CHÚA NHẬT V MÙA CHAY

Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Ed 37:12-14;  Rm 8:8-11;  Ga 11:1-45)

          Tiếp theo các cuộc khảo hạch đức tin trong hai Chúa Nhật trước, hôm nay là lần chót anh chị em dự tòng tuyên xưng đức tin vào Chúa Ki-tô là sự sống lại và là sự sống, trước khi họ được rửa tội vào đêm Thứ Bảy Tuần Thánh.  Tường thuật phép lạ Chúa Giê-su cho anh La-da-rô sống lại sau khi anh chết đã bốn ngày là tâm điểm của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay (bài Tin Mừng).  Cô Mác-ta tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su không những là điều anh chị em dự tòng phải biểu lộ đức tin mà cũng là điều tất cả chúng ta phải lấy làm nguồn hy vọng cho tương lai.  Nguyên lý của sự sống lại chính là quyền năng của Chúa Thánh Thần theo lời Thiên Chúa đã hứa qua ngôn sứ Ê-dê-ki-en (bài đọc 1).  Thánh Phao-lô suy tư về nguyên lý này và áp dụng vào đời sống Ki-tô hữu, để giúp ta sống theo Thần Khí bây giờ và được sống lại trong cuộc sống vĩnh cửu (bài đọc 2).

          1.  Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.  Lời tuyên bố của Chúa Giê-su ở đây đã đáp lại nguyện vọng và lòng tin của cô Mác-ta.  Cô biết Chúa Giê-su là Đấng chữa lành, vì Người đã làm nhiều phép lạ cứu chữa những kẻ bệnh tật.  Nhưng có thể cô chưa bao giờ nghe nói Chúa Giê-su cho kẻ chết sống lại.  Do đó cô trách nhẹ Chúa:  “Nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết”.  Rồi cô biểu lộ niềm hy vọng:  “Nhưng bây giờ con biết:  bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”.  Cô vẫn chưa dám tin Chúa là Đấng sẽ cho kẻ chết sống lại;  bằng chứng là cô chỉ nghĩ em cô sẽ sống lại “trong ngày sau hết” chứ không phải “bây giờ”!  Nhưng đây chính là cơ hội để Chúa mặc khải cho cô biết:  “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.  Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống”.  Thật tuyệt vời khi Chúa Giê-su khéo dẫn dắt cô Mác-ta tới đức tin trọn vẹn:  “Thưa Thầy, con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”.  Cô Mác-ta cần được Chúa dẫn dắt trong hành trình đức tin.  Nhưng với cô em Ma-ri-a thì khác, đức tin của cô được biểu lộ qua hành động:  vừa thấy Chúa, cô đã phủ phục dưới chân Người và lập lại cùng câu nói của cô Mác-ta:  “Nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết”.  Đức tin của cô là yên lặng phó thác nơi quyền năng Chúa.  Cô không nài nỉ Chúa về điều Người sẽ xin cùng Thiên Chúa Cha, nhưng để Chúa hoàn toàn quyết định.  Nếu cân nhắc, có lẽ chúng ta phải nói rằng đức tin của cô Ma-ri-a đã có một chiều sâu khác thường, trong khi với Mác-ta thì Chúa vẫn phải nhắc nhở cô lúc Người bảo người ta đem phiến đá lấp cửa mộ đi:  “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?”

          2.  Thần Khí của Thiên Chúa là nguyên lý cho sự sống lại.  Ngay buổi đầu tạo dựng, Thiên Chúa đã thổi “sinh khí vào lỗ mũi” con người để nó trở nên một sinh vật.  Sinh khí là sự sống của Thiên Chúa ban, không những cho sự sống phần xác mà cả sự sống phần hồn nữa.  Khi dân Ít-ra-en không sống theo đường lối và thánh chỉ của Thiên Chúa là họ đã cắt đứt liên hệ với Người, nói khác đi là cắt đứt khỏi sự sống của Người.  Họ sống phần xác, nhưng phần hồn đã bị chôn đáy huyệt rồi!  Tuy nhiên Thiên Chúa giàu lòng thương xót không nỡ để dân Người bị chôn vùi đáy huyệt của lưu đày, nên qua ngôn sứ Ê-dê-ki-en, Người đã hứa sẽ mở huyệt, đem họ về đất Ít-ra-en.  Sự “hồi sinh” của Ít-ra-en sau cuộc lưu đày là hình ảnh sống động nói lên cuộc sống lại của tâm hồn mỗi người chúng ta.  Thế nào chẳng có những lúc linh hồn chúng ta bị tội lỗi chôn vùi dưới đáy huyệt của nó.  Nhưng chắc chắn lòng Chúa thương xót sẽ mở cửa huyệt và đưa ta trở về với Người.

          3.  Suy tư của thánh Phao-lô về vai trò của Chúa Thánh Thần trong sự sống lại.  Thánh Phao-lô phân biệt rõ ràng tính xác thịt trái ngược với Thần Khí của Đức Ki-tô.  Ngài khẳng định rằng nếu ta để cho tính xác thịt, tức tội lỗi, chi phối thì ta không thể vừa lòng Thiên Chúa được, nghĩa là ta sẽ chết chứ không được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa.  Nhưng vì ta có Thần Khí của Thiên Chúa cũng là Thần Khí của Đức Ki-tô ngự trong ta, nên ta “thuộc về Đức Ki-tô”, nghĩa là được sống với Chúa Ki-tô.  Rồi thánh Phao-lô còn quả quyết thêm rằng Thần Khí Chúa Ki-tô không chỉ đem lại sự sống cho linh hồn chúng ta, mà còn cho thân xác ta được sự sống mới trong ngày sau hết nữa.  Vai trò của Chúa Thánh Thần quan trọng như vậy mà chúng ta lại hay quên!

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Đã từ lâu tôi vẫn thắc mắc tại sao Chúa Giê-su không nói “Chính Thầy là sự sống và là sự sống lại”, mà Người lại nói “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống”.  Sự đảo lộn vị trí này mang ý nghĩa gì?  Tại sao lại đặt sự sống lại trước sự sống?  Có lẽ chúng ta đều biết thánh sử Gio-an và thánh Phao-lô là các nhà thần học, nên các ngài thường trình bày vấn đề theo khía cạnh suy tư thần học.  Đối với chúng ta, trước hết Chúa Giê-su là sự sống lại, vì Người hồi sinh chúng ta và cứu ta khỏi cái chết do tội lỗi.  Sau khi chúng ta được tái sinh nhờ bí tích Rửa tội, ta sẽ tiếp tục sống đời sống mới trong tinh thần Chúa Ki-tô, tức là trong Chúa Thánh Thần.  Cuối cùng, sau cuộc sống trong Thánh Thần ở trần gian, ta sẽ được về nhà Cha trên trời để sống trong hạnh phúc vĩnh cửu.  Vậy nếu chúng ta đã cùng với chị em cô Mác-ta tuyên xưng Chúa Giê-su là sự sống lại và là sự sống, ta cũng hãy theo lời thánh Phao-lô mà sống chức phận con cái Chúa trong Thánh Thần!

       Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A