LỄ ĐÓN GIAO THỪA ĐẦU XUÂN
Mt 5,1-10
LỜI CHÚC HẠNH PHÚC ĐẦU XUÂN
TÁM MỐI PHÚC THẬT
1. LỜI
CHÚA:“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3)
2. CÂU CHUYỆN:
1) HẠNH PHÚC ĐÒI TA LUÔN PHẤN ĐẤU:
Vào một buổi
sáng đẹp trời, chú cún con chạy đến bên mẹ và hỏi:
- Mẹ ơi, hạnh phúc ở đâu?
Mẹ cún con mỉm cười đáp:
- Hạnh phúc nằm ở chiếc đuôi xinh xắn của con đó!
Cún con thích lắm, ngày nào chú cũng ngắm nghía chiếc đuôi của mình, vừa nhảy
vừa vẫy vẫy chiếc đuôi! Nhưng rồi bỗng một hôm, chú cún con buồn bã chạy đến
bên mẹ:
- Mẹ ơi, tại sao con chẳng bao giờ nắm giữ được hạnh phúc vậy?
Mẹ khẽ vuốt ve cún con và đáp:
- Chỉ cần con tự tin bước về phía trước, hạnh phúc sẽ tự đi theo con thôi!!!
Ngày
xưa, có một bầy yêu tinh tập hợp lại với nhau để lên kế hoạch làm hại con
người. Một con yêu tinh lên tiếng: "Chúng ta nên giấu cái gì quý giá của
con người. Nhưng mà cái đó là cái gì?"
Một
con yêu tinh khác lên tiếng: "Chúng ta nên giấu hạnh phúc của con người.
Không có nó, ngày đêm con người sẽ phải khổ sở. Nhưng vấn đề là chúng ta sẽ
giấu hạnh phúc nơi nào mà con người không thể tìm thấy được."
Một
con yêu tinh cho ý kiến: "Chúng ta sẽ quẳng hạnh phúc lên đỉnh núi cao
nhất thế giới."
Con
yêu tinh khác phản đối: "Con người rất khỏe mạnh, chuyện trèo lên đỉnh núi
đối với họ không có gì khó khăn."
"Vậy
thì chúng ta sẽ đem hạnh phúc ném xuống đáy biển sâu."
"Không
được, con người rất tò mò. Họ sẽ chế tạo ra những con tàu hiện đại để đi xuống
tận đáy biển. Rồi tất cả mọi người sẽ biết."
Một
con yêu tinh trẻ có ý kiến: "Hay là chúng ta đem giấu hạnh phúc ở một hành
tinh khác."
Con
yêu tinh già phản đối: "Không được, con người rất thông minh. Càng ngày họ
càng thám hiểm nhiều hành tinh khác đấy thôi."
Suy
nghĩ hồi lâu, có một con yêu tinh già lụ khụ lên tiếng: "Tôi biết phải
giấu hạnh phúc ở đâu rồi. Hãy giấu nó ở chính bên trong con người. Đa số con
người đi tìm hạnh phúc ở khắp chốn, khắp nơi và bao giờ họ cũng thấy người khác
hạnh phúc hơn mình. Bản thân họ thì chẳng bao giờ quan tâm. Giấu nó ở đó thì
con người không bao giờ tìm thấy!!!"
Tất
cả các con yêu tinh đều đồng ý. Và kể từ đó, rất nhiều người mãi miết kiếm tìm
hạnh phúc ở những nơi nào khác mà không biết rằng nó đang nằm ngay trong lòng mình.
3) NGƯỜI GIÀU
CŨNG KHÓC:
PAUL GETTY là ông chủ một hãng dầu lớn nhất tại Anh Quốc.
Khu đất ông ở rộng bốn mươi mẫu tây. Tài sản của ông trị giá hàng tỷ mỹ kim.
Thế mà mỗi ngày ông đều phải thức dậy làm việc từ lúc ba giờ sáng. Chung quanh
ông lúc nào cũng có tới mười người cảnh sát bảo vệ. Mỗi ngày, ông nhận được
hàng trăm cú điện thoại và những lời đe dọa ám sát… Ông đã phải thốt lên rằng:
“Tôi là người đau khổ nhất và chẳng bao giờ cảm nghiệm được thế nào là hạnh
phúc !”.
3. THẢO LUẬN: 1) Hạnh phúc thực sự là gì? 2) Làm thế nào để đạt được
hạnh phúc thực sự trong cuộc sống hiện tại và mai sau?
4. SUY NIỆM:
Năm cũ sắp qua nhường chỗ cho năm mới đang tới. Trong dịp
này, chúng ta thường chúc cho nhau những điều tốt đẹp. Chẳng hạn: Chúc cho đông
con nhiều cháu, phát tài phát lộc, khỏe mạnh sống lâu… Những lời cầu chúc
thường qui về ba chữ: Phúc, Lộc, Thọ. Tóm lại là chúc nhau được hạnh phúc trong
Năm Mới. Nhưng thế nào là hạnh phúc thực sự?
1) Hạnh phúc là
gì?
Hạnh phúc là tình trạng thỏa mãn khi đạt được những điều
mong ước mà người đời thường mong ước như Phúc, Lộc và Thọ. Tuy nhiên không
nhất thiết cứ có đông con nhiều cháu, cứ sở hữu nhiều nhà cửa tiền bạc, chức
cao quyền trọng hoặc được sống lâu trăm tuổi là đương nhiên có hạnh phúc… Vì
lòng tham con người vô đáy như người đời thường nói: “Được voi đòi tiên”, “Đứng
núi này trông núi nọ”…
Người ta cũng thường chúc nhau khỏe mạnh. Nhưng khỏe mạnh
vẫn chưa phải là thứ hạnh phúc thực sự. Vì nếu sức khỏe là hạnh phúc, thì chắc
hẳn những nhà lực sĩ sẽ là người hạnh phúc nhất. Thế nhưng, không phải vậy. Bởi
vì có những người dù đau yếu, sức khỏe èo uột, thế mà nụ cười vẫn tươi nở trên
môi, đang khi những nhà vô địch Ô-lim-pic sức khỏe vô địch lại thường âu lo có
ngày sẽ bị soán ngôi vô địch như người ta thường nói: “Cao nhân tất hữu cao
nhân trị”.
Rất nhiều người đã mong ước kiếm nhiều tiền để được sống
an nhàn như người ta thường nói: “Có tiền mua tiên cũng được: Đồng tiền là Tiên
là Phật; Là sức bật của tuổi trẻ; Là sức khỏe của tuổi già; Là cái đà của danh
vọng; Là cái lọng để che thân; Là cán cân của công lý; Là triết lý của cuộc
đời”... Nhưng thực ra “Người giàu cũng khóc!” Biết bao gia đình nông dân việt
Nam đang sống vất vả trên mảnh đất ruộng nhưng gia đình hạnh phúc. Rồi đột
nhiên có dự án làm đường đi qua khu đất nhà của họ, biến đất ruộng trở nên quý
giá “Tấc đất tấc vàng”, tiền bạc rủng rỉnh. Nhưng từ khi bán đất lấy tiền lấy
vàng, gia đình được ở nhà cao cửa rộng, có đủ xe máy xịn, tivi màu, máy lạnh
máy giặt… nhưng gia đình con cái bỏ học ăn chơi sa đà vào nghiện hút xì-ke ma
túy, vợ ngày ngày chơi đề, chồng thì nhậu nhẹt vợ nọ con kia… gia đình xào xáo
dẫn đến chỗ ly hôn và bất hạnh.
2) Hạnh phúc thực
sự do đâu ?
Hạnh phúc thật sự không nhất thiết do tiền bạc, chức
quyền, sắc đẹp, sức khỏe... dù rằng những điều đó đều là ưu điểm có thể mang
lại cho chúng ta niềm vui trong một lúc nào đó. Vậy hạnh phúc đích thật ở đâu?
Thực ra: Con người chúng ta không những gồm thân xác mà
còn có linh hồn nữa. Cơm áo gạo tiền hay tiền bạc vật chất, địa vị chức quyền,
sắc đẹp, tài năng, sức khỏe, sống lâu…
chỉ đáp ứng được những nhu cầu về thể xác bên ngoài và không bền lâu, nên
đã không thực sự mang lại hạnh phúc. Điều quan trọng để có hạnh phúc là một tâm
hồn bình an và nhiều niềm vui như Đức Ma-ri-a, sau khi được bà chị Ê-li-sa-bét
khen là người có phúc, đã dâng lời ca tụng Thiên Chúa như sau: “Linh hồn tôi
ngợi khen Đức Chúa. Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ
tôi” (Lc 1,46-47).
Dù thân xác chúng ta có gặp những tai nạn rủi ro và những
điều trái ý, nhưng người có đức tin vẫn luôn phó thác vào Thiên Chúa và gặp
được niềm vui hạnh phúc trong sự nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân, quảng đại tha
thứ cho những kẻ thù ghét bách hại mình, như Phó tế Tê-pha-nô khi bị kết án ném
đá sắp chết, vẫn mở miệng cầu xin Chúa: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này”
(Cv 7,60), hoặc như Đức Giê-su khi bị treo trên thập giá sắp chết cầu xin với Chúa
Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Như thế, hạnh phúc phải bắt nguồn từ Thiên Chúa là nguồn
mạch mang lại hạnh phúc đích thực. Nơi nào có Chúa hiện diện thì nơi ấy sẽ có
bình an hạnh phúc như Người đã hứa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng
nề, hãy đến cùng tôi. Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách
của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn
anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28-29).
3) Cho thì có
phúc hơn là nhận (Cv 20,35):
Trong một buổi hội thảo về hạnh phúc gồm 50 người tham
dự. Diễn giả khởi đầu bằng một hoạt động tập thể. Ông đưa cho mỗi người một quả
bóng và yêu cầu họ viết tên của mình lên trái bóng bằng chiếc bút lông. Sau đó,
số bóng được thu hết lại trong giỏ rồi được đưa sang một phòng khác.
Rồi 50 người này lại được tập trung sang phòng chứa bóng
và được yêu cầu hãy tìm quả bóng có ghi tên mình trong thời hạn 5 phút. Mọi
người đều lao vào giỏ xô đẩy nhau để tìm kiếm quả bóng tên mình và căn phòng trở
nên hỗn loạn, khi hết 5 phút mà ít có người tìm được quả bóng tên mình.
