CHÚA NHẬT 3 MÙA
VỌNG, NĂM A
HÃY VUI LÊN!
(Is 35,1- 6a; Gc 5,7- 1 0; Mt,11,2- 11)
Ts.
Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
Trong cuộc sống, nếu chúng ta đang mong ngóng chờ đợi một điều
gì đó đến với mình, và khi biết nó sắp đến, phải chăng lòng chúng ta lại chẳng
rạo rực lên niềm vui và hy vọng? Hoặc khi chúng ta sắp hoàn tất một chế tác nào
đó, tâm hồn luôn rộn lên niềm vui, bởi vì đứa con tinh thần của chúng ta sắp ra
đời.
Cũng vậy, Mùa Vọng là mùa sống lại tinh thần chờ đợi Chúa đến
lần thứ nhất của người Dothái khi xưa, đồng thời cũng diễn tả niềm mong đợi
Chúa đến lần thứ hai trong ngày quang lâm của mỗi chúng ta. Nếu tính về mặt
thời gian thực tại, hôm nay, chúng ta đã đi được 2/3 chặng đường của Mùa Vọng.
Như vậy, gần đến đích, lẽ nào chúng ta lại không vui! Chính vì vậy, Chúa nhật
hôm nay được gọi là Chúa Nhật Hồng. Hồng là bởi vì toàn bộ phụng vụ Lời Chúa
toát lên niềm hy vọng trong vui tươi.
1. Niềm vui và hy vọng qua các bài đọc Kinh
Thánh
Bài đọc 1: Is 35,1- 6a, hôm nay gợi cho chúng
ta hình ảnh về dân Israel đang phải sống trong cảnh sầu thương tang tóc. Bóng
tối bao trùm cả vực thẳm. Dân chúng sinh ra lòng chán nản và thất vọng tột
cùng. Trong lúc ấy, tiên tri Isaia xuất hiện và loan báo cho họ về viễn cảnh
tương lai sắp đến, đồng thời khuyên bảo dân chúng hãy can đảm và vui tươi, vì:
“Thiên Chúa anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng
công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em”. Rồi ông cũng
nói rõ: “Những người được Đức Chúa giải thoát sẽ trở về, tiến đến Sion giữa
tiếng hò reo, mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu. Họ sẽ được hớn hở tươi cười, đau
khổ và khóc than sẽ biến mất”.
Chính lời loan báo đầy hy vọng này đã
mang lại niềm tin cho dân vì họ sắp được giải thoát.
Sang bài đọc II: Gc 5,7-10, thánh
Giacôbê cũng cùng mạch tư tưởng như tiên tri Isaia để khơi gợi lên trong
lòng dân niềm hy vọng. Nhưng thánh Giacôbê thì nhấn mạnh khía cạnh kiên trì khi
mời gọi họ hãy kiên nhẫn trong chờ đợi. Sự kiên nhẫn này được ví như người nông
dân trồng lúa, phải vất vả chăm bón và chờ đợi ngày đơm bông kết hạt. Như vậy,
để niềm vui được trọn vẹn, thánh nhân đã khuyên bảo tín hữu hãy sống hòa thuận
trong vui tươi.
Sang bài Tin Mừng: Mt 11,2-11, thánh sử Mátthêu trình thuật việc
ông Gioan Tẩy Giả sai các môn đệ của ông đến gặp Đức Giêsu và hỏi xem: “Thầy
có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác”?
Khi sai môn đệ đi hỏi như thế, không phải Gioan không biết về
Đấng Cứu Thế, tuy nhiên, có lẽ, ông muốn cho các môn đệ của mình gặp được niềm
vui trọn vẹn, bởi vì vai trò của ông chỉ là người đưa đò, dẫn đường, chỉ lối,
còn Đức Giêsu mới là con đường, là đích đến. Chính vì vậy, các môn đệ của ông
sẽ không thể có được niềm vui và hy vọng trọn vẹn nếu cứ bám theo ông. Niềm vui
của họ chỉ có thể tràn đầy khi đã gặp trực tiếp Đức Giêsu và chứng kiến những
việc Ngài làm, đồng thời sẵn sàng đi theo Ngài.
Tuy nhiên, niềm vui và hạnh phúc thực sự chỉ có khi con người tự
do xây dựng hay lựa chọn. Vì thế, khi
được các môn đệ Gioan hỏi về sự xuất hiện của mình, Đức Giêsu đã không trả lời
trực tiếp, mà Ngài đã chỉ cho các ông biết nhận ra Ngài qua các dấu chỉ như:
người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ chết chỗi dậy, kẻ
nghèo được nghe Tin Mừng, đúng như lời tiên tri Isaia đã báo trước về Đấng Cứu
Thế.
2. Sứ điệp Lời Chúa
Trong cuộc sống của con người mọi thời, chúng ta không thể nào
nói rằng: tôi không bao giờ buồn hay thất vọng; tôi không bao giờ đau khổ hay
tủi nhục; tôi không bao giờ bị lung lạc niềm tin…!
