CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN
Yêu thương kẻ thù là
nét độc đáo của con cái Thiên Chúa
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Lv 19:1-2, 17-18; 1 Cr 3:16-23;
Mt 5:38-48)
Nếu nói yêu tha nhân là đặc điểm của
Ki-tô giáo thì không hẳn đúng, vì nhiều tôn giáo khác cũng chủ trương giống như
vậy. Nhưng nếu nói yêu kẻ thù là nét độc
đáo của Ki-tô giáo thì quả thực đúng như vậy.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày diễn tiến giáo lý tình yêu từ đạo
Do-thái tới đạo Ki-tô, hay nói khác đi, từ tình yêu đồng loại tới yêu thương kẻ
thù. Bài đọc trích sách Lê-vi nhấn mạnh
đến yêu thương đồng bào mình, trong khi lời giảng của Chúa Giê-su đã vượt ranh
giới đồng bào để mở rộng yêu thương đến kẻ thù địch với chúng ta, một đột phá
mà ngay chúng ta cũng thấy khó chấp nhận.
Tuy nhiên, thánh Phao-lô đã mách bảo chúng ta một phương thức thực tế
không những giúp chúng ta chấp nhận giáo lý yêu thương kẻ thù, mà còn hăng say
noi gương Chúa Giê-su, Đấng đã chết để cứu độ những kẻ tội lỗi là kẻ thù của
Thiên Chúa nữa.
1.
Giáo lý yêu thương đồng bào trong
Lề Luật Mô-sê. Sách Lê-vi đã diễn giải
việc yêu đồng loại như thế nào? Trước hết
đoạn Cựu Ước trích lời Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa,
Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh”.
Ở đây Lời Chúa muốn nhắc nhở dân Do-thái rằng: vì Thiên Chúa là Đấng Thánh đã yêu thương
Ít-ra-en dân Người, cho nên dân Chúa muốn nên thánh thì họ cũng phải yêu thương
đồng loại của họ. Đó là nguyên lý của
yêu thương. Để giải thích nguyên lý này,
Thiên Chúa đưa ra vài thí dụ cụ thể, như không được để lòng ghét người anh em,
không được trả thù, không được oán hận đồng bào mình. Có lẽ chúng ta thắc mắc tại sao ở đây Thiên
Chúa không nhắc đến việc yêu thương kẻ thù, mà chỉ dừng lại ở việc yêu thương đồng
bào thôi. Chúng ta biết luật lệ thường
phải thích nghi với hoàn cảnh của cộng đồng.
Trong buổi phôi thai của lịch sử Ít-ra-en, để củng cố một cộng đồng vững
chắc, luật yêu thương cần chú trọng đến những người đồng bào của họ. Trong thời kỳ nguyên thủy, nếu cộng đồng dân
Chúa biết yêu thương nhau, khác với những cộng đồng chung quanh, thì đó cũng là
một tiến triển quan trọng rồi. Tuy nhiên
điểm làm cho tình đồng bào Ít-ra-en vượt xa các dân tộc khác chính là họ nhận
thức được rằng tình đồng bào của họ phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa là Đấng
Thánh. Do đó thánh thiện và yêu thương
khác nào như hai mặt của một đồng tiền vậy.
2.
Bước sang giáo lý yêu thương kẻ
thù của Luật Tân Ước. Tình yêu đồng
bào Ít-ra-en tuy phản ánh tình yêu Thiên Chúa, nhưng vẫn chưa nói lên hết được
đặc điểm tình yêu của Người. Chúng ta phải
đợi cho đến lúc Chúa Giê-su mặc khải trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa cho chúng ta
biết khi Người dạy: “Còn Thầy, Thầy bảo
anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho
những kẻ ngược đãi anh em”. Ở đây chúng
ta có cảm tưởng Chúa Giê-su muốn giải nghĩa thêm về việc Người không đến để bãi
bỏ Lề Luật, nhưng để kiện toàn. Chúa
trưng ra hai thí dụ cho thấy đâu là sự kiện toàn Lề Luật: thứ nhất là việc trả thù, thứ hai là vấn đề
yêu đồng loại và ghét kẻ thù. Lề Luật Mô-sê
cho phép trả thù, mắt đền mắt, răng đền răng.
Rồi Lề Luật cũng dạy: hãy yêu đồng
loại và hãy ghét kẻ thù. Nhưng “Còn Thầy,
Thầy bảo anh em”, cụm từ này nhấn mạnh đến sự trổi vượt của giáo lý Đức
Ki-tô. Chẳng những trổi vượt mà còn đưa
giáo lý yêu thương lên một cấp độ của Thiên Chúa, Đấng “cho mặt trời của Người
mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công
chính cũng như kẻ bất chính”. Đúng vậy,
Chúa Giê-su đã kiện toàn luật yêu thương khi Người dạy ta phải yêu thương cả kẻ
thù của ta nữa. Người ngoại và những người
thu thuế yêu kẻ yêu họ và ghét kẻ ghét họ.
Nếu ta chỉ yêu thương theo cách người ngoại và thu thuế, thì ta có khác
gì đâu! Đã có lần Chúa Giê-su nhắc nhở: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các
kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”, thì ở đây Người
cũng muốn nhắc ta: Nếu anh em không yêu
thương khác với cách yêu thương của người đời, thì anh em đâu phải là con cái
Thiên Chúa. Điểm vô cùng thích thú là
Chúa Giê-su đã kết luận về luật yêu thương kẻ thù bằng một nguyên lý tuyệt vời:
“Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. Chúa Giê-su đã lập lại cùng một nguyên lý như
ta đã thấy trong đoạn sách Lê-vi: “Các
ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng
Thánh”. Tóm lại, sự thánh thiện của
Thiên Chúa phải là nguyên lý để chúng ta sống yêu thương, không chỉ yêu đồng loại
mà còn phải yêu thương kẻ thù nữa.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Yêu thương kẻ thù là điều hầu như
không thể thực hiện nổi theo khả năng chúng ta.
Nhưng chúng ta không thể tự mình làm được điều này thì Chúa sẽ giúp
chúng ta làm được với điều kiện duy nhất, đó là hãy “thuộc về Đức Ki-tô”, điều
mà thánh Phao-lô đã trình bày với tín hữu Cô-rin-tô (bài đọc 2). Ý của vị tông đồ dân ngoại là chúng ta hãy
theo đường lối yêu thương của Chúa Ki-tô.
Chúa không những “dạy” ta yêu thương kẻ thù, mà Người còn “thực hành” điều
Người dạy ta nữa. Bởi vì “Đức Ki-tô thuộc
về Thiên Chúa”, nên Người đã tha thứ khi bị đóng đinh vào thập giá, một cử chỉ
cuối cùng nói lên lòng yêu thương kẻ thù của Người,. Vậy chúng ta có muốn “thuộc về” Đức Ki-tô và
làm con cái Thiên Chúa không?
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi