1.- Ngữ cảnh
Khối
diễn từ cuối cùng gồm trọn chương 23 Mt,
“Những lời nguyền rủa người Pharisêu”, trước đây vẫn được coi như tách biệt, và
phân đoạn Mt 24,1–25,46, “Diễn từ
cánh chung”: Cả khối từ câu 23,1 đến câu 25,46 làm thành bài diễn từ duy nhất
có chức năng nhắc nhở những người trong nhà sống một đời sống trung thực với những hành vi, công bình, nhân ái, dưới
ánh sáng của cuộc chiến thắng cánh chung của Thiên Chúa và cuộc phán xét đang
đến. Bài Tin Mừng Mt 24,37-44 nằm trong khối diễn từ cuối cùng này.
Phụng vụ cho đọc từ câu 37, nhưng có
lẽ nên đọc bản văn ngay từ câu 36, vì: 1) Tư tưởng của câu 36 này được trình
bày trong cc. 37-44; 2) Hai từ ngữ “ngày và giờ” trong c. 36 được nhắc lại
trong cc. 42 và 44 làm thành một lối hành văn “đóng khung”, khiến cả phân đoạn
24,36-44 thành một đơn vị thống nhất. Các nhà chú giải thường cắt phân đoạn ở
c. 36 thay vì ở c. 37 như trong bản văn Phụng vụ.
2.- Bố cục
Bản
văn có thể chia thành ba phần:
1)
Bài học thời Nôê (24,37-39), với công thức “cuộc quang lâm của Con Người cũng
sẽ như vậy” ở c. 37 và c. 39 đóng khung đoạn văn thành một đơn vị; đơn vị này
xoáy vào trọng tâm là “ngày Quang Lâm của Con Người”;
2)
Cuộc phân rẽ vào ngày Quang Lâm (24,40-41): Hai câu này vừa là kết luận cho
đoạn 37-39, vừa là tiền đề (và cũng là kết luận) cho lời kêu gọi và dụ ngôn ở
cc. 42-44;
3)
Bài học về canh thức và sẵn sàng (24,42-44), với dụ ngôn “Kẻ trộm đêm khuya”,
được đóng khung thành một đơn vị bằng hai công thức tương tự “ngày Chúa của anh
em đến” (c. 42) và “giờ Con Người sẽ đến” (c. 44); đơn vị này xoáy vào hai từ
cụ thể được tác giả Mt dùng để gọi
ngày Quang Lâm, “ngày và giờ”.
3.- Vài điểm chú giải
- thời ông Nôê (37): Kinh Thánh kể việc Nôê
đóng tàu trong sách Sáng thế (6,11-13).
- quang lâm (37.39) (HL: parousía,
nghĩa chữ là “sự hiện diện”): Trong Mt
24,29-31, Đức Giêsu cho biết rằng Người sẽ trở lại “uy nghi” (= với quyền lực),
“ vinh hiển” (= với vinh quang), “ngự giá mây trời” (= trên mây trời). Các hình
ảnh đó cho hiểu Người sẽ trở lại trong tư cách Đấng chiến thắng. Đây là một
cuộc khải hoàn.
- một người được đem đi, một người bị bỏ lại (40.41): Hai động từ của
bản văn Hy Lạp ở thái bị động paralambanetai
và aphietai nên phải hiểu chủ ngữ là
Thiên Chúa. Dựa theo truyền thống, có thể hiểu: sự kiện các thiên thần “tập hợp
những kẻ được [Con Người] tuyển chọn” (c. 31; x. Mc 13,27) cho thấy paralambanetai
có nghĩa là “được cứu thoát”, nên phải dịch là “được đem đi”, aphietai, có nghĩa là “bị kết án”, nên
phải dịch là “bị bỏ lại”.
- canh thức (42) (HL: grêgoreô):
có nghĩa là “không ngủ”. Đây là thái độ Đức Giêsu yêu cầu phải có nơi những
người đang trông chờ Người đến (x. Mt
25,13; Mc 13,33-37; Lc 12,35-40). Sự canh thức, ở trong tình
trạng “báo động”, giả thiết phải có một niềm hy vọng vững chắc và đòi hỏi tâm
trí luôn sẵn sàng (đây cũng là “sự tiết độ”: 1 Tx 5,6-8; 1 Pr
5,8).
