ThẦy có
thẬt là ĐẤng phẢi đẾn không?
(Mátthêu 11,2-11 – CN III MV - A)
1.- Ngữ cảnh
Với các chương 11–12 này, chúng ta đến
một khúc quanh trong Tin Mừng Mt.
Trong mười chương trước, Nước Trời đến gần, dường như không hề gặp trở ngại
nào; ở đây, có điều mới xuất hiện: các câu hỏi chính xác được đặt ra cho Đức
Giêsu.
Gioan Tẩy Giả phái các môn đệ đến hỏi
Đức Giêsu: “Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai
khác?” (11,3). Phía họ, những người Pharisêu cùng với các kinh sư (x. 12,38) đã
ngỏ lời lần đầu tiên trực tiếp với Đức Giêsu với giọng trách móc và phê phán:
“Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát” (12,2). Đó
là những câu hỏi quan trọng vừa xuất hiện. Đứng trước bản thân và hoạt động của
Đức Giêsu, người ta phải lấy lập trường. Dường như Đức Giêsu có thể là “đối
tượng gây vấp phạm” (11,6), còn “thế hệ này” không sẵn sàng đón tiếp Nước Trời
đang đến gần, các thành ở bờ hồ không hoán cải (x. 11,20), phong thái của Đức
Giêsu thực sự bị tranh luận (x. cả ch.12), và người ta đã “bàn bạc để tìm cách
giết Đức Giêsu” (12,14) .
Bầu khí ngờ vực và đặt vấn đề này là
bầu khí mới so với những gì xảy ra trước đây. Quả thật, cho tới nay, chúng ta
đã thấy Đức Giêsu tỏ mình ra dần dần như là Đấng Mêsia; các chặng chính được
Đức Giêsu trình bày với một nội dung huấn giáo phong phú:
1. Như một đoạn văn tổng quát báo
trước, các ch. 1–2 đã giới thiệu xuất xứ của Đức Giêsu, con cháu vua Đavít và
tổ phụ Abraham; ngay vào thời thơ ấu, Người đã tỏ ra là Đấng Kitô, là Đấng
Mêsia, hoàn tất lịch sử thánh của Israel nơi bản thân và bằng số phận của
Người.
2. Ở ch. 3–4, Vị Tiền Hô mà ngôn sứ
Isaia đã loan báo, đã ban phép rửa cho Đức Giêsu: dịp này, Đức Giêsu đã đăng
quang làm Đấng Mêsia; sau khi đã được Chúa Cha ban chứng từ thánh hiến, đã chịu
quỷ thử thách, Người đã đi loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa.
3. Trong các ch. 5–7, qua huấn giáo
của Đức Giêsu, người ta đã nhận ra quyền lực của Nước Thiên Chúa và đòi hỏi
phải dấn thân; Bài Giảng trên núi đã khiến cho các đám đông phải kinh ngạc và
thán phục.
4. Xuyên qua các phép lạ chữa bệnh mà
Đức Giêsu đã thực hiện cũng như lời nói đầy hiệu năng của Người, các ch. 8–9
giúp khám phá ra uy quyền được ban cho Người cũng như quyền lực đầy năng động
của Nước Thiên Chúa.
5. Ở ch. 10, qua bài sai ban cho Mười
Hai Tông đồ và bài diễn từ truyền giáo, ta khám phá ra rằng các sứ giả của Nước
Thiên Chúa được thực sự chia sẻ uy quyền của Đức Giêsu, do các ông được liên
kết mật thiết với bản thân Người.
Xuyên qua tất cả các chương
này, ta thấy danh tiếng của Đức Giêsu ngày càng lan rộng, bay sang cả các miền
chung quanh (x. 4,24; 9,26.31). Sự chống đối chưa lộ rõ bao nhiêu, chỉ có một
vài lời chỉ trích phát xuất từ nhóm Pharisêu (x. 9,11) hoặc các môn đệ của ông
Gioan (x. 9,14), dưới dạng những câu hỏi lịch sự, chỉ có một phản ứng quyết
liệt hơn lộ ra ở 9,34, nhưng cũng còn ngắn ngủi, để rồi chỉ được nhắc lại và
triển khai ở 12,24. Nói đúng ra, trong tất cả những chuyện này, chưa có tranh
luận, và ngôn ngữ ẩn dụ của các dụ ngôn chưa được sử dụng, ngoại trừ câu truyện
về hai loại nhà kết luận Bài Giảng trên núi (x. 7,24-27).
