CHÚA NHẬT 4
TN: LỄ DÂNG CHÚA GIÊ-SU TRONG ĐỀN THÁNH (LỄ NẾN)
Ml 3,1-4; Dt
2,14-18; Lc 2,22-40
TRỞ THÀNH ÁNH
SÁNG CHIẾU SOI MUÔN DÂN
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc
2,22-40
22 Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Mô-sê, cha mẹ Chúa Giê-su liền đem
Người lên Giê-ru-sa-lem để hiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi
là người thánh thuộc về Chúa”. 24 Và
cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy, hay
một cặp bồ câu con.
25 Và đây ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-on, là người công
chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Ít-ra-en. Thánh Thần
cũng ở trong ông. 26 Ông đã được
Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa. 27 Được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ
ngay lúc cha mẹ trẻ Giê-su đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của
Lề luật. 28 Ông bồng Người trên cánh
tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
29 “Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời
Chúa đã phán: 30 vì chính mắt con đã
nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà 31
Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, 32
là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Ít-ra-en dân Chúa”.
33 Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. 34 Si-mê-on chúc lành cho hai ông bà và nói
với Ma-ri-a mẹ Người rằng: “Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người
trong Ít-ra-en phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người
ta chống đối. 35 Về phần bà, một
lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!” 36 Lúc ấy, cũng có bà tiên tri An-na, con ông
Pha-nu-en, thuộc chi họ A-sê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với
chồng được bảy năm, 37 rồi thủ tiết
cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay
cầu nguyện phụng sự Chúa. 38 Chính
giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giê-su cho tất cả
những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Ít-ra-en.
39 Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo Luật Chúa, thì trở lại xứ Ga-li-lê-a,
về thành mình là Na-da-rét. 40 Và
con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng
Người.
2.
Ý CHÍNH: Bài Tin Mừng theo thánh Lu-ca, cụ
già Si-me-on là người đầu tiên được xem thấy Chúa khi cha mẹ mang Người đến để
gặp gỡ dân Người. Si-mê-on sẵn sàng nhắm mắt ra đi, vì ông đã được nhìn thấy ơn
cứu độ bằng xương thịt như lời các ngôn sứ loan báo.
3. CHÚ THÍCH:
- C
22-24: +thanh tẩy theo luật Mô-sê: Bốn
mươi ngày sau khi sinh con trai đầu lòng, Đức Ma-ri-a đã làm lễ thanh tẩy theo
Luật Mô-sê qui định. + một đôi chim gáy hay bồ câu non: Bà đã dâng vào Đền Thờ một đôi chim
gáy hay bồ câu non là lễ vật của người nghèo, thay vì lễ vật là một con chiên
như người giàu. Hai ông bà dâng con vào Đền thờ để hài nhi Giê-su được thuộc
trọn về Thiên Chúa (x. 1 Sm 1, 22). Ông bà đã không nghĩ đến một sự miễn trừ
nào đối với vai trò làm cha mẹ Đấng Cứu Thế của mình. Giữ Luật Mô-sê là cách hai
ông bà biểu lộ tình yêu của mình cho Thiên Chúa.
- C
25-28: + có một người tên là Si-mê-on : chúng ta không biết rõ lai lịch của cụ già Si-mê-on,
nhưng cụm từ : “là người công chính” cho thấy cụ luôn sống trong niềm tin vào
Thiên Chúa. + Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy
Đấng Kitô của Chúa: Đó là
phần thưởng mà Chúa muốn dành cho người công chính. Chúa Thánh Thần luôn sống
trong cụ và thúc đẩy cụ làm theo ý Ngài. + Được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ
ngay lúc cha mẹ trẻ Giê-su đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của
Lề luật”: Chúa Thánh Thần muốn đẩy cụ Si-mê-on vào Đền thờ đúng lúc hai
ông bà Giu-se và Ma-ri-a đem Hài nhi Giê-su vào Đền thờ. Như vậy cuộc gặp gỡ
này là do Chúa Thánh Thần sắp đặt và đạo diễn, nhưng với một điều kiện cụ Si-mê-on
không cưỡng lại sự thúc đẩy của Thánh Thần.
