CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN
Từ Ca-phác-na-um, Chúa Giê-su xuất phát thi hành sứ vụ
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Is 8:23b – 9:3; 1 Cr 1:10-13,
17; Mt 4:12-23)
Sau những năm tháng sống ẩn dật tại
Na-da-rét, Chúa Giê-su chịu phép rửa của ông Gio-an và từ nay Người dấn thân
thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Đây
là một sứ mệnh cao cả đòi hỏi người thi hành phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Vậy Chúa Giê-su đã chuẩn bị như thế nào? Trước hết Chúa lựa chọn một địa điểm xuất
phát, đó là Ca-phác-na-um miền Ga-li-lê.
Lý do chọn địa điểm này đã được ngôn sứ I-sai-a tiên báo (bài đọc
1). Sau đó, Chúa Giê-su kêu gọi một số môn
đệ sẽ được chính Người huấn luyện (bài Tin Mừng) để họ đi theo Người và tiếp tục
sứ mệnh của Người sau này. Chúa cũng kêu
gọi chúng ta hôm nay làm môn đệ Người và sai đi rao giảng Tin Mừng, giống như
Người đã sai thánh Phao-lô đến với dân ngoại (bài đọc 2).
Chọn
Ca-phác-na-um làm trung tâm truyền giáo tiên khởi. Có lẽ chúng ta thắc mắc tại sao Chúa Giê-su
không chọn Giê-ru-sa-lem hay một thành nổi tiếng khác mà lại chọn Ca-phác-na-um
làm nơi xuất phát truyền giáo. Trước hết
chúng ta hãy theo dấu chân Chúa sau khi Người chịu phép rửa của ông Gio-an. Người lui vào hoang địa và chịu ma quỷ cám dỗ. Sau đó, nghe tin ông Gio-an bị bắt, Người
“lánh qua miền Ga-li-lê” về lại Na-da-rét, rồi Người rời Na-da-rét đến ở
Ca-phác-na-um, để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a tiên báo về Ga-li-lê. Vậy ngôn sứ báo trước rằng tại Ga-li-lê,
“đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ
đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”. Miền Ga-li-lê là hình ảnh ám chỉ thế giới của
những kẻ tội lỗi và phải chết. Vì thế,
khi Chúa Giê-su xuất hiện để đem nhân loại ra khỏi cảnh tối tăm của tội lỗi và
khỏi vùng bóng tối của sự chết, thì Người chính là ánh sáng huy hoàng và ánh
sáng bừng lên chiếu rọi. Thế là tại
Ca-phác-na-um, ngay giữa Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại, Chúa Giê-su bắt đầu sứ
vụ rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy
sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Người
làm như thế là “để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói”.
Sau khi đã chọn nơi xuất phát và bắt đầu rao giảng, Chúa Giê-su nhìn tới
con đường lâu dài, nên Người nhận thấy một việc khác cần phải làm, là kêu gọi môn đệ. Ca-phác-na-um và vùng lân cận đâu phải là đất
văn vật, nên làm gì có kẻ học rộng tài cao.
Thôi thì có gì xài nấy. Hơn nữa,
công việc rao giảng Tin Mừng không đòi phải có những người tài giỏi, mà cần những
người nhiệt thành và trung kiên. Cho nên
những người đầu tiên “lọt mắt xanh” của Chúa là những người địa phương làm nghề
đánh cá gồm hai cặp anh em là Si-môn và An-rê, Gia-cô-bê và Gio-an. Chúa chỉ đòi hỏi họ làm một điều là hãy đi
theo Người, rồi mọi sự sau đó để Người lo.
Họ sẽ lên đường cùng với Người, quan sát và học hỏi trực tiếp với Người. Cuộc huấn luyện “tại chỗ” quả thực tuyệt vời,
vì nó không chỉ trao lại những kinh nghiệm của ông thầy, mà còn tạo mối tương
quan thầy trò mật thiết nữa. Kết quả sau
này cho ta thấy rõ tài của Chúa Giê-su “làm cho họ thành những kẻ lưới người
như lưới cá”! Tới đây, chúng ta lại thấy
Mát-thêu lập lại điệp khúc: Thế rồi Chúa
Giê-su “đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng
và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân”.
Đúng vậy, Người đã bắt đầu tại
Ca-phác-na-um, rồi từ đây Người đi khắp miền Ga-li-lê để thi hành sứ vụ. Lộ trình của việc thi hành sứ vụ bắt đầu từ
Ca-phác-na-um đến khắp miền Ga-li-lê và còn đi xa mãi cho đến khi dừng lại trên
đồi Can-vê tại Giê-ru-sa-lem. Trên con
đường truyền giáo ấy, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, Chúa Giê-su luôn trung
thành và vâng lời Chúa Cha để khởi sự, ra đi, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, chữa
lành, và cuối cùng chấp nhận cái chết khổ nhục trên thập giá.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Ngôn sứ I-sai-a và thánh sử Mát-thêu vừa
kể lại cho chúng ta nghe những ngày đầu Chúa Giê-su thi hành sứ mệnh. Bây giờ đến lượt thánh Phao-lô dạy chúng ta tiếp tục sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của
Chúa Giê-su như thế nào. Phao-lô đã có rất
nhiều kinh nghiệm truyền giáo và rao giảng Tin Mừng. Thành công đã nhiều, nhưng thất bại cũng
không ít. Phao-lô nhìn bổn phận của
Ki-tô hữu rao giảng Tin Mừng cách rất thực tế, không phải bằng tài ăn nói trình
bày, nhưng họ phải tạo thành một cộng đoàn “nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng
nói, và đừng để có sự chia rẽ, nhưng sống hòa thuận, một lòng một ý với
nhau”. Thực hiện được như vậy, Ki-tô hữu
sẽ để lại cho những người chưa nhận biết Chúa và chưa được nghe Tin Mừng một
câu hỏi lớn lao: Có điều gì đặc biệt nơi
người Ki-tô hữu giúp họ có được một cộng đoàn tuyệt vời như vậy? Chắc chắn ở đây thánh Phao-lô đã học được bài
học của cộng đoàn Ki-tô tiên khởi Giê-ru-sa-lem và đem áp dụng cho anh chị em
tín hữu Cô-rin-tô. Tại Giê-ru-sa-lem,
dân chúng ngạc nhiên khi thấy các Ki-tô hữu thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, để rồi
nhờ vậy có rất nhiều người đã trở lại đạo (Cv 2:42-47). Bản thân thánh Phao-lô đã có kinh nghiệm rao
giảng Tin Mừng không phải bằng lời lẽ khôn khéo như tại Athêna, Hy-lạp (Cv
17:22-34), nhưng bằng lối sống Ki-tô hữu đích thực là bác ái yêu thương. Do đó, ngài mới khuyên tín hữu Cô-rin-tô như
vậy. Với chúng ta hôm nay, hãy tự hỏi: Tôi bắt đầu rao giảng ở đâu và phải rao giảng
thế nào?
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi