CHÚA NHẬT 10 THƯỜNG NIÊN
LỄ CHÚA BA NGÔI A
Xh 34,4b-6.8-9 ; 2 Cr 13,11-13 ; Ga 3,16-18
YÊU THƯƠNG HIỆP NHẤT NOI GƯƠNG CHÚA BA NGÔI
I. HỌC LỜI
CHÚA
1. TIN MỪNG:
Ga 3,16-18
(16) Thiên
Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người
thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (17) Quả vậy, Thiên
Chúa sai Con Một của Người đến thế gian, không phải để lên án thế
gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ. (18) Ai
tin vào Con của Người, thì không bị lên án, nhưng kẻ không tin, thì bị
lên án rồi, vì đã không tin vào danh Con Một Thiên Chúa.
2. Ý CHÍNH:
Tin Mừng lễ Chúa Ba Ngôi trích trong cuộc đàm
thoại ban đêm giữa Đức Giê-su với ông Ni-cô-đê-mô về ơn cứu độ. Sau khi
cho ông biết điều kiện để được cứu độ là phải tái sinh bởi nước và
Thánh Thần, Đức Giê-su đã mặc khải về tình yêu của Thiên Chúa: Thiên
Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để chịu chết đền tội thay cho
thế gian (14-16). Ai tin vào Người Con ấy thì sẽ được cứu độ (17-18).
3. CHÚ THÍCH:
- C 16: + Thiên Chúa đã yêu: Đây là một chân lý mặc khải mới mẻ, vì truyền
thống Do thái trước đó chỉ nói đến Thiên Chúa yêu thương Ít-ra-en là
con dân của Người, chứ không nói đến việc Người còn yêu cả thế gian,
không phân biệt chủng tộc, quốc gia, màu da hay tiếng nói nữa. +
Thế gian: chỉ chung toàn thể vũ trụ mà nhân loại là thành phần
quan trọng nhất. Thế gian trong câu này ám chỉ đối tượng được Thiên
Chúa yêu thương (x. Ga 3,16), nhưng ở câu khác lại ám chỉ bọn đầu mục dân
Do thái là những kẻ thù ghét Đức Giê-su (x. Ga 12,31; 1 Ga 2,16-17). + Con
Một của Người: Trong kinh tin kính, Giáo Hội dạy các tín hữu
tuyên xưng đức tin “tôi tin kính Đức Giê-su Ki-tô là Con Một Đức Chúa Cha…
được sinh ra từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa,
ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được
sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha
(x. 2 Sm 7,12-16; Mt 3,13-17). Như vậy Đức Giê-su có hai bản tính là tính
Thiên Chúa và tính loài người, nhưng Người chỉ có một Ngôi Vị là Ngôi
Con hay Ngôi Lời. Việc ban Con Một để cứu độ thế gian là dấu chứng rõ
ràng nhất biểu lộ tình yêu tột đỉnh của Thiên Chúa đối với thế gian
(x. 1 Ga 4,9-10). + Ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết: Niềm tin
vào Ngôi Con là điều kiện cần để được ơn cứu độ và được sống muôn
đời.
- C 17: + Không phải để lên án thế gian: Sứ mệnh của Con Thiên Chúa đến thế gian không
phải để kết án nhưng để cứu chuộc thế gian (x. 1 Ga 4,14). +
Tại sao nơi khác Đức Giê-su lại phán: “Tôi đến thế gian này chính là
để xét xử, cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại
nên đui mù” (Ga 9,39) ?: Thực ra điều Thiên Chúa muốn là sai Con
Một đến để ban ơn cứu độ cho thế gian. Nhưng thế gian có nhận được ơn
cứu độ đó hay không tùy theo thái độ đáp trả của họ là tin nhận hay
từ chối Người. Chính do sự lựa chọn này mà thế gian sẽ được xét xử: Tin
nhận Chúa Giê-su thì được cứu, nghĩa là được ơn tha tội, được giao
hòa với Chúa Cha và được sống muôn đời. Giống như người mù dù không xem
thấy, thì nhờ tin Chúa Giê-su lại được xem thấy. Còn ai từ chối Chúa
Giê-su là đã tự lên án chính mình, tự loại mình ra khỏi ơn cứu độ của
Người, giống như các đầu mục Do thái, tuy sáng mắt nhưng do không tin Đức
Giê-su là Đấng Thiên Sai, nên lại trở thành kẻ đui mù.
- C 18: + Ai tin vào Con của Người thì không
bị kết án: Tin ở đây không phải chỉ bằng
lời nói “Lạy Chúa, Lạy Chúa !”, nhưng bằng việc làm theo thánh ý Thiên
Chúa, biểu lộ qua sự thực hành lời Chúa Giê-su dạy” (x. Mt 7,21.24). Thánh
Phao-lô cũng nói: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và
lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết,
thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng mới được
nên công chính, có xưng ra ngoài miệng mới được ơn cứu độ… Vì tất cả
những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát” (x. Rm 10,9-10.13). +
Nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi: Sứ mệnh của Đức Giê-su
là ban sự sống, ban ơn cứu độ cho những ai tin Người. Ai cố tình không
chấp nhận Ngôi Lời Nhập Thể, tức là không tin vào Danh Con Một Thiên
Chúa (x Ga 6,64), là đã tự loại mình ra khỏi ơn cứu độ, đồng nghĩa
với việc tự kết án chính mình. + Vì đã không tin vào Danh của Con Một
Thiên Chúa: Con Một Thiên Chúa là Chúa Giê-su (x. Ga 2,23; 1 Ga
3,23). Tin vào danh của Con Một Thiên Chúa tức là liên kết với Chúa
Giê-su, nhìn nhận và kêu cầu quyền năng của Người. Chỉ nhờ Danh Chúa
Giê-su, loài người mới được ơn cứu độ (x. Pl 2,9-11; Cv 10,43). Trái
lại, những kẻ không tin vào Danh Người thì đã bị kết án.
4. HỎI ĐÁP:
- HỎI 1) Chúa
Giê-su đã dạy thế nào về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi?
ĐÁP:
+ Trong Tin Mừng Gio-an, Đức Giê-su đã nói nhiều về
mối liên hệ mật thiết giữa Người với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần sau
bữa tiệc ly Vượt Qua (x. Ga 14.15.16.17).
+ Tin Mừng Mát-thêu ghi lại lời Đức Giê-su mặc
khải rõ nhất về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trước khi lên trời: “Vậy
anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho
họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (x. Mt 28,19). Tin
Mừng Mát-thêu cũng ghi lại cuộc thần hiện tại sông Gio-đan như sau: “Khi
Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng
trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu
và ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con
yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17). Tiếng phán, Đức
Giê-su và chim bồ câu là biểu tượng của Ba Ngôi Thiên Chúa.
+ Thánh Phao-lô cũng dạy về mầu nhiệm Một Chúa Ba
Ngôi trong lời nguyện chúc sau: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy
tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và
ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen” (2 Cr 13,13).
+ Tin Mừng Lu-ca và sách Công Vụ Tông Đồ lại trình
bày lịch sử cứu độ theo chiều kích Ba Ngôi như sau: Thời Cựu Ước là
kỷ nguyên của Chúa Cha, thời cứu thế rao giảng Tin Mừng là kỷ nguyên
của Chúa Con, và thời Giáo Hội được khai sinh và phát triển đến Rô-ma,
hay đến “tận cùng thế giới” là kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần.
- HỎI 2) Mầu
nhiệm Một Chúa Ba Ngôi được Thánh Kinh trình bày như mầu nhiệm Tình
Yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa ra sao?
ĐÁP:
+ Chúa Cha hằng hữu đã sinh ra Chúa Con từ trước khi
có thời gian (x. Tv 2,7).
+ Chúa Cha yêu mến Chúa Con và ban cho Chúa Con mọi
quyền xét xử (x. Ga 5,20.22). Chúa Con chính là hình ảnh của Chúa Cha.
“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9-10). “Thầy ở trong Chúa Cha và
Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,11). “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30).
Chúa Giê-su luôn vâng phục và làm theo thánh ý Chúa Cha (x. Ga 5,19).
+ Chúa Thánh Thần là Tình yêu hiệp thông giữa Chúa
Cha và Chúa Con (x. Ga 15,26).
- HỎI 3) Ta
có thể dùng một số hình ảnh nào để minh họa về mầu nhiệm Một
Chúa Ba Ngôi ?:
ĐÁP:
+ Nhà thần học PHĂNG-SÍT (Frank Sheed) đã dùng
hình ảnh mưa rơi để giúp người ta hiểu phần nào về mầu nhiệm đơn
nhất và đa dạng của Chúa Ba Ngôi khi nói rằng: “Nước đang mưa đây đích
thực là nước, nhưng có thể xuất hiện bằng ba dạng khác nhau là:
dạng hơi nước, dạng băng đá và dạng nước thường như ta thấy”.
+ Thánh I-nha-xi-ô một lần kia trong lúc cầu nguyện
bỗng nhận ra “ba nốt nhạc có thể làm thành một hợp âm duy nhất”
cũng giống như Ba Ngôi hiệp nhất trong một bản thể duy nhất.
+ Thánh Pa-tríck thường dùng hình ảnh lá cây tam
diệp thảo do ba lá nhỏ ghép lại thành một lá lớn.
+ Có người lại dùng một hình tam giác đều có ba
cạnh ba góc bằng nhau để diễn tả mầu nhiệm này.
+ Ngòai ra chúng ta cũng có thể dùng hình ảnh sau
đây để minh họa phần nào về mầu nhiệm này như sau: Một người đàn ông khi
lập gia đình và có con thì tuy anh ta chỉ là một người, nhưng đóng ba vai trò
khác nhau: Là cha của đứa con, nên anh được con gọi “Bố ơi”; Là con của bố mẹ.
nên anh được bố mẹ gọi “Con ơi”; Là chồng của vợ, nên anh được vợ gọi “Mình
ơi”.
- HỎI 4) Ba
Ngôi Thiên Chúa làm gì cho chúng ta ?
ĐÁP:
+ Thiên Chúa Cha (Ngôi thứ Nhất) đã sáng tạo nên
vũ trụ vạn vật. Đặc biệt loài người đã được Thiên Chúa tạo thành theo
hình ảnh của Người và có hồn thiêng bất tử và có tình yêu thương (x.
St 1,37).
+ Khi nguyên tổ loài người nghe theo ma quỷ cám dỗ
mà phạm tội không vâng lời ăn quả cây trái cấm nên phải mang án chết như
lệnh Chúa truyền: “Ngày nào ngươi ăn trái này thì ngươi sẽ phải chết”. Nhưng
khi nguyên tổ phạm tội ăn trái cấm và sẽ phải chết, thì Thiên Chúa đã hứa ban Chúa Con (Ngôi
thứ Hai) xuống thế để cứu chuộc loài người khi đề cập đến “Dòng dõi
người nữ sẽ đạp nát đầu con rắn ma quỷ”. Người dòng dõi ấy là Chúa Giê-su.
Chúa Giê-su được Chúa Cha sai đến cứu độ loài người, bằng việc mở ra
con đường về trời là đạo Công giáo. Người đi rao giảng Tin Mừng Nước
Trời trong 3 năm để dạy loài người nhận biết tôn thờ và sống hiếu thảo
với Thiên Chúa. Cuối cùng, Người đã vâng ý Chúa Cha đi con đường
"Qua đau khổ vào vinh quang", là chịu chết trên thập giá để
đền tội thay loài người và ngày thứ ba sống lại để cứu độ loài
người.
+ Sau khi sống lại, Chúa Giê-su Phục Sinh đã hiện ra
thổi hơn ban Thần Khí hay Thánh Thần (Ngôi thứ Ba) cho các Tông đồ. Thánh
Thần là Đấng Bảo Trợ khác, là Thần Chân Lý, do Chúa Cha sai đến để
thay Chúa Giê-su tiếp tục dạy dỗ các môn đệ (x. Ga 14,16). Trong thời
Cựu Ước, Thánh Thần đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy loài người.
Đến thời Tân Ước, Thánh Thần đã lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên
Đức Giê-su sau khi Người chịu phép Rửa tại sông Gio-đan, để tấn phong Người
làm Đấng Thiên Sai (x Mt 3,16-17). Sau đó, Thánh Thần hướng dẫn Đức
Giê-su vào sa mạc để chịu ma quỷ thử thách cám dỗ (x Mt 4,1-11), rồi Người
đi khắp nơi rao giảng Tin mừng Nước Trời (x Mt 4,17). Thánh Thần cũng
làm cho Đức Giê-su từ cõi chết sống lại. Vào chiều ngày phục sinh, Chúa
Giê-su đã hiện ra sai các Tông đồ tiếp tục thi hành sứ mạng cứu độ của Người
và thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông kèm theo quyền tha tội (Ga
20,20-23).
+ Vào lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần lại hiện xuống
trên cộng đoàn Hội Thánh Sơ Khai dưới dạng cơn gió mạnh ào vào nhà nơi
các Tông đồ đang cầu nguyện và làm xuất hiện trên đầu mỗi vị một hình
lưỡi lửa (x Cv 2,1-4). Từ đây Thánh Thần luôn hiện diện trong Hội
Thánh để thánh hóa các tín hữu qua các phép bí tích Hội Thánh cử hành,
giúp các Mục Tử chu toàn sứ mệnh chăm sóc đoàn chiên và làm chứng nhân
cho Người đến tận cùng thế giới (x. Ga 15,26).
II. SỐNG LỜI
CHÚA
1. LỜI CHÚA:
“Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết
Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa
là tình yêu” (1 Ga 4,7-8).
2. CÂU CHUYỆN:
1) THẾ NÀO LÀ
TÌNH YÊU TỘT ĐỈNH ?
Thánh MÁC-XI-MI-LI-EN KON-BÊ thụ phong linh mục năm 1918.
Cha đã bị Đức Quốc Xã bắt ngày 17.2.1941 và bị giam trong trại tập trung
Auschwitz. Đây là nhà tù đáng sợ nhất vì có mọi hình phạt dã man dành cho các
tù nhân. Tù nhân không được mang tên của mình mà phải mang một con số. Cha
Maximilien Kolbe mang số tù là 16.670. Tại nhà tù này, Đức quốc xã đã đưa ra
một quy định bất công: Nếu một tù nhân trốn trại, thì mười tù nhân khác sẽ phải
chịu chết thay cho anh ta.
Vào một đêm tháng 8.1941, một tù nhân đã vượt ngục thành
công. Thế là sáng hôm sau mười người khác đã được chỉ định phải chết thay.
Trong số mười người này có một người tù tên là GAJOWNICZEK. Khi bị gọi tên, anh
ta đã khóc lóc thảm thiết thương cho mẹ già, vợ dại, con thơ từ nay không còn ai
chăm sóc nuôi dưỡng. Trước cảnh tượng đó, do đức bác ái thôi thúc, Cha Kolbe đã
tình nguyện xin được chết thay cho người tù kia. Được chấp nhận, cha cùng đoàn
tử tù bước vào phòng hơi ngạt số 14. Sau ít ngày, người ta mở cửa ngục để lôi
xác mười người đã bị chết đói ra ngoài. Riêng cha Maximilien Kolbe vẫn còn thoi
thóp thở, người ta chích cho ngài một mũi thuốc ân huệ. Cha tắt thở đúng vào
chiều ngày áp lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời 14.8.1941.
Trong lễ phong thánh cho chân phước Kolbe do Đức Thánh
Cha Phao-lô VI cử hành, một cụ già trong đoàn người dâng lễ vật hôm ấy đã được Đức
Thánh Cha ôm hôn. Đó chính là người tù đã được cha thánh Kolbe chịu chết thay.
Trong giây phút trang trọng ấy, toàn thể cộng đoàn sốt sắng hát bài thánh ca:
“không có tình yêu nào trọng đại cho bằng chết vì người mình yêu”. Đây là chứng
tích một tình yêu cao cả khiến mọi người hiện diện đều xúc động rơi lệ.
2) TÌNH THƯƠNG
THỂ HIỆN QUA LÒNG THƯƠNG XÓT:
Một người cha hứa cho cô con gái 12 tuổi một số tiền với
điều kiện cô phải xén sạch đám cỏ dại ở sân trước nhà. Cô bé vui vẻ mang máy
cắt cỏ ra làm việc. Đến chiều, cả đám cỏ đã được cắt xén gọn gàng – nhưng vẫn vẫn
còn một mảng nhỏ sót lại ở góc sân vẫn chưa được cắt. Cha của em đã không trả
số tiền như đã hứa vì công việc chưa hoàn thành. Cô bé nhất định không chịu cắt
nốt mảng cỏ còn lại và sẵn sàng chịu mất số tiền công. Tò mò muốn biết lý do,
ông bố đến gần mảng cỏ kiểm tra thì phát hiện ra có một chú cóc đang ung dung
ngồi ở giữa mảng cỏ ấy! Thì ra cô bé vì quá thương con cóc, nên đã không nỡ đưa
lưỡi dao xén nốt đám cỏ ấy.
Câu chuyện trên phần nào diễn trả tình yêu của thiên Chúa
(1 Ga 4,8). Thiên Chúa không nỡ hủy diệt loài người tội lỗi, nên đã sai con Một
xuống thế làm người, chịu chết đền tội thay và sống lại để ban ơn cứu độ loài
người. Người cũng cử Thánh Thần đến thánh hóa loài người, biến họ nên Con Thiên
Chúa để xứng đáng được vào Nước Trời. Vì thế, lễ Chúa Ba Ngôi cũng nhằm tôn
vinh tình yêu của Thiên Chúa.
3) MẸ SẴN SÀNG HY
SINH CHỊU CHẾT ĐỂ CON ĐƯỢC AN TOÀN:
Ngày 20.06.1980, chị Brown, một người mẹ trẻ vừa từ trần
vì chứng bệnh ung thư khi mới 25 tuổi. Các bác sĩ đề nghị chữa trị bằng quang
tuyến X, nhưng vì chị muốn cho bào thai đang mang trong bụng không bị nhiễm
chất phóng xạ, nên đã từ chối. Chị thà bị chết vì ung thư hơn là được chữa trị
bằng bằng quang tuyến X, sẽ ảnh hưởng nặng nề đến đứa con trong bụng sắp chào
đời.
Cuối cùng, chỉ 5 giờ trước khi chết, chị đã sinh được một
cháu trai mạnh khỏe, kháu khỉnh. Bản tin của hãng AP nói rằng: ”Vào mấy ngày
cuối cuộc đời, dù biết mình sắp bị tử thần đánh bại, nhưng chị vẫn tin tưởng
thế nào cũng sinh được một đứa con không bị nhiễm phóng xạ”. Bác sĩ Ronald
Lapin gọi cái chết của chị Brown là “Cái chết của tình mẫu tử, dám hy sinh mạng
sống cho đứa con, dù chưa một lần thấy mặt”.
4) PHỤC VỤ VÔ
VỤ LỢI LÀ PHƯƠNG THẾ ĐỂ DIỄN TẢ TÌNH YÊU THIÊN CHÚA:
Một bà kia không biết tình yêu là gì. Bà không tin vào
Thiên Chúa, từ nhỏ đến lớn bà đã sống trong cảnh mồ côi nghèo khổ và bị mọi
người đối xử bất công, đến nỗi bà thù ghét mọi người và ngược lại mọi người chung
quanh cũng ghét bỏ bà. Một lần kia, cha sở đến thăm bà và nói về tình thương
của Thiên Chúa. Nhưng bà bảo:
- Tôi không hiểu ông nói gì. Chưa hề có ai yêu thương tôi
và tôi cũng không hiểu yêu thương là gì nữa.
Cha sở về lại nhà xứ và cầu nguyện liền mấy ngày rồi sau
đó nảy ra ý này: ngài mời nhóm Tông đồ trong xứ kể cho họ nghe câu chuyện này.
Rồi đề nghị mọi người giúp cho bà ấy hiểu được thế nào là tình yêu của Thiên Chúa,
bằng cách thay phiên nhau đến giúp đỡ phục vụ bà, để bà thấy mình vẫn được nhiều
người yêu thương giúp đỡ.
Mấy tháng sau, một ngày kia, khi cha sở lại thăm thì bà
xúc động rướm nước mắt:
- Thưa cha, đến bây giờ thì con đã hiểu yêu thương là gì
rồi. Vậy con có thể xin cha cho con được đón nhận tình yêu của Thiên Chúa hay
không?
3. SUY NIỆM:
1) THIÊN CHÚA
LÀ TÌNH YÊU:
Yêu thương không chỉ là cho đi nhưng còn là nhận lãnh.
Muốn cho đi, cần phải có đối tượng nhận lãnh. Muốn nhận lãnh cũng đòi phải có
người cho đi. Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên Thiên Chúa không đơn độc nhưng có Ba
Ngôi để có thể vừa cho vừa nhận.
- Tình yêu của
Chúa Cha : Chúa Cha ban cho Chúa Con tất cả
những gì mình có: “Mọi sự của Cha đều là của Con”. Chúa Con chính là hình ảnh của
Chúa Cha như Chúa Giê-su nói: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy, Thầy và
Cha là một”.
- Tình yêu của
Chúa Con: Vì yêu Chúa Cha, nên Chúa con dâng
lại cho Chúa Cha tất cả những gì mình đã nhận trong sự khiêm hạ và hoàn toàn
vâng phục Chúa Cha, như thánh Phao-lô viết: “Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên
thập giá”. (Pl 2,8).
- Tình yêu rộng
mở: Tình yêu không chỉ đóng khung trong
Ba Ngôi, nhưng đã được biểu lộ qua công trình sáng tạo vũ trụ vạn vật và chương
trình cứu độ loài người.
2) SỐNG YÊU
THƯƠNG NOI GƯƠNG THIÊN CHÚA:
Để nên con Thiên Chúa, mỗi tín hữu chúng ta hãy sống cụ
thể giới răn mến Chúa yêu người như sau:
a- Thể hiện
tình yêu đối với tha nhân giống như Thiên Chúa đã yêu chúng ta: Tin Mừng hôm nay cho biết Tình yêu thực sự cần có
các đặc tính giống như tình yêu của Thiên Chúa như sau:
+ Tình yêu
dâng hiến: “Thiên Chúa yêu thế gian đến
nỗi đã ban Con Một Người đến trần gian để hy sinh mạng sống cho đoàn
chiên” (Ga 3,16a; 10,11). Vậy tình yêu của bạn dành cho tha nhân thế nào
? Bạn có dám hy sinh chịu thiệt vì người mình yêu không ?
+ Tình yêu vị
tha: Tình yêu chân chính luôn tìm
làm cho người yêu vui vẻ hạnh phúc như Chúa Giê-su đã phán: “Ta đến để
cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Bạn có yêu cha mẹ và
người thân noi gương Chúa Giê-su không ?
+ Một tình
yêu cao cả: Thánh Gio-an viết: “Thiên Chúa
đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4,19). Thiên Chúa yêu chúng ta không
phải vì chúng ta đáng yêu, nhưng như thánh Phao-lô đã dạy: “Đức Ki-tô đã
chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những tội nhân” (Rm 5,8).
Cũng vậy, chúng ta phải yêu mọi người, nhất là những người tàn tật,
cô đơn, tội lỗi, và yêu cả những kẻ thù ghét làm hại mình (x. Lc
6,27-42). Thánh Phao-lô dạy: “Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất
cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7). Còn tình yêu của bạn đối với tha
nhân như thế nào ?
+ Một tình
yêu tôn trọng: Tình yêu của Thiên Chúa không
chiếm hữu hay cầm tù người yêu nhưng luôn tôn trọng tự do của lòai người
chúng ta: “Ai tin thì được sống đời đời. Còn kẻ không tin thì đã bị
kết án”. Còn tình yêu của bạn dành cho người khác có sự tôn trọng và tin
tưởng không ? Bạn có ghen tuông và cấm người yêu gặp gỡ tiếp xúc với người khác
không ?
b- Sống tình
mến Chúa:
Mỗi ngày hãy làm dấu thánh giá để tuyên xưng đức
tin vào mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, rồi dành ba phút để cầu nguyện với
từng Ngôi trước khi đi ngủ như sau:
+ Phút thứ
nhất: Nghĩ đến những ơn lành hồn xác
Thiên Chúa đã ban cho mình, và dâng một lời để tạ ơn Chúa Cha.
+ Phút thứ
hai: Xét mình để biết điều sai lỗi trong ngày. Chẳng hạn: Đã tỏ thái độ dửng
dưng khi thấy người khác bị đau khổ… rồi dâng lời xin Chúa Giê-su tha tội cho
mình và giúp ta sẵn sàng giúp đỡ tha nhân.
+ Phút thứ
ba: Nhớ đến những sự khó khăn ta đang
gặp phải và xin Chúa Thánh Thần ban ơn khôn ngoan để giúp ta giải quyết và
sẵn sàng xin vâng thánh ý Thiên Chúa.
Việc cầu nguyện này bao gồm cả ba phương diện là
tạ ơn, ăn năn sám hối và xin ơn lành hồn xác. Việc cầu nguyện như
thế sẽ giúp ta sống mầu nhiệm Ba Ngôi trong cách suy nghĩ nói năng và
hành động.
c- Thực hành yêu
người cụ thể như sau:
Không chỉ yêu thương bằng lời nói nhưng bằng việc làm cụ
thể theo kinh Thương Người như sau:
+ Thương xác
bảy mối: Cho kẻ đói ăn; Cho kẻ khát uống,
Cho kẻ rách rưới ăn mặc; Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc; Cho khách đỗ nhà; Chuộc
kẻ làm tôi; Chôn xác kẻ chết.
+ Thương hồn
bảy mối: Lấy lời lành mà khuyên người; Mở
dậy kẻ mê muội; Yên ủi kẻ âu lo; Răn bảo kẻ có tội; Tha kẻ dể ta; Nhịn kẻ mất
lòng ta; Cầu cho kẻ sống kẻ chết.
TÓM LẠI: chúng ta sẽ xa lạ với Thiên Chúa nếu
chúng ta không sống tình yêu thực sự với tha nhân như thánh Gio-an đã
viết: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là
tình yêu” (1 Ga 4,8). Ước gì cuộc đời chúng ta sẽ thấm đượm tình yêu,
để mọi việc chúng ta làm đều bắt nguồn từ tình yêu và qui hướng về
tình yêu,
4. THẢO LUẬN:
Noi gương Tình
yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, bạn quyết tâm làm gì để sống tình mến Chúa yêu
người ?
5. CẦU
NGUYỆN:
LẠY CHÚA BA NGÔI LÀ TÌNH YÊU hoàn hảo. Xin hãy biến
đổi trái tim sơ cứng như đá của chúng con thành trái tim bằng thịt
biết yêu thương. Xin dạy chúng con yêu thương mọi người, biết sống nhờ
và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.
Xin cho chúng con luôn nhìn thấy Chúa Giê-su đang ở trong chúng con và
trong mọi người. Nhờ tình yêu Chúa thôi thúc, chúng con hy vọng sẽ
trở nên con thảo của Chúa Cha và nên anh chị em của mọi người.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI
CHÚNG CON
LM ĐAN VINH
- HHTM