- C
29-32 : “Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho
tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán » : Ông bồng Người
trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Lạy Chúa, bây giờ Chúa để
cho tôi tớ Chúa đi bình an, theo như lời Chúa. Vì chính mắt con đã thấy ơn cứu
độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng đã chiếu soi các lương
dân, và vinh quang của Israel dân Chúa. + là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và
vinh quang của Israel dân Chúa” : Hài Nhi bé nhỏ này là Ánh sáng
cho muôn dân và là vinh quang cho dân Ít-ra-en của Đức Chúa. Sau một đời chờ
đợi, ông Si-mê-on sung sướng thỏa mãn đến nỗi sẵn sàng chết cũng được, bởi vì
cụ đã được thấy Đấng Cứu thế và biết rằng thời đại cứu thế đã bắt đầu. Đây là bài
ca được Hội Thánh chọn đọc trong giờ kinh tối mỗi ngày. Ước gì chúng ta sống
làm sao để đến buổi tối, trước khi lên giường ngủ, tâm hồn chúng ta luôn cảm
thấy an bình thanh thản, đến nỗi có thể giã từ cõi thế mà ra đi ngay trong đêm
cũng được.
-C
33-35 : + Cha mẹ Người đều kinh ngạc
về những điều đã nói về Người : Ông
Giu-se và bà Ma-ri-a kinh ngạc về những điều ông già Si-mê-on nói về Hài Nhi. Vì
Hài Nhi Giê-su là một bí mật dưới mắt người trần. Chỉ mình hai ông bà Giu-se bà
Ma-ri-a mới được Chúa cho biết qua lời Sứ thần. Thế mà hôm nay trong Đền Thờ lại
có người biết rõ về vai trò và sứ mệnh của Hài Nhi như vậy, khiến hai ông bà
phải kinh ngạc.
+ Si-mê-on chúc lành cho hai ông bà
và nói với Ma-ri-a mẹ Người rằng: “Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều
người trong Ít-ra-en phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho
người ta chống đối : Ông già Si-mê-on
đã nói tiên tri: Đức Giê-su là một “dấu hiệu bị chống đối” và sau này sẽ bị
loại trừ, một “dấu hiệu mà người đời có thể phủ nhận”. Qua đó cho thấy : Thiên
Chúa không muốn áp đặt người ta phải tin mà chỉ biểu lộ dấu hiệu tình yêu. Và Người
chấp nhận tình yêu của Người có thể bị người đời chối bỏ. + Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ
đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!” : Từ
sau khi Xin Vâng, Mẹ đã bắt đầu bước vào con đường đau khổ với Con Mẹ. Mẹ luôn
đồng hành với Chúa Giê-su qua từng biến cố mà đỉnh điểm là cuộc Khổ Nạn của Người.
Mẹ đã can đảm đứng
dưới cây thập giá của Chúa và chịu đau khổ như bị một lưỡi gươm đâm thấu tâm
hồn mình. Mẹ luôn để tâm suy niệm các biến cố trong cuộc đời Chúa Giê-su, đúng
như lời ông Si-mê-on đã nói và nhằm “Để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ”.
-C 36-38 : + Lúc ấy, cũng có bà tiên tri An-na,
con ông Pha-nu-en, thuộc chi họ A-sê, đã cao niên : Trong sự kiện dâng Hài nhi Giê-su
trong Đền thờ, ngoài ông già Si-mê-on diễm phúc được gặp Hài Nhi Giê-su, còn có
thêm một người nữa, đó là nữ tiên tri An-na. Kinh thánh không cho ta biết nhiều
về bà An-na, Lu-ca cũng không xác định bà có được Thiên Chúa sai đi hay giao sứ
mệnh nào không, nhưng việc bà ở trong Đền thờ nói về Thiên Chúa cho mọi người
mà Lu-ca đã gọi bà là Nữ Tiên Tri. Lu-ca
cho biết bà là con ông Pha-nu-en, thuộc chi tộc A-sê. + Mãn thời trinh nữ, bà đã sống
với chồng được bảy năm, rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không
rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa : Bà An-na là một góa phụ nghĩa đã mất đi người
thân yêu nhất của mình, để từ đó rơi vào cảnh cô đơn, không có chỗ cậy dựa, bà
chỉ còn chạy đến nương tựa vào Thiên Chúa. Bà được 84 tuổi nghĩa là đã già với
hai đặc điểm như sách Khôn Ngoan viết: “Người đầu bạc thì khôn ngoan và tuổi
già là một cuộc đời thanh sạch” (Kn 4,9). Cuộc đời của bà đã gắn liền với Đền
thờ và năng cầu nguyện kết hiệp với Thiên Chúa. + Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà
liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giê-su cho tất cả những người đang trông chờ
ơn cứu chuộc Ít-ra-en: Chắc
hẳn bà An-na cũng được Chúa Thánh thần thúc đẩy như cụ Si-mê-on để vào Đền thờ
đúng vào lúc Hài Nhi Giê-su được cha mẹ bồng ẵm vào Đền thờ. Bà An-na đã thực
hiện vai trò truyền giáo của mình một cách thiết thực bằng chính cuộc sống đạo
hạnh, nghèo nàn, đơn sơ trong chay tịnh và cầu nguyện để trông chờ Đấng Cứu Thế
mau đến.
