CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN
Sự phong phú của lương thực thiêng liêng Chúa ban
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Is 55:1-3;
Rm 8:35, 37-39; Mt 14:13-21)
Bậc làm cha mẹ ai chẳng muốn con cái
mình khôn lớn. Họ mong chúng phát huy được
mọi phương diện từ thể chất đến tinh thần.
Những yếu tố góp phần vào sự trưởng thành là ăn uống, trau dồi kiến thức
và tập tành nhân đức. Đó cũng là ước
mong của Thiên Chúa khi Người dựng nên chúng ta. Nếu loài người đáp lại được ước mong ấy, thì
Thiên Chúa mãn nguyện rồi! Tội lỗi đã
làm hư kế hoạch của Chúa, nên Chúa tìm cách khác để tái tạo con người. Ngoài lương thực thể chất, Chúa nhấn mạnh đến
lương thực thiêng liêng, nhất là tình yêu của Người là thần lương đầy tràn và
luôn sẵn sàng cho chúng ta nhận lãnh. Lời
mời gọi của Thiên Chúa qua ngôn sứ I-sai-a cũng như phép lạ bánh và cá hóa nhiều
là những hình ảnh nói lên sự phong phú ấy.
Thánh Phao-lô cũng không quên nhắc nhở ta rằng tình yêu Thiên Chúa đối với
chúng ta được thể hiện rõ ràng qua tình yêu của Chúa Giê-su Ki-tô.
1.
“Tình cho không biếu không”. Đó là câu hát quen thuộc ca ngợi tình
yêu. Đối với Thiên Chúa, tình yêu còn
hơn thế nữa đến nỗi ta không tưởng tượng nổi.
Theo ngôn sứ I-sai-a, chúng ta đều là những kẻ sắp “chết khát” vì không
được yêu thương, nên Thiên Chúa mời gọi ta nhận lấy tình yêu của Người, tình
yêu được ví như là nước, như là sữa và như là rượu để thỏa đáng cơn khát của
ta. Tất cả những thứ giải khát này đều
là miễn phí, không có tiền cũng cứ đến lãnh nhận mà không phải trả đồng
nào! Ý của Chúa muốn nói rằng tình yêu của
Người là thứ tình yêu vô điều kiện, dù chúng ta xấu hay tốt thì Người vẫn yêu
thương ta và muốn giúp ta trở nên những con cái tốt hơn. Vô điều kiện là về phía Chúa thôi, còn phía
chúng ta thì phải tự đặt điều kiện cho chính mình! Chúng ta nói với Chúa rằng điều kiện chúng con
sẽ thi hành là “chăm chú nghe Chúa”. Tại sao chúng ta phải chăm chú nghe
Chúa? Vì có chăm chú lắng nghe, ta mới
biết được Chúa muốn ta đáp lại tình yêu của Người như thế nào. Không lẽ chúng ta chỉ muốn được yêu thương mà
không đáp trả Đấng yêu thương chúng ta sao?
Chúa yêu ta vô điều kiện thì ta cũng phải đáp lại vô điều kiện. Con đường của tình yêu là như vậy đó! Chúng ta chăm chú nghe Chúa thì chưa đủ, mà
còn phải “đến với Chúa” nữa. Tình yêu nào
cũng đưa tới sự kết hiệp. Mà không đến với
nhau làm sao kết hiệp với nhau được?
Chúa và ta cũng không làm khác hơn.
2.
Tình yêu biểu lộ bằng bánh và cá. Trong sách ngôn sứ I-sai-a, tình yêu Thiên
Chúa đã được biểu lộ bằng hình ảnh đồ uống là nước, sữa và rượu, thì trong sách
Tin Mừng, tình yêu ấy được ban tặng qua lương thực bánh và cá. Tình yêu Thiên Chúa, như thánh Gio-an diễn tả,
không phải là thứ tình yêu “đầu môi chót lưỡi”, nhưng là thực qua hành động của
Chúa Giê-su khi Người làm phép lạ bánh hóa nhiều. Lúc nào trong tim Chúa Giê-su cũng tràn đầy
tình yêu, bất chấp vui buồn mệt nhọc.
Bài Tin Mừng hôm nay chứng tỏ điều ấy.
Trước hết Chúa Giê-su nghe tin buồn là ông Gio-an Tẩy Giả bị chém đầu. Kế đến là sự mệt nhọc phần xác vì công việc
rao giảng Tin Mừng và chữa lành. Cho nên
Người muốn “đến một chỗ hoang vắng riêng biệt” để nghỉ ngơi và thầy trò có thì
giờ cho nhau. Vậy mà từ khắp nơi dân chúng lại “đi bộ” kéo đến. Cho nên họ cũng mệt mỏi và đói. Hình ảnh đáng thương ấy không lọt khỏi đôi mắt
“chạnh lòng thương” của Chúa Giê-su. Cuối
cùng Chúa đã dùng một phần lương thực rất nhỏ còn lại của môn đệ để nuôi sống
“số người ăn khoảng chừng năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ em”! Đúng vậy, chính tình yêu của Chúa Giê-su đã
thắng vượt mệt nhọc buồn phiền và bày tỏ qua hành động. Tuy nhiên phép lạ tình yêu này chỉ là hình
bóng của phép lạ tình yêu Thánh Thể. Khi
đưa ra Năm Sự Sáng của chuỗi Mân Côi, thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã để
sự kiện Chúa lập Bí tích Thánh Thể làm mầu nhiệm thứ năm, trọng đại nhất và diễn
tả cao điểm của tình yêu: không những
Chúa chết cho chúng ta mà còn ở lại với ta cho đến ngày tận thế nữa! Từ tình yêu bằng bánh và cá đi tới tình yêu
thí mạng sống mình vì bạn hữu là cả một hành trình nhiệm mầu và vô cùng đáng
yêu vậy.
Sống sứ điệp Lời Chúa
3.
Sức mạnh tình yêu. Nhân loại tốn bao bút mục và lời nói để ca ngợi
tình yêu, nhưng ca ngợi tình yêu và sống bằng tình yêu ấy thì quá hiếm. Thánh Phao-lô là một người trong số hiếm hoi ấy. Ngài dõng dạc tuyên bố: Không một
loài thọ tạo nào có thể tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể
hiện nơi Đức Ki-tô. Chưa từng có một
khẳng định nào về tình yêu của Thiên Chúa ý nghĩa hơn được khẳng định này. Vậy khẳng định này nói lên đặc tính nào của
tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su? Nhiều lắm, không sao kể hết. Chỉ có hành động của Chúa Giê-su mới nói lên
được những đặc tính của tình yêu Thiên Chúa.
Cho nên muốn biết và hiểu tình yêu Thiên Chúa, ta cứ chiêm ngưỡng tình
yêu Nhập Thể. Tất cả chúng ta là khách lữ
hành trần gian đi về thiên quốc. Không kể
đời sống vật chất, chúng ta cần lương thực thiêng liêng là tình yêu Thiên
Chúa. Hôm nay Lời Chúa cho chúng ta một
vài nét thủy mạc về tình yêu Thiên Chúa, không chỉ để ta chiêm ngưỡng thôi, mà
còn giúp ta sống bằng tình yêu ấy nữa.
Châm ngôn của ta là: “Trong mọi
thử thách, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta”.
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi.