CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH

Hiển Linh:  Thiên Chúa tỏ ra cho chúng ta điều gì?

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 60:1-6;  Ep 3:2-3a, 5-6;  Mt 2:1-12)

          Hiển Linh là lễ Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại.  Chúng ta có những cuộc thần hiện khi Thiên Chúa tỏ mình ra cho ông Mô-sê và dân Ít-ra-en trong thời Cựu Ước với những hình ảnh uy nghi khiến người ta sợ hãi.  Nhưng khi Thiên Chúa bắt đầu thực hiện lời hứa cứu độ, Người tỏ mình ra cho chúng ta một cách cụ thể qua mầu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô là hình ảnh Thiên Chúa vô hình.  Vậy qua Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã tỏ ra cho chúng ta biết “vinh quang của Đức Chúa” và “kế hoạch ân sủng” của Người.  Thiên Chúa tỏ ra vinh quang và ân sủng Người không những cho dân riêng là Ít-ra-en, mà Người còn tỏ ra cho dân ngoại nữa.  Sự kiện thánh sử Mát-thêu kể lại các nhà chiêm tinh từ phương Đông đến bái lạy Hài Nhi Giê-su đã biểu tượng cho tính phổ quát của ơn cứu độ Thiên Chúa thương ban cho mọi người.

          Trước hết, cùng ngôn sứ I-sai-a, chúng ta hãy chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa như một cuộc thần hiện mới, ám chỉ việc Ngôi Hai giáng sinh.  Ngôn sứ mô tả vinh quang Thiên Chúa bằng hình ảnh dễ hiểu chúng ta gặp hằng ngày mỗi khi mặt trời mọc.  Sau một đêm âm u, mặt trời ló rạng và bình minh thay đổi mặt đất.  Ta cứ tưởng tượng mình đang ở Giê-ru-sa-lem trên núi cao để ngắm mặt trời mọc.  Bắt đầu là các đỉnh núi được bao phủ làn ánh sáng mầu cam đổi sang vàng nhạt, rồi sáng dần và chiếu tỏa trên các sườn núi;  cuối cùng cả vùng thung lũng hiện rõ.  Ngôn sứ I-sai-a so sánh vinh quang Thiên Chúa chiếu tỏa trên Giê-ru-sa-lem giống như vậy.  Nhưng quan trọng hơn cả là khung cảnh nhân gian sau khi “vinh quang Thiên Chúa” xuất hiện:  chư dân và vua chúa khắp nơi đến với ánh sáng Chúa, người khắp tứ phương thiên hạ kéo đến Giê-ru-sa-lem.  Không phải chỉ người người khắp nơi tuôn về, mà đi theo là những đàn lạc đà chở của cải đến đó nữa.  Quả là một khung cảnh nói lên sự phong phú của ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho trần gian.  Ngôn sứ I-sai-a muốn nói sự phong phú đó ám chỉ Chúa Giê-su, Ngôi Hai giáng trần và vinh quang Thiên Chúa được tỏ ra cho nhân loại.  Ngày xưa, vinh quang Thiên Chúa là lửa khói, sấm sét, đất đá rung chuyển… tại núi Xi-nai (Xh 19:16-25);  ngày nay vinh quang Thiên Chúa được tỏ ra nơi một Hài Nhi bé bỏng yếu ớt và nghèo khó.  Vậy mà Hài Nhi ấy lại có thể mời gọi và quy tụ toàn thể nhân loại đến với mình để lãnh nhận ơn cứu độ tràn đầy!

          Khác với lối diễn tả của I-sai-a về vinh quang Thiên Chúa, thánh Phao-lô nhìn vinh quang ấy như một “kế hoạch ân sủng” Thiên Chúa thực hiện nhờ Chúa Giê-su Ki-tô.  Để cứu nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết, Thiên Chúa có một kế hoạch.  Tự bản chất ơn cứu độ là đặc ân Thiên Chúa ban, nên thánh Phao-lô gọi đó là kế hoạch ân sủng hoặc cụ thể là mầu nhiệm Đức Ki-tô.  Phao-lô rất hãnh diện vì được Thiên Chúa mặc khải cho biết kế hoạch và mầu nhiệm này, ngài còn được trao sứ mệnh rao giảng mầu nhiệm này cho anh em dân ngoại nữa.  Khi chiêm ngưỡng mầu nhiệm Đức Ki-tô, thánh Phao-lô có thể giải thích cho chúng ta điểm cốt lõi của mầu nhiệm là:  “Trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng là thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa”.  Qua những lời súc tích và ngắn gọn này, ngài khẳng định rằng ơn cứu độ (tức là thừa kế gia nghiệp, thành một thân thể và cùng chia sẻ lời hứa cứu độ) mang tính cách phổ quát cho toàn thể nhân loại, chứ không phải chỉ dành riêng cho dân Do-thái.  Đó cũng là lý do tại sao Phao-lô đã miệt mài và trung thành với sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho anh chị em dân ngoại.  Ngài muốn đem “vinh quang Thiên Chúa” đi chia sẻ với mọi người ngoài biên giới Do-thái.

          Đặc biệt trình thuật của thánh Mát-thêu về sự kiện các nhà chiêm tinh từ phương Đông đến thờ lạy Hài Nhi Giê-su cho chúng ta thấy diễn tiến Thiên Chúa tỏ ra vinh quang của Người cho muôn dân như thế nào.  Trước hết việc tỏ ra ấy được đặt trong bối cảnh lịch sử:  tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê, mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem.  Vinh quang Thiên Chúa là “Đức Vua dân Do-thái mới sinh” và ngôi sao là dấu hiệu đưa người ta đến với vinh quang ấy.  Chính Thiên Chúa đã cho các nhà chiêm tinh “thấy” ngôi sao để họ theo ánh sao đi tìm Đức Vua dân Do-thái.  Thiên Chúa còn ấn định rõ mục đích ngôi sao xuất hiện, là hướng dẫn cuộc hành trình đến “bái lạy Người”.  Như thế, cũng như I-sai-a diễn tả muôn dân đến với Giê-ru-sa-lem hoặc như thánh Phao-lô suy tư về sự kiện dân ngoại được cùng với dân Do-thái hưởng ơn cứu độ, cả đến “mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông” cũng được đến nhận lãnh ơn cứu độ Thiên Chúa ban qua Hài Nhi Giê-su.  Khi tìm được Hài Nhi rồi, các nhà chiêm tinh “mừng rỡ vô cùng, sấp mình thờ lạy và mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến”.  Chúng ta hiểu tất cả những cử chỉ trên của họ đều nói lên thái độ cung kính nhìn nhận Hài Nhi là Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu độ nhân loại.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Chắc chắn cuộc Hiển Linh vẫn đang thể hiện nơi tôi qua sự hiện diện của Chúa Giê-su.  Thánh Phao-lô gọi Chúa Giê-su là “Chúa của tôi” và ngài đã để cho “vinh quang Thiên Chúa” hướng dẫn cuộc sống ngài.  Ước gì tôi biết theo gương ngài:  Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là Chúa Ki-tô…

   Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A