-C 39-40 : + Khi hai ông bà hoàn tất mọi
điều theo Luật Chúa, thì trở lại xứ Ga-li-lê-a, về thành mình là Na-da-rét : Ông Giu-se trở về với công việc của
người thợ mộc để kiếm tiền nuôi sống gia đình, chứ không xin Thiên Chúa làm
phép lạ để có tiền nuôi dưỡng Hài Nhi Giê-su. Đức Ma-ri-a trở về với công việc
nội trợ để chăm sóc cho ông Giu-se và Hài Nhi Giê-su suốt thời gian 30 năm ẩn
dật. + Và
con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng
Người : Lu-ca cho ta biết nét tổng quát về quãng thời gian Đức Giê-su
ở làng Na-da-ret. Như vậy, với sự dưỡng dục của đức Ma-ri-a và thánh Giu-se;
qua học tập và lao động, Đức Giê-su đã từ từ lớn lên, trưởng thành một cách
quân bình. Để rồi, nhân loại được thừa hưởng một Đức Giê-su Thiên Sai biết sống
và chết cho người khác. Các thành viên của Thánh Gia đều có đời sống thánh
thiện và âm thầm chu toàn theo thánh ý Thiên Chúa.
4. HỎI ĐÁP :
HỎI: NGUỒN GỐC
CỦA LỄ NẾN NHƯ THẾ NÀO?
ĐÁP:
- Giáo hội Đông phương hiểu Thánh lễ
này thể hiện cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và dân Người. Được Ðức Ma-ri-a và
thánh Giu-se đem vào Ðền Thánh, Chúa Giê-su đã gặp gỡ dân người mà hai cụ già
Si-mê-on và An-na là đại diện. Chúa Giê-su là trung tâm, chính Người lôi kéo
con người đến Ðền Thánh, nhà Cha của Người.
- Giáo hội Tây phương lại coi đây là
Thánh lễ mừng kính Đức Ma-ri-a: Thanh tẩy theo luật Do thái. Khi sát nhập vào
Phụng vụ Rô-ma, Đức Giáo Hoàng Sec-gi-ô I (678-701) đã thêm vào nghi thức rước nến. Vì thế, từ đây,
lễ này được gọi là Lễ Nến. Vì trước Thánh lễ có nghi thức làm phép nến và kiệu
nến vào nhà thờ như cuộc đón rước Chúa Giê-su là Ánh Sáng của muôn dân.
Những cây nến được làm phép và thắp
sáng trong ngày lễ này, tượng trưng cho ánh sáng và vinh quang của Chúa Giê-su.
Từ cuộc canh tân Phụng vụ năm 1960, thánh lễ này cũng qui hướng về Chúa Giê-su,
hơn là Đức Mẹ dâng Chúa Giê-su trong Đền thờ.
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ
Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn
cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi
các lương dân, và vinh quang của Ít-ra-en dân Chúa”.
2. CÂU CHUYỆN:
1) SỨC MẠNH
CỦA ÁNH SÁNG :
Trong một buổi thuyết trình, vị linh mục được mời nói chuyện, đã bắt
đầu bằng cách tắt hết các bóng điện, khiến cho tăm tối phủ kín khắp phòng. Rồi
ngài đánh một que diêm và thắp lên một ngọn nến. Ánh sáng của ngọn nến tuy yếu
ớt, nhưng cũng đủ để họ nhìn thấy được khuôn mặt của người bên cạnh. Và nếu
người nào cũng thắp lên một ngọn nến như thế, thì hẳn căn phòng sẽ rực rỡ, sẽ
chan hòa ánh sáng.
Thay vì ngồi phê bình và chỉ trích,
thở dài và bi quan, chúng ta hãy góp phần nhỏ bé của chúng ta vào công cuộc đẩy
lui ảnh hưởng của đêm tối, của tội ác.
Nếu hoạt động của đêm tối là âm mưu,
là thù oán, là tham vọng bất chính, thì hoạt động của ánh sáng phải là nhân
hậu, phải là tha thứ, phải là khiêm cung.
Nếu một con én không làm nổi mùa
xuân thì ít nữa nó cũng góp phần báo tin mùa xuân đang đến.
Chúng ta cũng vậy, thà thắp lên một
ngọn nến, còn hơn là ngồi đó mà rủa xả bóng đêm.
2) ÁNH SÁNG CỦA ĐOM ĐÓM:
Báo
nguyệt san Missi xuất bản tại Paris nước Pháp, vào đầu tháng một năm 1950, đã
kể lại lịch sử con “Đom Đóm” như thế này: đêm 24 rạng ngày 25 tháng 12 năm 749
kể từ ngày lập nước Roma, là đêm Chúa cứu thế Giáng Sinh. Ngôi sao lạ chiếu
sáng cả một góc trời. Thế mà hang lừa, nơi Đức Mẹ sinh Chúa cứu thế lại tối đen
như mực. Trời đông đã lạnh như buốt, mà gió heo may còn lùa hơi lạnh vào thân.
Thánh Giuse phải bịt kín cửa hang lại, nên Đức Mẹ không thấy đường lấy áo mặc
cho Chúa Hài Đồng. Nhưng kìa một con sâu nằm dưới rơm rạ, cảm thấy nỗi lúng
túng của Đức Mẹ, liền bò ra khe cửa, giơ tay hứng lấy một luồng sáng của ngôi
sao lạ. Con sâu cẩn thận, giấu ánh sáng trong lòng bàn tay, rồi bò trở vào. Nó
bò lên gấu áo Đức Mẹ, rồi bò lên cao nữa, cho đến khi ngang tầm mắt Đức Mẹ, nó
liền mở tay ra, tức khắc một luồng sáng bất ngờ tỏa xuống mặt Hài Nhi. Đức Mẹ
sung sướng được nhìn con lần đầu tiên. Bà vội vã lấy áo mặc cho con. Xong xuôi
rồi, Đức Mẹ nâng con sâu lên, rồi âu yếm nói: “Cảm ơn sâu đã vô cùng tế nhị, cảm
thông nỗi khốn khổ của ta, và đã không ngại hy sinh giúp đỡ ta. Này đây, ánh
sáng sâu đang giữ, Ta đã xin con Ta cho sâu được giữ nó mãi mãi. Mỗi khi màn
đêm bao trùm vạn vật, sâu hãy bay lên giữa vòm trời, tỏa ánh sáng xanh xanh
huyền diệu cho môi tạo vật. Và từ nay, thiên hạ sẽ không gọi ngươi là con sâu
nữa, mà gọi ngươi là con Đom Đóm vì ngươi luôn mang theo ánh sáng trong mình
ngươi.
3. SUY NIỆM:
1) Thế giới hôm nay có nhiều kẻ theo ma quỷ để thù ghét
Chúa và Hội Thánh. Họ hăng say tuyên truyền cho tội ác và tìm mọi cách để thu
hút, lôi cuốn đám đông đi theo họ chống lại Hội Thánh Công Giáo. Đặc biệt chống
lại các vị chủ chăn là Giám mục, linh mục và tu sĩ nam nữ. Vậy các tín hữu
chúng ta nên làm gì để bảo vệ Hội Thánh?
Hãy luôn nhớ chúng ta là con cái ánh sáng. Sự sáng của
chúng ta phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy việc lành chúng ta làm
mà ngợi khen Cha chúng ta trên trời.
Đừng chán nản nhụt chí, nhưng hãy
làm hết khả năng của mình và cầu xin ơn Chúa giúp.
2) Đức Giê-su chính là ánh sáng thế
gian. Hôm nay trước cửa Đền thờ, ông già Si-mê-on đã nói tiên tri về Hài nhi
Giê-su như sau: “Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo
như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa
đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh
quang của Ít-ra-en dân Chúa”.
Rồi trong cuộc sống công khai, chính Đức Giê-su cũng đã
từng công bố: “Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta sẽ không còn ngồi trong đêm
tối, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống”.
Hay như Tin Mừng Gio-an đã xác quyết: “Nơi Ngài có sự
sống. Và sự sống là ánh sáng cho muôn dân. Ánh sáng đã chiếu soi trong u tối”.
3) Nếu Đức Giê-su đã là ánh sáng, thì Mẹ Ma-ri-a cũng chính
là chiếc đèn, bởi vì Mẹ mang trong mình ánh sáng và từ đó tỏa lan khắp nơi. Hôm
nay nơi đền thờ Giê-ru-sa-lem, Mẹ đã bồng ẵm trong vòng tay của mình Hài nhi Giê-su
là ánh sáng muôn dân. Không phải Mẹ chỉ bồng ẵm Chúa trên đôi tay của mình, mà
hơn thế nữa, tâm hồn Mẹ hoàn toàn được ánh sáng Chúa chiếu soi và biến đổi. Mẹ
chính là tấm gương phản ảnh mọi nhân đức của Chúa Giê-su cho nhân loại chúng ta.
Mẹ chính là người môn đệ đầu tiên đã qua đau khổ và thập giá để tiến đến vinh
quang. Mẹ hoàn toàn tin tưởng và phó thác để trung thành theo thánh ý của Chúa.
4) Còn chúng ta thì sao?
- Chúng ta cũng phải trở nên ánh sáng như Đức Giê-su,
chúng ta cũng phải trở nên cây đèn cháy sáng như Đức Mẹ. Thực vậy, thánh Phao-lô
đã khuyên nhủ các tín hữu như sau: “Trước kia anh em là tối tăm, nhưng hiện nay
anh em là ánh sáng trong Đức Kitô.”
Đây cũng chính là điều Đức Giê-su muốn mỗi người tín hữu
thực hiện khi phán: “Các con là ánh sáng thế gian. Một thành xây trên núi,
không thể giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới gậm giường,
nhưng sẽ đặt trên giá, để nó chiếu sáng cho mọi người trong nhà”.
- Là người Kitô hữu, chúng ta phải mang Đức Ki-tô, mang
ánh sáng tin yêu của Người trong tâm hồn, rồi từ đó chiếu tỏa ánh sáng ấy cho
những người chung quanh.
Là người tín hữu, chúng ta phải trở thành ngọn đèn cháy
sáng, để những người đang còn ngồi trong tối tăm lầm lạc, nhờ chúng ta, sẽ tìm
thấy nẻo chính đường ngay.
Muốn được như thế, thì tâm hồn và cuộc đời chúng ta phải thanh
sạch giống như pha lê, để ánh sáng của Chúa có thể chiếu qua chúng ta đến với
tha nhân.
- Thế nhưng có kẻ lại nghĩ rằng: “Ánh sáng của tôi quá
yếu, làm sao ánh sáng ấy có thể chọc thủng được màn đêm tối tăm?”
Đừng nói mình không làm gì được. Trái lại, chúng ta hãy ý
thức góp phần nhỏ bé của mình trong hoàn cảnh cụ thể mình đang sống và động viên
nhiều người cùng làm như mình, thì chúng ta sẽ có thể đẩy lui được ảnh hưởng
của các tội ác xấu xa.
Nếu hoạt động của đêm tối của ma quỷ và các thế lực thù
địch là thù oán, tham vọng bất chính, là âm mưu… thì hoạt động của ánh sáng nơi
chúng ta phải là lòng nhân hậu, khoan dung tha thứ, khiêm hạ phục vụ vô vụ lợi.
Tóm lại: “Thà thắp
lên một ngọn nến, còn hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối”.
4. THẢO LUẬN: Trong những ngày này,
mỗi người chúng ta sẽ làm gì để gia đình
mình được an vui hạnh phúc, khu xóm mình đang sống được sạch đẹp và môi trường
làm việc ngày một công bình nhân ái hơn?
5. LỜI CẦU:
Lạy Cha, xin
cho con biết tuân giữ Luật Cha noi gương Thánh Gia. Luật cha chính là luật yêu
thương. Con nhận ra rằng con chỉ chu toàn được Luật của Cha khi con thật sự thể
hiện lòng mến Cha bằng việc yêu thương tha nhân. Vì thế, xin Cha cho con biết
yêu thương từ trong cách suy nghĩ, đến nói năng và hành động, để chiếu tỏa ánh
sáng tin yêu của Cha trước mặt người đời, hầu cho họ nhìn thấy việc lành chúng
con làm mà nhận biết tin thờ Cha và sau này được tham phần vào ơn cứu độ với
chúng con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN
CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM