CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH

Hoạt động của Chúa Thánh Thần trong mầu nhiệm Phục Sinh

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 8:5-8, 14-17;  1 Pr 3:15-18;  Ga 14:15-21)

          Vị lãnh đạo tài ba là người nhìn xa trông rộng, biết chuẩn bị cho tương lai.  Đây là điểm rõ ràng nhất khi chúng ta suy niệm về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nhờ cuộc Thương khó và Phục Sinh của Chúa Giê-su, rồi tiếp nối qua hành động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội.  Chúng ta đã có năm tuần lễ để chiêm niệm ý nghĩa mầu nhiệm Phục Sinh.  Bắt đầu hôm nay Phụng vụ Lời Chúa đưa ta đến với những đề tài về Chúa Thánh Thần.  Lời Chúa trước hết trình bày sinh hoạt của Chúa Thánh Thần trong việc tông đồ Phi-líp-phê rao giảng Tin Mừng tại Sa-ma-ri (bài đọc 1).  Tiếp theo là thư thứ nhất của thánh Phê-rô  nhắc nhở tín hữu hãy “ăn ở ngay thẳng trong Đức Ki-tô” để trả lời cho những kẻ chất vấn họ về niềm hy vọng được sống lại, vì chính Thánh Thần đã làm cho thân xác Đức Ki-tô được sống lại cũng sẽ cho ta được sống lại (bài đọc 2).  Sau cùng qua lời tâm sự với các tông đồ, Chúa Giê-su đã hứa xin Chúa Cha ban cho họ một “Đấng Bảo Trợ” là Chúa Thánh Thần, Đấng luôn sống trong họ và liên kết họ với Người và với Thiên Chúa Cha (bài Tin Mừng).

          1.  Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội sau khi Chúa Ki-tô sống lại.  Có một điều thích thú là Phụng vụ Lời Chúa từ sau lễ Phục Sinh luôn trích sách Công vụ làm bài đọc 1 thay vì trích Cựu Ước.  Như ta đã biết, sách Công vụ là “Tin Mừng của Chúa Thánh Thần”, giống như sách Phúc Âm là Tin Mừng của Chúa Giê-su Ki-tô.  Sách thuật lại sinh hoạt của Giáo Hội sơ khai trong sức mạnh và dẫn dắt của Thánh Thần.  Đoạn Công vụ hôm nay kể lại hoạt động tông đồ của Phi-líp-phê.  Vậy Chúa Thánh Thần đã làm gì qua tông đồ Phi-líp-phê?   Nhờ bàn tay ngài, Chúa đã thực hiện “những dấu lạ”!  Những dấu lạ ấy là:  các thần ô uế vừa kêu lớn tiếng vừa xuất khỏi nhiều người, những kẻ tê bại và tàn tật được chữa lành.  Dân chúng Sa-ma-ri không những chứng kiến những dấu lạ, mà nhất là họ đã “một lòng chú ý đến những điều ông Phi-líp-phê rao giảng”.  Đúng vậy, Chúa Thánh Thần đã dùng tông đồ Phi-líp-phê để loan truyền sứ mệnh cứu độ của Chúa Giê-su cho dân chúng Sa-ma-ri.  Họ đã đón nhận lời giảng và chịu phép rửa nhân danh Chúa Giê-su.  Sau cùng từ Giê-ru-sa-lem, các tông đồ Phê-rô và Gio-an đã đích thân đến với họ, “đặt tay trên họ và họ nhận được Thánh Thần”.

          2.  Chúa Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn các Ki-tô hữu.  Chúng ta nhận biết những hoạt động tích cực của Chúa Thánh Thần trong công cuộc rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội.  Nhưng hoạt động của Người cũng rõ ràng trong tâm hồn tín hữu nữa.  Đây là điều thánh Phê-rô khẳng định trong thư của ngài.  Ngài đã sớm nhận ra mối hiểm nguy cho đức tin của tín hữu khi họ “bị phỉ báng, vu khống và chất vấn về niềm hy vọng” của họ.  Vậy họ hy vọng điều gì?  Nhiều người đã hạch hỏi Ki-tô hữu:  Các anh các chị sống đức tin Ki-tô giáo vì hy vọng sẽ được sống lại trong ngày sau hết.  Vậy hy vọng ấy có thực không hay chỉ là điều hão huyền?  Do đó, để củng cố đức tin và niềm hy vọng của Ki-tô hữu, thánh Phê-rô đã nói đến vai trò của Thánh Thần.  Sở dĩ chúng ta “ăn ở ngay thẳng trong Đức Ki-tô, chịu khổ vì làm việc lành theo ý Thiên Chúa” là vì ta hy vọng sẽ cùng được sống lại với Đức Ki-tô để hưởng phúc đời đời.  Vậy Đấng bảo đảm rằng hy vọng của ta không phải là hão huyền chính là Chúa Thánh Thần, Đấng đã làm cho Đức Ki-tô sống lại từ cõi chết.  Điều này thánh Phao-lô cũng đã quả quyết:  “Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8:11).

          3.  Chúa Giê-su hứa ban Thánh Thần làm Đấng Bảo Trợ cho chúng ta.  Chúng ta đã nhận biết hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ của toàn thể Giáo Hội cũng như tâm hồn mỗi người chúng ta.  Nhưng trước khi ngự đến trong ngày lễ Ngũ Tuần thì Đấng Bảo Trợ ấy đã được Chúa Giê-su hứa ban:  “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”.  Chúa Thánh Thần được sai tới để “đến ở với anh em luôn mãi”.  Đúng thế, mục đích Thánh Thần đến ở với chúng ta là để giúp ta yêu mến Chúa Giê-su và tuân giữ các điều răn của Người.  Người đến với ta để khởi sự một đời sống mới theo các điều răn của Chúa Giê-su, một đời sống mà “thế gian không thể đón nhận”.  Rõ ràng sống theo Thần Khí của Chúa Ki-tô là đi ngược lại với lối sống của thế gian!  Do đó, Chúa Giê-su hứa ban cho ta Thánh Thần của Người là để Người “ở trong” chúng ta như sức sống và sức mạnh giúp ta kiên trì thực hành các điều răn của Người.  Nói khác đi, Chúa Thánh Thần ở trong tâm hồn ta chính là cách thức Chúa Giê-su Phục Sinh “ở lại” trong ta, để giúp ta tiếp tục con đường cứu độ Người đã mở ra cho ta và đưa ta đến với Thiên Chúa Cha vậy!

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Thánh Phê-rô là người đầy kinh nghiệm về hoạt động của Chúa Thánh Thần khi ngài luôn kết hợp với Chúa Giê-su.  Ngài đã từng sống gắn bó với Chúa Giê-su, giờ đây nhờ Chúa Thánh Thần ngài tiếp tục ở lại trong Chúa Giê-su để hoàn tất sứ mệnh tông đồ.  Ngài đã “nhận lãnh” Thánh Thần của Chúa Ki-tô như sức mạnh nâng đỡ Người.  Chúng ta cũng đã nhận lãnh cùng một Thánh Thần ấy!

        Lm. Đa-minh Trần đình Nhi        


Suy Niệm Lời Chúa Năm A