Tuy nhiên, nên ghi nhận
phương diện đe doạ và xung đột đã được mười chương đầu này của Tin Mừng nêu
lên: ý định nham hiểm của vua Hêrôđê (x. 2,16), cuộc chiến đấu chống các cám dỗ
(x. 4,1-11), lời loan báo những bách hại (x. 5,10-12.44; và nhất là
10,16-23.38). Nhưng đấy là một sự đối kháng mà Đức Giêsu luôn chiến thắng, hoặc
là một lời Đức Giêsu kêu gọi đừng sợ hãi, mà hãy nhận ra mối phúc của Nước
Thiên Chúa ngay giữa cuộc đối đầu gian khổ. Dù sao, dường như ơn cứu độ đã được
đảm bảo cho người nào đứng vững tới cùng (x. 10,22). Do giọng điệu tha thiết
của Đức Giêsu nhằm giúp các môn đệ đối phó với những khó khăn và trở ngại họ sẽ
gặp, Bài diễn từ truyền giáo đã mở ra một viễn tượng mới: đó là cuộc thử thách
đức tin sẽ phải trải qua.
Đã đến lúc phải tự hỏi về ý
nghĩa của hoạt động của Đức Giêsu, như Mt đã trình bày khá dài: phải
nghĩ gì về những “việc Đức Giêsu làm” (11,2.19)? Phải hiểu thế nào về những “cử
chỉ quyền lực” ấy (11,20.21.23)? Thật ra đây là câu hỏi về tư cách Mêsia của
Đức Giêsu: từ ngữ “Kitô” mà Mt đã sử dụng trong ch. 1–2, đến đây mới
xuất hiện lại (x. 11,2). Dường như bây giờ chúng ta đã rơi vào tình trạng lưỡng
lự: ơn cứu độ vẫn còn được trình bày như có thể đạt được mà thôi, trong khi đó
rõ ràng các lần từ khước, các chống đối, các tranh luận lại nối tiếp nhau đặt
Đức Giêsu thành vấn đề. Tác giả sẽ trình bày phần Tin Mừng còn lại như câu
truyện về một sự từ khước. Chính là theo chiều hướng này mà chúng ta có thể nói
đến một khúc quanh trong diễn tiến của Tin
Mừng Mátthêu.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành ba phần:
1) Mở đầu cuộc tranh luận Kitô học (11,2-3);
2) Câu trả lời của Đức Giêsu về bản thân Người (11,4-6);
3) Bài tán dương của Đức Giêsu về Gioan (11,7-11; ở trong
TM, thì đọc tới c. 15).
3.- Vài điểm chú giải
- Đấng phải đến (3):
dịch sát ho erchomenos là “Đấng đang đến”. Chúng ta nhớ đến lời rao
giảng trước đây của Gioan: “Đấng đến sau tôi thì mạnh hơn tôi (ho opisô mou
erchomenos)” (3,11). Lời này đưa chúng ta trở lại với sấm ngôn Isaia 40: “Kìa Đức Chúa đến với sứ
mạnh [quang lâm hùng dũng], tay nắm trọn chủ quyền” (Is 40,10). Do đó, Đấng Mêsia cũng được gọi là “Đấng được chờ đợi”,
“Đấng sẽ đến”, “Đấng Thẩm phán” (x. Dcr
9,9; Tv 118,26; St 49,10). Gioan đã so sánh sức mạnh của Đấng Mêsia với việc người
tiều phu dùng rìu hạ cây (x. 3,10), rồi với người nông dân sàng sảy sân lúa
(3,12). Ông mời gọi người tội lỗi hoán cải và ban một phép rửa giúp bày
tỏ lòng sám hối, trước khi Đấng ấy đến, là Đấng ban phép rửa trong Thánh Thần
và trong lửa để tiêu diệt (3,11). Đây chính là vị Thẩm phán đáng sợ sẽ dùng lửa
không hề tắt mà tiêu diệt tất cả những kẻ tội lỗi không chịu hoán cải (x. Ml 3,2-3).
- phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi (6):
“Cớ vấp phạm”, skandalon, là “cái bẫy đặt trên đường; chướng ngại vật
làm cho người ta té ngã”; và nghĩa bóng là tất cả những gì làm cho người ta rơi
xuống về mặt luân lý hay tôn giáo. Đức Giêsu tiên liệu rằng câu trả lời của
Người có thể làm cho Gioan thất vọng, bởi vì quan niệm của ông về Đấng Mêsia
quá khác với cách Đức Giêsu đang thực hiện hình ảnh Đấng Mêsia của Thiên Chúa.
Chúng ta có thể nghĩ đến phản ứng của Phêrô khi nghe loan báo Thương Khó (Mt 16,22-23) hoặc Giôna sau khi thấy
Thiên Chúa tha thứ cho thành Ninivê (Gn
4).
4.- Ý nghĩa của bản văn
Gioan Tẩy Giả đã loan báo là đến sau ông, sẽ có một người
mạnh hơn ông và vượt xa ông về phẩm cách. Người ấy sẽ làm phép rửa trong Thánh
Thần và sẽ tách lúa với vỏ trấu ra (3,11t; x. Is 40,10).
Bây
giờ Vị Tẩy Giả đang ở trong tù. Do bởi thái độ cứng rắn và những lời nói đanh
thép của ông, vua Hêrôđê Antipa đã phải ra lệnh bắt giam ông. Nhưng vì ông nổi
tiếng là đạo đức, ông được đối xử đặc biệt; các bạn bè có thể đến thăm ông, cho
ông biết những tin tức ở bên ngoài. Ông đặc biệt quan tâm đến Đức Giêsu
Nadarét.
* Mở đầu cuộc tranh luận Kitô học (2-3)
Gioan
nghe nói đến những hành động của Đức Giêsu. Phải nghĩ về Đức Giêsu như thế nào?
Người có thật là Đấng mà ông đã loan báo là đang đến chăng? Quyền bính và năng
lực của Người đang đang được biểu lộ ra ở đâu? Chẳng lẽ trong thân phận tù tội,
ông không đáng được Đức Giêsu dùng quyền
lực Người mà giải thoát sao? Người có thật đang tách hạt lúa khỏi vỏ trấu
chăng? Ở đâu? Đức Giêsu là ai? Hẳn là Người phải nói năng và hành động cách
mạnh mẽ và rõ ràng hơn chứ?
Khởi
đi từ hoàn cảnh cá nhân ông và sự hiểu biết của ông về các hoạt động của Đức
Giêsu, Gioan nêu ra câu hỏi quyết liệt: Phải chăng đã đến lúc hoàn tất mọi sự?
Chúng tôi có thể tín nhiệm vào Người chăng? Người là ai? Các môn đệ của Vị Tiền
Hô đã đến gặp Đức Giêsu và nêu câu hỏi đúng như thầy họ đã dặn.
* Câu trả lời của Đức Giêsu
về bản thân Người (4-6)
Đức
Giêsu không cung cấp một câu trả lời rõ ràng và trực tiếp. Qua các môn
đệ Gioan, Đức Giêsu đưa Vị Tiền Hô trở lại điểm xuất phát của câu hỏi của ông.
Gioan phải diễn dịch ra được câu trả lời từ các việc Đức Giêsu làm, là chính
những việc đã thúc đẩy Gioan đặt câu hỏi (11,2). Các môn đệ ông lại phải về làm
chứng cho thầy về những việc Đức Giêsu đã làm (“Các anh cứ về thuật lại cho
Gioan những điều mắt thấy tai nghe”) và Đức Giêsu mô tả các việc ấy ra bằng
cách nhắc đến các lời hứa Cựu Ước (Is
35,5t; x. Is 35,4; 29,18-19; 61,1).
Đức
Giêsu khẳng định rằng lời hứa ấy đang được hoàn tất nơi các hành vi của Người;
qua các hành vi này, quả thực Thiên Chúa đang can thiệp để ban ơn cứu độ. Qua
các hành động của Đức Giêsu, Nước Trời hay là quyền chúa tể của Thiên Chúa với
quyền lực và ân sủng, đang thật sự trở nên gần gũi (4,17). Quyền chúa tể này
trước tiên không được tỏ ra như là khả năng thắng vượt các quyền lực đối lập
của loài người: Gioan sẽ bị chém đầu trong ngục (14,10); Đức Giêsu sẽ chết trên
thập giá; các môn đệ Người sẽ bị bách hại (10,16-25). Triều đại Thiên Chúa cũng
chưa tỏ hiện rõ ràng như việc tức khắc tách biệt lúa và vỏ trấu. Việc phán xét
chung kết được dành cho ngày Con Người đến: khi đó kẻ dữ sẽ bị tách ra khỏi
những người công chính (13,36-43.47-50). Nước Trời sẽ được biểu lộ nơi sự kiện
những người sống trong cảnh cùng quẫn sẽ được Thiên Chúa trợ giúp (8,2–9,35) và
nơi sự kiện Tin Mừng được loan báo với tất cả uy quyền (5,1–7,29). Đức Giêsu
bắt đầu công việc rao giảng bằng cách loan báo mối phúc cho người nghèo (5,3);
ở tại trung tâm của lời rao giảng này, có sứ điệp về vị Thiên Chúa quyền năng
và nhân ái, sứ điệp về Cha Người và Cha của tất cả mọi người, Đấng muốn cho tất
cả mọi người được hiệp thông mãi mãi trong vinh phúc với Ngài. Đức Giêsu tự
giới thiệu mình như là Đấng cứu chuộc những người cùng khổ và như sứ giả làm
chứng về niềm vinh phúc ấy. Trước tiên Người không đến như một người đấu
tranh chống lại bạo lực và như thẩm phán nghiêm khắc.
Mỗi
người phải tự nhận định và lấy lập trường đối với Người (x. 11,20-24). Đức
Giêsu cũng giúp chúng ta ý thức về điểm này: “Phúc thay người nào không vấp ngã
vì tôi” (11,6). Người không áp đặt cách hành động của Người nhờ sức thuyết phục
của những sự kiện hoàn toàn hiển nhiên; Người dành không gian cho người ta đón
nhận hoặc từ khước, cho người ta tin hoặc không tin.
* Bài tán dương của Đức Giêsu
về Gioan (7-11)
Sau
khi đã trả lời câu hỏi về thân thế Người, bây giờ Đức Giêsu đề cập đến công
việc và bản thân của Vị Tẩy Giả (11,7-15). Người ca ngợi lối xử sự cương nghị
và lối sống không ngạo mạn tự phụ của đấng không hề cúi gập người lại trước
những bậc quyền quý như một cây sạy cong người trước gió (x. 14,3-12) và
không ăn mặc lụa là mềm mỏng. Chính sự trung tín và sự dơn giản của ông làm cho
ông trở nên đúng là một ngôn sứ nói nhân danh Thiên Chúa (x. 21,26.32) và đáng
tin. Nhưng ông còn hơn là một ngôn sứ. Tất cả những vị đến trước ông đều
thuộc về thời đại lời hứa, các vị ấy chỉ loan báo từ xa biến cố Đấng Mêsia đến
trong quyền lực và mang theo ân sủng (11,13). Gioan là vị ngôn sứ của thời kỳ
hoàn tất, nên cao trọng hơn tất cả các vị đi trước. Ông là sứ giả đi ngay trước
Đức Chúa và chuẩn bị trực tiếp cho Người đến (11,10). Ông là Êlia đi trước Đức
Chúa và chuẩn bị cho dân chúng đón tiếp Người (11,14; x. Ml 3,23; H c 48,10).
Với
cách đánh giá Vị Tẩy Giả như thế, Đức Giêsu một lần nữa trả lời gián
tiếp cho câu hỏi của ông. Nếu Gioan ở rất sát thời kỳ hoàn tất, thì với Đức
Giêsu, thời này đã đến. Nếu Gioan là vị sứ giả dọn đường, thì với Đức Giêsu,
người ta đã đón được Đức Chúa đến: không chính xác theo kiểu ông hình dung và
chờ đợi (x. 3,12), mà là theo cách Thiên Chúa đã định. Sánh với những người đã
đến trước, ông là người cao trọng nhất. Sánh với những người đang thuộc về Đức
Giêsu và có thể trải nghiệm sự gần kề của Nước Trời trong sự hiệp thông với
Người, ông là người nhỏ. Sự vĩ đại và nhỏ bé ấy không liên hệ đến ơn cứu độ
hoặc giá trị luân lý của con người, nhưng liên hệ đến thời gian và biến cố
trong đó người ấy được tham dự vào. Chính vì thế Đức Giêsu bảo rằng các môn đệ
có phúc so với nhiều ngôn sứ và người công chính (13,16t). Như thế, thời đại và
công trình của Đức Giêsu có một ý
nghĩa duy nhất.
+ Kết luận
Qua các môn đệ của Vị Tẩy Giả, Đức Giêsu cũng trả lời cho
chúng ta: Người chính là Đấng Mêsia mà Thiên Chúa đã hứa ban cho dân Chúa từ
ngàn xưa. Thiên Chúa vẫn trung thành với lời Ngài hứa; chỉ có con người qua
dòng thời gian, đã giải thích sai lạc lời Thiên Chúa hứa để đưa nhau đến những
niềm chờ mong hão huyền, theo lòng dạ hẹp hòi của mình. Hôm nay, Đức Giêsu mời
chúng ta điều chỉnh lại cách chúng ta nhìn lịch sử cứu độ: không theo khuôn khổ
các giấc mơ của chúng ta, nhưng đúng theo chương trình của Thiên Chúa. Và nếu
qua Lời Chúa hôm nay, người môn đệ nhận ra rằng mình cũng được mời gọi làm Tiền
Hô của Đức Kitô đối với con người hôm nay, thì chúng ta cũng cần nhớ rằng,
chúng ta chỉ có thể chu toàn được sứ mạng nếu dựa vào phẩm cách cao quý của Đức
Giêsu, Đấng chúng ta loan báo.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Hôm nay, nhiều Kitô hữu
vẫn đang mơ một ơn cứu độ không phù hợp với cách Thiên Chúa quan niệm.
Việc Đức Giêsu chữa bệnh và nhất là việc loan báo Tin Mừng cho người nghèo cho
thấy rằng Người không phải là một thẩm phán nghiêm khắc nhưng là một vị
Mêsia ân cần và từ bi. Thay vì trừng phạt những kẻ tội lỗi, loại trừ những kẻ
gian ác, Người lại ban ơn chữa lành cả tâm hồn và thân xác, Người an ủi, Người
soi chiếu, Người trợ giúp những ai đang đau khổ, Người đi qua giữa loài người
để chỉ làm điều thiện (ch. 8–9), tha thứ tội lỗi (9,2). Hẳn là có những người
khó chịu? Ngay chúng ta đây, chúng ta có chấp nhận được việc Thiên Chúa mạc
khải tình yêu của Ngài ra trong sự khiêm nhường và yếu đuối chăng? Do đó Đức
Giêsu đã nói: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”. Đây cũng chính là “cớ
vấp phạm” do các Mối Phúc gây ra.
2. Con đường tất cả các môn
đệ phải theo là nhìn thấy các dấu chỉ mà biết giải thích đúng đắn, biết nhận ra
đó là các công trình của Thiên Chúa. Đây là nẻo đường đức tin, khởi đi từ những
điều thấy được và đưa tới chỗ khám phá ra Đức Giêsu là ai. Đây là con đường đưa
từ bóng tối đến ánh sáng, đi từ những dấu chỉ đến với thực tại được ám chỉ.
Nhìn Hài Nhi bé bỏng yếu ớt nằm trong máng cỏ, mà nhận ra đó là Cứu Chúa và Đức
Chúa; nhìn Con người bị đóng đinh đau đớn và nhục nhã nhất mà nhận ra đó là Đức
Vua Cứu thế, đấy là qua dấu chỉ mà khám ra được thực tại.
3. Đức Giêsu tôn trọng tự do
chọn lựa hay từ chối của chúng ta; Người không áp đặt. Do đó, chúng ta không
được đánh giá Đức Giêsu tùy theo các chờ đợi hoặc ước muốn của chúng ta, và dựa
trên đó mà chỉ trích hay từ khước Người. Trái lại, chúng ta phải thấy thực sự
Người là ai và Người đang làm gì, để rồi đón tiếp Người với niềm vui và tri ân,
cho dù chúng ta phải sửa chữa và bỏ đi một vài ý tưởng hoặc sự chờ đợi
sai lạc nào đó.
4. Là những con người sống ở
thời đại “cuối cùng”, chúng ta “có phúc” hơn là chính Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên,
chúng ta có biết trân trọng những ân huệ đang nhận và dùng những ân huệ đó mà
xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho người khác chăng?
Lm. Fx Vũ Phan Long, ofm