- không biết ngày nào (42): Đức Giêsu vừa khẳng định mạnh mẽ rằng
Người sẽ lại đến, vừa nhấn mạnh rằng không ai biết được ngày giờ đó
(24,36.42.44). Không ai biết và cũng không ai có thể tính toán để tìm ra ngày
giờ ấy cả.
- kẻ trộm (43): Kinh Thánh dùng hình ảnh tên trộm để nói tới tính bất
ngờ của ngày Chúa đến (x. 1 Tx 5,2; 2 Pr 3,10; Kh 3,3; 16,15).
- vào canh nào (43): Một đêm thường được chia thành bốn canh (HL: phylakê): chiều (từ khi mặt trời lặn đến
9g tối), nửa đêm (từ 9g tối đến 12g
đêm), khi gà gáy (từ 12g đêm đến 3g sáng) và sáng (từ 3g sáng đến bình minh,
khoảng 6g sáng).
- khoét vách (43): Nhà dân Do Thái thời Đức Giêsu thường được làm
bằng đất với cành cây khô, nên kẻ trộm có thể lọt vào nhà bằng cách khoét thủng
vách tường đất.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Bài
Tin Mừng chúng ta đọc hôm nay, nếu không được hiểu đúng, sẽ gây khó khăn cho
chúng ta.
Trước tiên, cần phải xem Đức Giêsu đang nói về
chuyện gì. Tại sao Người đưa vào trong câu chuyện: ông Nôê, hai người đàn ông
đang làm việc trên cánh đồng, hai người đàn bà đang xay bột, và một tên trộm?
Câu trả lời nằm ở đầu chương 24: ở đây Đức Giêsu đang nói về những dân cư Giêrusalem
không muốn hoán cải. Các môn đệ sửng sốt vì những lời Thầy nói, đã hỏi Người
hai điều: khi nào chuyện ấy xảy ra và có dấu hiệu báo trước chăng (cc. 2-3).
Thay vì trả lời họ, Đức Giêsu dạy họ những điều đến hôm nay vẫn còn giá trị:
chúng ta phải luôn luôn canh thức. Rồi Người đưa ra ba ví dụ.
* Bài
học thời Nôê (37-39)
Vào
thời Nôê, có hai hạng người: những người chỉ biết hưởng thụ cho bản thân và
những người tỉnh thức biết lắng nghe các lời lưu ý.
Những
người hoàn toàn để mình bị cuốn hút vào trong cuộc sống trần thế, với những
sinh hoạt cụ thể và những phương diện bề ngoài ai cũng thấy được (ăn uống, cưới
vợ lấy chồng), thì chỉ biết vui hưởng đời này, không muốn quan tâm đến bất cứ
điều gì khác nữa. Vả lại, nạn hồng thủy chỉ được loan báo, chứ chưa xảy ra.
Cũng thế, cuộc Quang Lâm của Chúa Giêsu cũng chỉ mới được loan báo, chứ chưa
xảy ra. Tính cụ thể của các sự việc trần thế và kinh nghiệm hiện tại dường như
thực hữu hơn là bản thân Đức Chúa như Người đã loan báo. Do đó, người ta bị hút
vào hiện tại và hoàn toàn không màng đến Người, không nghĩ đến trách nhiệm của
mình đối với Người. Dù sao, biến cố quan trọng ấy cũng đã được loan báo, nên
chúng ta phải chịu trách nhiệm về tình trạng bản thân khi Người đến. Cần phải
luôn canh thức và sẵn sàng.
Bài
học là: Vào thời Nôê, nhiều người đã bị chết; vậy những kẻ không chấp nhận Đức
Giêsu hoặc tuân theo lời Người, cũng sẽ chết khi Thành thánh bị tàn phá. Còn
những ai đón nhận sứ điệp của Người, sẽ được cứu độ và sẽ trở thành những người
đầu tiên thuộc đoàn dân Người.
*
Cuộc phân rẽ vào ngày Quang Lâm (40-41)
Với
ví dụ thứ hai rút ra từ cuộc sống thường ngày, Đức Giêsu cho thấy rằng mọi
người bình đẳng trong các sinh hoạt trần thế, và không một hoàn cảnh bên ngoài
nào bảo đảm cho người ta có một tư cách xứng đáng cả. Về bề ngoài, không có nét
nào phân biệt giữa hai người đàn ông đang làm ruộng, hoặc hai người đàn bà đang
kéo cối xay. Tuy nhiên, khi Đức Giêsu quang lâm, sẽ xảy ra một cuộc phân rẽ tận
căn: những ai đã sẵn sàng với Người thì được đón vào sống hiệp thông với Người,
còn những người khác thì bị loại trừ. Số phận vĩnh viễn của mỗi người tùy thuộc
cách thức mỗi người sống với Người trong thời gian này. Từ chỗ thấy rằng mọi
người đều có phần công việc và lao khổ, hạnh phúc và bất hạnh, đau khổ và niềm
vui, sống và chết, người ta dễ rơi vào ảo tưởng là sự vâng phục hoặc bất phục
tùng đối với Thiên Chúa, sự ngay thẳng hay gian tà không hề quan trọng gì cả,
là mọi sự đều như nhau, chẳng có ý nghĩa gì, bởi vì mọi sự sẽ kết thúc giống
nhau cho mọi người! Đức Giêsu điều chỉnh lối suy tư sai lạc này.
Bài
học là: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em
đến” (c. 42).
* Bài học về canh thức và sẵn
sàng (42-44)
Đến
đây, Đức Giêsu cho ví dụ thứ ba. Nếu chúng ta biết ngày giờ Chúa đến, hẳn là
chúng ta sẽ chuẩn bị và chờ đợi. Nhưng Đức Giêsu dùng dụ ngôn kẻ trộm đêm khuya
để báo cho chúng ta rằng Người sẽ đến thật bất ngờ, chúng ta không thể tiên
liệu. Do đó, chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng, từng giờ từng phút: “Anh em hãy
sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (c. 44).
Tất
cả những lời kêu gọi tỉnh thức này có ý nghĩa gì đối với chúng ta hôm nay? Phải
chăng Thiên Chúa thật sự đến như một kẻ trộm, và gọi người ta đến mà xét xử vào
lúc họ ít sẵn sàng nhất? Thật khó mà đặt lòng tin vào một vị Thiên Chúa như
thế! Nếu đây là cách giải thích đúng các lời nói của Đức Giêsu, hẳn là chúng ta
sẽ không có một sứ điệp cứu độ, mà chỉ có một lời đe dọa ác độc. Thật ra điều
Người muốn nói với chúng ta hoàn toàn khác hẳn.
Trong
mỗi khoảnh khắc, chúng ta phải sống một cuộc sống phù hợp với ý muốn của Người
và có thể lãnh trách nhiệm trước mặt Người. Chính vì Người không cho thấy tất
cả ý định của Người mà chúng ta phải hiểu rằng chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào
Người. Sự kiện lúc này Người còn đang ẩn mình và rất “ở yên” không được khiến
chúng ta bị lừa. Như thế, điều Đức Giêsu muốn nói với chúng ta hôm nay là Người
luôn luôn muốn cứu chúng ta, làm cho chúng ta hạnh phúc, nhưng chúng ta phải
luôn ý thức về sự hiện diện của Người.
+ Kết
luận
Theo kinh nghiệm thông thường, người
ta cho rằng chính loài người và các sức mạnh thiên nhiên quy định dòng lưu
chuyển của từng số phận con người và toàn thể lịch sử nhân loại. Quan niệm này
khiến người ta nghĩ rằng sự việc vẫn cứ tiếp tục như thế, trừ phi là xảy ra một
tai họa trên toàn thể vũ trụ. Nhưng Đức Giêsu lại đến loan báo rằng Nước
Trời đã gần kề, có nghĩa là Thiên Chúa dứt khoát quyết định bung mở quyền chúa
tể của Ngài ra (x. 4,17). Điều này sẽ được thể hiện khi Con Người đến với quyền
lực và vinh quang Thiên Chúa (24,30).
Khi Người tỏ mình ra vĩnh viễn cho hết mọi người với quyền lực thần linh của
Người trước toàn thể thế giới, mỗi người sẽ xuất hiện ra trước mặt Người trong
chiều hướng và giá trị đã đạt được. Với biến cố Đức Giêsu đến vĩnh viễn, mỗi
người cũng sẽ đạt tới ánh sáng trong bản chất thâm sâu của mình. Mỗi người bị
liên kết sâu xa với ngày Đức Giêsu trở lại, do đó phải sống trọn cuộc đời trong
chiều hướng này. Và bởi vì không một ai biết chính xác ngày giờ Người trở lại
(24,36.42.44), mỗi người cần luôn luôn sống trong tư thế sẵn sàng đón Người khi
Người lại đến.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Đức Giêsu khẳng định là
không một ai có thể biết được ngày giờ Người trở lại trần gian và tính toán để
tìm ra ngày giờ ấy. Do đó, điều hết sức hệ trọng là luôn sẵn sàng cho biến cố
ấy, tức là lưu ý đến tính bất xác, tính bất khả tri và bất khả tiên liệu của ngày
giờ đó, hầu tránh được lối sống mù quáng. Chúng ta vẫn đang hy vọng Người trở
lại. Nhưng đây không phải là một nỗi niềm chờ mong khắc khoải, mà là một xác
tín rằng Người cũng là Đấng đã đến và đang đến sống giữa chúng ta: chính Người
đang và sẽ đưa lại ý nghĩa chân thật cho cuộc đời và vũ trụ chúng ta.
2. Vì đã được Đức Giêsu dạy
là không thể tìm ra đáp án cho các câu hỏi “khi nào và cách nào”, người Kitô
hữu chỉ càng chăm chú sống y như thể ngày đó đang đến rồi. Tuy nhiên, canh thức
và sẵn sàng không có nghĩa là cứ đưa mắt nhìn về trời! Lời Chúa mời gọi chúng
ta quan tâm đến những nhiệm vụ hằng ngày chúng ta đã và sẽ đảm nhận. Sống và
làm việc đúng như Người đã giáo huấn chúng ta, đó là cách thức tốt nhất để đón
Người vào ngày Người trở lại. Sự canh thức càng có tính thúc bách khi chúng ta
không biết giờ cùng tận. Tiếng hô của bài Tin Mừng: “Anh em hãy sẵn sàng! Hãy
canh thức!” phải vang lên trong tim của những người đang chờ mong cuộc gặp gỡ
vĩ đại.
3. Nhìn bề ngoài, không có
dấu chỉ nào giúp phân biệt người đang sống đúng thánh ý Thiên Chúa và người
không sống như thế, khi mà ai nấy đều đang sống chìm vào giữa những thực tại
trần gian. Do đó, chúng ta không được nhìn vào người khác để lượng định bản
thân và nhất là để mình rơi vào một thứ yên tâm giả tạo. Tốt nhất là hãy
nhớ lại các giáo huấn Đức Giêsu đã ban cho chúng ta, rà soát xem chúng ta đã
đưa ra thực hành như thế nào. Bài Giảng trên núi trong TM Mt chính là một cẩm nang giúp người Kitô hữu sống canh
thức và sẵn sàng.
4. Chúng ta nhớ rằng chúng ta
luôn luôn lệ thuộc vào Đức Giêsu và chúng ta luôn chịu trách nhiệm trước mặt
Người. Đức Giêsu đến vào Ngày Quang Lâm không còn phải là trong tư cách Đấng
Cứu thế, nhưng trong tư cách vị Thẩm Phán tối cao. Do đó, ngày Người đến sẽ là
ngày giờ của sự thật, bởi vì sẽ là ngày giờ để trả lời (“trả lẽ”) với Người về
những nhiệm vụ chúng ta phải chu toàn và là ngày giờ chúng ta được vén mở (=
mạc khải) cho hiểu biết mọi sự.
Lm FX Vũ Phan Long, ofm