CHÚA NHẬT 6
PHỤC SINH A
Cv 8,5-8.14-17;
1 Pr 3,15-18; Ga 14,15-21
YÊU NGƯỜI- CÁCH
BIỂU LỘ LÒNG MẾN CHÚA THỰC SỰ
I. HỌC LỜI
CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 14,15-21
(15) Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các
điều răn của Thầy. (16) Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh
em một Đấng Bảo Trợ khác, đến ở với anh em luôn mãi. (17) Đó là
Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận. Vì thế gian
không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người
luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. (18) Thầy sẽ không để anh em mồ
côi. Thầy đến cùng anh em. (19) Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không
còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống
và anh em cũng sẽ được sống. (20) Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy
ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. (21) Ai
có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy.
Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Chúa Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ
yêu mến Người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy”.
2. Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay trích trong
bài diễn từ giã biệt của Đức Giê-su trước khi chịu khổ nạn, phục
sinh và lên trời với Chúa Cha. Trong thời gian vắng mặt, Đức Giê-su hứa
sẽ ban cho các Môn đệ một Đấng Bảo Trợ khác là Chúa Thánh Thần để
ở với các ông luôn mãi. Người cũng hứa sẽ không bỏ mặc các ông mồ
côi, nhưng sẽ hiện diện bên các ông một cách thiêng liêng. Những ai thực
sự yêu mến Người thì phải tuân giữ các giới răn của Người. Ai làm
như vậy thì sẽ được Chúa Cha yêu mến và còn được Người bày tỏ sự thật
của mình ra cho họ biết.
3. CHÚ THÍCH:
- C 15-17: + Nếu
anh em yêu mến Thầy…: Đối với Đức Giê-su, tình yêu không chỉ dừng lại
ở tình cảm tâm hồn hay cảm xúc thể xác, mà phải được biểu lộ trong
hành động vâng phục là tuân giữ các giới răn của Người, cũng như Người
đã yêu mến Chúa Cha và luôn tuân giữ các lệnh truyền của Chúa Cha (x.
Ga 15,10). + Đấng Bảo Trợ khác: Bảo Trợ tiếng Hy Lạp là
Pa-ra-cle-tos, ám chỉ một người được mời đến để làm trạng sư bênh vực
và bầu chữa cho bị cáo khi tòa án xét xử. Ở đây Thánh Thần sẽ bầu
chữa cho các môn đệ, trong vụ kiện đối với thế gian trước tòa án của
Thiên Chúa. Qua đó cho thấy chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất giữa
Thiên Chúa và loài người là Chúa Giê-su (x. 1 Tm 2,5), nhưng lại có hai
Đấng Bảo Trợ: Một là “Đức Giê-su Ki-tô là Đấng công chính” (x. 1 Ga
2,1), cũng là “Đấng hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta” (x. Dt
7,25); Hai là Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ khác (x. Ga 14,16) là
“chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên
siết khôn tả” (x. Rm 8,26). + Đến ở với anh em luôn mãi: Sứ
mệnh cứu thế của Đức Giê-su sẽ hoàn tất khi Ngài được tôn vinh (x. Ga
7,39), nghĩa là khi Người tắt thở trên cây thập giá (x. Ga 19,30). Từ
đây Người trao ban Thần Khí là Chúa Thánh Thần cho nhân loại để thực
hiện một cuộc tạo thành mới. Thời kỳ của Chúa Thánh Thần sẽ kéo
dài mãi đến ngày tận thế. + Thần Chân Lý: là Thánh Thần,
phát xuất từ Đức Giê-su là chân lý (x. Ga 14,6), Đấng luôn nói sự
thật của Chúa Cha (x. Ga 12,49) và sau khi phục sinh đã thổi hơi ban
Thần Khí cho các Tông đồ (x. Ga 20,22). Thần Chân Lý đối lập với ma
quỷ là cha của sự dối trá (x. Ga 8,44). + Đấng mà thế gian không thể
đón nhận: Vì Thánh Thần là Thần Khí thiêng liêng, nên thế gian
không thể thấy và không thể đón nhận Người. Thế gian ở đây là các
đầu mục của người Do thái, những kẻ kiêu căng, ích kỷ, thù hận, không
tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai. Họ không biết và không muốn đón nhận
Thánh Thần của Người nên họ sẽ bị chết trong tội của mình (x. Ga
8,22-24). + Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở
trong anh em: Các Tông đồ nhờ đức tin sẽ đón nhận Thánh Thần,
nên sẽ được Ngài ở cùng và dạy dỗ toàn vẹn sự thật.
- C 18-19: + Thầy
sẽ không để anh em mồ côi…: Mồ côi là tình trạng con cái bị mất cha mẹ nên
không có người chăm sóc nuôi dưỡng, học trò bị mất thầy nên không được
ai dạy dỗ hướng dẫn. Ở đây Đức Giê-su có ý nói rằng: sau khi từ cõi
chết sống lại, dù Người không còn ở với các môn đệ như hiện tại,
nhưng Người vẫn luôn ở cùng các ông nhờ đức tin và ơn thánh. +
Chẳng bao lâu nữa: Người hứa sẽ mau trở lại (x. Ga 16,19.22). +
Thế gian sẽ không còn thấy Thầy: Đức Giê-su sắp chịu chết và
người đời sẽ không còn thấy Người sau khi Người sống lại, vì từ nay
Người không còn hiện diện bằng thân xác nữa. + Anh em được thấy Thầy: Thấy
ở đây là bằng đức tin: tin Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa.
Nhờ tin, các ông sẽ được tham dự vào sự sống siêu nhiên và kết hiệp
mật thiết với Người.
- C 20-21: + Ngày
đó: là kiểu nói
thường dùng trong Cựu Ước để chỉ ngày Chúa lại đến, tức là ngày
cánh chung hay tận thế (x. Is 2,17; 4,1). + Thầy ở trong Cha Thầy và
Thầy ở trong anh em: Nhờ vào sự thấy được bằng đức tin như
vậy, các môn đệ sẽ khám phá ra đời sống kết hiệp thâm sâu giữa Chúa
Cha và Chúa Con (x. Ga 14,11), đồng thời cũng cảm nghiệm được sự liên
kết mật thiết giữa họ với Chúa Giê-su Phục Sinh bằng đức tin và ân
sủng. + Ai có và giữ các điều răn của Thầy…: Lòng mến Chúa
không phải chỉ dừng lại ở tình cảm và lời nói, nhưng phải được thể
hiện qua hành động tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa, nhất là sống
giới răn yêu thương của Chúa Giê-su (x. Ga 13,34). + Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ
được Cha của Thầy yêu mến…: Câu này không có nghĩa là Thiên
Chúa chỉ yêu mến những ai yêu mến Chúa Giê-su, vì Thiên Chúa yêu hết
mọi người và yêu họ trước (x. 1 Ga 4,10). Nhưng những ai yêu mến và
vâng lời Đức Giê-su thì càng được Thiên Chúa yêu mến hơn, với danh
nghĩa họ là nghĩa tử của Đức Giê-su và là chi thể của Đầu Nhiệm
Thể là chính Người.
4. CÂU HỎI:
1) Đức Giê-su đòi người ta thể
hiện tình yêu đối với Người thế nào ? 2) Bảo trợ nghĩa là gì ?
Loài người chúng ta chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất là ai ? Nhưng
chúng ta lại có hai Đấng Bảo Trợ là những Vị nào ? 3) Sứ mệnh cứu
thế của Đức Giê-su chấm dứt khi nào ? Sẽ được Đấng nào khác tiếp
tục cho đến tận thế ? 4) Thần Chân Lý là ai ? Phát xuất từ Đấng nào
? Đối lập với ai ? 5) Tại sao thế gian không thể đón nhận được Thần
Chân Lý ? Các Tông đồ phải làm gì để đón nhận được Ngài ?
II. SỐNG LỜI
CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì sẽ giữ các điều răn
của Thầy” (Ga 14,15).
2. CÂU CHUYỆN:
1) LÒNG MẾN BIỂU LỘ QUA VIỆC CHỊU CHẾT
THAY CHO MỘT NGƯỜI KHÔNG QUEN:
Vào một buổi sáng tháng 7 năm 1941,
trong trại tập trung OS-WIC của Đức quốc xã tại nước Ba-lan, lính canh đã phát
hiện ra đêm qua có một tù nhân vượt ngục. Theo thông lệ: mười tù nhân khác phải
chịu chết thay cho kẻ đào thoát. Bấy giờ tên trưởng trại lần lượt kêu tên mười
tù nhân ra xếp hàng vào hầm chết đói. Khi nghe đọc tên, từng người run rẩy sợ
hãi bước ra khỏi hàng tiến ra phía trước xếp hàng. Bỗng nhiên một người trong
bọn khi nghe kêu tên đã bật khóc và la to: “Ối vợ con ơi! Thế là từ nay tôi
không bao giờ còn được đoàn tụ nũa rồi”.
Hàng ngàn tù nhân còn lại đều hồi
hộp và mừng thầm vì được thoát chết. Đột nhiên có một tù nhân dáng người gầy
yếu từ trong hàng ngũ bên trái đã ra khỏi hàng tiến đến gần viên trưởng trại.
Bấy giờ tên này liền rút súng lục đeo bên người chĩa về phía người tù kia ra
lệnh:
- Thằng kia, đứng lại! Mày muốn gì?
- Tôi muốn được chết thay cho một
người trong mười người sắp bị chết kia.
Viên trưởng trại tỏ vẻ sửng sốt
tưởng mình nghe lầm hỏi lại:
- Tại sao mày lại làm điều ngu ngốc
như thế?
- Tôi là một linh mục công giáo
không có gia đình, nên tôi tình nguyện chết thay cho người có vợ con kia.
Cuối cùng, viên trưởng trại cũng đồng
ý và cho kẻ tình nguyện chết thay nhập vào hàng người tiến về hầm chết đói. Tù
nhân nói trên không ai khác hơn là cha MA-XI-MI-LI-EN KÔN-BÊ. Qua việc tình
nguyện hy sinh tính mạng sẵn sàng chết thay cho một người không quen, cha đã thể
hiện lòng mến Chúa cách cụ thể nhất. Hành động của cha khiến cho nhiều người hiện
diện, từ cai ngục đến các tù nhân đều phải nể phục. Vào ngày 10/10/1982 tại
Roma Đức thánh Cha Gioan-Phaolô II đã tấn phong cha Kôn-bê lên bậc hiển thánh
để tuyên dương một người có lòng thánh thiện thực sự khi sẵn sàng hy sinh mạng
sống mình cho tha nhân.
2) VÌ CHÍNH KHI HIẾN THÂN LÀ KHI
ĐƯỢC NHẬN LÃNH:
Bà MA-RI-NA PI-CÁT-SÔ (Marina
Picasso) là cháu của họa sĩ nổi tiếng PÁP-LÔ PI-CÁT-SÔ (Pablo
Picasso). Trong thời gian từ năm 1973 đến 1975, bà liên tiếp phải chịu
nhiều cái tang lớn: Ông nội mất, anh ruột tự tử, cha đột ngột qua
đời. Đây thật là những mất mát không thể bù đắp, dù bà đã được
thừa kế một gia sản lớn lao. Từ lúc ấy, thay vì ngồi gậm nhấm nỗi
đau của mình thì bà đã dành nhiều thời gian để chăm sóc những trẻ em
mồ côi không người thân thích, những trẻ lang thang bụi đời đang sống
vất vưởng nơi đầu đường xó chợ. Cũng từ ngày đó bà cảm thấy có sự
biến đổi lớn lao trong tâm hồn như bà tâm sự: “Nhờ ra tay giúp đỡ con
em của nước này, mà tôi đã tìm lại được bản thân. Giờ đây tôi cảm
thấy mình như sống lại, và tôi muốn chia sẻ sự sống mới đó cho các
em”. Chính nhờ ra khỏi nỗi đau bị mất mát người thân, để cúi xuống
xoa dịu nỗi đau của tha nhân mà bà Ma-ri-na Pi-cát-sô đã được sống
lại về linh hồn. Khi không còn phải bận tâm lo cho bản thân, bà đã dành thời
gian để quan tâm đáp ứng các nhu cầu của người khác. Nhờ đó, bà cảm thấy
sự sống nơi mình được nhân lên gấp bội, đúng như lời kinh Hòa Bình của
thánh Phan-xi-cô: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính
lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân… Chính lúc chết đi là khi vui
sống muôn đời…”
3) HIẾU THẢO BIỂU LỘ BẰNG SỰ VÂNG
LỜI:
Một bé trai theo mẹ vào siêu thị sắm
đồ. Tại cửa hàng quần áo may sẵn, đang lúc mẹ mải nói chuyện với nhân viên bán
hàng, thì cậu con leo lên mặt bàn và với tay lấy mấy chiếc áo đang treo xuống, làm
nhiều quần áo bị rơi. Thấy vậy, bà mẹ liền nắm tay của cậu con và nhẹ nhàng
nói: “Không được làm thế nghe con!” Nó cúi đầu ngoan ngoãn đáp: “Vâng, thưa
mẹ!” Nhưng rồi sau đó, khi mẹ đang chọn lựa các mặt hàng thì đứa con lại leo
lên bàn và tiếp tục làm rơi nhiều quần áo xuống. Thấy vậy, bà mẹ vẫn kiên nhẫn
nhắc nhở con: “Con không được làm như thế nữa, nghe không!” Nó lại hứa: “Dạ
vâng!” Rồi một lúc sau, chứng nào tật đó, nó lại làm rớt nhiều món hàng khác xuống
khiến cô nhân viên bán hàng tỏ vẻ bực bội khó chịu. Bà mẹ liền nắm chặt tay
con, trừng mắt nhìn rồi chỉ ngón tay vào trán nó và nói bằng giọng nghiêm khắc:
“Con đừng bao giờ làm thế nữa nghe chưa?” Đứa bé hiểu rằng lần này thì nó phải nghe theo
lời mẹ dạy để không được quậy phá gây ra phiền hà bực bội cho người khác nữa.
Nó nhìn mẹ, miệng mếu như muốn khóc và nói: “Mẹ, con thương mẹ mà! Sao mẹ lại la
rầy con?”. Với nét mặt cương quyết, bà mẹ liền nói: “Nếu con thực sự thương mẹ,
thì con phải vâng lời mẹ, không được làm trái ý mẹ nữa nghe chưa!”. Đứa bé liền
ngừng khóc cúi đầu nhận lỗi và từ lúc đó đến khi ra về, nó không còn dám làm
phiền mẹ và người chung quanh nữa.
Câu chuyện trên rất phù hợp với Lời
Chúa trong Tin Mừng hôm nay: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các
điều răn của Thầy” (Ga 14,15).- “Ai giữ các điều răn của Thầy, người
ấy mới là kẻ yêu mến Thầy” (Ga 14,21).
4) TÌNH THƯƠNG KHÔNG CÓ TRONG NHỮNG CON
NGƯỜI ÍCH KỶ:
Truyện cổ tích Ả Rập kể rằng: Có một
người bán thịt nướng tính tình keo kiệt và khó tính. Cũng vì tính khí khó ưa
này nên cửa hàng của anh thường ế ẩm, dù anh đã làm đủ cách để câu khách. Một
hôm có một lão ăn xin đến ngồi trên vỉa hè trước cửa hàng của anh bán thịt.
Thấy những miếng thịt đang được nướng bốc mùi thơm và khói bay phía trên bếp
lửa của người bán thịt, lão ta liền lấy trong bị ra một khúc bánh mì khô, lẳng
lặng hơ miếng bánh phía trên bếp để khói của thịt nướng ảm vào miếng bánh rồi ăn
bánh cách ngon lành. Anh chàng bán thịt nhìn thấy, liền túm áo người ăn xin đòi
phải trả tiền. Người ăn xin phân trần: “Tôi đâu có ăn thịt của anh, khói thịt ám
vào bánh của tôi không phải là thịt”. Anh bán thịt quát lên: “Khói thịt bay ra
cũng thuộc về miếng thịt, nên lão phải trả tiền cho tôi”. Hai người tranh cãi không
ai chịu ai, rồi đưa nhau ra trước cửa quan yêu cầu được xét xử. Viên quan tòa nghe
xong sự việc liền truyền cho người ăn xin lấy ra một đồng bạc cắc ném xuống nền
nhà phát ra một tiếng «cách », và phán quyết như sau : « Lão ăn mày
được quyền hưởng khói bốc ra từ miếng thịt nướng của người bán thịt. Còn người
bán thịt được quyền hưởng âm thanh phát ra từ đồng bạc cắc của lão ăn mày. Như
vậy là công bằng cho cả hai bên nhé !”.
3. SUY
NIỆM:
Nội dung Tin Mừng hôm nay tóm lại trong
lời Đức Giê-su nhắn nhủ các môn đệ trước cuộc khổ nạn như sau: “Nếu anh em yêu
mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14,15). Đức Giê-su đòi môn
đệ phải chứng tỏ lòng mến thực sự bằng việc tuân giữ giới răn yêu thương của
Người.
1) HAI LOẠI TÌNH YÊU:
Tình yêu được phân thành hai loại là
tình yêu ích kỷ vụ lợi và tình yêu quảng đại vị tha:
* Tình yêu ích kỷ: Là tình yêu giả
dối, vì đối tượng không phải là tha nhân, nhưng là chính mình. Nói cách khác:
người có tình yêu loại này chỉ coi người yêu như phương thế giúp họ tìm kiếm
lợi ích cho bản thân mình.
* Tình yêu vị tha: Là tình yêu đích
thực, thể hiện qua việc quên mình để nghĩ đến người mình yêu và làm mọi sự mang
lại lợi ích cho họ.