Thực tế cho thấy: cuộc đời của chúng ta nhiều khi cũng bị rơi
vào ngõ cụt đường cùng; cũng vẫn còn đó biết bao nhiêu bóng mây đen tối vây phủ
tâm hồn; niềm tin cũng đã có lúc bị thách đố đến tột cùng. Những lúc như thế,
phản ứng của chúng ta đôi khi cũng chẳng khác gì những người Dothái trước kia,
đó là: hoang mang, thất vọng, trách móc, thách thức và mất đức tin. Chính vì
vậy, nhiều khi chúng ta còn nghi ngờ luôn cả sự hiện hữu của Thiên Chúa nữa,
bởi vì nếu Chúa hiện hữu, thì tại sao Chúa lại để cho tôi phải chịu cảnh bất
công như vậy? Nếu Chúa có mặt thì tại sao Chúa lại không bảo vệ tôi khi tôi gặp
phải thử thách gian truant? Và nếu Thiên Chúa là Đấng Giàu Lòng Thương Xót, thì
tại sao Chúa lại để con cái của Ngài quằn quại trong khổ đau…???
Biết bao nhiêu thắc mắc được đặt ra trong sự đau khổ. Tuy nhiên,
Lời Chúa hôm nay sẽ là niềm an ủi và là câu trả lời cho mỗi chúng ta. Nếu chúng
ta kiên trì, tin tưởng, phó thác, sống hài hòa, nhân hậu và xót thương anh chị
em mình, không than van phàn nàn hay phản kháng thì sẽ được đẹp lòng Thiên Chúa
và được Người thưởng công xứng đáng. Lúc
đó, tâm tình của chúng ta cũng tràn ngập niềm vui như dân Israel khi xưa: “Những
người được Đức Chúa giải thoát sẽ trở về, tiến đến Sion giữa tiếng hò reo, mặt
rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu. Họ sẽ được hớn hở tươi cười, đau khổ và khóc than sẽ
biến mất”.
3. Sống sứ điệp Lời Chúa trong niềm vui
Ở đời, người ta không thích nói chuyện buồn. Ngược lại, niềm vui
luôn luôn hấp dẫn. Đức Cố Hồng Y F.x. Nguyễn Văn Thuận cũng đã nói: “Một ông thánh buồn là một ông thánh đáng
buồn”.
Thật vậy, là người Công Giáo, chúng ta không thể không có niềm
vui trong mình, bởi lẽ: Vui vì được trở nên con cái Chúa; vui vì có Chúa là
nguồn hạnh phúc; vui vì mọi biến cố trong cuộc đời đều được Chúa chúc lành; vui
vì niềm hy vọng của chúng ta sẽ được ở bên Chúa trong Nước Trời.
Tuy nhiên, niềm vui ấy chỉ có thể có được, nếu chúng ta biết
chấp nhận hy sinh. Biết vui lòng đón nhận cuộc sống hiện tại với những sự giới
hạn của nó. Nhất là biết đón nhận thánh giá trong cuộc đời là những bổn phận,
nghĩa vụ trong vui tươi phấn khởi. Nếu không biết hy sinh, chúng ta sẽ không
bao giờ có được niềm vui chia sẻ, bởi vì: cho thì có phúc hơn là nhận. Nếu
chúng ta không biết vui lòng đón nhận sự giới hạn của mình hay của mọi người,
thì không bao giờ cảm thấy đủ để mà tạ ơn cũng như vui vẻ để dâng hiến, trao
tặng! Và nếu chúng ta không biết vui lòng đón nhận những thánh giá Chúa gửi đến
trong cuộc đời để giúp ta sám hối, sửa sai, nhằm thánh hóa để qua đó, thánh giá
trở thành con đường đưa tới sự sống đời đời, thì chúng ta sẽ mãi mãi sống trong
đau khổ, thất vọng và kéo lê thánh giá cuộc đời và biến nó thành khổ giá trong
cuộc sống.
Vì vậy, Chúa Nhật Hồng hôm nay Giáo Hội mời gọi mỗi chúng ta hãy
can đảm đón nhận cuộc sống này trong vui tươi. Hãy ký thác đường đời cho Chúa,
tin tưởng vào Ngài, Ngài sẽ ra tay. Vì thế, hãy an tâm, đừng sợ, kiên nhẫn chờ
đợi trong vui tươi, Chúa sẽ đến giải thóat chúng ta và lúc đó niềm hoan lạc chúng
ta sẽ được tràn đầy.
Ước mong sao trong cuộc đời và qua mọi biến cố, chúng ta luôn có
Chúa đồng hành và nâng đỡ, để dù trong cảnh huống nào đi nữa, đầu và tâm hồn
chúng ta vẫn ngẩng cao và hướng về phía trước trong niềm vui và hy vọng.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là niềm vui và hy vọng cho tất cả chúng
con. Xin Chúa ban cho chúng con luôn biết gắn bó cuộc đời của mỗi người nơi
Chúa, để chúng con được sống trong tình yêu của Chúa. Đồng thời biết kiên tâm,
vững dạ trong sự phó thác, để cuối cuộc đời, chúng con được ở bên Chúa là niềm
vui và hạnh phúc đích thực của chúng con. Amen.