CHÚA NHẬT I MÙA CHAY

Thất bại của nhân loại và chiến thắng của Chúa Giê-su trước cám dỗ

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (St 2:7-9;  3:1-7;  Rm 5:12-19;  Mt 4:1-11)

          Trong Lời nguyện mở đầu Lễ Tro, chúng ta thưa với Chúa:  “Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng.  Xin giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần”.  Chiến đấu thiêng liêng là chiến đấu với ma quỷ và cám dỗ.  Chính vì thế, lời Chúa hôm nay cho chúng ta một cái nhìn về nguồn gốc tội lỗi và cám dỗ, để giúp chúng ta biết rõ mình phải chiến đấu với kẻ thù nào.  Bài đọc trích sách Sáng Thế kể lại sự thất bại của nguyên tổ loài người khi họ chống trả cám dỗ của ma quỷ đội lốt con rắn xảo quyệt.  Bài Tin Mừng trình bày một sự kiện trái ngược, đó là chiến thắng của Chúa Giê-su khi Người chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa.  Riêng thánh Phao-lô, qua thư gửi tín hữu Rô-ma, đã vinh danh chiến thắng của Chúa Ki-tô:  Chúa chiến thắng tội lỗi là để chúng ta được nên công chính, được sống và được thống trị với Người muôn đời.

          1.  Thất bại của nguyên tổ loài người trước ma quỷ và cám dỗ.  Câu chuyện Cựu Ước này chúng ta đều biết cả rồi.  Nhưng có lẽ nó quá quen thuộc nên ít khi chúng ta để ý đến những chi tiết trong đó, nhất là cách thức xảo quyệt của con rắn với những lý luận mập mờ để thuyết phục ông bà nguyên tổ.  Điểm đầu tiên chúng ta nhận ra trong câu chuyện là chuyện sống và chết.  Khi lấy đất nặn ra con người, Thiên Chúa đã “thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật”.  Đúng vậy, Chúa đã dựng nên chúng ta một cách đặc biệt, chẳng những là một sinh vật, mà còn là sinh vật tuyệt đỉnh vượt trên mọi sinh vật khác và “chẳng thua kém thần linh là mấy” (Tv 8:6).  Sự sống phần hồn hay phần xác đều cần đến lương thực.  Do đó, để cám dỗ con người gây tổn hại cho sự sống, con rắn khởi đầu cám dỗ bằng cách khơi lên việc ăn.  Nó từ từ dẫn “người đàn bà” đến chỗ nghi ngờ mệnh lệnh “cấm ăn trái cây ở giữa vườn”.  Vì trái cây “ở giữa vườn” chứ không khuất ở góc vườn nên lại càng quyến rũ, trông càng đẹp mắt và ngon, nên người đàn bà khó mà cưỡng lại mệnh lệnh nếu không để mắt hướng về Chúa và nhớ đến lời căn dặn “các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết”.  Thiên Chúa lấy cái chết để ngăm đe; ma quỷ thì đem sự sống ra mời mọc;  còn người đàn bà lại không muốn rời xa cây trái cấm, cứ la cà bên nó để mong ăn trái và được tinh khôn!  Kết cục, bà đã hái trái cây, ăn và đưa cho chồng đang ở đó với mình.  Thế là họ đã ăn, tội lỗi đi vào lịch sử nhân loại và gây hậu quả tai hại là sự chết!

          2.  Chúa Giê-su chịu cám dỗ và Người đã chiến thắng.  Đối nghịch với thảm bại của nguyên tổ loài người trước cám dỗ là chiến thắng của Chúa Giê-su, A-đam Mới.  Có lẽ điều đầu tiên chúng ta nên nhắc đến là thời điểm Chúa Giê-su chịu cám dỗ.  Sự kiện này xảy ra trước khi Chúa lên đường thi hành sứ mệnh rao giảng Tin Mừng.  Do đó, việc Người bị cám dỗ không chỉ là một sự kiện nhất thời, nhưng là một tình trạng kéo dài và đeo đuổi Người suốt cuộc đời thi hành sứ mệnh cho đến lúc tắt thở trên thập giá.  Có một sự trùng hợp giữa cám dỗ Chúa Giê-su chịu và cám dỗ của nguyên tổ trong vườn địa đàng, đó là khởi đầu với chuyện ăn uống!  Sau bốn mươi ngày ăn chay, Chúa Giê-su cảm thấy đói.  Dường như ma quỷ thích lợi dụng sự đói khát để cám dỗ.  Nó lấy nhu cầu thể xác và vật chất để cám dỗ Chúa sử dụng quyền năng mà thỏa mãn nhu cầu ấy.  Nó muốn Chúa Giê-su hãy coi trọng những nhu cầu vật chất đến độ lãng quên những nhu cầu thiêng liêng.  Về thử thách này, chúng ta giống hệt với Chúa Giê-su.  Ở đây Chúa nhắc nhở chúng ta:  “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời Thiên Chúa phán ra”.  Phải, Lời Chúa chính là lương thực thần linh vậy!  Hình thức cám dỗ thứ hai Chúa Giê-su chịu đã phản ánh việc dân Ít-ra-en thử thách Thiên Chúa khi họ luôn nghi vấn liệu “Đức Chúa có làm gì được cho ta không?”  Có rất nhiều tình huống khiến họ nghi ngờ lòng yêu thương và chăm sóc Thiên Chúa dành cho họ, rất nhiều lần họ nghĩ Thiên Chúa đã ruồng bỏ họ rồi.  Trong thân phận con người, chính Chúa Giê-su cũng có lần cảm nghĩ giống như vậy khi ở trên thập giá Người đã kêu lên:  "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?" (Mt 27:46).  Bạn và tôi, chúng ta chắc cũng có những lúc kêu lên tương tự như vậy chứ?  Nhưng Chúa Giê-su nhắc nhở ta:  Nếu chúng ta tin rằng mình đã bị Chúa bỏ rơi là ta “thử thách” Chúa đấy.  Sau hết, cám dỗ thứ ba làm chúng ta nhớ đến sự kiện dân Ít-ra-en thử thách Thiên Chúa khi họ bỏ Người để thờ lạy ngẫu tượng là con bò vàng do tay họ đúc ra.  Ma quỷ muốn Chúa Giê-su và chúng ta đánh đổi việc trung thành thi hành sứ mệnh để có được vinh hoa phú quý trần gian.  Thử thách này quả là tinh vi và mang những hình thái biến đổi khôn lường.  Để chống lại thử thách này, ta có một cách duy nhất là phải quyết tâm thờ phượng Chúa và chỉ thờ phượng một mình Người mà thôi.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Thánh Phao-lô đã cho chúng ta một so sánh vô cùng ý nghĩa giữa A-đam và Chúa Giê-su.  Thất bại của A-đam đem lại hậu quả vô cùng tai hại là sự chết, còn chiến thắng của Chúa Giê-su Phục Sinh đem lại cho ta sự sống và sự sống vĩnh cửu.  Cái chết của Chúa mở đầu cho sự sống mới của ta trong Thánh Thần và vì có Thánh Thần giúp ta chống lại mọi cám dỗ, ta sẽ toàn thắng và được sống muôn đời.

        Lm. Đa-minh Trần đình Nhi        


Suy Niệm Lời Chúa Năm A