Sau đó, vị diễn giả lại yêu cầu mỗi người tự nhặt lên một
quả bóng bất kỳ rồi tìm chuyển cho người có tên ghi trên bóng. Chỉ trong vòng 5
phút, ai nấy đều đã có được quả bóng tên mình.
Lúc này, vị diễn giả mới dẫn vào đề tài về hạnh phúc: Trong
cuộc sống, mỗi người đều hối hả đi tìm hạnh phúc của mình, nhưng thực ra lại
không biết chúng nằm ở đâu.
Hạnh phúc của chúng ta nằm xen lẫn với hạnh phúc của
người khác. Hãy tìm cách làm cho người xung quanh có được hạnh phúc của họ, rồi
chúng ta cũng sẽ được người khác mang lại hạnh phúc cho ta. Cũng như câu chuyện
trên cho thấy: khi náo loạn đi tìm bóng thì sẽ không tìm thấy. Còn khi mỗi
người cầm bóng trao cho kẻ khác thì chính họ cũng sẽ được người khác trao quả
bóng hạnh phúc cho mình. Hãy cứ cho đi rồi sẽ được nhận lại: “Vì anh em
đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu
ấy" (Lc 6,38).
4) Phương thế để được hạnh phúc thực sự là
sống Tám Mối Phúc:
Hạnh phúc không ở đâu xa, nó luôn ở bên cạnh mình hoặc ở
trong lòng mình. Có điều chúng ta quên điều này nên cứ đi tìm hạnh phúc ở nơi đâu
khác và cuối cùng đành chịu mất nó.
Để luôn có hạnh phúc nghĩa là có Chúa ở cùng, là luôn có
tình yêu của Chúa trong lòng, thì chúng ta phải thực hành Tám Mối Phúc bằng
cách quên mình vị tha, ứng xử công bình nhân ái, như lời Chúa dạy trong Tin
Mừng hôm nay: Sống khiêm hạ nghèo khó, luôn ăn ở hiền lành, chấp nhận đi con
đường hẹp: “qua đau khổ vào trong vinh quang”, luôn khát khao nên người công
chính, biết chạnh thương những kẻ bất hạnh, có tâm hồn trong sạch, luôn ăn ở
thuận hòa, sẵn sàng chịu bách hại vì sống công chính, chấp nhận bị sỉ nhục vì
danh Chúa...
Niềm hạnh phúc luôn có Chúa ở cùng, cũng chính là hạnh
phúc mà chúng ta cần phải cầu chúc cho nhau trong giờ phút đón Giao Thừa và
trong Năm Mới này. Dù chúng ta ít nhiều vẫn còn chịu đau khổ và gặp những điều
trái ý, nhưng nếu thực sự có Chúa ở cùng, chắc chắn chúng ta vẫn cảm thấy vui
mừng và hy vọng, bình an và hạnh phúc như thánh Phao-lô đã chia sẻ: “Tâm hồn
tôi chứa chan niềm an ủi và tràn ngập nỗi vui mừng trong mọi cơn gian nan khốn
khó” (2 Cr 7,4b).
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con quyết tâm thực thi
tinh thần Tám Mối Phúc của Chúa trong Tin Mừng hôm nay, thể hiện qua cách suy
nghĩ, nói năng và cách ứng xử khiêm tốn, vị tha, luôn nhẫn nhịn chịu đựng, từ
bi nhân hậu, sẵn sàng tha thứ cho tha nhân noi gương Chúa khi xưa, để tâm hồn
chúng con luôn được bình an, lạc quan vui vẻ từ giờ phút đón Giao Thừa này, như
dấu chỉ chúng con sẽ được an bình hạnh phúc trong suốt năm nay và hạnh phúc ấy
sẽ kéo dài mãi ở đời sau.- AMEN.
LM ĐAN
VINH-HHTM
MÙNG MỘT TẾT
Mt 6,25-34
PHÓ THÁC VÀO TÌNH THƯƠNG QUAN PHÒNG CỦA THIÊN CHÚA
1. LỜI CHÚA:
Chúa phán: “Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo.
Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).
2. CÂU CHUYỆN:
1) HỌA PHÚC KHÓ
LƯỜNG:
Có một người
đi biển, gặp cơn bão lớn, chìm tàu, anh may mắn sống còn và trôi dạt vào một
hoang đảo. Muốn tồn tại, anh phải tự lo tất cả từ hai bàn tay trắng. Một cái
nhà nhỏ trú mưa trú nắng, hàng rào chống thú dữ, tự làm quần áo che thân, tìm
kiếm thức ăn. Khó nhất là lửa. Khó khăn lắm anh mới dùng đá đập vào nhau để có
được lửa. Anh nuôi lửa cẩn thận, không để lửa tắt. Một đêm nọ, khi anh đi tìm
săn tìm thức ăn về, thì anh thấy ngôi nhà của mình đã cháy rụi! Một cơn gió lốc
làm ngọn lửa bùng lên và cháy rụi căn nhà anh. Bao nhiêu công khó gầy dựng cái
“gia sản” tối thiểu để được sống còn bây giờ ra tro bụi! Anh ngửa mặt lên trời
than trách sao Chúa lại có thể đối xử với anh tệ bạc đến thế!
Mệt mỏi và
chán nản, anh ngủ thiếp đi trong đêm thảm họa ấy!
Bừng con mắt
dậy, trong ánh nắng bình minh rực rỡ của ngày mới trên hoang đảo, anh chợt thấy
một vết chấm to xa xa trên bờ biển. Nhìn kỹ, anh nhận ra đó là một con tàu.
“Chúng tôi
đã thấy ngọn lửa làm hiệu của anh. Chúng tôi đến cứu giúp anh đây!”. Những
người trên tàu đã tìm gặp anh và nói với anh như thế.
Anh chắp tay
ngửa mặt lên trời, nghẹn ngào nói: “Tạ ơn Chúa! Xin tha thứ cho con!”
2) TÁI ÔNG THẤT
MÃ, AN TRI HỌA PHÚC
Sách Hoài Nam Tử có ghi lại một câu chuyện dạy đời như
sau:
Một ông lão ở gần biên giới giáp với nước Hồ phía Bắc
nước Tàu, gần bên Trường thành có nuôi một con ngựa. Một hôm con của ông lão
dẫn ngựa ra gần biên giới cho nó ăn cỏ, vì lơ đễnh nên con ngựa vọt chạy qua
bên nước Hồ mất dạng. Những người trong xóm nghe tin đến chia buồn với ông lão.
Ông lão bình tỉnh nói: “Các ông bà đừng lo cho tôi. Biết đâu con ngựa chạy
mất kia sau này sẽ đem lại những điều tốt cho tôi”. Vài tháng sau, con ngựa
chạy mất tự nhiên quay về nhà, dẫn theo một con ngựa của nước Hồ, cao lớn và
mạnh mẽ. Người trong xóm hay tin liền đến chúc mừng ông lão và nhắc lại lời ông
đã nói trước đó. Ông lão không tỏ vẻ vui mừng mà nói: “Ông bà đừng vội
chia vui với tôi. Biết đâu việc được ngựa Hồ nầy về sau sẽ dẫn đến tai họa cho
tôi”.
Quả nhiên con trai của ông lão rất thích cưỡi ngựa, thấy
con ngựa Hồ cao lớn mạnh mẽ thì thích lắm, liền nhảy lên lưng cỡi nó chạy đi.
Con ngựa Hồ chưa thuần nết, chưa quen người nên nhảy loạn lên, khiến đứa
con trai ông lão bị ngựa Hồ hất xuống đất, bị gãy một xương đùi thành ra bị què
chân mang cảnh tật nguyền. Người trong xóm vội đến chia buồn với ông lão vì
không ngờ con ngựa không tốn tiền mua nầy lại gây ra tai họa cho con trai của
ông như thế. Ông lão thản nhiên nói: “Xin các vị cũng đừng lo cho tôi, con
tôi bị ngã gãy chân, tuy bất hạnh đó, nhưng biết đâu nhờ cái họa nầy mà về sau
sẽ biến thành phúc đó”.
Một năm sau, nước Hồ kéo quân sang xâm lấn Trung nguyên.
Các trai tráng trong vùng biên giới đều phải sung vào quân ngũ để ngăn chặn
giặc Hồ. Quân Hồ thiện chiến, đánh tan đạo quân mới nhập ngũ và nhiều trai
tráng đều bị tử trận, riêng con trai ông lão vì bị què chân được miền đi lính,
nên còn sống sót.
3. THẢO LUẬN: 1) Qua câu
chuyện “Tái ông thất mã, an tri họa phúc” nghĩa là: Lão ông mất ngựa, họa hay
là phúc?, bạn suy nghĩ thế nào về các điều phúc họa trong cuộc sống của bạn? 2)
Tin Mừng trong thánh lễ Mùng Một Tết hôm nay dạy thế nào về sự quan phòng của
Thiên Chúa trước những điều may rủi gặp phải giữa đời thường?
4. SUY NIỆM:
1) Nội dung Tin
Mừng ngày đầu Năm Mới:
Tin Mừng thánh lễ ngày đầu Năm Mới hôm nay, Đức Giê-su đã
dạy môn đệ đừng quá lo lắng về đời sống cho bản thân nhưng phải tin cậy vào
tình thương quan phòng của Thiên Chúa qua ba ví dụ cụ thể như sau:
Một là loài chim trời không gieo không gặt nhưng Cha trên
trời vẫn nuôi sống chúng.
Về việc sống lâu thì dù lo lắng cũng không thể kéo dài
đời mình thêm một vài gang tấc!
Về cơm ăn áo mặc: Như loài hoa huệ ngoài đồng không kéo
sợi may mặc, thế mà Cha trên trời vẫn cho chúng mặc áo đẹp hơn long bào của vua
Sa-lo-mon vinh hoa tột bậc.
Từ đó Đức Giê-su dạy các môn đệ phải biết phó thác cậy
trông vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa: Nếu loài chim trời chẳng đáng
giá là bao, và loài hoa đồng nội chỉ sớm nở tối tàn mà Cha trên trời còn chăm
sóc cho như thế, phương chi con cái loài người chúng ta còn đáng giá hơn muôn
phần lại không được Thiên Chúa quan phòng gìn giữ sao? Và Đức Giê-su kết luận:
"Vậy đừng quá lo lắng về ngày mai. Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có
cái khổ của ngày đó".
2) Phân biệt lo
liệu với lo lắng:
“Đừng quá lo lắng” không có nghĩa là “không cần lo liệu”.
