CHÚA NHẬT III MÙA CHAY

Tình yêu cứu độ của Chúa như mạch nước hằng sống

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Xh 17:3-7;  Rm 5:1-2, 5-8;  Ga 4:5-42)

          Trong tiến trình giúp dự tòng lãnh nhận các Bí tích khai tâm (Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể), Giáo Hội mời gọi họ hãy tuyên xưng đức tin vào Chúa Ki-tô là mạch nước hằng sống, là ánh sáng thế gian, và là sự sống lại và sự sống.  Có lẽ hơn ai hết, anh chị em dự tòng sẽ là những người chăm chú lắng nghe Lời Chúa trình bày ba chủ đề trên, liên tiếp trong những Chúa Nhật thứ ba, bốn và năm mùa Chay.  Vậy hôm nay, khi nói về chủ đề nước hằng sống, bài đọc trích sách Xuất Hành kể lại sự kiện dân Ít-ra-en thử thách và gây sự với Thiên Chúa khi họ đòi Chúa cho họ nước uống giữa sa mạc.  Bài Tin Mừng là một trình thuật tuyệt vời ghi lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp về ý nghĩa của nước.  Sau hết là những dòng suy niệm của thánh Phao-lô về vai trò Chúa Thánh Thần là nguồn mạch tình yêu Thiên Chúa hằng đổ vào tâm hồn chúng ta để tiếp tục công cuộc cứu độ ta.

          1.  Thiên Chúa ban cho dân Ít-ra-en nước uống giữa sa mạc khô cằn.  Câu chuyện này rất quen thuộc với chúng ta rồi.  Tuy nhiên chúng ta thắc mắc tại sao ông Mô-sê không dẫn dân chúng đi theo đường gần nhất thuộc dân Phi-li-tinh để về Đất Hứa mà lại qua ngả sa mạc Biển Sậy ở phía đông (Xh 13:17).  Lý do đơn giản là để tạo cơ hội cho đức tin của Ít-ra-en vào Thiên Chúa được trưởng thành trong hoàn cảnh khó khăn.  Ta đều biết nước là nhu cầu không thể thiếu cho sự sống.  Thiếu nước là ta cảm thấy khó chịu vô cùng.  Dân Chúa cũng thế.  “Khoảng sáu trăm ngàn bộ hành, chỉ kể đàn ông không kể trẻ con” (Xh 12:37) ở giữa sa mạc, thì thiếu nước là chuyện dễ hiểu.  Vì thế họ kêu trách và lên án ông Mô-sê sắp làm cho họ chết khát!  Họ kêu trách ông vì họ chưa đủ tin vào Thiên Chúa.  Tội nghiệp ông Mô-sê phải vác mặt đến phàn nàn với Chúa rằng “chỉ một chút nữa là họ ném đá con rồi!”  Nhưng Chúa đã có kế hoạch để phát huy lòng tin của dân chúng và cả ông Mô-sê nữa.  Có lẽ ông quên mất cây gậy Chúa đã ban cho ông.  Nó là biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa, từ tình yêu dạt dào đến quyền năng đầy uy lực.  Nguồn nước ông nắm trong tay mà ông không nhận ra.  Cho nên Chúa lại phải chỉ bài cho ông:  “Ta sẽ đứng ở đằng kia trước mặt ngươi, trên tảng đá ở núi Khô-rép.  Ngươi sẽ đập vào tảng đá.  Từ tảng đá, nước sẽ chảy ra cho dân uống”.  Chúng ta đừng bỏ qua từng chi tiết quan trọng này nhé.  Tảng đá làm sao có mạch nước trong đó được.  Nhưng có Chúa “đứng” trên nó, nó sẽ trở nên khác.  Ông Mô-sê “đập” gậy vào tảng đá khác nào gõ cửa trái tim Thiên Chúa nên nước chảy ra để cứu dân Ít-ra-en.  Cả dân chúng lẫn Mô-sê đều thử thách và “gây sự” với Chúa, để xem “có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không”.

          2.  Chúa Giê-su là mạch nước ban sự sống đời đời.  Cựu Ước kể lại cuộc gây sự của Ít-ra-en với Đức Chúa, thì trong Tân Ước, chúng ta cũng thấy một cuộc “gây sự” của người phụ nữ Sa-ma-ri với Chúa Giê-su.  Gọi là gây sự, vì trong suốt cuộc gặp gỡ đối thoại với Chúa, bà “chằng” này lý giải đủ điều!  Vậy mà Chúa Giê-su đã kiên nhẫn hướng dẫn bà từng bước để tiến tới lòng tin vững vàng vào Chúa.  Từ việc xin bà cho Người chút nước giếng, Chúa Giê-su đặt ngay vấn đề căn tính của Người:  Tôi là ai?  Bà lý sự:  “Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này?”  Thì lớn hơn là chắc rồi, vì “Ai uống nước giếng này sẽ lại khát.  Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa”.  Điều kỳ diệu hơn nữa, đó là “Nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”.  Phải, nước thỏa mãn cơn khát của thân xác còn kém xa mạch nước đem lại sự sống cho tâm hồn.  Rồi Chúa nói về quá khứ và hiện tại của bà để giúp bà tin vào Người.  Đến đây thì không những bà tin rằng Chúa Giê-su lớn hơn tổ phụ Gia-cóp, mà Người còn là một ngôn sứ nữa!  Chưa hết.  Người phụ nữ Sa-ma-ri muốn vớt vát “thể diện” khi bà chuyển sang đề tài nơi thờ phượng Thiên Chúa.  Bà cũng như mọi người dân Sa-ma-ri hãnh diện về núi Ga-ri-dim đã được tổ tiên Do-thái chọn làm nơi thờ phượng Chúa.  Thế là Chúa Giê-su lại có cơ hội cho bà biết ý nghĩa đích thực của việc thờ phượng Thiên Chúa không còn tùy thuộc vào nơi này nơi nọ, nhưng là “những kẻ thờ phượng Thiên Chúa phải thờ phượng trong thần khí và sự thật”.  Nói khác đi, trong thần khí là Chúa Thánh Thần và trong sự thật là Chúa Giê-su.  Khi loan báo điều này, Chúa Giê-su gợi ý cho bà nhận biết Người thực sự là Đấng nào.  Bà thưa Chúa:  “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô sẽ đến.  Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”.  Và Chúa kết luận:  “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây”.  Hành trình đức tin của bà thật tuyệt vời:  tin Chúa Giê-su lớn hơn tổ phụ Gia-cóp, rồi là ngôn sứ và cuối cùng là Đấng Ki-tô!

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Bài Tin Mừng kết luận:  Đức Ki-tô là mạch nước hằng sống.  Nhưng chúng ta còn được thánh Phao-lô gợi ý cầu nguyện.  Ngài viết:  “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta”.  Tình yêu của Thiên Chúa, tức là Thánh Thần, chính là “nước trường sinh” mà Chúa Giê-su ban cho ta.  Vậy thần khí Chúa đã bay lượn trên mặt nước (St 1:2) để thực hiện cuộc tạo dựng thế nào, Thánh Thần Chúa cũng đến với tâm hồn ta để làm cuộc tạo dựng mới như vậy!

      Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A