CHÚA NHẬT PHỤC SINH
Sức mạnh đổi mới của sự Phục Sinh
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Cv 10:34a, 37-43; 1 Cr 5:6b-8;
Ga 20:1-9)
Qua những trình thuật về sự Phục Sinh
trong sách Tin Mừng cũng như nhiều sách Tân Ước, chúng ta nhận ra được một điều
vô cùng vĩ đại, đó là sự thay đổi về mọi phương diện, từ đức tin cho tới lối sống
của biết bao người. Sự phục sinh của
Chúa Ki-tô là nguyên lý và sức mạnh làm nên sự thay đổi vĩ đại này. Chính vì thế mà thánh Gio-an tông đồ đã khẳng
định: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết (bài Tin Mừng). Sức mạnh biến đổi của sự Phục Sinh được nói
lên qua sự kiện đại gia đình ông Co-nê-li-ô, nhờ chứng từ và lời giảng của tông
đồ Phê-rô, đã được lãnh nhận Thánh Thần Thiên Chúa ban xuống trên họ và biến họ
từ những người dân ngoại đầu tiên thành các Ki-tô hữu. Còn chúng ta, nếu muốn để cho sức mạnh Phục
Sinh đổi mới ta, thánh Phao-lô đưa ra lời khuyên thực tế: Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới.
1.
Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải
trỗi dậy từ cõi chết. Là những người
theo đạo Do-thái, chắc chắn bà Ma-ri-a Mác-đa-la, các ông Phê-rô và Gio-an rất
quen thuộc với Kinh Thánh. Nhưng để hiểu
được những điều Kinh Thánh nói về việc Chúa Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết
thì không phải dễ, thậm chí trước đây không lâu, chính Chúa Giê-su đã nói với họ
rằng: "Con
Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người
sẽ trỗi dậy" (Mt 17:22, 23). Đứng trước ngôi mộ trống, bà Ma-ri-a
Mác-đa-la cho rằng có ai đã đem Chúa đi khỏi mộ; ông Gio-an tuy tới mộ trước, nhưng ông chỉ
“cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn đó, nhưng không vào”; sau cùng ông Phê-rô cũng đến, vào thẳng trong
mộ và cũng chỉ “thấy những băng vải để đó”.
Vậy điều gì đã thay đổi họ từ tình trạng “thấy” đến “tin”? Đó là chứng cớ nói lên sức mạnh của sự kiện
Phục Sinh biểu lộ qua những gì họ trông thấy, như ngôi mộ trống và các băng vải
liệm xác Chúa. Nhờ những chứng cớ này,
điều trước kia họ không hiểu thì bây giờ họ mới hiểu, tức là theo Kinh Thánh, Đức
Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết. Chúng
ta cũng đừng bỏ qua cụm từ “phải trỗi dậy” rất quan trọng ở đây, bởi vì thánh
Phao-lô cũng chia sẻ cùng một giáo lý cốt yếu khi ngài dạy rằng nếu Chúa Ki-tô
không sống lại từ kẻ chết, thì mọi sự đều vô ích thôi (1 Cr 15:12-19)!
2.
Phàm ai tin vào Chúa Ki-tô Phục
Sinh thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội. Là “những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Chúa
Giê-su, sau khi Người đã trỗi dậy từ cõi chết”, các chứng nhân của sự Phục Sinh
được sai đi rao giảng và làm chứng nhân.
Một vị trong số đó là ông Phê-rô.
Trong thị kiến, ông được Thánh Thần sai đến Xê-da-rê để loan Tin Mừng Đức
Giê-su Ki-tô cho ông Co-nê-li-ô, viên đại đội trưởng Rô-ma, và gia đình
ông. Phê-rô đã nói về sứ mệnh cứu độ của
Chúa Giê-su là “thi ân giáng phúc” cho mọi người. Ngài nhấn mạnh đến ý nghĩa cái chết và sự sống
lại của Chúa là để đem lại ơn tha thứ tội lỗi cho những ai tin vào Người. Điều vô cùng gây ngạc nhiên là sau bài giảng
ngắn gọn nhưng đầy đủ của Phê-rô về con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su, “thì
Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa”. Sự hiện diện của Thánh Thần là dấu chỉ bảo đảm
rằng những người nghe ông Phê-rô giảng đều có quyền lãnh nhận bí tích Rửa tội để
được ơn tha tội vì họ tin vào Chúa Giê-su Ki-tô. Thế là đã diễn ra một cuộc thay đổi toàn diện
cho ông Co-nê-li-ô và gia đình, đồng thời cũng là một thay đổi cho nhân loại,
vì họ là những người dân ngoại đầu tiên được trở thành Ki-tô hữu, một hướng đi
mới trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Đúng như lời nguyện chúng ta vẫn thường đọc: Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần xuống, để Người
đổi mới địa cầu.
3.
Mầu nhiệm Phục Sinh biến đổi cuộc
sống chúng ta. Phải thú nhận rằng
nhiều lần chúng ta đã cử hành Tuần Thánh và lễ Phục Sinh với thái độ khá dửng
dưng, làm như đó chỉ là những hình thức lễ lạc mà thôi. Chúng ta không quan tâm mấy đến sức mạnh biến
đổi của biến cố Chúa sống lại từ cõi chết.
Thì đây, thánh tông đồ Phao-lô nhắc nhở ta: “Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới”. Một hình ảnh rất quen thuộc không những với
những người làm bếp, nhưng với tất cả chúng ta nữa! Men cũ thì hết khả năng làm cho bột nổi lên
và chỉ làm cho bột chai cứng thêm. Thánh
Phao-lô chỉ cho ta thấy “men cũ” là gì.
Đó là “lòng gian tà và độc ác”, đặc tính của tội lỗi và ma quỷ. Ma quỷ cố nắm giữ chúng ta trong sự lì lợm,
hòa mình với những ý tưởng, lời nói và hành động xấu xa độc ác, để chúng ta
không thể vươn lên trong sự thánh thiện, tốt lành, bác ái và yêu thương. Vì thế, chúng ta phải loại bỏ men cũ mà sử dụng
Men Mới là sức mạnh Phục Sinh của Chúa Ki-tô để biến đổi đời sống chúng ta
thành bột mới.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Có hai đại lễ chúng ta nhiều khi quá để
ý đến những cử hành linh đình mà lơ là ý nghĩa và mục đích cao cả, đó là lễ
Giáng Sinh và Phục Sinh. Lướt qua những
trang mạng, clips… chúng ta thấy người ta ghi lại những hình ảnh “gây ấn tượng”,
hết thánh ca này đến diễn nguyện kia.
Nhưng ta cứ thành thật hỏi lòng mình xem: tôi đã “sống lại” với Chúa như thế nào và tôi
đang cộng tác với Chúa Ki-tô là Men Mới để giúp cho “bột” cuộc sống tôi trở
thành “bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật” như thế nào?
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi