thứ, yêu thương và giúp đỡ nhau.
Chúng ta cầu xin Chúa cho Thánh lễ cử
hành chiều hôm nay, đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm của Bí tích Thánh Thể, mầu
nhiệm của thiên chức Linh mục, và giới răn trọng nhất là bác ái yêu thương.
Chúng ta cố gắng ghi nhớ những điều này để đưa vào trong cuộc sống hàng ngày của
mỗi người. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