CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

Hoa trái đầu tiên của Phục Sinh là cộng đồng đức tin

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 2:42-47;  1 Pr 1:3-9;  Ga 20:19-31)

          Sự sống lại của Chúa Ki-tô khai sinh một cuộc tạo dựng mới cho toàn thể nhân loại.  Con người cũ tội lỗi của chúng ta đã chết đi cùng với cái chết của Chúa.  Sự sống mới của ta từ nay tiềm tàng trong Chúa Ki-tô, để nhờ ân sủng Thánh Thần và cố gắng của ta, nó sẽ ngày một phát triển và được viên mãn trong Chúa Ki-tô.  Tuy nhiên sự sống mới ấy không chỉ nằm trong phạm vi cá nhân chúng ta mà còn vươn ra ngoài để tạo thành một cộng đồng nhân loại mới, cộng đồng Ki-tô hữu.  Điều này đã được thể hiện qua những sinh hoạt của cộng đoàn Ki-tô hữu tại Giê-ru-sa-lem là những sinh hoạt bắt nguồn từ đức tin vào Chúa Phục Sinh (bài đọc 1).  Theo thánh Phê-rô, đức tin ấy đem lại cho ta niềm hy vọng được hưởng gia tài Thiên Chúa dành sẵn cho ta, tức là ơn cứu độ, mặc dù ta sẽ phải trải qua bao thử thách để đức tin được tinh luyện (bài đọc 2).  Câu chuyện diễn tả đức tin sống động mà tông đồ Tô-ma đã tuyên xưng (bài Tin Mừng) có thể trở thành câu chuyện của mỗi người chúng ta trong hành trình đức tin tiến về quê hương vĩnh cửu.

          1.  Cộng đồng đức tin tiên khởi:  Nhờ những nỗ lực rao giảng ban đầu, đặc biệt là nhờ hoạt động của Thánh Thần, nhóm người tin vào Chúa Giê-su không còn là mấy chục người như ban đầu, nhưng đã gia tăng nhanh chóng.  Sau bài giảng của ông Phê-rô, “những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo” (Cv 2:41).  Đức tin vào Chúa Giê-su là sợi dây liên kết mọi người thành một cộng đoàn.  Nhưng hơn thế nữa, đức tin còn đưa ra một lối sống mới cho mọi người.  Dù là những cá nhân mỗi người một vẻ, nhưng họ đều hành xử theo một đường hướng và một tinh thần, đó là tinh thần hiệp thông, bác ái và đạo đức.  Trước tiên là đời sống đạo:  các tín hữu chuyên cần lắng nghe lời Chúa, tham dự thánh lễ và cầu nguyện không ngừng.  Đây là động lực giúp người ta biểu lộ một lối sống phù hợp với những gì họ tin.  Thí dụ nếu họ tin Chúa yêu thương họ thì họ cũng biểu lộ tình yêu ấy đối với người anh chị em như lời Chúa dạy.  Nếu họ muốn yêu thương tha nhân như chính mình, họ không thể nhắm mắt làm ngơ trước những người thiếu thốn;  do đó họ mới “để mọi sự làm của chung, đem bám đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu”.  Quả thực đúng như lời thánh Gia-cô-bê khẳng định:  “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2:26).  Lối sống đức tin bằng hành động của các Ki-tô hữu tiên khởi đã gây tiếng vang khi “họ được toàn dân thương mến.  Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”.

          2.  Thánh Phê-rô trình bày đức tin vào Chúa Giê-su:  Thánh Phê-rô có một chỗ đứng quan trọng đối với đức tin vào Chúa Giê-su.  Ngay khi còn bước theo Chúa trên trần gian, Phê-rô đã được Chúa Cha mặc khải cho biết Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa và ngài tuyên xưng đức tin ấy.  Chính trên nền tảng đức tin này, Chúa Giê-su xây dựng Hội Thánh Người (Mt 16:18).  Do đó, giờ đây đức tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh lại giúp Phê-rô có một cái nhìn đầy đủ hơn về sứ mệnh của Chúa.  Thánh nhân cảm tạ Chúa Cha vì “Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại… trên trời”.  Đúng thế, đức tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh không phải là điều hão huyền, vì Chúa Ki-tô đã thực sự sống lại từ cõi chết.  Thánh Phao-lô cũng cùng quan điểm, như ta đã thấy ở chương 15 thư thứ hai ngài gửi tín hữu Côrintô.  Đức tin vào Chúa Ki-tô tuy đem lại cho chúng ta hy vọng chắc chắn được cứu độ, nhưng lại là một đức tin cần được củng cố và thanh luyện “giữa trăm chiều thử thách”.

          3.  Câu chuyện về đức tin của tông đồ Tô-ma:  Bên cạnh suy tư của thánh Phê-rô về đức tin vào Chúa Giê-su, chúng ta lại có câu chuyện rất quen thuộc về ông Tô-ma, kẻ vắng mặt khi Chúa hiện ra với Nhóm Mười Một tông đồ.  Sau khi sống lại, Chúa Giê-su hiện ra với các môn đệ vào chiều ngày thứ nhất trong tuần.  Không may cho tông đồ Tô-ma vì ông không có mặt lúc ấy.  Trở về, Tô-ma được anh em cho biết Chúa đã hiện ra với họ, nhưng ông không tin có chuyện Chúa sống lại.  Thực ra Tô-ma vẫn có lòng tin nơi Chúa Giê-su và ông chỉ không tin sự kiện Chúa sống lại mà thôi.  Chúa Giê-su của ông chỉ là Chúa Giê-su đã thi hành sứ mệnh rao giảng và chữa lành, cho nên đức tin của ông bị hạn hẹp, không thể chấp nhận một Chúa Giê-su “sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại” (Mc 10:33-34).  Đây chính là khuyết điểm trong đức tin của Tô-ma và khuyết điểm này cần được hoàn chỉnh.  Cho nên Chúa trở lại “tám ngày sau” không những để gặp gỡ các môn đệ, nhưng còn để củng cố đức tin của riêng Tô-ma nữa.  Chúa dùng “điểm mạnh” của Tô-ma là đòi chứng cớ để giúp cho đức tin của ông được hoàn hảo.  Lời tuyên xưng “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” chính là mức độ đo lường sự trưởng thành đức tin của ông vậy!

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Thánh Phê-rô nhắc nhở ta hãy lấy thử thách mà thanh luyện đức tin.  Vậy thử thách đức tin của bạn là gì?  Bạn hãy tìm hiểu và hãy xin Chúa thêm đức tin cho bạn.

         Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A