Người biết lo liệu là người khôn
ngoan. Tùy sự tính toán lo liệu mà người ta có thể thấy mức độ
khôn ngoan của một người. Chúa phán: “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cái tháp,
mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn
thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi
người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: ‘Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng
có sức làm cho xong việc’. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà
trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra,
đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ
sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hòa”.
(Lc.14,28).
Biết lo liệu không
chỉ để làm tốt công việc thường nhật, mà còn thăng tiến trong Đức Tin, trong
đàng Nhân Đức. Đó không chỉ là nỗ lực bình thường của con người mà còn là ơn
Chúa Thánh Thần. như lời cầu xin ơn Thánh Thần trong lễ ban phwps Thêm Sức:
“Lạy Chúa, xin ban Chúa Thánh Thần, Đấng an ủi đến trong những
người này. Xin ban cho nhứng người này thần trí khôn ngoan và
thông hiểu; thần trí lo
liệu và sức mạnh; thần trí suy biết
và đạo đức; xin ban cho người này đầy ơn kính sợ Chúa. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng
con”
3) Phải tránh
thói ỷ lại lười biếng và vô trách nhiệm:
Chim trời tuy không phải vất vả gieo gặt như loài người,
nhưng chúng cũng phải bay đi đó đây để tìm mồi. Hoa huệ ngoài đồng tuy không
phải dệt may nhưng cũng phải đâm rễ tìm chất bổ dưỡng. Đàng khác chính Đức
Giê-su đã nói: "Ngày nào có cái khổ của ngày ấy" (Mt 6,34).
Không những Đức Giê-su không muốn chúng ta rơi vào thói
hư lười biếng vô trách nhiệm, mà còn muốn ta phải chịu khó làm việc để góp phần
làm cho môi trường mình đang sống ngày một an toàn sạch đẹp hơn, cho thế giới
này ngày một hoàn thiện hơn. Ngay từ khi dựng nên loài người, Thiên Chúa đã ra
lệnh cho họ phải canh tác trái đất và làm chủ vạn vật. Trong dụ ngôn về những
nén bạc (x. Mt 25,15-25), Đức Giê-su đã đòi mỗi đầy tớ phải làm lợi cho chủ gấp
đôi các nén bạc được trao, chứ không được mang đi chôn giấu. Như vậy, chúng ta
có bổn phận phải lo lắng, tiên liệu cho tương lai. Điều Chúa không chấp nhận là
quá lo lắng về vật chất, coi nó là cùng đích đời mình.
4) Tiên vàn
phải lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa:
Người môn đệ Đức Giê-su phải coi trọng Nước Thiên Chúa.
Những điều khác cũng cần phải quan tâm, nhưng không được coi chúng hơn Nước
Thiên Chúa. Người ta thường coi tiền bạc vật chất là số một và có khả năng giải
quyết được mọi vấn đề của con người. Nhưng thực tế chứng minh suy nghĩ ấy thật
sai lầm. Thực ra tiền bạc của cải là phương tiện cần để giúp con người có đời
sống tốt hơn như người ta thường nói: “Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo
tặc”. Nhưng của cải tự nó không mang lại hạnh phúc. Nó chỉ tốt khi chúng ta
biết dùng nó như phương tiện, như đầy tớ của chúng ta. Nhưng tên đầy tớ tiền
bạc này lại rất có uy, rất dễ tự coi mình là ông chủ lúc nào không hay. Khi nó
đã nắm quyền làm chủ, nó sẽ bắt chúng ta là đầy tớ phải phụng sự nó với bất cứ
giá nào.
Ưu tiên tìm nước Thiên Chúa là phải chịu khó làm việc với
hết khả năng, tìm kiếm đối sách và nhìn xa trông rộng để giải quyết các vấn đề
mới phát sinh theo khả năng của mình. Cần tránh thái độ ỷ lại vào tình thương
và quyền năng của Thiên Chúa. Khi gặp sự khó, chúng ta tránh thụ động, nhưng
phải biết chủ động xin ơn Thánh thần soi sáng để tìm ra cách giải quyết theo
gương mẫu và lời dạy của Đức Giê-su trong Tin Mừng. Cần thực hành lời người xưa
dạy: “Hãy làm hết sức mình, rồi trời sẽ giúp”, hoặc : “Hãy thắp sáng lên ngọn
đèn, chứ đừng ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối”.
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giê-su. Hôm nay Chúa đã dạy chúng con phải biết
ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính, còn những thứ khác như ăn gì
mặc gì, thì phó thác vào tình thương quan phòng của Chúa Cha trên trời. Xin cho
chúng con ý thức rằng: “Đồng tiền chính là đầy tớ tốt nhưng lại là ông chủ
xấu”. Nhờ biết sử dụng đồng tiền phụng sự cho Nước Chúa và phục vụ tha nhân, mà
chúng con sẽ có bình an nội tâm và sẽ nên chứng nhân của Chúa trước mặt người
đời, góp phần xây dựng một thế giới mới là Nước Trời đời sau.- AMEN.
LM ĐAN VINH-
HHTM
MÙNG HAI TẾT
Mt 15,1-6
HÃY HIẾU KÍNH ÔNG
BÀ CHA MẸ
1. LỜI CHÚA:
Chúa phán: “Thiên Chúa đã dạy : Ngươi hãy thờ cha kính mẹ. Kẻ nào nguyền rủa
cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: Ai nói với cha với mẹ
rằng: Những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì
người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa” Như thế, các ông dựa vào truyền thống
của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa” (Mt 15,4-6).
2. CÂU CHUYỆN:
Một người đàn ông kia sống chung với người cha cao niên
và đứa con trai mới năm tuổi của anh ta. Một hôm người cha của anh do tuổi già nên
tay thường bị run, và có lần đã làm bể bát chén kiểu đắt tiền khi đang ăn cơm,
nên anh ta ra vườn nhặt một chiếc gáo dừa mang về gọt dũa làm thành một cái
chén bằng gáo dừa để bố anh ta dùng. Đứa con trai của anh ta thấy vậy liền hỏi
lý do tại sao thì anh trả lời con rằng: Để ông nội con dùng chén này ăn cơm nếu
có run tay làm rơi cũng không bị bể.
Một hôm anh ta thấy đứa con trai của anh đang loay hoay
dùng dao chơi với một chiếc gáo dừa. Sợ con bị đứt tay anh liền ngăn cản. Khi
được hỏi tại sao làm như vậy thì được đứa con trả lời: “Con thấy bố cho ông nội
ăn cơm bằng chiếc gáo dừa để khỏi bị bể, nên con cũng chuẩn bị trước cho bố một
cái, để sau này khi bố già dùng sẽ không bị bể nếu bị run tay giống như ông nội
bây giờ!”.
3. THẢO LUẬN: Bạn sẽ làm gì để thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ ông
bà trong dịp Tết và trong thời gian sắp tới?
4. SUY NIỆM:
1) Bổn phận
thảo kính cha mẹ:
Ba ngày Tết, sau ngày Mùng Một dành Tạ Ơn Chúa xin ơn
bình an năm mới, thì ngày Mùng Hai dành để Kính nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ. Có
lẽ không ai trong chúng ta lại không biết câu thơ đã trở thành câu ca dao và
bài hát bất tử về đạo làm con: “Uống nước nhớ nguồn. Làm con phải hiểu. Công cha
như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”. Hay: “Tu đâu
cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ hơn là đi tu”…
Và chắc không ai trong chúng ta lại không biết nhạc
phẩm Lòng mẹ của cố nhạc sĩ Y Vân:
“Lòng mẹ bao la như biển thái bình…”
Với người Ki-tô hữu, ai cũng nằm lòng Mười Điều Răn,
trong đó, ba điều răn đầu tiên dành cho Chúa, ngay sau đó, điều răn thứ tư dành
cho cha mẹ. “Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ”. Người Công Giáo có tháng 11,
tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời, cũng là dịp đặc biệt nhớ về ông bà cha mẹ
đã an nghỉ. Hằng ngày, người Công Giáo tham dự Thánh Lễ luôn kính nhớ nguyện
cầu cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ: “Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an
nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt là các bậc tổ tiên,
ông bà, cha mẹ…” (Kinh Nguyện Thánh Thể).
Ngày Tết cũng là ngày hội vui của đại gia đình. Ai cũng
mong ngày Tết được đoàn tụ với người thân trong gia đình. Mọi người Việt Nam
đều muốn được đón giờ phút thiêng liêng ngày đầu xuân bên cha mẹ, ông bà và con
cháu.
2) Phương cách
tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ:
Sự hiếu thảo không chỉ được biểu lộ trong những ngày Lễ
Tết, nhưng còn phải thể hiện trong suốt thời gian sống chung với ông bà cha mẹ
trong gia đình.
Phải sống thế nào cho tròn chữ hiếu với tổ tiên ông bà
cha mẹ. Nếu cha mẹ chúng ta còn khỏe, con cái phải tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban
cho chúng ta cha mẹ là lá chắn che chở suốt đời mình.
Nếu cha mẹ già yếu, con cháu không được xem thường và coi
các ngài như gánh nặng. Hãy nói với các ngài bằng những lời thưa gởi hiếu kính,
cảm thông với những sự lẩm cẩm của các ngài và đừng bao giờ tỏ thái độ vô lễ to
tiếng cãi lại hoặc khinh thường cáu gắt với các ngài. Hãy luôn tôn trọng các
ngài vì chính các ngài cũng đã từng phải kiên nhẫn ân cần chăm sóc, cho bú mớm và
lau dọn vệ sinh khi ta còn thơ bé.
Khi cha mẹ qua đời, con cái hãy năng đọc kinh cầu nguyện,
xin lễ và làm các việc lành để các ngài sớm được về thiên đàng. Hãy lập bàn
kính nhớ tổ tiên bên cạnh và thấp hơn bàn thờ Chúa. Hãy năng đọc kinh cầu
nguyện cho ông bà cha mẹ vào giờ kinh tối gia đình hằng ngày hoặc trong những
ngày Giỗ Tết.
3) Làm gì trong
những ngày này?:
Xin đừng phụ công ơn dưỡng dục của các bậc sinh thành.
Hãy sống sao cho đúng phận làm con, vì như câu ca dao người xưa dạy:
“Công cha như núi thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn
chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
“Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó”. Chúng ta cư xử với
cha mẹ mình thế nào thì con cái của chúng ta sau này cũng sẽ đối xử với chúng
ta như vậy.
Dịp Xuân Mới, bạn sẽ mua biếu quà gì cụ thể để tỏ lòng
hiếu thảo đối với cha mẹ ông bà còn sống và những đấng bề trên đã qua đời?
5. LỜI CẦU:
Lạy Thiên Chúa là Chúa của Mùa Xuân đất trời. Xin chúc
lành cho ngày họp mặt của gia đình chúng con hôm nay. Xin liên kết mọi người
chúng con trong tình yêu của Cha. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng
con biết trân trọng giây phút xum vầy trong ngày đầu Xuân, coi đó là hồng ân
Cha ban để sống trọn tình con thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ và sống yêu thương
huynh đệ với anh chị em trong gia đình ruột thịt của chúng con. Xin cho chúng
con một Năm Mới an lành và hạnh phúc trong bàn tay quan phòng của Cha.- Amen.
LM ĐAN VINH - HHTM
MÙNG BA TẾT NGUYÊN ĐÁN
Mt 25,14-30
AI KHÔNG LÀM VIỆC THÌ CŨNG ĐỪNG ĂN !
1. LỜI CHÚA:
"Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ
kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn
trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục
vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh
Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô" (1Pr 4,10-11).
2.CÂU CHUYỆN:
SỰ TÍCH CON TRÂU ĐI CÀY
Ngày xưa, khi thế gian mới được tạo thành, Thượng Đế đã
sai một vị thần từ trời xuống trần mang theo 1 bao hạt lúa và 1 bao cỏ để gieo
trên mặt đất. Thượng Đế đã dặn đi dặn lại vị thần gieo trồng là phải gieo hạt
lúa làm thức ăn cho loài người trước rồi mới được gieo cỏ làm thức ăn cho loài
vật. Nhưng khi xuống tới trần gian, do mãi mê ngắm phong cảnh tuyệt đẹp khác lạ
ở trần gian nên thần gieo trồng đã quên lời dặn nên đã gieo cỏ trước gieo lúa.
Từ đó, cỏ không cần trồng mà vẫn mọc lên khắp nơi và thú vật không cần lao động
vẫn có dư cỏ ăn, đang khi loài người muốn có gạo phải chịu vất vả cày bừa gieo
trồng mà vẫn bị bữa no bữa đói. Thượng Đế thấy vậy liền phạt tội vị thần gieo
trồng tắc trách này phải bị hóa kiếp thành con Trâu để giúp loài người cày bừa
trước khi gieo lúa và khi nào ăn hết cỏ mới được lên thiên đường. Nhưng rồi do
cỏ mọc nhanh nên Trâu không sao ăn hết được, nên Trâu cứ phải tiếp tục chịu
cảnh vất vả cày bừa để chịu đền tội và không sao thoát được kiếp làm trâu để có
thể trở lại thiên đường.
Câu chuyện dạy chúng ta bài học: phải luôn làm việc cách
nghiêm túc và chăm chỉ để có cái ăn như câu người ta thường nói: "Tay làm
hàm nhai, tai quai miệng trễ". Hoặc như câu tục ngữ phương Tây: “Hãy làm
hết sức mình rồi trời sẽ giúp”. Tránh thái độ ở không lười biếng không chịu làm
việc mà chỉ biết ngồi “há miệng chờ sung rụng”.
3. THẢO LUÂN: 1) Thánh Kinh dạy gì về việc lao động bằng trí óc và tay
chân? 2) Mỗi tín hữu chúng ta cần làm gì trong Năm Mới này?
4. SUY NIỆM:
Có người nghĩ rằng con người làm bá chủ thiên nhiên và có
toàn quyền làm chủ trái đất mà quên rằng Thiên Chúa mới là Đấng sáng tạo và làm
chủ vũ trụ vạn vật. Tin mừng Gio-an đã cho biết về công trình Thiên Chúa tạo
dựng và cứu chuộc như sau: “Lúc khởi đầu, đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về
Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên
Chúa, nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì
được tao thành” (Ga 1,1-3). Hôm nay, Hội Thánh muốn các tín hữu hiểu biết giá
trị của công việc tạo dựng của Thiên Chúa và dạy chúng ta phải tích cực cộng
tác với Thiên Chúa để góp phần hoàn thiện thiên nhiên như Chúa đã tự nhủ khi
sáng tạo nên loài người: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta,
giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã
thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,26).
1) Loài người
được trao quyền làm chủ thiên nhiên:
Sau khi sáng tạo trời đất, Thiên Chúa đã trồng một vườn
cây ở Ê-đen về phía Đông, và đặt vào đó con người do ngài dựng nên… “Thiên Chúa
khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây, trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường
sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác” (St 2,9). Như vậy, Thiên
Chúa không muốn con người ở không, nhưng đòi họ phải làm việc. Bởi vì: “Nhàn cư
vi bất thiện”. Từ đây con người phải làm việc theo thánh ý Thiên Chúa và chỉ
làm việc thành công khi biết cậy dựa vào ơn Chúa giúp như tác giả Thánh Vịnh đã
viết: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127,1).
2) Gương sáng
lao động của thánh gia Na-da-rét:
Khi xuống thế làm người, Đức Giê-su đã được sinh ra trong
một gia đình lao động nghèo khó tại làng Na-da-rét: Cha nuôi của Người là ông
Giu-se hành nghề thợ mộc, còn mẹ đẻ là bà Ma-ri-a thì chăm lo công việc nội trợ
phục vụ chồng con. Riêng trẻ Giê-su thì ngoan ngoãn hiếu thảo vâng lời cha mẹ
(x. Lc 2,51), chia sẻ nỗi vất vả của cha mẹ, luôn qui hướng mọi việc theo thánh
ý Chúa Cha (x. Lc 22,41), và làm vui lòng Ngài (x. Lc 2,46; Ga 4,34).
Trong khi đi giảng đạo, Đức Giê-su đã đi khắp nơi rao
giảng Tin Mừng Nước Trời, kèm theo việc chữa lành mọi thứ tật bệnh. Người đặt
nặng công việc phục vụ hơn là giữ Luật Mô-sê. Do đó Người đã chữa bệnh trong
ngày sa-bát là ngày bị Luật cấm làm việc. Người đã trả lời cho các đầu mục Do
thái như sau: "Ngày sa-bát được làm ra vì con người, chứ không phải con
người vì ngày sa-bát” (Mc 2,27-28). Đức Giê-su cũng khẳng định vai trò ngang
hàng với Thiên Chúa trong công việc như sau: “Cho đến nay Cha tôi vẫn làm việc,
thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).
3) Phải chăm
chỉ làm việc để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân:
Tin Mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn của Đức Giê-su về
những nén bạc nhằm dạy môn đệ phải cộng tác để làm lợi thêm các nén bạc vật
chất tinh thần được Chúa trao phó như sau:
Có một ông chủ sắp đi xa liền gọi các đầy tớ đến mà trao
phó tài sản của ông: người này năm nén, người kia ba nén, người khác một nén
tùy khả năng mỗi người. Điều ông muốn nơi các đầy tớ là sự chăm chỉ làm việc
theo ý của ông và không chấp nhận sự lười biếng. Khi ông chủ trở về và đòi các
đầy tớ tính sổ: người đã lãnh năm nén ba nén bạc đều đã làm lợi thêm gấp đôi
nên được chủ khen thưởng. Trái lại, người lãnh một nén do bất tín và biếng nhác
đã mang nén bạc của chủ đi chôn vì sợ bị phạt thay vì yêu mến làm lợi thêm cho chủ.
Cuối cùng anh ta đã bị mất tất cả những gì đang có.
4) “Ai không
chịu làm thì cũng đừng ăn!” :
Thời Giáo Hội sơ khai, tông đồ Phao-lô nghe biết có một
số tín hữu ở Thê-xa-lô-ni-ca lười biếng làm việc vì nghĩ rằng sắp đến ngày tận
thế, ngài đã viết thư khuyên họ như sau: "Khi còn ở với anh em, chúng tôi
đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi
nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà
việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và
khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân. Phần anh
em, hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí!” (2 Tx 3,10-13). Rồi khi từ biệt
các tín hữu ở Ê-phê-sô, Phao-lô đã chia sẻ kinh nghiệm về sự làm việc như sau:
"Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống
với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp
đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời
Chúa Giê-su đã dạy: Cho thì có phúc hơn là nhận." (Cv 20,33-35).
5) Chúng ta
phải làm gì?
Trong Kinh Tiền Tụng Thánh lễ Mùng Ba Tết, Hội Thánh đã
ca tụng Thiên Chúa như sau: "Cha còn sai Con Một giáng trần, để chia sẻ
thân phận người lao động và thực hiện chương trình cứu độ muôn dân. Quả vậy,
Người đã bắt chước Cha hoạt động không ngừng, nêu gương cho chúng con biết
chuyên cần làm việc, không những để no cơm ấm áo, và góp phần xây dựng xã hội
loài người mà còn để làm trạng Danh Cha, và mở rộng Nước Trời ngay tại thế ".
Ông Tê-tu-li-a-nô dạy người tín hữu phải làm mọi việc với
tinh thần đức Tin như sau: “Dù khi thức dậy hay đi ngủ, dù khi ăn hay khi
làm một việc gì quan trọng, hãy bắt đầu bằng dấu thánh giá”. Thánh Phao-lô đã
khuyên các tín hữu phải làm mọi sự để qui hướng về Thiên Chúa: “Vậy, dù ăn, dù
uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1
Cr 10,31). Mỗi người chúng ta hãy làm việc theo đúng luật và phù hợp với thánh
ý Thiên Chúa khi sử dụng những gì Chúa trao như: Sự sống, thời gian, tài năng,
của cải, con cái... và cần ý thức rằng: chúng ta sẽ phải trả lẽ trước tòa phán
xét sau này.
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa. Trong cuộc sống hằng ngày, đôi lúc chúng con
vẫn còn có thái độ lười biếng, chưa tích cực cộng tác với Chúa để chu toàn
nhiệm vụ được Chúa và Hội Thánh trao phó. Chúng con cũng thường hay kêu trách
Chúa khi cầu xin những điều chúng con nghĩ là tốt mà không được như ý. Xin Chúa
giúp chúng con biết sử dụng những gì ở trong tầm tay để phục vụ Chúa và tha
nhân. Xin cho chúng con sau này được Chúa cho vào Nước Trời hưởng Tôn nhan Chúa
đến muôn đời.- Amen.
LM ĐAN VINH -
HHTM