ĐẤNG XIN NƯỚC LÀ NGUỒN NƯỚC HẰNG SỐNG
SUY NIỆM CHÚA NHẬT III MÙA CHAY - NĂM A
(Ga 4, 5 - 42)
Hành trình phụng vụ Mùa Chay năm A dẫn đưa chúng ta
sống con đường của các anh chị em dự tòng đang chuẩn bị lãnh nhận bí tích Rửa
Tội, làm sống lại trong chúng ta ơn Thánh Tẩy.
Giáo Hội luôn kết hợp lễ Vọng Phục Sinh với việc cử
hành Bí tích Rửa tội trong đó hiện thực mầu nhiệm cao cả của đời sống
người tính hữu là: chết đi cho tội lỗi, tham dự vào sự sống mới trong Chúa Kitô
phục sinh và nhận lấy Chúa Thánh Thần, Ðấng đã cho Ðức Giêsu từ cõi chết sống
lại (x. Rm 8,11).
Thế nên, Chúa Nhật thứ nhất gọi là Chúa Nhật cám dỗ,
vì giới thiệu các cám dỗ Chúa Giêsu phải chịu trong sa mạc, và mời gọi chúng ta
đứng về phía Chúa Giêsu để chống lại các cám dỗ. Chúa Nhật này sau khi nghe
chứng tá của các cha mẹ đỡ đầu, Giáo Hội cử hành việc tuyển chọn những người sẽ
được nhận lãnh Bí tích Rửa tội trong đêm Vọng Phục Sinh.
Chúa Nhật thứ hai gọi là Chúa Nhật của tổ phụ Abraham
và Chúa Nhật Hiển Dung. Bí Tích Rửa tội là bí tích của đức tin và thiên chức
làm con Thiên Chúa: theo Abraham tin tưởng vào Chúa và ra đi để trở nên con cái
Chúa.
Bước vào Chúa Nhật thứ ba, chúng ta nghe lại cuộc đối
thoại nổi tiếng của Ðức Giêsu với người thiếu phụ Samaria, được Thánh sử Gioan
tường thuật. Người thiếu phụ hằng ngày đi lấy nước từ một giếng nước cổ xưa, có
từ thời tổ phụ Giacóp. Hôm ấy, chị gặp Ðức Giêsu đang ngồi trên bờ giếng, mệt
mỏi sau một hành trình dài (x. Ga 4,5-42). Chúa Giêsu chính là Nước Hằng Sống,
Người làm cho con người đỡ khát, nước Chúa Thánh Thần. Chúa Nhật này Giáo Hội
cử hành việc bỏ phiếu các tân tòng lần thứ nhất và trong tuần trao cho họ Kinh
Tin Kính.
Chúa Giêsu là Nước Hằng Sống
Vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo, Các Giáo phụ đã
sớm nhận ra nơi «nước hằng sống» biểu tưởng của phép Rửa tội, mà Đức Kitô là
chính Nguồn Nước ấy. Chúa Giêsu xin người đàn bà xứ Samaria nước uống, không
phải lý do khát về thể lý cho bằng khát đức tin, khát sự sống đời đời, khát một
linh hồn khô héo. Đấng Cứu Thế giả vờ khát nước đến xin người đàn bà nước để
trao ban thứ nước ân sủng khỏi khát đời đời. Đó chính là nguồn nước mà Tin Mừng
nói tới khi Người xin nước của người đàn bà xứ Samaria… Thực ra, nguồn nước ấy
không bao giờ cạn, Đấng là nước hằng sống không thể uống nước bị ô nhiễm ở vùng
đất này. Câu hỏi được đặt ra:
Phải chăng Đức Kitô khát nước?
Vâng, Người khát, nhưng Người không khát nước trên mặt
đất này, hay khát thức uống của con người, mà khát các linh hồn, khát sự cứu
chuộc nhân loại. Thánh Ephrem viết: “Khi khát nước, Chúa chúng ta đã
ngó đầu vào miệng giếng; Người xin người đàn bà nước uống. Từ giếng nước, Người
đã câu được một tâm hồn. Nhưng tâm hồn ấy đã lại câu tiếp được cả dân trong
thành” (Thánh Thi Giáng sinh số 4, 43-44).
Tại sao Chúa Giêsu lại xin người đàn bà xứ Samaria
nước uống khi bà đến kín đầy vò nước, không những thế, Người còn khẳng định
rằng, Người có thể trao ban mạch nước dồi dào hơn từ giếng thiêng liêng nếu ai
đến xin Ngài?
Câu trả lời là vì dân Samaria thờ ngẫu tượng, tâm trí
họ hướng về địa giới, nên Người khát đức tin không chỉ của người đàn này mà cả
và nhân loại. Chúa Giêsu nói: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban
và ai là người đang nói với bà: ‘xin cho tôi uống nước’, thì chắc bà sẽ xin
Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống (...) Tất cả những ai uống nước này sẽ
còn khát : nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa ; vì nước
Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời” (Ga
4, 10-14). Đúng như lời Kinh Tiền Tụng thánh lễ hôm nay diễn tả: “Lạy
Chúa là Cha chí thánh... Khi người phụ nữ xứ Sa-ma-ri cho nước uống, Người đã
ban cho bà đức tin. Vì Người tha thiết ước mong bà tin vững mạnh, nên đã đốt
lên trong lòng bà ngọn lửa yêu mến Chúa…”
Hình ảnh người tân tòng
Người đàn bà xứ Samaria là hình ảnh của người tân
tòng, còn đang chịu sự ràng buộc của ma quỷ, năm đời chồng bà đã từ bỏ, người
đàn ông thứ sáu đang sống với bà là tượng trưng. Giếng nước Giacóp thể hiện
tiệc cưới của tâm hồn bà cử hành với Thiên Chúa đã được thanh tẩy bằng nước Rửa
tội. Theo M. Dulaey thì: “Giữa thế kỷ thứ III, Origène giải thích rằng,
giếng nước này là dấu chỉ giao ước giữa Thiên Chúa với dân Người và hiệp nhất
tâm hồn với Thiên Chúa”. Từ nay, bà tuyên xưng đức tin trước mặt mọi
người và đi loan báo Đức Kitô cho dân làng bà, kết quả là : “Một số
đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng rằng :
Ông ấy đã nói với tôi mọi việc tôi đã làm” (Ga 4, 39). Theo
Origène: “Vị Hôn Phu đích thực là Chúa Kitô (Ga 13, 181). Một khi người
đàn bà này tìm thấy Ngài, bà liền chạy về loan báo cho dân làng biết; người đàn
bà này là hình ảnh của người kitô hữu tuyên xưng đức tin của mình”.
Nguồn suối cứu độ là chính Đức Kitô
Đức Kitô, Đấng ngồi nghỉ trên miệng giếng chính là
nguồn nước, từ cạnh sườn bên phải Người, tuôn trào dòng nước xót thương; một
phụ nữ có sáu đời chồng đã được tẩy sạch bằng dòng nước hằng sống ấy. Thật
ngưỡng mộ biết bao: một người phụ nữ nhẹ nhàng đến giếng Samaria kín nước, bà
lấy nước từ dòng nước Giêsu! Tìm được nước, bà ra đi với sự tiết hạnh. Ngay lập
tức bà xưng thú các lỗi mà Chúa Giêsu ám chỉ, bà nhận ra Đức Kitô và loan báo
Đấng Cứu Thế. Bà để vò nước xuống, mang ơn sủng vào thành; vai nhẹ bớt, bà trở
về tràn đầy sự thánh thiện… Đúng là ai đến trong tội lỗi sẽ trở về với sứ mạng
tiên tri.
Nước hằng sống này đối với chúng ta là nguồn suối dâng
trào sự sống đời đời, nước này không phải là nước hòa với Máu Chúa Kitô, đã
chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu trên cây Thánh giá đó sao? Đây không phải là
các bí tích của Giáo hội mà Phép rửa trình bầy mầu nhiệm của nước ấy, để ám chỉ
rằng nước đó phát sinh từ cái chết cứu độ của Đấng Cứu Thế đó hay sao? Trong
mọi trường hợp, các Giáo phụ thấy nước tuôn chảy từ tảng đá do Môisen đập ra
(Xh 17, 3-7) là hình ảnh tiên trưng của nước chảy ra từ cạnh sườn Đấng Cứu Thế
bị đóng đinh.
Mỗi người chúng ta đều có thể nhìn thấy chính mình nơi
hình ảnh của người thiếu phụ Samari: Ðức Giêsu chờ đợi chúng ta, nhất là trong
thời điểm của Mùa Chay này, để đối thoại với chúng ta, nói với con tim của
chúng ta. Chúng ta hãy dừng lại trong một khoảnh khắc thinh lặng, để lắng nghe
lời Ngài nói với chúng ta: “Nếu bạn nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban...”
Lạy Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, xin đừng để chúng con
đánh mất cơ hội gặp gỡ này, là nơi chúng con có thể kín múc nguồn hạnh phúc
đích thực cho cuộc đời chúng con. Amen.
Lm.
An-tôn Nguyễn Văn Độ