CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN

Chúa Giê-su là ai?

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 49:3, 5-6; 1 Cr 1:1-3;  Ga 1:29-34)

          Chúng ta đã bước vào mùa Thường niên của năm phụng vụ từ tuần trước với lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa.  Mùa Thường niên là thời gian chúng ta suy niệm về mầu nhiệm Chúa Ki-tô, thể hiện qua sứ vụ rao giảng Tin Mừng Nước Trời và các phép lạ Người làm.  Trước khi chiêm ngưỡng mầu nhiệm ấy mỗi ngày trong mùa Thường niên (34 tuần lễ), chúng ta phải biết Chúa Giê-su là ai.  Mặc dù Chúa Cha đã giới thiệu Con Yêu Dấu của Người với chúng ta, nhưng đó cũng là lời mời gọi chúng ta hãy biết Chúa Giê-su rõ hơn, để yêu mến Người nồng nàn hơn và phụng sự Người tích cực hơn.  Với ba bài đọc, chúng ta có ba bức chân dung về Chúa Giê-su.

          1.  Chúa Giê-su là người Tôi Trung được Thiên Chúa đặt làm ánh sáng muôn dân, để đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất (bài đọc 1).  Có một điều thật thích thú là hình ảnh người Tôi Trung của Thiên Chúa được lập đi lập lại nhiều lần, không chỉ trong mấy Chúa Nhật mùa Chay trước cuộc Thương khó của Chúa Giê-su, mà ngay trong mùa Vọng, hình ảnh ấy cũng được ám chỉ về Người nữa.  Vậy nhắc lại như thế, Phụng vụ Lời Chúa muốn nhấn mạnh đến điều gì nơi Chúa Giê-su?  Đức tính nổi bật của người Tôi Trung là nhân từ và trung thành.  Đúng vậy, Chúa Giê-su vốn dĩ đồng hàng với Thiên Chúa, nhưng đã vâng lời xuống thế làm người phàm để thực hiện kế hoạch cứu độ như Thiên Chúa muốn.  Người đã biểu lộ lòng nhân từ của Thiên Chúa khi thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng.  Người đã hằng trung thành với sứ mệnh, không làm theo ý riêng, nhưng luôn theo ý Chúa Cha, “vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá”.  Chính sự khiêm nhường, vâng lời và trung thành của Chúa Giê-su đã trở thành “ơn cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng cõi đất”.  Sự khiêm nhường và vâng lời của Chúa Giê-su đã chuộc lại sự kiêu căng và bất tuân của A-dong và E-va.  Sự trung thành làm theo ý Chúa Cha của Chúa Giê-su đã chuộc lại việc A-đam không nghiêm túc tuân giữ  điều Thiên Chúa đã giao ước với ông.  Đó là cách Chúa Giê-su đem ơn cứu độ đến mọi người mọi nơi và mọi thời, vì Người không chỉ cứu độ dân riêng là Do-thái, mà còn cứu độ “muôn dân đến tận cùng cõi đất” nữa.

          2.  Bức chân dung thứ hai của Chúa Giê-su được thánh Phao-lô trình bày dưới hình thức suy tư thần học:  Đức Giê-su Ki-tô là Chúa (bài đọc 2).  Vậy đâu là điểm cốt lõi bức chân dung này muốn nói lên?  Phao-lô trả lời:  trong Đức Ki-tô là Chúa, hết mọi người được kêu gọi làm dân thánh.  Nói khác đi, Chúa Ki-tô là điều kiện để Thiên Chúa đón nhận tất cả những ai kêu cầu danh Chúa Ki-tô thì sẽ được làm con cái Người.  Mà “kêu cầu danh Chúa” là gì, nếu không phải là đón nhận Tin Mừng Người rao giảng và sống những giá trị Tin Mừng của Người?  Cho nên Chúa Ki-tô là chính ơn cứu độ, hoặc theo cách hiểu của thánh Phao-lô, Người là “ân sủng và bình an” Thiên Chúa ban cho ta:  Ân sủng là được Người cứu độ và bình an là được hòa giải với Người.

          3.  Tuy nhiên bức chân dung sống động nhất về Chúa Giê-su là bức chân dung được thánh Gio-an Tẩy Giả giới thiệu:  Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”.  Trong lịch sử dân Chúa, chiên là con vật dân Do-thái đem giết xế chiều trước ngày Vượt qua và theo lệnh Thiên Chúa họ phải lấy máu bôi trên cửa nhà, để đêm ấy thấy máu chiên Người sẽ vượt qua và không sát hại các con đầu lòng người Do-thái.  Máu ấy không những cứu mạng dân Do-thái, mà còn giúp họ được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai-cập.  Giờ đây, giới thiệu Chúa Giê-su là “Chiên Thiên Chúa”, thánh Gio-an ám chỉ đến cuộc Vượt qua vĩ đại Chúa Giê-su thực hiện để giải thoát toàn thể nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi.  Sứ mệnh của Chiên Thiên Chúa là “xóa bỏ tội trần gian” trước hết bằng cách kêu gọi người ta sám hối và tin vào Tin Mừng khi Người thi hành sứ vụ.  Cuối cùng là Người bằng lòng chịu chết trên thập giá để đền bù tội lỗi nhân loại và giải hòa nhân loại với Thiên Chúa.  Có nhiều người vẫn chưa tin lời giới thiệu của ông Gio-an và muốn coi ông mới là người giúp họ xóa bỏ tội lỗi mình.  Nhưng ông Gio-an đã khiêm nhường nhìn nhận địa vị của Chúa Giê-su.  Hơn thế nữa, ông còn làm chứng:  “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người”.  Thực ra Thánh Thần làm chứng cho con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su, còn Gio-an chỉ có thể làm chứng rằng chính mắt ông “đã thấy” Chúa Thánh Thần ngự trên Chúa Giê-su, để ông có thể xác tín “Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Qua các bài đọc hôm nay, chúng ta đã biết được Chúa Giê-su là Đấng nào và sứ mệnh của Người là gì.  Tuy nhiên chúng ta không nên dừng lại ở cái biết nông cạn qua những thông tin trí óc, mà phải đi vào cái biết của trái tim.  Nói khác đi, chúng ta cần phải “kêu cầu danh Chúa”, nghĩa là phải tin vào Người, đón nhận lời giảng Tin Mừng của Người và phát huy một mối tương quan mật thiết với Người.  Sống trong mối tương quan ấy, chúng ta sẽ để cho mọi sự thuộc về Chúa Giê-su ảnh hưởng trên đời sống chúng ta.  Chúng ta sẽ suy nghĩ theo lối suy nghĩ của Người, sẽ hành động theo cách Người hành động.  Đặc biệt chúng ta sẽ trả lời câu hỏi của Chúa:  “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”  Ước gì chúng ta cùng thánh Phê-rô thưa với Chúa rằng:  “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16)!                      

 

          Lm. Đa-minh Trần đình Nhi      


Suy Niệm Lời Chúa Năm A