CHÚA NHẬT IV
MÙA VỌNG
Chúa Giê-su,
Đấng Cứu Độ, là kết nối mới giữa Thiên Chúa và loài người
Lắng nghe sứ điệp
Lời Chúa (Is 7:10-14; Rm 1:1-7; Mt 1:18-24)
Đã có sự
kết hợp giữa Thiên Chúa và nhân loại ngay từ thuở đầu tạo dựng. Nhưng con người lại không vâng phục Chúa, để
cho tội lỗi phân cách họ với Chúa. Tuy
nhiên Chúa không để mối tương quan này bị dứt bỏ, nên Người cố gắng hàn gắn bằng
nhiều cách. Nào là Người ban hành Lề Luật
để giúp con người sống trung thành với Người.
Nào là Người tiếp tục dạy dỗ họ, sai các ngôn sứ đến để sửa dạy hoặc kêu
gọi họ trở về đường công chính. Mặc dù
những cách ấy đã biểu lộ tình yêu quan tâm của Thiên Chúa, nhưng xem ra vẫn
chưa đủ hữu hiệu để giữ cho mối tương quan được thắm thiết lâu bền. Đến mức độ này thì tình yêu của Thiên Chúa đã
can thiệp. Tình yêu đã chọn lựa một
phương thức táo bạo nhất: Thiên Chúa
đích thân đến và cư ngụ giữa loài người.
Đó là chủ đề của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay.
Thực ra
thì kế hoạch Thiên Chúa đến cư ngụ giữa loài người đã được phác họa tự đời đời. Tin Mừng nguyên thủy này đã được Thiên Chúa loan
báo cho A-đam và E-va, khi Người phán bảo con rắn: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và
người đàn bà, giữa dòng giống mi và
dòng giống người ấy; dòng
giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3:15). Với
quyền năng của Người, Thiên Chúa có thể từ trời cao hủy diệt con rắn tức là tội
lỗi. Nhưng Thiên Chúa không làm như vậy,
mà lại chọn phương thức “gậy ông đập lưng ông”, để đối phó với tội lỗi và để củng
cố mối tương quan giữa Chúa với loài người.
Đúng vậy, ma quỷ đã đánh bại loài người, thì bây giờ chính loài người phải
đánh bại nó. Ma quỷ đã quật ngã được
A-đam cũ thì bây giờ A-đam Mới là Chúa Giê-su sẽ quật ngược lại ma quỷ. Lý luận xem ra giản dị như vậy, nhưng thực hiện
kế hoạch lại là chuyện khác! Tình yêu thắng
vượt mọi khó khăn, cho nên Thiên Chúa đã chọn phương thức liều lĩnh của tình
yêu để phá bỏ ngăn cách,bởi Thiên Chúa là vô hạn trong khi con người là hữu hạn. Thiên Chúa đã hạ mình chấp nhận sự hữu hạn của
loài người, để đích thân đến ở giữa loài người và để giải thoát họ khỏi ma quỷ cùng
tội lỗi. Thế là con đường cứu độ được vạch
sẵn: Ngôi Lời của Thiên Chúa sẽ giáng trần,
đi vào lịch sử nhân loại, hầu dẫn họ về nhà Cha trên trời của họ. Thiên Chúa sai ngôn sứ I-sai-a phát thanh cho
nhân loại biết dấu chỉ về kế hoạch này như sau:
“Chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh
hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en” (Bài đọc 1).
Khi thời
điểm thực hiện kế hoạch đã tới, Thiên Chúa chính thức mời gọi một con người chấp
nhận vai trò làm “gốc tích” nhân loại cho Người, đó là thánh Giu-se. Thiên Chúa không muốn hiện ra uy nghi như xưa
trên núi Si-nai, nhưng muốn âm thầm “cư ngụ” giữa loài người. Qua thánh Giuse, Thiên Chúa thực sự mang căn
tính nhân loại, có gốc gác đàng hoàng, chứ không phải bỗng dưng từ trời rơi xuống! Chúng con vô vàn cảm tạ thánh cả Giu-se! Nhờ ngài và Mẹ Ma-ri-a mà chúng con có Đấng
được đặt tên là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Bài Tin Mừng)! Cũng nhờ vậy, Chúa Giê-su mới có “gia phả”. Ghi lại gia phả này, thánh sử Mát-thêu theo
thứ tự gia phả đi từ ông Áp-ra-ham xuống đến thánh Giu-se, còn thánh Lu-ca lại
đi ngược lên các thế hệ cho tới A-đam tiên khởi. Tất cả chỉ nhằm nói lên gốc tích Thiên Chúa
(Ngôi Lời) và gốc tích nhân loại (con bà Ma-ri-a) của Chúa Giê-su. Qua hai “gốc tích” này, Chúa Giê-su giáng
sinh đã “cư ngụ giữa chúng ta”, để thực hiện mối tương quan mới giữa Thiên Chúa
và nhân loại vậy!
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Mục đích của kế hoạch “Em-ma-nu-en” của Thiên
Chúa là gì nếu không phải là để dạy dỗ, biến đổi chúng ta trở nên giống với Con
Một Người và đưa chúng ta về kết hợp với Người muôn đời? Như lời thánh Phao-lô nói trong thư Rô-ma,
Chúa Giê-su đã được sai đến trần gian là để kêu gọi chúng ta hãy kết hợp với
Người, vì kết hợp với Chúa Giê-su là chúng ta kết hợp với chính Thiên Chúa. Đó chính là tham dự vào kế hoạch kết hợp
Thiên Chúa và chúng ta với nhau, một thể hiện sống động thực tại Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Vậy ta hãy kết hợp với Đấng Em-ma-nu-en, để ta
sẽ được gọi là Chúng-con-ở-cùng-Thiên-Chúa!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi