LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI A (15/08)
Kh 11,19a; 12,1-6a.10ab; 1 Cr 15,20-26; Lc 1,39-56
CÙNG MẸ THEO CHÚA LÊN TRỜI
I. HỌC LỜI
CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc
1,39-56
(39) Hồi ấy,
bà Ma-ri-a lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi
tộc Giuđa. (40) Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.
(41) Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong
bụng nhảy lên, và bà được tràn đầy Thánh Thần, (42) liền kêu lớn
tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và
người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. (43) Bởi đâu tôi được
Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? (44) Vì này đây, tai tôi vừa
nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. (45)
Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người
đã nói với em”.(46) Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Linh hồn tôi ngợi khen
Đức Chúa, (47) thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu
độ tôi (48) Phận tỳ nữ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới. Từ nay,
hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. (49) Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn ! (50). Đời nọ
tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. (51) Chúa
giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. (52)
Chúa hạ bệ những ai quyền thế. Ngươi nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
(53) Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư. Người giàu có, lại đuổi về
tay trắng. (54) Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, (55) như đã
hứa cùng cha ông chúng ta. Vì Người nhớ lại lòng thương xót, dành cho
tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời”. (56) Bà Ma-ri-a ở lại
với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
2. Ý CHÍNH:
Sau lời thưa “xin vâng” với sứ thần truyền tin, Ngôi Lời
đã nhập thể làm người trong lòng trinh nữ Ma-ri-a. Sau đó Mẹ đã vội vã đem thai
nhi Giê-su đến thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét, làm cho thai nhi Gio-an nhảy mừng vì
đã nhận được ơn cứu độ là được khỏi tội tổ tông truyền. Chúa Thánh Thần đã tác
động làm cho bà Ê-li-sa-bét ken cô em Ma-ri-a có phúc vì đã tin những lời
Chúa phán sẽ được thực hiện. Còn Ma-ri-a cũng dâng lời Ngợi Khen tình thương
cứu độ của Thiên Chúa thể hiện trong lịch sử dân Ít-ra-en và với bản thân mình là
tớ nữ hèn mọn của Chúa.
3. CHÚ THÍCH:
- C 39: + Lên đường vội vã: Chỉ một thời gian ngắn sau biến cố Truyền tin,
Đức Ma-ri-a đã vội vã lên đường đến thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét (hay
cũng gọi là I-sa-ve), mà sứ thần đã cho biết bà mới có thai được 6
tháng. Bà này đã chịu tủi hổ trước mặt người đời, vì bị son sẻ
không con. + Đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa: Có
lẽ thành mà Đức Ma-ri-a định tới là một trong mười một địa hạt miền
Giu-đê. Nhiếu người nghĩ đó là A-in Ka-rim, cách thủ đô Giê-ru-sa-lem 6
cây số về phía Tây. Con đừong từ Na-da-rét đến A-in Ka-rim dài 150 cây
số.
- C 40-41: + bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào
hỏi bà Ê-li-sa-bét: Cuộc gặp gỡ
giữa hai bà mẹ thật ra là cơ hội để thai nhi Giê-su gặp gỡ thai nhi Gio-an
là vị tiền hô của Người. + Đứa con trong bụng nhảy lên:
Gio-an Tẩy Giả bắt đầu sứ mệnh ngôn sứ bằng động tác nhảy lên trước
Đấng Thiên Sai (Mêsia) đang ẩn mình trong dạ mẹ, giống như vua Đa-vít xưa
đã nhảy mừng khi ra đón rước Hòm Bia Giao Ước. Truyền thống coi sự kiện này
là dấu hiệu Gio-an Tẩy Giả được khỏi tội tổ tông truyền. + Bà
được đầy ơn Chúa Thánh Thần: Thánh Thần đã tác động khiến
bà Ê-li-sa-bét cảm nhận được Mẹ Đấng Mê-si-a mang Người đến viếng thăm
nhà mình.
- C 42-44: + Em được
chúc phúc hơn mọi người phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng
được chúc phúc: Bà
Ê-li-sa-bét ca tụng cô em họ Ma-ri-a thực là diễm phúc hơn mọi phụ
nữ, vì thai nhi trong lòng Ma-ri-a là Đấng được chúc phúc. +
Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ?:
“Chúa tôi” ở đây là danh xưng của Đấng Mê-si-a. Nhờ được Thần Khí tác
động mà bà Ê-li-sa-bét đã nhận ra thai nhi mà cô em Ma-ri-a đang cưu mang
là “Chúa”. Danh xưng Đức Giê-su là “Chúa” được Tin Mừng Lu-ca sử dụng
đến 40 lần. + Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong
bụng đã nhảy lên vui sướng: Ê-li-sa-bét chia sẻ cho Ma-ri-a sự
lạ mà bà cảm nghiệm vừa xảy ra nơi bản thân. Đó cũng chính là lý do
khiến bà nhận biết Đức Ma-ri-a đang cưu mang Thai Nhi Cứu Thế.
- C 45: + Em thật có phúc, vì đã tin: Ma-ri-a đã tin vào những lời Chúa phán với mình
khi sứ thần truyền tin sẽ được thực hiện, và Mẹ đã trở thành tín
hữu đầu tiên của thời Tân Ước. Ngược lại là ông Da-ca-ri-a chồng của bà đã
không tin lời Chúa và đòi được thấy dấu lạ, nên ông đã bị câm cho đến ngày
các điều đó xảy ra (x. Lc 1,20).
- C 46-50: +“Linh hồn
tôi ngợi khen Đức Chúa: Sau
khi nghe bà Ê-li-sa-bét khen có phúc, Ma-ri-a đã quy lời ca khen đó về
cho Thiên Chúa trong bài kinh “Ngợi khen Thiên Chúa” (Magnificat). Bài
này mô phỏng theo bài ca mà bà An-na là mẹ của ngôn sứ Sa-mu-en, sau
khi được Đức Chúa cho sinh con trai và mang đứa trẻ lên Đền Thờ tại
Si-lô thời Tư tế Ê-li, để thánh hiến dâng cho Đức Chúa (x. 1 Sm 2,1-10).
Kinh này nhấn mạnh hai đìều: Một là người nghèo hèn bé mọn được Chúa
bênh vực (x. Xp 2,3 ; Mt 5,3); Hai là dân Ít-ra-en được Chúa tuyển chọn
và yêu thương (x. Đnl 7,6). Đức Ma-ri-a đã hát lên để bày tỏ lòng tri ân
của mình (cc 46-49) và của toàn dân It-ra-en (cc 50-55), vì nay đến lúc
lời hứa cứu độ của Đức Chúa đã được thực hiện.
- C 51-55: + Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh: Chúa dùng quyền năng để can thiệp và bênh vực
người hèn yếu (x. Tv 118,15-16). + Vì Người nhớ lại lòng thương xót:
Cựu Ước thường ghi là “Thiên Chúa nhớ lại” để diễn tả việc Người luôn
trung thành với lời hứa và thi hành những lời Ngừơi đã phán qua các ngôn sứ
(x. St 8,1; 9,15; Xh 2,24). Lu-ca cũng không quên ghi lại lời chúc tụng
tương tự trong bài ca của Da-ca-ri-a: “Người nhớ lại lời xưa giao ước” (Lc
1,72).
- C 56: + Ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba
tháng: Ở lại để phục vụ và giúp đỡ
cho bà chị Ê-li-sa-bét, làm các việc nhà giúp đỡ bà, trong thời kỳ
cuối trước khi sinh con, khi bà không thể làm việc bình thường được. Nhưng
Đức Ma-ri-a chỉ phục vụ ho tới khi bà sinh con mà thôi. +
rồi trở về nhà: Sau ngày bà Ê-li-sa-bét sinh con, con trẻ đã được
đặt tên và được chịu phép Cắt Bì để gia nhập làm công dân của Ít-ra-en,
thì Đức Ma-ri-a đã trở về làng Na-da-rét là quê hương của mình.
4. CÂU HỎI: 1)
Lý do nào khiến Đức Ma-ri-a phải vội vã lên đường viếng thăm bà chị họ
Ê-li-sa-bét ? 2) Truyền thống Công Giáo khẳng định Gio-an Tẩy Giả được khỏi tội
tổ tông truyền từ lúc nào ? 3) Bà Ê-li-sa-bét được đầy Thánh Thần đã gọi Đức
Ma-ri-a bằng tước hiệu nào ? 4) Tại sao bà Ê-li-sa-bét khen Đức Ma-ri-a diễm
phúc, khác với ông chồng Gia-ca-ri-a của bà? 5) Bài kinh “Ngợi khen Thiên Chúa”
(Magnificat) có nguồn gốc thế nào trong Cựu Ước và nội dung nhấn mạnh những điều
nào ? 6) Đức Ma-ri-a ở lại nhà bà Ê-li-sa-bét trong bao lâu và ở lại để làm gì
?
II. SỐNG LỜI
CHÚA:
1. LỜI CHÚA:
Bà Ê-li-sa-bét được tràn đầy Thánh Thần đã ca tụng Đức Ma-ri-a rằng:
“Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ” (41-42a), và: “Em thật có
phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với
em” (45). Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa”
(46).
2. LỊCH SỬ NGÀY
ĐẠI LỄ VÀ CÂU CHUYỆN :
1) LỊCH SỬ TÍN
ĐIỀU ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI:
+ Từ thuở ban đầu, các giáo đoàn tiên khởi đều
tôn kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Từ những đoạn Thánh Kinh Tân Ước, đến
các giáo phụ, rồi Công đồng chung Ê-phê-sô năm 431 đã tuyên bố “Đức
Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa”. Đã có những lễ nói đến lúc chấm dứt
cuộc đời của Đức Ma-ri-a như: Lễ Đức Mẹ An Giấc (dormitio), Lễ Đức
Mẹ Chuyển Biến (Transitus), Lễ Đức Mẹ Sinh Ra Trên Trời (Natalis), Lễ
Đức Mẹ được Nâng Lên Trời (Assumptio).
+ Riêng Lễ Đức
Mẹ An Giấc (Dormitio) đã được long trọng cử hành đó đây trong Giáo
Hội Đông Phương. Nhất là từ sau Công đồng chung Ê-phê-sô năm 431, nhưng
mãi đến thế kỷ thứ 7, lễ này mới được du nhập vào Giáo Hội Tây
Phương.
Từ đó về sau nhiều thư thỉnh nguyện của các giám
mục, các dòng tu, các nhà thần học được gửi đến Đức Giáo Hoàng để
xin Ngài định tín về việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Trong Công đồng
Vaticăng I, nhiều nghị phụ cũng yêu cầu Đức Thánh Cha quyết định điều
đó, vì theo các ngài thì việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời có liên quan
mật thiết với đức đồng trinh và chức vụ làm mẹ Đấng Cứu Thế của
Ngài. Hơn nữa, vì Mẹ đã được cứu chuộc hoàn toàn, nên cũng phải
được tôn vinh toàn diện như lời thánh Phao-lô: “Chúng ta biết rằng:
Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến người,
tức là cho những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định
cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người
làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,28-29). Dựa theo các
thỉnh nguyện thư đó, năm 1946, Đức Pi-ô 12 đã gửi đến mỗi giám mục
một lá thư và yêu cầu trả lời như sau: “Đức cha và hàng giáo sĩ,
giáo dân trong giáo phận của Đức cha, có xác tín và có muốn công bố
việc Đức Ma-ri-a hồn xác lên trời như một tín điều hay không ?” Hầu
hết các thư trả lời đều đồng ý và cùng thỉnh nguyện như vậy. Thế là
vào ngày 1.11.1950, Đức Pi-ô 12 đã long trọng tuyên bố tín điều Đức
Ma-ri-a Hồn Xác Lên Trời cho toàn thể Giáo Hội tin kính và mừng chung trong
ngày 15 tháng 8 hằng năm.
+ Đức Thánh Cha đã xác quyết như sau: “Thế nên Đức
Thánh Mẫu cao cả, ngay từ đời đời và do cùng một quyết định tiền
định, đã được kết hợp với Đức Giê-su Ki-tô một cách huyền nhiệm, vô
nhiễm khi đầu thai, đồng trinh vẹn sạch khi làm Mẹ, cộng tác quảng
đại với Đấng Cứu Thế, Đấng đã chiến thắng hoàn toàn sự tội và
các hiệu quả của nó, thì cuối cùng để kết thúc mọi đặc ân ngài
đã được, Đức Trinh Nữ cũng đã được Chúa gìn giữ cho khỏi bị hư nát
ở trong mồ, để nên giống Con Mình. Sau khi chiến thắng sự chết, ngài
cũng được tôn vinh trên trời cả hồn lẫn xác, nơi Ngài được tôn lên
Nữ Vương ngự bên hữu Con mình là Vua bất tử của
mọi thời” (trích CGKPV trang 334).
2) MẸ MA-RI-A
HẰNG CỨU GIÚP NHỮNG AI CHẠY ĐẾN KÊU CẦU NGƯỜI:
ĐU-LỚT HAI-ĐƠ (Douglas Hyde) vốn là một người vô
tín và thù ghét đạo Công giáo. Ông là chủ bút một tờ báo lớn ở
nước Anh. Với tư cách là chủ bút, ông nghiên cứu về Giáo hội để
viết những bài phê bình chống đối gay gắt. Tuy nhiên một điều lạ lùng
đã xảy ra, là ông càng nghiên cứu về giáo lý của Giáo Hội, thì tâm
trí ông lại càng thêm tin tưởng vào các chân lý ấy. Tuy vậy ông vẫn
chưa quyết định dứt khóat theo đạo ngay.
Một hôm, trên đường từ nhà đến tòa soạn ở trung
tâm thủ đô Luân Đôn, lúc xe lửa đến trạm dừng, Đu-Lớt thấy tấm biển
ghi “Nhà thờ Công giáo” ở bên đường, ông liền thử vào bên trong nhà
thờ xem sao. Ông ngồi vào hàng ghế ở cuối nhà thờ và rồi thắc mắc
tại sao mình lại có mặt ở đây? Bấy giờ ông thấy một cô gái bước
vào nhà thờ, nét mặt âu lo buồn khổ. Cô ta đi thẳng đến trước tòa
Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp bên trái của cung thánh nhà thờ và quỳ dưới
hình Đức Mẹ một hồi lâu. Sau đó, cô đứng dậy đi xuống cuối và ra
khỏi nhà thờ. Khi cô đi ngang, Đu-lớt nhận thấy nét mặt của cô ta đã
bình thản trở lại chứ không còn lo âu sầu não như khi mới bước vào nhà thờ.
Ngay lúc đó Đu-lớt quyết định thử làm theo cô ta là
cũng đến quỳ trước ảnh Đức Mẹ. Sau này ông đã viết trong cuốn “tôi
tin” (I believed) như sau: “Tôi không biết người ta đã cầu nguyện với
Đức Mẹ thế nào ? Cuối cùng tôi nghe thấy chính mình sắp nói ra một
điều gì đó thích hợp. Tuy nhiên khi bắt đầu thốt ra thì tôi lại thấy
lời đó có vẻ kỳ cục làm sao ! Nhưng điều này không quan trọng gì. Tôi
biết rõ là sự tìm kiếm bấy lâu nay của tôi đã đạt tới mục đích… Lúc
ra khỏi nhà thờ, tôi cố gắng hồi tưởng lại những gì tôi nói và hầu
như tôi bật cười lên khi nhớ lại những lời ấy. Chúng giống hệt những
lời ngân lên trong một điệu khiêu vũ !” Cuối cùng Đu-lớt đã đạt tới đức tin
vào Chúa Giê-su qua lời cầu bầu của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
3)
ĐƯỢC ƠN CỨU ĐỘ TRONG GIỜ SAU HẾT NHỜ CÓ LÒNG MẾN ĐỨC MẸ:
Một hôm trong đám những người hành
hương đến giáo xứ Ars có một người đàn bà mang đại tang. Bà vào giữa nhà thờ
đứng như trời trồng ở giữa mọi người. Bà có vẻ rất đau khổ. Lý do là chồng bà,
một người đã bỏ đạo từ lâu cách đây mấy bữa đã nhảy xuống sông tự tử… đã chết
mà không được lãnh nhận những bí tích cuối cùng. Cha Gio-an Ma-ri-a Vianey đi
qua… Bà chưa kịp nói gì thì Cha ghé vào tai bảo bà:
- Ông nhà đã được cứu rỗi rồi.
Thấy người đàn bà có vẻ quá ngạc
nhiên, cha nói lại một lần nữa:
- Tôi đã bảo ông nhà đã được cứu rỗi
rồi mà.
Bà thắc mắc hỏi lại với một giọng
đầy hoài nghi, cha nhấn mạnh từng tiếng:
- Tôi bảo bà là ông nhà đã được cứu
rỗi rồi. Ông hiện đang ở trong Luyện ngục. Phải cầu nguyện nhiều cho ông ta.
Giữa nhịp cầu và dòng nước ông đã có được một thời gian để ăn năn thống hối. Bà
còn nhớ là trong tháng Đức Mẹ, bà đã cho làm một bàn thờ trong phòng của bà
không? Thỉnh thoảng, chồng của bà, mặc dầu đã bỏ đạo cũng đến hợp lời cầu
nguyện với bà. Thái độ đó đã đem lại cho ông ta ơn thống hối và tha tội vào
phút cuối cùng của cuộc đời.
3. SUY NIỆM:
1) KÍNH MỪNG MA-RI-A
ĐẦY ƠN PHÚC: Ma-ri-a đã được dư đầy ơn phúc và luôn được Thiên Chúa ở
cùng như lời chào của sứ thần truyền tin (x. Lc 1,28).
+ Mẹ đầy ơn phúc vì
tâm hồn Mẹ trong sạch và luôn kết hiệp với Chúa.
+ Mẹ có phúc vì
đã tin Lời Chúa: Bà Ê-li-sa-bét đã ca tụng Đức Ma-ri-a: “Em thật có
phúc, vì đã tin rằng: Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với
em” (Lc 1,45).
+ Mẹ có phúc vì
cưu mang Chúa Giê-su là Lời Thiên Chúa làm người: Nên Mẹ được ví như Hòm Bia
Giao Ước Mới của Thiên Chúa (x. Ga 1,14; Mt 1,23).
+ Nhất là Mẹ có phúc vì đã nghe và thực hành Lời Chúa: như Đức Giê-su đã bổ túc lời khen Mẹ của một phụ nữ bằng lời sau:
“Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên
Chúa” (Lc 11,27-28).
2) ĐỨC MA-RI-A
LÀ MẸ ĐỨC GIÊ-SU VÀ MẸ HỘI THÁNH:
+ Chính Chúa Giê-su đã đặt Đức Ma-ri-a làm Mẹ Hội Thánh
khi trao Mẹ cho môn đệ Gio-an đại diện Hội Thánh, để ông thay Người phụng dưỡng
Mẹ sau khi Người lên trời, như Tin Mừng Gio-an thuật lại: “Đứng gần thập
giá Đức Giê-su có Thân Mẫu Người, chị của thân mẫu là bà Ma-ri-a vợ
ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn
đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với mẹ rằng: “Thưa
bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ anh”.
Kể từ giờ đó, người môn đệ rước Bà về nhà mình” (Ga 19,25-27).
+ Đức Ma-ri-a là Mẹ của Hội Thánh vì là
mẹ của Đức Giê-su là Đầu, nên cũng là Mẹ của Hội Thánh là thân thể của
Người, trong đó có chúng ta, như thánh Phao-lô dạy: “Thiên Chúa
đặt Người làm Đầu toàn thể Hội Thánh (x. Ep 1,22b-23); “Người cũng
là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh” (Cl 1,18).
3) ĐỨC MA-RI-A ĐƯỢC
CHÚA BAN THƯỞNG HỒN XÁC LÊN TRỜI:
Ngoài truyền thống hay Thánh Truyền là ký ức tông
truyền, Giáo Hội còn dựa trên một số đoạn Thánh Kinh cho thấy Mẹ
Thiên Chúa liên kết mật thiết với Đức Giê-su Đấng Cứu Độ như sau:
+ “Dòng giống người nữ sẽ đánh vào đầu
mi” (St 3,14-15): Đức Giê-su sẽ chiến thắng con rắn ma quỷ.
+ “Đấng đầy ân sủng, luôn được Thiên Chúa
ở cùng” (x. Lc 1,28): Đầy ân sủng là luôn có Chúa, là hoàn
toàn trong sạch thánh thiện, nên Mẹ không phải chết như loài người
chúng ta. Đức Ma-ri-a đã được Chúa chọn làm Mẹ Đấng Thiên Sai, Đấng sẽ
thay vua Đa-vít để cai trị Ít-ra-en, và triều đại Người sẽ luôn vững
bền. (x Lc 1,31).
+ Đức Ma-ri-a là E-và Mới: Mẹ đã
cộng tác với Đức Giê-su là A-Đam mới, để vâng phục Chúa Cha (x. Rm
5,12-19 ; PI 2,6-11) và tích cực cộng tác với Đức Giê-su trong cuộc khổ
nạn nên cũng được dự phần vào sự phục sinh vinh quang với Người. Đức
Giê-su/ A-đam Mới đã qua đau khổ thập giá để phục sinh và lên trời, thì tiếp
theo Chúa là Đức Ma-ri-a/ E-và Mới cũng được Thiên Chúa triệu hồi về trời cả hồn
lẫn xác.
4) ĐỂ ĐƯỢC CÙNG
MẸ LÊN TRỜI:
+ “Quê hương chúng ta ở trên trời. Nơi
đó chúng ta sẽ gặp Đấng Cứu Chuộc là Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta” (Pl 3,20).
Tuy nhiên chúng ta chỉ được lên trời nếu tin yêu Chúa Giê-su, bỏ ý riêng
và các thói hư tội lỗi, sẵn sàng vác thập giá mình hằng ngày theo chân Chúa như
Mẹ Ma-ri-a đã nêu gương.
+ Sống đức Tin, Cậy, Mến noi gương Đức
Mẹ: Năng nghe Lời Chúa phán, suy niệm để tìm hiểu ý Chúa và
sẵn sàng xin vâng noi gương Mẹ như Tin Mừng ghi nhận: “Còn bà Ma-ri-a thì
hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19.51).
+ Năng cầu nguyện tín thác vào
Chúa như Mẹ đã cầu bầu cho đôi tân hôn và Đức Giê-su đã biến nước lã thành
rượu ngon giúp đôi tân hôn như lời Mẹ xin (x. Ga 2,1-11).
+ Bác ái khi lập tức đi thăm bà
chị Ê-li-sa-bét để chia sẻ niềm vui với bà. Thai nhi Gio-an đã “nhảy mừng”
trong lòng mẹ khi gặp Thai Nhi Giê-su. Sau đó Mẹ ở lại với bà 3 tháng cho tới
khi bà sinh con để phục vụ, rồi mới về Na-da-rét (x. Lc 1,39-56).
4. THẢO LUẬN:
1) So sánh
giữa việc lên trời của Đức Mẹ giống và khác với việc thăng thiên
của Chúa Giê-su thế nào ? 2) Những kẻ khi còn sống mà bị mù què câm
điếc, mặt mũi xấu xí, thì khi sống lại có tiếp tục bị như vậy nữa
không ?
5. NGUYỆN
CẦU:
LẠY MẸ MA-RI-A LÀ MẸ RẤT NHÂN TỪ. “Xin hãy nhớ
xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ, xin bầu
chữa cứu giúp, mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời”.
LẠY MẸ. Hôm nay cùng với Hội thánh hoàn cầu,
chúng con long trọng mừng lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Xin cho chúng con
biết chạy đến với Mẹ mỗi khi gặp gian nan thử thách như bị thất bại
trong việc làm ăn; Những lúc con không biết phải làm gì để vượt qua
hoàn cảnh khó khăn nan giải... Trong những giờ phút đau thương ấy, xin
cho chúng con biết chạy đến nép mình dưới tà áo Mẹ, để được Mẹ ủi
an che chở, để được Mẹ cầu cùng Chúa Giê-su ban cho chúng con các ơn
lành hồn xác. Xin dạy chúng con luôn lắng nghe và làm theo Lời Chúa
Giê-su, như Mẹ đã dạy các người giúp việc tại Ca-na xưa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI
CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH
- HHTM