2) BA CẤP SỐNG ĐẠO:
Dựa theo tiêu chuẩn tuân giữ lời
Chúa mà các tín hữu được phân làm ba cấp như sau:
* Một là có đạo: Là những người đã
chịu phép rửa tội, nhưng lại không quan tâm tìm gặp Chúa. Loại người này thường
vô tâm vô tình, nhắm mắt làm ngơ trước nhu cầu của tha nhân bên cạnh, như dụ
ngôn về ông phú hộ đã làm ngơ trước một La-da-rô nghèo khó bệnh tật, đang nằm ngay
trước cổng nhà ông ta (x. Lc 16,19-21).
* Hai là giữ đạo: Là những tín hữu chỉ
biết giữ đạo mang tính hình thức bề ngoài, mà không quan tâm đến việc sống theo
Lời Chúa dạy.
* Ba là sống đạo: Là những người sống
đức Tin bằng việc thực thi đức cậy và đức mến. Họ vừa siêng năng đọc kinh dự
lễ, lại vừa sẵn sàng phục vụ tha nhân để chiếu sáng đức tin để làm chứng nhân
của Chúa như lời Chúa Giê-su: ”Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt
thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của
anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
3) YÊU THƯƠNG BẰNG VIỆC LÀM HƠN LÀ
LỜI NÓI:
a) Thánh Gio-an dạy: “Nếu ai nói:
Tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối. Vì ai
không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên
Chúa là Đấng họ không trông thấy được” (1 Ga 4,20). Khi yêu thương phục vụ những
kẻ đói khát, bệnh tật và bị bỏ rơi là chúng ta đang yêu thương và phục vụ chính
Đức Giê-su đang hiện thân nơi họ.
b) Sau đây là một số việc giúp thực
hành đức bác ái mà mỗi tín hữu cần thực hiện:
- Luôn nghĩ đến người khác : Tránh thái độ ích kỷ khi chỉ biết nghĩ đến bản thân và
gia đình mình, như lời Chúa phán : “Vậy tất cả những gì anh em muốn người
ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).
- Năng xét đoán ý tốt và cầu nguyện điều tốt cho tha nhân như Chúa
đã dạy: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán (x. Mt 7,1).
- Khiêm tốn sửa lỗi của mình trước khi giúp tha nhân sửa lỗi như Chúa đã quở trách các đầu
mục Do Thái: “Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh
sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em” (x. Mt 7,4).
- Đối xử nhân hậu với những kẻ thù ghét làm hại mình, để biến thù thành bạn như lời Chúa dạy:
“”Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má
bên trái ra nữa” (Mt 5,39). “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược
đãi anh em. Như vậy, anh em mới trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên
trời. Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa
xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (x. Mt 5,44-45).
- Tha thứ không phải bảy lần mà tha đến bảy mươi lần bảy (x. Mt
18,21) : Nghĩa là phải luôn tha thứ cho những kẻ xúc phạm đến mình, để
đáng được Chúa tha tội cho mình: “Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng
tha cho những người có lỗi với chúng con” (x. Mt 6,12).
- Quảng đại cho đi hơn nhận lãnh như Lời Chúa phán: “Cho thì phúc
hơn là nhận” (Cv 20,35).
- Năng thăm viếng để an ủi những người đau khổ bệnh tật và giúp
đỡ chia sẻ cơm áo vật chất cho những người nghèo đói, cô thế cô thân.
- Quan tâm săn sóc phục vụ những người yếu đuối bệnh
tật… : Đến ngày phán xét, Chúa sẽ xét xử chúng ta tùy theo cách chúng
ta đã đối xử thế nào với những người nghèo khổ chúng ta gặp trong cuộc sống thường
ngày (x. Mt 25,34-40)…
4. THẢO LUẬN:
Trong những ngày này bạn quyết tâm sẽ làm gì cụ thể để
thể hiện lòng mến Chúa qua cách ứng xử tốt đẹp với tha nhân đang sống gần bên
bạn?
5. LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH. Xin
ban cho chúng con sự sống của Chúa, sự sống làm cho cuộc đời chúng
con mãi xanh tươi. Xin ban cho chúng con bình an của Chúa, bình an làm
cho chúng con vững tâm khi gặp sóng gió cuộc đời. Xin ban cho chúng con
niềm vui của Chúa, niềm vui làm cho khuôn mặt chúng con luôn rạng rỡ
tươi vui. Xin ban cho chúng con Thánh Thần của Chúa, Thánh Thần sẽ
biến đổi chúng con ngày một nên giống Chúa Cha trên trời. Cuối cùng, xin
giúp chúng con biết thể hiện lòng mến Chúa bằng việc thực thi giới răn
yêu người như lời Chúa dạy hôm nay.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN
CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH
- HHTM