LỄ CHÚA BA NGÔI

Đầy tràn ân sủng, tình yêu và ơn hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Xh 34:4b-6, 8-9;  2 Cr 13:11-13;  Ga 3:16-18)

          Mùa Thường niên sau Phục Sinh là thời gian dài để ta suy niệm về con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su, Đấng thực hiện kế hoạch cứu độ của Chúa Cha trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.  Có lẽ đây là lý do để Phụng vụ của Giáo Hội dành chỗ đứng cho lễ kính Thiên Chúa Ba Ngôi vào ngay sau khi kết thúc mùa Phục Sinh.  Nói khác đi, trong khoảng 27 tuần lễ còn lại của mùa Thường niên, Phụng vụ Lời Chúa trình bày lời giảng và những phép lạ của Chúa Giê-su khi Người thi hành sứ mệnh mặc khải ân sủng, tình yêu và ơn hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa.  Đặc biệt thánh Phao-lô đã nói lên chân lý này trong lời ngài cầu chúc cho tín hữu Cô-rin-tô:  “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Thánh Thần.  A-men”.

          1.  Thiên Chúa nhân hậu và từ bi.  Trong tương quan với ông Mô-sê, Thiên Chúa cứ dần dần mặc khải cho ông biết về Người.  Trước hết đó chỉ là những danh hiệu, thí dụ Đức Chúa, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp.  Dần dần các đặc tính của Người được biểu lộ.  Lần thứ nhất, ông Mô-sê lên núi gặp Thiên Chúa và lãnh nhận hai bia đá ghi khắc các điều răn của Chúa (Xh 19).  Xuống núi, ông thấy dân chúng đang tưng bừng bái lạy ngẫu tượng là con bê đúc bằng vàng.  Ông quá giận và vung tay ném vỡ hai tấm bia Chứng Ước.  Rồi ông lại lên núi, tay mang hai bia đá bị đập vỡ và cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho dân.  Ông còn cầu khẩn: “Xin khấng tỏ cho con biết đường lối của Ngài, để con biết Ngài, và được nghĩa với Ngài.  Thiên Chúa đã nhậm lời và Người hiện ra với Mô-sê, nhưng không cho ông thấy Tôn Nhan, mà chỉ thấy “lưng” của Người (Xh 33:18-23)!  Mô-sê không được thấy tôn nhan Thiên Chúa, nhưng được nghe tiếng Chúa phán:  “Đức Chúa!  Đức Chúa!  Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín”.  Đó là những nét mô tả bản tính Thiên Chúa.  Thiên Chúa ấy đã “cùng đi” với Mô-sê và dân Ít-ra-en.  Thánh Phao-lô cũng lập lại điều này trong thư của ngài:  “Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em”.  Thiên Chúa nhân hậu ở cùng Ít-ra-en thế nào, thì Người cũng ở với chúng ta như vậy!

          2.  Ân sủng của Chúa Ki-tô và ơn hiệp thông của Thánh Thần.  Đây là những đề tài cốt lõi trong thần học của thánh Phao-lô.  Thiên Chúa Cha là Đấng phác họa việc cứu độ như là “kế hoạch yêu thương”.  Kế hoạch được thực hiện nhờ Chúa Ki-tô, nên Chúa Ki-tô trở thành Ân Sủng Thiên Chúa ban cho chúng ta.  Ân Sủng này là “nguồn sung mãn” của Thiên Chúa, nhờ đó “tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1:16).  Song song với việc Đức Ki-tô thực hiện kế hoạch cứu độ là “ơn hiệp thông” của Thánh Thần.  Sự hiệp thông trước hết là sinh hoạt nội tại của ba ngôi Thiên Chúa.  Chúa Thánh Thần là chính sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con, là tình yêu liên kết Ngôi Cha với Ngôi Con, đến độ mọi sự Chúa Con nói và làm đều là dưới sự hướng dẫn của Ngôi Ba Thánh Thần.  Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần còn liên kết mỗi linh hồn với Thiên Chúa nữa, đặc biệt là với Chúa Giê-su và Tin Mừng của Người.  Nhờ Thánh Thần mà ta được phúc gọi Thiên Chúa là “Áp-ba! Cha ơi!” (Rm 8:15; Gl 4:6) và Người giúp ta biết cầu nguyện sao cho đúng (Rm 8:26).  Nhờ ơn hiệp thông này, chúng ta sẽ mỗi ngày một nên giống Chúa Ki-tô hơn và tiến triển trong sự thánh thiện.

          3.  Thiên Chúa yêu thế gian.  Ông Ni-cô-đê-mô là một “thủ lãnh của người Do-thái” và “bậc thầy trong dân Ít-ra-en”.  Hôm nay trong cuộc tiếp xúc với Chúa Giê-su, ông được Người mặc khải cho biết kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, là:  “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”.  Ở đây Chúa Giê-su nói về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại.  Vậy mà “bậc thầy” Ni-cô-đê-mô vẫn chẳng hiểu gì cả!  Vì thế Chúa mới phải giải thích thêm:  “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”!  Như thế đã rõ ràng chưa, hả ông Ni-cô-đê-mô?  Chúa Giê-su ca tụng tình yêu Thiên Chúa thật tuyệt vời, một tình yêu quảng đại không bờ bến, đến nỗi Chúa Cha ban tặng Con Một là những gì quý giá nhất của mình.  Chỉ có tình yêu vô cùng quảng đại và vô điều kiện mới cứu độ được nhân loại tội lỗi là chúng ta thôi.  Cảm tạ và chúc tụng Chúa!

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Có nhiều cách để chúng ta sống Lời Chúa hôm nay.  Trước hết chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Ba Ngôi khi làm dấu Thánh giá.  Ta cố gắng làm dấu Thánh giá cách nghiêm chỉnh và tôn kính chứ đừng “đuổi ruồi” cho xong chuyện!  Chúng ta đáp lại tình yêu Thiên Chúa qua việc cộng tác với ơn cứu độ khi cố gắng để Ân Sủng Ki-tô và ơn Hiệp thông của Thánh Thần biến đổi ta mỗi ngày một chút, để ta có thể đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô.  Như ông Mô-sê, ta hãy để Thiên Chúa “cùng đi” với ta trên đường trần gian mà tiến về thiên quốc.  Rồi để Chúa sẽ ở cùng ta, ta hãy “đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hòa” với nhau.  Ân sủng, tình thương và sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi lúc nào cũng “đầy tràn”.  Bổn phận của ta là phải làm sao cho sự tràn đầy ấy được biểu lộ trong lối sống của những người tin vào mầu nhiệm này.

          Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A