THỨ NĂM TUẦN THÁNH, NĂM A
LỘI NGƯỢC DÒNG ĐỂ YÊU ĐẾN CÙNG
(Xh 2,1- 14; 1Cr,11,23-
26; Ga 13,1-5)
Ai đã từng chăm sóc bệnh nhân trong thời điểm nguy kịch, hẳn sẽ thấy
được lời tâm huyết của họ được bộc lộ với trọn cả tâm hồn. Lúc này, những lời
được thốt ra chẳng khác gì lời vàng vì nó rất thiêng liêng. Tại sao vậy? Thưa bởi
vì những gì là cuối cùng thì đều quan trọng. Chẳng hạn như suy nghĩ cuối cùng;
lời nói cuối cùng; giây phút cuối cùng; hành động cuối cùng.
Hôm nay, chúng ta họp nhau nơi đây để chiêm ngưỡng, tái diễn và hiện
tại hóa những hành động và lời nói cuối cùng của Đức Giêsu, trước lúc rời xa
các môn đệ để lên đường chịu nạn chịu chết.
1. Bí tích Thánh Thể, nguồn sự sống được trao ban
Khi đi xa, mặt cách lòng, người đi kẻ ở bị lệ thuộc bởi không gian
và thời gian. Lúc ấy, tâm trạng của cả hai đều rất nhiều cảm xúc. Nhưng có lẽ một
trong những điều mà ai ai cũng cảm thấy cần phải làm cho nhau, đó là: để lại một
tặng vật làm kỷ niệm.
Hôm nay, Đức Giêsu cũng biết giờ của mình sắp trở về cùng Chúa
Cha, nên Ngài đã yêu thương những kẻ thuộc về Ngài, thì Ngài yêu cho đến cùng,
vì thế, trong bữa ăn, Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao ban
cho các môn đệ và nói: “Này là Mình Thầy
… Này là chén Máu Thầy …” Hãy cầm lấy mà ăn mà uống. Đây chính là tặng vật
thần linh, là gia sản thiêng liêng cho Giáo Hội.
Tuy nhiên, với Bí tích Thánh Thể mà Đức Giêsu thiết lập, ý nghĩa
và giá trị không chỉ đơn thuần là quà tặng hay gia sản hoặc chỉ là một kỷ niệm,
mà hôm nay, chúng ta cử hành như một ký ức!
Không! Nó đã vượt ra khỏi những hoài niệm để hiện tại hóa cách thực
nghiệm khi đã được chuyển đổi bản thể. Tức là mỗi khi được cử hành nhân danh
Chúa, thì lúc ấy bánh và rượu đã biến đổi và trở thành chính Thịt và Máu Chúa.
Nói cách khác, Bí tích Thánh Thể là chính Chúa. Vì thế, mỗi lần chúng ta đón nhận
và rước lấy, ấy là lúc chúng ta hạnh phúc tuyệt vời vì được đụng chạm đến chính
Chúa. Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa. Ta và Chúa cùng chung nhau một dòng
máu, một sự sống.
Như vậy, qua Bí tích Thánh Thể mà Đức Giêsu thiết lập, chúng ta được
đụng chạm đến tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Đây là điều mà lý trí con người
không ai dám nghĩ tới!
2. Thiên Chức Linh Mục, nối dài tình yêu tự hiến
Ngay sau khi thiết lập Bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu đã đi thêm một
bước nữa để thỏa lòng yêu thương. Vì thế, Ngài đã thiết lập Bí tích Truyền Chức
Thánh ngay sau đó. Khi trao ban chức linh mục cho nhân loại, Đức Giêsu không chỉ
mong muốn cho mọi người cảm nghiệm và sống đặc tính của tình yêu nơi Bí tích
Thánh Thể, nhưng: “Các con hãy làm việc
này mà nhớ đến thầy”. Như vậy, cùng
một lòng dạ yêu thương, Đức Giêsu muốn các linh mục sẽ thay Ngài, nhân danh
Ngài để tiếp diễn hiến tế tình yêu này mọi ngày cho đến tận thế.
Điều này cho chúng ta thấy, Bí tích Thánh Thể gắn liền với Thiên
Chức Linh Mục. Nếu Bí tích Thánh Thể là Bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối
dây bác ái, thì Bí tích Truyền Chức đòi hỏi người lãnh nhận phải là người cảm
nghiệm sâu xa cũng như sống đặc tính của tình yêu là hiến mình vì người khác.
Chấp nhận biến bản thân của mình trở nên của ăn của uống cho người khác. Nói
cách khác, chấp nhận bị ăn, bị uống. Bên cạnh đó, người linh mục là người làm
cho tình yêu ấy được rõ nét khi thi hành bác ái với mọi người.
Khi thiết lập chức linh mục, có thể nói, Đức Giêsu đã đảo ngược vị
chí. Từ một Thiên Chúa quyền năng, nhưng nay, Ngài đã chấp nhận bị lệ thuộc bởi
con người và ý muốn của linh mục. Từ một người đáng được phục vụ, từ nay Ngài
trở thành người phục vụ.
Như vậy, qua Bí tích Truyền
Chức, các linh mục chính là hiện thân của lòng thương xót Chúa; các ngài không
ngừng diễn ta và loan truyền lòng thương xót ấy cho nhân loại, đồng thời, các
ngài cũng không ngừng làm cho con chiên của mình được ngụp lặn trong lòng
thương xót Chúa, nhất là nơi Bí tích Thánh Thể.
3.
Bài học về yêu thương được trao
ban
Sau khi diễn tả tình yêu qua việc
thiết lập Bí tích Thánh Thể và Truyền Chức Thánh, lại một lần nữa, Đức Giêsu thực
hiện ngay trước mặt các môn đệ một hành động quyết liệt và cũng đầy cảm động của
tình yêu, đó là việc rửa chân cho các môn đệ.
Trong bữa ăn, Đức Giêsu đã: "...
đứng dậy, rời bàn ăn, cởi bỏ áo ngoài, lấy khăn thắt lưng; rồi Người đổ nước
vào thau, và bắt đầu rửa chân cho các môn đệ".
Một loạt hành động gây ngạc nhiên không nhỏ đối với
các môn đệ, bởi vì theo truyền thống Dothái, thì việc rửa chân là việc làm của
người nô lệ dành cho ông chủ của mình trước bữa ăn. Trước hành vi này, các ông ngỡ
ngàng đến tột độ, bởi vì không có lý do gì Thầy lại rửa chân cho trò. Không có
lý chứng gì để giải thích một hành vi ngược đời như vậy??? Sự bất ngờ đến ngỡ
ngàng này đã được Phêrô thốt lên: “Không
đời nào Thầy phải rửa chân cho con”.
Tại sao Phêrô lại ngỡ
ngàng đến như vậy? Thưa là bởi vì hành động này vượt ra khỏi tầm kiểm soát của
lý trí các ông.
Khi rửa chân xong, Đức
Giêsu đã dạy cho các ông bài học thấm thía đúng chất của cảnh người đi kẻ ở,
Ngài nói: “Anh em gọi Thầy là 'Thầy', là
'Chúa', điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là
Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho
nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh
em”.
Hay
hiểu cách khác, nếu các con là môn đệ đúng nghĩa của Thầy, thì dấu chỉ chắc chắn
nhất chính là các con cũng phải yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con.
Yêu như thầy chính là quỳ xuống trước những người không ưa mình, vu khống mình,
bán đứng mình và trối bỏ mình để tha thứ tất cả, yêu thương tất cả.
Đây chính là lời mời gọi
đầy yêu thương của Đức Giêsu. Đây cũng chính là điều răn mới mà Đức Giêsu đã
truyền dạy.
4. Bài học cho chúng ta
Sợi
chỉ xuyên suốt trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay chính là tình yêu. nói cách
khác, toàn bộ nghi thức và hành vi cử hành hôm nay nhằm diễn tả tình yêu của
Thiên Chúa cho nhân loại.
Ngang
qua các nghi thức cử hành, Giáo Hội mời gọi con cái của mình không phải chỉ
chiêm ngắm và trầm trồ khen ngợi những hành vi yêu thương của Đức Giêsu. Ngược
lại, sau thánh lễ này, Giáo Hội muốn cho con cái của mình phải là người nghiệm
được tình yêu ấy trong chính cuộc đời của mình. Đồng thời hãy ra đi để đến những
nơi thiếu vắng tình yêu, tiếng cười, nhằm diễn tả tình yêu của Đức Giêsu cho
anh chị em chúng ta bằng chính đời sống của mình.
Thật
vậy, ngày nay, biết bao nhiêu nơi thiếu vắng đi tình yêu, thiếu vắng tiếng cười.
Những nơi đó có thể là khu ổ chuột, bãi rác hôi hám bẩn thỉu; những nơi đó có
thể là đầu đường, xó chợ; có thể là chốn ăn chơi xa đọa; nhưng cũng không thiếu
những tiếng khóc lóc đến thê thảm ngay trong các gia đình giữa những thành phố
lớn… đâu đâu cũng thấy toát lên những tiếng khóc ai oán vì thiếu vắng tình yêu.
Ngược lại, sự vô cảm, dửng dưng lại đang lộng hành đến độ chóng mặt.
Trước
thực trạng ấy, lời di chúc của Đức Giêsu: “Hãy
yêu thương nhau như Thầy đã yêu” mà chúng ta vừa nghe sẽ là lời mời gọi và
hối thúc chúng ta lên đường để thực thi sứ mệnh tình yêu của Chúa đến với mọi
người, nhất là những nơi ngoại biên, bên lề trong xã hội hôm nay.
Lạy
Chúa Giêsu, chúng con thật xúc động khi chiêm ngắm từng hành vi, cử chỉ của
Chúa trong bữa Tiệc Ly chiều hôm xưa mà hôm nay chúng con vừa cử hành. Xin Chúa
ban cho chúng con có được trái tim nhân hậu và xót thương của Chúa, để chúng
con cũng làm những việc Chúa đã làm khi xưa cho anh chị em chúng con trong xã hội
hôm nay. Amen.