Dụ Ngôn Của Chúa Kitô Không Phải Là Mật Mã Mà Là Kêu Gọi Hoán Cải.

Trong bài đọc cho Chủ nhật, ngày 12 tháng 7 năm 2020

Ngày 10 tháng 7 năm 2020 - Carl E. Olson

Bài đọc :
• Isaia 55: 10-11
• Thánh Vịnh 65:10, 11, 12-13, 14
• Rôma 8: 18-23
• Mátthêu 13: 1-23

 

Dụ ngôn nổi tiếng về hạt giống và người gieo giống là dụ ngôn đầu tiên trong bẩy dụ ngôn trong Tin Mừng theo Thánh Mátthêu chương 13. Chúng được gọi là Bài giảng các Dụ ngôn (Mt 13: 1-53), và nói chung, bài giảng này là Bài giảng tuyệt vời thứ ba được ghi lại trong Tin mừng đầu tiên, hai bài trước là Bài giảng trên Núi (Mt 5-7) và Bài giảng Truyền giáo (Mt 10: 5-42).

Có khoảng bốn mươi dụ ngôn trong các Tin mừng Mátthêu, Máccô và Luca (Tin mừng thứ tư không có dụ ngôn), và mỗi câu đều diễn tả một số chân lý về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, là trái tim của lời rao giảng của Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu nói với các môn đệ chúng truyền đạt, “các mầu nhiệm về Nước Trời”, và có nghĩa là soi sáng cho những người nghe bằng đức tin, trong khi làm nản lòng những người không có đức tin, “bởi vì họ nhìn nhưng không thấy và nghe nhưng không hiểu”.

Tuy nhiên, các dụ ngôn không phải là mật mã cho một lựa chọn nhất định, nhưng là những lời kêu gọi thách thức hoán cải. Các dụ ngôn, Erasmo Leiva-Merikakis giải thích, “là phương tiện đã được lòng thương xót của Thiên Chúa sử dụng để đạt chạm đến những người chậm hiểu và cứng lòng, để đem lại cho họ một điều gì đó mà họ có thể nắm bắt được trong quá trình hoán cải”. Các dụ ngôn tiết lộ bằng cách che giấu, và khi làm như vậy chúng kiểm tra sự khiêm nhường và sự sẵn lòng của chúng ta để thực sự nghe và biết Lời Chúa.

Bốn dụ ngôn đầu tiên trong Mátthêu chương 13 (1-43) tập trung vào cách Nước Trời phát triển như thế nào và sức mạnh biến đổi của Lời Chúa mang lại sự tăng trưởng siêu nhiên như vậy. Ba dụ ngôn cuối cùng (44-50), liên quan đến sự lựa chọn hoàn toàn và dứt khoát theo yêu cầu của thực tại Nước Trời, đòi hỏi một sự cam kết đầy đủ của trái tim, linh hồn và tâm trí.

Bài đọc hôm nay của tiên tri Isaia mô tả sự tốt lành của Thiên Chúa thể hiện rõ như thế nào trong mưa và tuyết tưới tắm cho trái đất, như thế cung cấp phương tiện cho sự sống tự nhiên - hạt giống và bánh mì – của mọi người. Tương tự như vậy, lời của Thiên Chúa đến với tất cả mọi người và lời đó “sẽ không trở lại với tôi vô ích”. Vì vậy, lời của Thiên Chúa được ví như một hạt giống; tương tự như vậy, Chúa Giêsu đã tạo ra một mối liên hệ trực tiếp giữa hạt giống và “lời của Nước Trời”. Hạt giống được gieo không chỉ là một tập hợp các lời về Nước Trời, mà là Lời được Chúa Cha sai đến để ngự giữa loài người. Dĩ nhiên, đây là sự Nhập thể, là việc giáng lâm của Logos, hay Ngôi Lời, vào trong trong thế gian (Gioan 1: 9-18).

Hạt giống này cũng là toàn bộ những lời giảng dạy của Ngôi Lời Nhập Thể, cũng như “tin mừng” về sự cứu rỗi và phục sinh của Ngài, qua đó Nước Trời được thiết lập và mặc khải. Hiến chế tín lý của Công đồng Vatican II về Giáo hội tuyên bố, “Triều đại này tỏa chiếu trước mặt mọi người qua lời nói, hành động và sự hiện diện của Đức Kitô. Thật vậy, Lời Chúa ví như hạt giống gieo trong ruộng (x. Mc 4,14): ai tin tưởng lắng nghe và gia nhập đoàn chiên nhỏ bé của Đức Kitô (x. Lc 12,32), thì đã tiếp nhận triều đại ấy; rồi hạt giống tự sức nẩy mầm và lớn lên cho đến mùa gặt (x. Mc 4,26-29)”.

Hiến chế ghi chú thêm, “Đang lúc dần dần phát triển tới mức trưởng thành, Giáo Hội khát mong vương quốc ấy được thành toàn, ngập tràn hy vọng và ao ước được kết hợp với Vua của mình trong vinh quang”. (đoạn 5).

Dụ ngôn hạt giống và người gieo giống này mô tả sự tăng trưởng chậm và sự căng thẳng của Giáo hội trên trần gian này. Con đường là thế giới, đã sa ngã và rạn nứt, chứa đựng mọi loại phiền nhiễu và cám dỗ. Nó chứa đựng nhiều đất sỏi đá và nhiều gai góc. Công trình sáng tạo, như Thánh Phaolô đã quan sát thấy, “đã trở nên vô ích”, mong muốn “được thoát khỏi sự nô lệ hư nát”.

Nhưng thế giới cũng là một nơi của sự lựa chọn đích thực và là nơi cho cuộc sống mới của những người tiếp nhận hạt giống. Chúa Giêsu nói những ai thực sự lắng nghe sẽ được chữa lành; theo lời của Thánh Phaolô, họ là những người được dự phần vào “sự tự do vinh quang của con cái Thiên Chúa”.

 

https://www.catholicworldreport.com/2020/07/10/the-parables-of-christ-are-not-secret-codes-but-calls-to-conversion/

 

Phêrô Phạm Văn Trung, chuyển ngữ.


Suy Niệm Lời Chúa Năm A