Xin Ơn Chúa giúp để
chống trả Tên Cám Dỗ
Suy niệm Chúa nhật I Mùa Chay năm A
(Mt
4, 1-11)
Bước vào Mùa
Chay Thánh, mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng với những việc tốt lành theo
truyền thống là ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Hôm nay Chúa nhật thứ nhất Mùa
Chay Thánh. Phúc âm trình bày cho chúng ta một cuộc chiến đấu làm theo ý Chúa
Cha hay là theo ý của Satan. Quả thật, trước khi sứ vụ cứu thế khai mào, Chúa
Giêsu đã vào hoang địa, ăn chay, cầu nguyện bốn mươi đêm ngày và ở đó chịu
Satan cám dỗ.
Satan lợi dụng
thời gian này để tấn công và cám dỗ Chúa đi khác đường lối của Chúa Cha, đây
cũng là cám dỗ bất tuân giống như con rắn xưa đã cám dỗ Ađam. Satan muốn Chúa
Giêsu là một con người hoàn toàn thuộc về thế gian, thế giới mà hắn làm chủ. Vì
là con người, Chúa Giêsu đã dựa vào Lời Chúa và sức mạnh của Thiên Chúa là Chúa
Thánh Thần để chiến đấu. Người đã chiến thắng, ma quỷ đã phải rút lui, và các
các thiên sứ đến hầu hạ Người (x. Mt 4,1-11).
Bước vào Mùa
Chay Thánh, chúng ta phải ý thức rằng, những quỉ kế mà ma quỉ dùng để cám dỗ
Chúa Giêsu, cũng là những cách chúng cám dỗ chúng ta ngày hôm nay.
Satan là kẻ thù
lớn nhất của chúng ta. Có người không tin có Satan, họ cho rằng, Satan là một
sản phẩm do trí tưởng tượng của con người hoặc là sự dữ trừu tượng pha trộn
trong con người và thế giới. Không!
Kinh thánh nói
nhiều lần về Satan như một hữu thể cụ thể và có thực. Hắn là một thiên thần sa
ngã. Chúa Giêsu khẳng định khi nói : "Hắn là
kẻ nói dối và là cha của sự dối trá" (Ga 8,44). Thánh Phêrô ví
ma quỉ như con sử tử gầm thét : "Đối thủ
của anh em là ma quỉ như sư tử rống, nó lượn rình tìm sao nuốt được một ai"
(1Pr 5,8). Và Chân phước Phaolô VI, Giáo hoàng dạy chúng ta : "Ma quỉ là kẻ thù số một, nó cám dỗ rất tinh vi.
Chúng ta biết rằng nhân vật tối tăm và phá rối này thực sự tồn tại và tiếp tục
hành động".
Nó làm thế nào?
Thưa, nó nói dối, lừa dối chúng ta. Baudelaire viết : "Chiến thắng lớn nhất của ma quỉ là làm cho
chúng ta tin rằng ma quỉ không hiện hữu". Nó nói dối chúng ta
thế nào?
Hắn trình bày
hành động xấu như thể là tốt, hắn thúc giục chúng ta làm điều xấu, hắn gợi lên
những lý do để biện minh cho tội lỗi của chúng ta. Sau khi lừa dối chúng ta
rồi, hắn làm cho chúng ta lo lắng và buồn bã. Hỏi chúng ta có bao giờ cảm thấy
điều đó không?
Chúa Giêsu đã
bị cám dỗ bất tuân lệnh truyền của Chúa Cha, Người đã chống trả quyết liệt và
đã vâng phục cho đến chết ; sự bất tuân ấy được diễn tả như thế nào ?
Nội dung của sự cám dỗ ấy là gì ?
Chúa Giêsu là
con người hoàn toàn như chúng ta, giống chúng ta mọi đàng, nên những thử thách
mà Người phải đương đầu, những cám dỗ Người phải chịu, cũng là những thử thách,
những cám dỗ của nhân loại hôm nay. Cám dỗ ấy là cám dỗ về vật chất tư lợi, uy
quyền danh vọng, và về hưởng thụ thỏa mãn các đam mê trần tục.
Của cải vật chất là một cám dỗ lớn,
mãnh liệt, không trừ một ai, từ em bé mới có trí khôn cho đến người già sắp lìa
cõi thế, từ người buôn bán giữa chợ cho đến vị bậc vị vọng ở nơi nhà thờ. Tự
bản chất, vật cất không xấu ; xã hội phải làm ra của cải thì mới tồn tại
và phát triển được; con người phải có điều kiện vật chất tối thiểu mới có
thể sống. Nhưng tiền là một người đầy tớ tốt, và là một ông chủ xấu. Biết sử
dùng và làm chủ của cải, chúng ta sẽ làm được rất nhiều việc, kể cả những việc
ích Nước lợi Dân. Trái lại, khi nô lệ của cải, để của cải làm chủ, nó sẽ hủy
hoại tất cả những giá trị đạo đức, từ tình nghĩa gia đình, vợ chồng, cho mẹ con
cái, cho đến những giá trì về công bằng xã hội, về đạo đức và tôn giáo.
Danh vọng là một cám dỗ cũng
mạnh không kém. Con người ngày hôm nay có khuynh hướng lẫn lộn danh dự với danh
vọng. Thực ra danh dự thì ai cũng cần ; có danh dự thì mới có thể sống
vui, sống xứng đáng là con người. Mất hết danh dự, con người nhiều khi không
còn thiết sống nữa. Nhưng danh vọng thì khác ; danh vọng thường phát xuất
từ một địa vị cao, hoặc một đời sống giầu có, hoặc từ sự thành công được nhiều
người biết đến và khen ngợi. Người ham mê danh vọng là người thích được người
khác vỗ tay đề cao, thích được nổi bật giữa đám đông. Có người ham mê danh vọng
đến mức sẵn sàng hy sinh hạnh phúc gia đình, hy sinh cả những giá trị đạo đức,
chạy theo danh vọng nhiều khi là thả mồi bắt bóng và dẫn tới những sụp đổ bi
đát nhất.
Cám dỗ thứ ba
là quyền lực. Ở bất cứ quốc gia nào,
thời đại nào, cám dỗ về quyền lực vẫn là một cám dỗ đáng sợ nhất. Thường khi đã
có tiền và danh vọng, điều mà người ta ao ước là có quyền trên những người
khác, điều khiển người khác. Các tranh chấp về quyền hành làm nảy sinh những
biến động xã hội rất tai hại, có khi còn phát sinh giặc giã chiến tranh và gieo
rắc đau khổ tan tóc trên nhiều người. Có những người đang nắm quyền cố gắng giữ
chặt quyền bính bằng mọi giá, kể cả những thủ đoạn bất chính và phi nhân.
Chúa Giêsu đã
chiến thắng mọi cám dỗ của Satan ; nên Người được các thánh Giáo phụ gọi
là Ađam mới, sinh ra một nhân loại mới, sống bằng sự sống và tình yêu của Thiên
Chúa. Chúng ta hãy nhớ mình là con người mới được tái sinh nhờ Phép rửa, được
kêu mời sống ơn gọi đó.
Chúng ta hãy
khẩn cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ đã đập vỡ đầu con rắn độc ác, giúp chúng ta
vượt qua những cám dỗ mỗi ngày và sống Mùa Chay Thánh này cho nên. Amen.
Lm. An-tôn
Nguyễn Văn Độ