CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN

Anh em đừng sợ…

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Gr 20:10-13;  Rm 5:12-15;  Mt 10:26-33)

          Trong Chúa Nhật tuần trước, Lời Chúa đã nói với chúng ta về lương thực thần linh là Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô cần thiết cho hành trình đức tin của Ki-tô hữu.  Chúng ta không sợ đói khát, nhưng có thể vẫn còn có những sợ hãi khác nữa.  Đây chính là sứ điệp Phụng vụ Lời Chúa muốn mượn lời Chúa Giê-su để gửi đến chúng ta:  Anh em đừng sợ… Trước nguy hiểm kẻ thù tìm cách hãm hại, ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã sợ hãi, nhưng ông vẫn an nhiên tự tại vì tin Thiên Chúa lúc nào cũng ở bên ông (bài đọc 1).  Thánh Phao-lô cũng nhắc đến sự sợ hãi của toàn thể nhân loại trước cái chết do tội lỗi gây nên cho mọi người, nhưng ngài khẳng định rằng “ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (bài đọc 2).  Mạnh mẽ nhất vẫn là điều Chúa Giê-su dạy các môn đệ và chúng ta:  Anh em đừng sợ bất cứ ai và bất cứ điều gì, nhưng hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục (bài Tin Mừng).

          1.  Đừng sợ, vì “Thiên Chúa giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay người hung ác”.  Ai trong chúng ta mà không ít nhiều sợ kẻ hung ác, vì nó có thể làm hại mạng sống mình bất cứ lúc nào?  Ngôn sứ Giê-rê-mi-a cũng vậy thôi.  Ông  thuộc hàng tư tế ở A-na-thốt đất Ben-gia-min, được Thiên Chúa gọi làm ngôn sứ và thi hành sứ vụ dưới ba triều vua xứ Giu-đa cho tới khi Giê-ru-sa-lem bị lưu đày.  Ngôn sứ được Thiên Chúa gọi thường thoái thác lúc ban đầu, nêu lý do này nọ.  I-sai-a thì thưa rằng môi miệng mình ô uế, không xứng đáng “nói thay” Chúa.  Người sai thiên sứ gắp cục than hồng để lên môi ông mà thanh tẩy (Is 6:7)!  Còn cậu Giê-rê-mi-a thì nại rằng mình còn quá trẻ.  Không sao!  Thiên Chúa bảo ông:  “Đừng nói ngươi còn trẻ!”  Rồi Người giơ tay chạm vào miệng ông và phán:  “Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi”.  Giê-rê-mi-a ra đi, nói những lời Thiên Chúa cảnh cáo dân nước Giu-đa về số phận vương quốc này sẽ bị xâm lăng và phát lưu, rồi ông kêu gọi họ hãy trở về với Thiên Chúa.  Mà lời nói phải thì khó nghe, nên các nhà lãnh đạo cho đến dân chúng đều chống lại ông, họ còn tìm cách giết ông nữa.  Nhưng Giê-rê-mi-a vẫn không… sợ, vẫn tiếp tục sứ vụ.  Họ gọi ông là lão “Tứ phía kinh hoàng” vì ông toàn nói những điều gở về họ.  Tại sao ông gan lì được như thế?  Là vì ông tin “Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng!”  Đúng vậy, Thiên Chúa lúc nào cũng là một trang chiến sĩ oai hùng ở bên cạnh chúng ta.  Cho nên có Chúa ở cùng tôi, tôi sợ gì?  Có Chúa bênh vực tôi, tôi khiếp gì ai nữa?  Giống như Giê-rê-mi-a, chúng ta đều là những “kẻ cơ bần” trước mặt Chúa, cần đến ơn phù trợ của Người.

          2.  Đừng sợ, vì “sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa”.  Sau khi bất tuân lệnh của Chúa và phạm tội, A-đam trở nên sợ hãi, đến nỗi ông phải kết lá làm khố che thân khi nghe tiếng Chúa đến trong vườn (St 3:7).  Lỗi lầm của nguyên tổ đã đem cái chết đến cho nhân loại, vì cái chết là “lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta” (Rm 6:23).  Đây không hẳn chỉ là cái chết thể xác mà cả cái chết của linh hồn nữa.  Nhân loại quả thực ở trong nỗi tuyệt vọng không ai cứu nổi.  Nhưng may mắn thay, tình yêu vô bờ của Thiên Chúa đã cứu chúng ta:  “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để tất cả những ai tin vào người Con ấy sẽ được cứu độ” (Ga 3:16).  Trong đoạn thư Rô-ma, thánh Phao-lô đã so sánh giữa Chúa Giê-su (A-đam Mới) với nguyên tổ A-đam và cho thấy hoàn toàn có sự trái ngược.  Vì A-đam, tội lỗi và sự chết thống trị nhân loại, thì trái lại, nhờ Chúa Ki-tô, tội lỗi và sự chết đã bị đánh bại.  Vì lỗi lầm của A-đam, loài người mất ơn nghĩa làm con của Thiên Chúa, thì nhờ cái chết của Chúa Ki-tô, chúng ta được phục hồi chức phận con cái Thiên Chúa.  Tóm lại, “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5:20).  Chúa Ki-tô chính là Ân Sủng của Thiên Chúa ban cho chúng ta là những kẻ tội lỗi.  Cho nên, ta đừng sợ!

Sống sứ điệp Lời Chúa

          3.  Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn.  Có lẽ ta nên trở lại hoàn cảnh lịch sử khi thánh Mát-thêu ghi lại lời Chúa Giê-su vừa phán.  Cuộc bách hại Ki-tô hữu đã bắt đầu ngay thời các tông đồ.  Trước cuộc bắt bớ khốc liệt, dĩ nhiên các Ki-tô hữu đã sợ hãi và nhiều người đã chạy trốn tản mát khắp nơi.  Đó là lý do thánh sử đã lập lại lời căn dặn của Đức Ki-tô, vị Tử Đạo Tiên Khởi chịu chết trên thập giá:  Anh em đừng sợ…, nhưng hãy công bố Tin Mừng “giữa ban ngày” và “lên mái nhà mà rao giảng”.  Ngoài ra Chúa còn kêu gọi ta hãy sợ và phụng sự “Cha của Thầy” và cũng là “Cha anh em”.  Người bảo đảm Chúa Cha sẽ quan phòng gìn giữ chúng ta, vì chúng ta có giá trị vô cùng lớn lao đối với Chúa Cha.  Để đan cử giá trị này, Chúa Giê-su so sánh chúng ta với muôn vàn… chim sẻ!  Chúng ta đừng vội cười vì óc thực tế của Chúa.  Chúa không đánh giá chúng ta bằng giá trị chim sẻ đâu, nhưng so sánh sự chăm sóc Chúa Cha dành cho ta với sự chăm sóc Chúa Cha dành cho chim sẻ.  Sở dĩ chúng ta có giá trị đối với Chúa là vì căn cứ vào sự chăm sóc Chúa Cha dành cho ta.  Chim sẻ mà Chúa Cha còn chăm sóc, vậy nếu chúng ta “quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” thì Chúa Cha sẽ chăm sóc ta đến cỡ nào đây?  Không thể tưởng tượng nổi chứ!  Vậy bạn và tôi, trước thế giới đe dọa hôm nay, chúng ta đừng sợ, nhưng hãy tin vào tình yêu Thiên Chúa.

 

      Lm. Đa-minh Trần đình Nhi       


Suy Niệm Lời Chúa Năm A