CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN

Chúa tỏ lòng nhân từ đối với kẻ tội lỗi

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Kn 12:13, 16-19;  Rm 8:26-27;  Mt 13:24-43)

        Khiêm nhường nhận thức thân phận mình tội lỗi, nhưng đồng thời cũng phải biết Chúa là Đấng nhân từ luôn dang tay đón nhận đứa con sám hối trở về, như người cha trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, đó là thái độ căn bản nếu chúng ta muốn nên thánh.  Lòng nhân từ của Thiên Chúa là đề tài được lập đi lập lại trong Kinh Thánh.  Lời Chúa hôm nay cho ta cơ hội chiêm ngưỡng lòng nhân từ ấy.  Sách Khôn Ngoan trình bày dung mạo Thiên Chúa là Đấng “lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản” và Người dạy “người công chính phải có lòng nhân ái” (bài đọc 1).  Thánh Phao-lô diễn tả Thiên Chúa tỏ lòng nhân từ với ta khi Người để Thánh Thần “cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả” (bài đọc 2).  Đặc biệt là các dụ ngôn Chúa Giê-su nói về Nước Trời, dù lớn mạnh như hạt cải nhỏ xíu hay nắm men, nhưng vẫn có kẻ xấu chen lẫn người tốt.  Chúa luôn kiên nhẫn, không tiêu diệt kẻ xấu ngay, đó là dấu nói lên lòng nhân từ vô biên của Người (bài Tin Mừng).

        1.  Chúa lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con.  Sách Khôn Ngoan đã cho chúng ta một hình ảnh tuyệt vời về Thiên Chúa.  Thiên Chúa chúng ta hoàn toàn khác với các thần dân ngoại.  Các thần ngoại thì nghiêm khắc và không hề bỏ qua lỗi lầm của những kẻ thờ phượng chúng.  Tác giả sách Khôn Ngoan hãnh diện về Thiên Chúa của mình.  Ngài ca tụng một việc làm nêu cao lòng nhân từ của Thiên Chúa, đó là:  kẻ có tội được Chúa ban ơn sám hối.  Nếu Thiên Chúa chúng ta chỉ là Đấng “nắm trọn quyền năng, tỏ sức mạnh và trị tội” mà thôi, thì Người đâu khác gì các thần ngoại!  Nhưng Thiên Chúa khác các thần ngoại là vì Người “xử khoan hồng” với chúng ta là kẻ tội lỗi.  Các thần ngoại xét xử theo cách loài người, thường là để tỏ ra uy quyền của mình, chứ không “làm chủ được sức mạnh” và không biết “sử dụng quyền năng” đúng lúc.  Thêm một điểm nữa chứng tỏ Thiên Chúa chúng ta không giống các thần ngoại:  chẳng những Chúa nhân từ với chúng ta mà Người còn dạy ta phải có lòng nhân ái với anh chị em.  Làm gì có thần ngoại nào dạy người ta như thế đâu.  Trước mặt thần ngoại, người có tội không hy vọng được tha thứ mà chỉ sợ hãi chờ đợi hình phạt.  Còn ta là con cái Thiên Chúa thì khác;  trước mặt Cha chúng ta, chúng ta “hy vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối”.  Người không dồn chúng ta vào ngõ cụt hết lối thoát, nhưng mở rộng cánh cửa lòng thương xót để giúp chúng ta sám hối và trở về với Người.

        2.  “Có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn”.  Suy nghĩ về lòng nhân từ của Thiên Chúa, thánh Phao-lô có những suy tư vô cùng độc đáo khi ngài nói lên vai trò của Chúa Thánh Thần.  Nếu Chúa Giê-su đã hành động qua cuộc đời trần thế và cuộc Thương khó để biểu lộ lòng nhân từ của Thiên Chúa, thì Chúa Thánh Thần chính là Đấng tiếp tục sứ mệnh ấy khi Người “giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn”.  Nhìn vào mình, chúng ta phải nhận ra những “yếu hèn” của ta.  Yếu hèn nên dễ dàng sa ngã phạm tội.  Yếu hèn nên “không biết cầu nguyện thế nào cho phải”.  Còn biết bao cái yếu hèn khác nữa mà thánh Phao-lô không muốn nêu ra hoặc không thể kể ra hết được.  Với những yếu hèn ấy, chúng ta chỉ còn biết “rên siết khôn tả” chứ không thể làm được gì hơn.  Đã có lần Phao-lô nghĩ về cuộc chiến nội tâm, ngài cảm thấy dở sống dở chết và kêu lên “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?  Rồi ngài thở phào nhẹ nhõm:  Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Rm 7:24-25).  Phải, nhờ Chúa Ki-tô, Phao-lô đã được giải thoát.  Giờ đây, nghĩ đến những yếu hèn không thể thắng vượt của chúng ta, Phao-lô bảo: “Không sao đâu, anh chị em, vì có Chúa Thánh Thần giúp đỡ ta là những kẻ yếu hèn”!  Như thế, Chúa Thánh Thần chẳng phải là một cách để Thiên Chúa biểu lộ lòng nhân từ đối với chúng ta sao?

        3.  Lòng nhân từ của Thiên Chúa chấp nhận để kẻ xấu chung sống với người tốt.  Khác với lối trình bày của sách Khôn Ngoan và thánh Phao-lô về lòng nhân từ của Thiên Chúa, Chúa Giê-su dùng dụ ngôn nói với chúng ta về lòng nhân từ của Thiên Chúa.  Ngoài hai dụ ngôn nói về sức bành trướng của Nước Trời, Chúa Giê-su kể một dụ ngôn đặc biệt:  ruộng lúa tốt bị kẻ thù lén gieo cỏ lùng vào.  Có nhiều chi tiết lý thú đáng chúng ta suy nghĩ.  Thí dụ tại sao kẻ thù gieo cỏ lùng vào “giữa lúa” chứ không gieo ở bờ ngoài?  Tại sao cỏ lùng xuất hiện “vào lúc lúa mọc lên và trổ bông”?  Tuy nhiên điều Chúa Giê-su muốn chúng ta để ý nhất và hãy suy nghĩ, đó là những lời ông chủ bảo đầy tớ khi anh đề nghị ông cho phép anh đi nhổ cỏ lùng gom lại:  “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.  Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt”.  Rõ ràng các đầy tớ nóng lòng, còn ông chủ lại rất kiên nhẫn.  Ông nhân từ đối với lúa vì sợ nó vô tình bị làm bật rễ.  Nếu chúng ta cho mình là cỏ lùng, ta sẽ hiểu được lòng nhân từ của Chúa, vì sự kiên nhẫn và quảng đại của Người có thể biến đổi ta từ cỏ lùng thành cây lúa đấy!  Sức mạnh biến đổi của tình yêu và lòng Chúa thương xót mạnh lắm!

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Chúng ta hãy đáp lại lời Chúa kêu gọi:  Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6:36).  Đây là cách sống Lời Chúa thực tế nhất và hữu hiệu nhất!

 

 Lm. Đa-minh Trần đình Nhi         


Suy Niệm Lời Chúa Năm A